Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Khảo cổ có cần quy hoạch?

Khảo cổ có cần quy hoạch?

Viết email In

Những tranh cãi chung quanh vấn đề Đàn Xã Tắc trong tháng qua một lần nữa buộc công luận phải đặt ra câu hỏi: Đến bao giờ Hà Nội mới có một bản quy hoạch khảo cổ chi tiết và khoa học? 

Đầu tháng tư, dư luận bắt đầu “nóng” lên khi phương án xây cầu vượt qua khu vực Đàn Xã Tắc (ngã năm Ô Chợ Dừa, Hà Nội) được công bố. Ngay lập tức, với nhiều luồng ý kiến phản biện qua lại, cuộc tranh luận được đẩy tới cao trào, khi giới khảo cổ và các cơ quan thi công đều đưa ra chính kiến riêng. Rằng, nếu thực hiện, chắc chắn cầu vượt sẽ ảnh hưởng tới không gian và một phần móng của cụm Đàn Xã Tắc (hiện đang nằm ngầm dưới mặt đất). Ngược lại, với vai trò là nút giao thông chính trên tuyến đường vành đai một, việc hủy bỏ không triển khai cầu vượt tại vùng không gian hẹp này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới hiện trạng giao thông, cũng như quy hoạch chung của Thủ đô.  


Đàn Xã Tắc. 

Không thể "chữa cháy" mãi

Câu chuyện trên chỉ là thí dụ gần nhất về “độ vênh” giữa ngành khảo cổ và công tác quy hoạch đô thị. Trước đó ba năm, việc thi công cầu vượt tại nút giao thông Văn Cao - Hoàng Hoa Thám cũng đã diễn ra kịch bản tương tự. Sau khi máy xúc cắt vào phần nền đường Hoàng Hoa Thám, một đoạn móng kiến trúc cùng nhiều mảnh gốm sứ cổ phát lộ. Trong khi phía thi công muốn khẩn trương hoàn thành tiến độ công việc, thì Viện Khảo cổ học Việt Nam và các chuyên gia lại vô cùng bức xúc, vì khu vực này được coi là một phần tường của La Thành - vòng thành ngoài cùng của kinh thành Thăng Long thời Lý Trần (thế kỷ X - XIV). 

Thật ra, Đàn Xã Tắc đã khai quật được một phần từ năm 2006, trước khi thi công tuyến đường vành đai một, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Sau một thời gian khai quật, các hố khảo cổ đã được lấp cát lại để bảo tồn theo đúng nguyên tắc của ngành khảo cổ học, đồng thời xây dựng một “đảo giao thông” trồng cỏ xanh, có đặt bia lưu niệm. Khi cuộc tranh cãi phát sinh trong thời gian qua, nhiều chuyên gia văn hóa đã tiếc nuối về việc các cơ quan chức năng không khoanh vùng nghiên cứu và chọn ra một phương án “chuẩn” để cân bằng giữa bảo tồn di tích và phát triển giao thông ngay ở thời điểm đó - thay vì “treo” vấn đề tới tám năm sau, khi thi công tiếp đường vành đai một trong điều kiện giá đất, không gian và mật độ giao thông đã thay đổi rất nhiều. 

Với tốc độ đô thị hóa, mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa sẽ tất yếu diễn ra. Bởi thế, việc xây dựng quy hoạch khảo cổ, để chuẩn bị các phương án bảo tồn, cũng như điều chỉnh trục giao thông hay hướng phát triển đô thị luôn là vấn đề được các nước phát triển trên thế giới quan tâm và tiến hành từ rất sớm. 

“Nếu Hà Nội có một bản quy hoạch khảo cổ, chắc chắn những trường hợp khai quật theo kiểu chữa cháy sẽ giảm đi rất nhiều” - GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét. “Khi đó, chúng ta sẽ không phải chứng kiến cảnh lãng phí tiền đầu tư, lãng phí thời gian một cách khủng khiếp để chờ giải quyết tình trạng đào đâu đụng đó như hiện nay. Và với việc dựa trên bản quy hoạch để luật hóa sự phối hợp giữa các ngành liên quan, tình trạng tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong ứng xử với di tích cũng sẽ bớt đi”. 

Cấp thiết, nhưng bao giờ sẽ có?

Nhu cầu có một bản quy hoạch chi tiết về khảo cổ cho Thủ đô Hà Nội đã được giới nghiên cứu nhắc tới ít nhất từ đầu những năm 2000, khi việc xây dựng hệ thống ba đường vành đai cho Hà Nội được đặt ra. Theo đó, dựa trên cơ sở khảo sát thực địa và đối chiếu các tư liệu cổ, dữ liệu về hệ thống di tích “ngầm” dưới lòng đất cần được xây dựng khoa học, với các thông số chi tiết về diện tích, tính chất, hiện trạng. Với những khu vực có mật độ di tích cao, công tác khảo cổ bắt buộc phải được tiến hành trước khi xây dựng những công trình lớn. Thậm chí, trong khoảng thời gian trước năm 2010, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã bước đầu xây dựng một bản quy hoạch khảo cổ sơ lược cho khu vực nội đô. Theo đó, những khu vực được xác định có mật độ di tích khảo cổ cao thuộc về vùng Cấm Thành cũ (hiện là cụm Hoàng thành Thăng Long - Thành cổ Hà Nội), một số điểm thuộc vành đai La Thành thời Lý (gần với trục đường vành đai I hiện tại).

Theo Điều 17 (bổ sung vào năm 2010) của Luật Di sản Văn hóa, các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ, với nội dung bao gồm cả kế hoạch thăm dò - khai quật, phương án bảo vệ - phát huy giá trị và nguồn lực thực hiện đối với các di sản nằm dưới lòng đất và lòng nước. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có tỉnh Khánh Hòa đưa ra kế hoạch sơ bộ để tiến hành khảo cổ học trên toàn tỉnh với mức kinh phí khiêm tốn, khoảng 750 triệu đồng.

Ở Hà Nội, theo các chuyên gia văn hóa, việc quy hoạch khảo cổ thường tiến hành xen kẽ một số khu vực di tích cũ hoặc mới phát lộ. Điển hình, có thể kể tới Đề án tổ chức quy hoạch cụm di tích Cổ Loa và xây dựng công viên văn hóa lịch sử tại Hoàng thành Thăng Long (tuy nhiên đến thời điểm này, hai đề án trên vẫn đang ở giai đoạn xây dựng đề cương và lập thiết kế chi tiết). Hiện trạng bỏ qua kế hoạch khảo sát ở những vùng nội đô do vướng mắc về đất đai, kinh phí khai quật, khoanh vùng cắm mốc giới bảo vệ di tích.

Theo Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thực hiện), nội dung dành cho khảo cổ mờ nhạt nếu đặt cạnh những quy hoạch về xây dựng tượng đài, bảo tàng, cổng chào. Cụ thể, theo bản quy hoạch này, tới hết năm 2014, các phòng văn hóa cấp quận, huyện và Ban quản lý di tích danh thắng địa phương cần hoàn thành bản quy hoạch chi tiết về việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong khi đó, theo các chuyên gia, ngành khảo cổ rất cần một bản quy hoạch chi tiết cho toàn thành phố.

Lần gần nhất, ý tưởng sử dụng công nghệ hiện đại để bước đầu xây dựng hệ thống quy hoạch khảo cổ đã được nhắc tới bởi một số chuyên gia của Trường đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Vật lý địa cầu. Theo đó, với phương pháp thăm dò điện hệ đa cực và ra-đa xuyên đất, các chuyên gia có thể xác định phần nào kết cấu của các di chỉ khảo cổ mà không cần khai quật (hoặc chỉ khai quật một phần nhỏ để đối chiếu kiểm chứng). Cách làm này đã được thử nghiệm tại khu vực Thành cổ Hà Nội và đình Chu Quyến (Ba Vì) đã cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, vì mức độ tốn kém của trang thiết bị, cách làm này vẫn chưa có điều kiện triển khai thêm.

Và chính vì vậy, những vấn đề còn tồn tại thuộc cơ chế chung về quy hoạch, kinh phí, mật độ dân cư... sẽ khiến việc cần có một bản quy hoạch khảo cổ đầy đủ và chi tiết cho Thủ đô Hà Nội tiếp tục chỉ là... giấc mơ xa vời của riêng giới khảo cổ! 

Thanh Nguyên 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo