Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Dấu ấn chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc hiện đại Việt Nam

Dấu ấn chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc hiện đại Việt Nam

Viết email In

Trong kiến trúc hiện đại thế giới, chủ nghĩa biểu hiện xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX ở châu Âu, nhiều nhất là ở Tây Ban Nha và Đức. 

Tác phẩm nổi bật nhất của trường phái này là nhà thờ Sagrada Familia do KTS Antonio Gaudi thiết kế. Sau khi Gaudi mất trong tai nạn giao thông vào năm 1926, trường phái này yếu hẳn đi dưới áp lực vô cùng mạnh mẽ của trào lưu chủ nghĩa công năng châu Âu với các tên tuổi lừng lẫy như Le Corbusier, Walter Gropius, Mies Van der Rohe... Nhưng khi trào lưu kiến trúc hiện đại (tức chủ nghĩa công năng) bị phản đối trên khắp thế giới thì chủ nghĩa biểu hiện lại trỗi dậy với tên gọi Tân biểu hiện và với những tác phẩm đặc sắc của KTS Eero Saarinen. Trên thế giới xu hướng này đã xuất hiện rất đa dạng nhưng tựu trung đi theo hai hướng khá rõ rệt, một là “thiên nhiên hóa kiến trúc” mà Antonio Gaudi đã thể hiện trong tất cả các tác phẩm của ông như Nhà thờ Sagrada Familia, ngôi nhà Mila, nhà Batllo, công viên Guell... Hướng thứ hai là gây xúc động bằng những đường nét đơn giản, không phức tạp rối rắm nhưng tạo nên những hình khối kỳ lạ như ga hàng không TWA của Eero Saarinen, nhà hát Opera Sydney của Jorn Utzon, nhà thờ Ronchamp của Le Corbusier, thậm chí đường nét rất thanh nhã, đơn giản của Oscar Niemeyer trong các tác phẩm ở Thủ đô Brasilia như Nhà Quốc hội, cung Rạng Đông, nhà thờ Brasilia... 


Nhà thờ Sagrada Bamila, Tây Ban Nha 


Ga hàng không TWA ở New York, Mỹ 


Trong những năm 60 của thế kỷ XX, nước ta chìm trong lửa đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Công cuộc xây dựng ở các tỉnh miền Bắc bị thu hẹp đáng kể. Trong tình hình ấy, lãnh đạo tỉnh Nam Định đề nghị KTS lão thành Nguyễn Cao Luyện thiết kế bảo tàng cổ vật, dự kiến xây dựng trong công viên Tức Mạc ngay trong thành phố Nam Định. 

KTS Nguyễn Cao Luyện đã nghiên cứu thực địa và ông đã đưa ra một bản thiết kế với ý tưởng độc đáo nhân có sự kiện quân dân Nam Định bắn rơi một máy bay Mỹ tại địa điểm cạnh đó. Bảo tàng Cổ vật sẽ có hình dáng một con sư tử, nằm vồ lên một con ó (mảnh đất có hình con chim xòe cánh). Con sư tử là quân dân Nam Định và con ó là lực lượng không quân Mỹ. Với ý tưởng đó, công trình kiến trúc hiển nhiên là một tác phẩm thuộc trường phái nghệ thuật chủ nghĩa biểu hiện.

Đây là công trình kiến trúc theo chủ nghĩa biểu hiện vào đầu những năm 70 của thế kỷ 20 trên đất nước ta. “Con sư tử” dài chừng 30m, nơi cao nhất ở đỉnh đầu khoảng 8 - 9m. Đầu sư tử không giống con sư tử thật mà có vẻ giống đầu lân, đầu sư tử trong dịp tết Trung thu. Mắt là cửa sổ, mình có vằn ngang như những nếp đá của một ngọn núi. Phía đầu cao nhưng từ đầu đến khoảng 12m là lưng sư tử thì chỉ cao khoảng 5-6m. Ở cuối sư tử là hông nằm trên một hồ nước nhỏ. Ở đây có thang leo lên hông rồi lên lưng sư tử. Đường lên lưng có đoạn lỗ hổng lớn, có lan can, đứng ở lưng sư tử có thể ngắm cảnh vật công viên Tức Mạc. Tiếp tục đi lên đầu sư tử, nơi có một hệ thống cửa mái lấy ánh sáng xuống tầng trưng bày phía dưới. Đây là những cửa kính có thể mở ra thông gió được. Cấu tạo chung của tòa nhà như sau: 

- Những buồng của bảo tàng như đón tiếp, phòng trưng bày lớn nhỏ đều được xây bằng gạch tương đối vuông vắn. Trên toàn bộ những buồng này là một hệ thống kết cấu xi măng lưới thép. Tấm kết cấu xi măng lưới thép này như một cái chăn bao phủ lên toàn bộ các buồng ở dưới và dùng để tạo hình nặn nên con sư tử với nhiều nếp gờ nằm ngang ngoằn ngoèo. Trên lớp xi măng lưới thép này trồng cây leo bao phủ công trình. 

- Lối vào bảo tàng là một cửa lớn vuông vắn có mái ôvăng thẳng thắn, hai bên cửa lớn có vạch kẻ vào tường tạo một mảng tường giả đá. 

- Về mặt cấu tạo và chi tiết của công trình còn nhiều điều bất cập. Tuy nhiên, ở đây cần đề cập đến tư tưởng sáng tác và nghệ thuật kiến trúc. 

Về bối cảnh lịch sử, nghệ thuật kiến trúc nước ta từ năm 1955 - 1970: Vào thời điểm này, chúng ta rất nghèo về sắt thép và xi măng nên công trình chủ yếu bằng gạch, bê tông cốt thép rất ít. Nhà tập thể đã được xây dựng khá nhiều công trình lớn bằng gạch từ 3 - 6 tầng mang phong cách tân cổ điển, chúng gần như giống nhau một phong cách. Nhà ở được lắp ghép từ những tấm lớn, được làm hàng loạt giống nhau. 

Như vậy KTS Cao Luyện đã mạnh dạn tìm một con đường mới cho kiến trúc Việt Nam. Ông là người đi đầu dám đưa ra một hướng mới mẻ là tạo hình trong kiến trúc. Công trình này đã gây nhiều tranh luận vì nó quá mới lạ, thậm chí có người muốn phá nó đi. May thay công trình vẫn còn tồn tại, làm chứng tích cho một sự chuyển biến về tư tưởng nghệ thuật và một bước tiến trong tiến trình phát triển kiến trúc hiện đại Việt Nam. 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt, câu chuyện bảo tàng cổ vật ở Nam Định cũng bị quên lãng. 


"Ngôi nhà trăm mái" ở Đà Lạt 

Hai mươi năm sau, vào những năm 90 của thế kỷ XX ở Đà Lạt có hai KTS đi theo hướng chủ nghĩa biểu hiện. Hai KTS Lữ Trúc Phương và Đặng Việt Nga cũng theo hướng “thiên nhiên hóa kiến trúc” của Antonio Gaudi, con đường mà KTS Nguyễn Cao Luyện đã làm - xu hướng gần với nghệ thuật tạo hình. 

KTS Lữ Trúc Phương là tác giả của "Ngôi nhà trăm mái" nổi tiếng gần Đồi Cù Đà Lạt. Ngôi nhà được xây dựng năm 1990 dựa trên một ngôi nhà cũ có hai mái. Tác giả đã dần dần xây dựng thêm 98 mái nữa cùng 50 thang gác nối liền các buồng, các hàng lang tạo nên một “Tổ ấm Âu Lạc” dựa trên truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra trăm trứng sinh 100 con. Ngôi nhà trở thành một nhà nghỉ, một khách sạn đầy hấp dẫn và là một địa chỉ sáng giá cho du lịch Đà Lạt. Khách du lịch trong và ngoài nước đã ca ngợi ngôi nhà trăm mái này bằng những lời trân trọng và nhiệt thành như: “Đây là một tác phẩm rất có giá trị không những của KTS mà còn là một công trình văn hóa đẹp của Đà Lạt và của Việt Nam” (Đặng Thị Hợp - Viện trưởng Viện thiết kế Thủy điện); “Chúng tôi đã tham quan tận cùng thế giới, chưa bao giờ thấy một kiến trúc độc đáp hấp dẫn vô cùng, có thể nói là độc nhất trên thế giới” (Wang - Đài Loan); “Thật khó mà diễn đạt hết được những nét nguyên bản rất độc đáp toát ra từ căn nhà này. Đó là một công trình thật sự vĩ đại của thiết kế kiến trúc” (6/7/1991, Roxby Downs - Australia); “Đây là một ngôi nhà thật sự kinh khủng lần đầu tiên tôi trông thấy. Theo tôi đây là một công trình tuyệt tác” (Aunblies - Paris, Pháp); “Rất nhiều ánh sáng làm nổi bật lên các đường nét kiến trúc. Có lẽ là kỳ quan thứ 9 của thế giới chăng?” (Rosembet - Anh). Cố nhạc sĩ Xuân Hồng viết: “Hy vọng có dịp hình thành những ca khúc về Đà Lạt từ ngôi nhà này”... Nhưng ngôi nhà trăm mái ấy đã bị dỡ bỏ năm 1992 ngược lại mọi lời ca ngợi, nguyện vọng của mọi người. 

Ngôi nhà trăm mái bị phá bỏ, Lữ Trúc Phương không nản chí. Ông lao vào xây dựng “Đường lên trăng” tại một ngôi nhà nhỏ là quán cafe trên đường Phan Bội Châu, Đà Lạt. Quán có kích thước nhỏ 5m x 20m. Thoạt đầu không có gì kỳ lạ ngoài một ít cây cảnh và tượng trưng bày ở lối vào. Nhưng khi chủ nhân Lữ Trúc Phương thắp cây nến dẫn đường đi lên những bậc thang nhỏ quanh co, rồi lại đi xuống những con đường hẹp thì ta như lạc vào một mê cung. Có lần đến trước một ngã ba, bản thân Trúc Phương cũng lưỡng lự không biết đi đường nào. Ngay tác giả công trình cũng do dự thì chúng ta thấy cái mê cung này thú vị biết bao. Đến một cánh cửa như bằng cành cây (bê tông cốt thép tạo hình) mở ra, ta đến một sân nhỏ có bàn ghế đá ngồi chơi ngắm cảnh Đà Lạt từ trên cao. Tác giả cho biết điều tâm đắc nhất trong công trình này là cửa. Những cánh cửa vách đá được điều khiển một cách huyền bí như bởi những câu thần chú trong truyện Alibaba và 40 tên cướp. Ngôi nhà này đang được tiếp tục làm nhưng đã khá đông khách đến vì nó kỳ lạ, hấp dẫn, luôn tạo nên sự ngạc nhiên, xúc động và tác giả luôn gắn các không gian kiến trúc với truyền thuyết dân gian Việt Nam bằng ngôn ngữ điêu khắc. Rất nhiều tượng lẩn quất ở các ngõ ngách, “hốc cây”, “vách đá”. Công trình còn đang tiếp tục hoàn thành theo thiết kế kỳ lạ và rất phong phú của tác giả như: sẽ có một thang máy đi trong lòng các hốc cây, có dòng suối chảy liên tục trên con đường hẻm, có các bậc đá, có những bể cá lạ trong tường... Đến thời điểm này, "Đường lên trăng" đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch. Có một du khách Pháp sau khi tham quan ngôi nhà đã nhìn thẳng vào mắt Trúc Phương mà nói: "Tôi nói ông đừng buồn. Ông đúng là một tên khùng! Nhưng tôi thích cái khùng của ông!”

KTS Đặng Việt Nga, tốt nghiệp Tiến sĩ kiến trúc tại Liên Xô (cũ), từ khi về Đà Lạt đã thiết kế một số công trình đẹp nhưng nổi tiếng nhất và cũng gây sự cố nhất là khách sạn Hằng Nga mà chị đặt cho cái tên là “Ngôi nhà điên rồ” (Crazy House - ảnh bên). 

Năm 1990, bắt đầu từ 6 căn phòng trong các hốc cây làm bằng bê tông cốt thép đến nay đã có trên 10 phòng ngủ, đặc biệt mỗi phòng có một chủ đề: Phòng Phượng hoàng có mô hình chim phượng hoàng lớn, phòng Quả bầu có một quả bầu lớn đồng thời là lò sưởi... Đây là một khách sạn đủ tiện nghi nhưng rất khác thường vì các buồng ở trong hốc cây, có những buồng ở tít trên cao có lỗ cửa sổ nhìn ra phong cảnh Đà Lạt. Những hành lang, những bậc thang gập ghềnh nối tiếp các tầng với nhau, nối cây cổ thụ này với cây bên cạnh. Tại mỗi chỗ dừng chân ta lại thấy một cảnh quan thú vị.

Ngoài hệ thống buồng ngủ có đủ tiện nghi từ giường đệm đến bàn tiếp khách, bàn trang điểm, buồng vệ sinh, bàn làm việc, các lỗ cửa sổ ngắm cảnh, cạnh những “gốc cây” là một khu vườn nhỏ nhưng hấp dẫn như trong truyện cổ tích. Những cây nấm lớn ven đường dạo làm chòi nghỉ chân, một mạng nhện khổng lồ chăng trong vườn càng làm cho khu vườn thêm bí hiểm. Trong vườn có một ngôi nhà nhỏ rất đẹp như ngôi nhà của nàng công chúa ngủ trong rừng - Các cặp uyên ương thường đến đây trong tuần trăng mật. Một ngôi nhà rộng cũng mới hoàn thành, trong có một lò sưởi lớn ở trung tâm. Đây là nơi hội họp được khá đông người, một không gian giao lưu ấm áp thân mật chứa chan tình người.

Trong công trình khách sạn Hằng Nga, tác giả cũng kết hợp kiến trúc với điêu khắc một cách triệt để. Nhiều tượng người và vật được bố trí khắp nơi - hươu cao cổ, hổ, phượng hoàng, mặt người, tố nữ... Trong vườn có một số chuồng chim, thú nhỏ. Khu vườn tuy nhỏ nhưng rất trữ tình, có dòng suối chảy, có cầu bắc qua, có kiot bán đồ lưu niệm, có ghế và bàn để ngồi nói chuyện và giải khát. 

Hai chục năm xây dựng, tác giả đã trải qua bao cơn sóng gió, dư luận chê bai: đây không phải là kiến trúc, đây chỉ là trò đùa của trẻ con, là điên rồ... Nhưng may mắn thay, Crazy House không phải gánh chịu số phận của Ngôi nhà trăm mái mà đã có tiếng vang trên thế giới. Tờ People’s Daily đã bình chọn là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới. Khách du lịch đến đây ngày một đông hơn. Công trình đang được tiếp tục xây dựng.

Hiện nay, ngôi nhà của KTS Đặng Việt Nga đã trở thành một địa điểm giao lưu của giới văn nghệ sỹ Đà Lạt. Nhiều buổi sinh hoạt văn nghệ, thơ ca ở đây đã tụ hội nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi, trong bầu không khí ấm áp tình người, làm cho khung cảnh kiến trúc độc đáo này càng trở nên huyền diệu.

Một du khách nước ngoài đã ghi vào sổ lưu niệm rằng, đây là tòa lâu đài độc đáo, khác thường và hoang tưởng nhất Việt Nam, nếu không nói là của vùng Đông Nam Á. 

Các công trình của Lữ Trúc Phương và Đặng Việt Nga đều tạo cho ta sự kinh ngạc, xúc động với những không gian kỳ lạ từ ngoài vào trong. Chúng ta luôn đi từ kinh ngạc này đến ngạc nhiên khác, đứng ở nơi này nhưng quang cảnh ở nơi kia đang vẫy gọi ta tò mò tìm đến khám phá. Còn cái ẩn dụ thì ngôi nhà trăm mái nhắc đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh trăm con trai. Những không gian khách sạn Hằng Nga luôn nhắc tới nhiều sự tích huyền thoại dân gian Việt Nam. Hơn nữa, một phần lại nói về các cổ tích phương Tây như lâu đài của nàng công chúa ngủ trong rừng. 

Hai KTS này có điểm giống nhau là tha thiết với thiên nhiên. KTS Đặng Việt Nga cho biết, con người đã tàn phá thiên nhiên quá nhiều, nay ta phải lập lại làm cho thiên nhiên đẹp hơn lên, làm cho con người được sống gần thiên nhiên nhiều hơn. Do đó, các căn buồng mang tính chất hốc cây, hang động, trong công trình nơi nào cũng có cây cối và hình ảnh của thiên nhiên như suối, đá nấm, cây hoa, mạng nhện... Xu hướng của hai tác giả là sự “thiên nhiên hóa kiến trúc”, một xu hướng chủ đạo của KTS Antonio Gaudi, một thủ lĩnh vĩ đại của chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc hiện đại thế giới. Cũng như “Lâu đài lý tưởng” của Ferdinand Cheral (Pháp) trên một diện tích hạn hẹp, các tác giả đã tạo được công trình kiến trúc hấp dẫn và trở thành một điểm du lịch lý thú cho công chúng - Một điểm đáng ghi nhận là hai KTS của chúng ta luôn hướng về dân tộc, lấy cảm hứng từ truyền thuyết lịch sử khiến công trình kiến trúc vừa mang tính hiện đại của chủ nghĩa biểu hiện trong trào lưu kiến trúc hiện đại thế giới vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Hai KTS này còn có những phẩm chất đáng quý khác mà những người nghệ sỹ chân chính cần có. Đó là sự đam mê và sáng tạo, không ngừng suy nghĩ để tiếp tục sáng tạo, không thỏa mãn với những gì mình đã làm được mà mong muốn và có kế hoạch phát triển tiếp tục, mở rộng và đi xa hơn nữa. 

Chùa Một cột ở Thủ đô Hà Nội vừa được công nhận là một ngôi chùa độc đáo nhất thế giới. Thực chất đây là một tác phẩm kiến trúc theo chủ nghĩa biểu hiện. Ngôi chùa gây xúc động vì sự độc đáo là đứng trên một cột, nhưng lại có ẩn dụ là một đóa sen vươn lên từ mặt hồ, mang theo câu chuyện về giấc mơ của vua Lý Thái Tông nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm trên tòa sen. Đây là một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc tạo hình có lịch sử gần một ngàn năm nay. Có thể nói, từ xa xưa Việt Nam đã có chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc mà những thực nghiệm của các KTS thời đại chúng ta là sự tiếp nối ngoạn mục cho một phong cách nghệ thuật đầy cá tính và hấp dẫn này. 

PGS.TS.KTS Tôn Đại 

 

Lời bình  

 
0 # NTP 15/03/2013 22:03
đáng tiếc là ngôi nhà 100 mái bị đập không thương tiếc.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo