Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Tương tác Góc nhìn Làng cổ: Loay hoay bảo tồn hay phát triển?

Làng cổ: Loay hoay bảo tồn hay phát triển?

Viết email In

Năm 2013, toàn Hà Nội có khoảng trên 60 làng được đề xuất đưa vào danh mục để nghiên cứu, lựa chọn là làng cổ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc bảo tồn làng cổ hiện nay ở Hà Nội còn thiếu tính khả thi, nhiều tinh hoa đang dần bị mất đi vì chúng ta không đặt mọi thứ trong tính khả thi mà bảo tồn một cách tràn lan. Vì vậy, Hà Nội nên giảm bớt số lượng bảo tồn để gìn giữ, duy trì cho được “những gì thực sự là tinh hoa của giống nòi”.


Đình Mông Phụ, làng Đường Lâm.

Cần giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển

Theo PGS.TS Đinh Khắc Thuân - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, làng xã ở Hà Nội, nhất là làng ven đô đang chịu sự biến động mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất. Cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển làng cổ ngày càng trở nên gay gắt. Cộng thêm đó là sự phát triển thiếu định hướng bảo tồn khiến những làng cổ Hà Nội ngày càng mất dần các giá trị di sản văn hóa làng.

Những yếu tố lịch sử của văn hóa làng Việt trên đất Hà Nội đang dần biến mất. Như “làng Mơ hay Kẻ Mơ vốn là một làng ven đô nay trở thành một phường thuộc TP Hà Nội… Điều đó đã làm mất đi cảnh quan thiên nhiên, cổ xưa của làng, đất canh tác bị thu hẹp và triệt tiêu hoàn toàn” .Những sản vật đặc trưng nhất của Hoàng Mai và của Kinh thành Thăng Long là rượu cúc, cúc Mơ, đầu Mơ đã để thất truyền trong quá trình đô thị hóa.

“Cảnh quan làng quê không còn, nhưng đô thị lại được chồng lên khuôn viên ngõ xóm làng quê cũ, nên đường đi lối lại nhỏ hẹp, vụn vặt, nhà cửa chen chúc, không có quy hoạch tổng thể”.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, xót xa nói: Tôi sống ở làng Đại Yên (nay là P.Ngọc Hà, TP Hà Nội), nhưng đứng trước đô thị hóa nó đã trở thành một ứ tồn của lịch sử, không còn là nông thôn nhưng cũng không phải là thành thị. Những làng cổ đã trở thành những khu ổ chuột của thời kỳ văn minh, là ốc đảo trong đô thị.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc đô thị hóa là một xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Song điều quan trọng là phải làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị các làng truyền thống ở Hà Nội trong sự phát triển kinh tế xã hội một cách cân bằng và hiệu quả.

Thực tế điều tra tại một xã ở Hải Dương cho thấy, 95% nông dân không muốn ở nhà cũ vì thiếu tiện nghi, không có tre, gỗ để sửa nhà… Vấn đề này đã trở nên quá phổ biến, không chỉ ở Hải Dương mà khắp nơi trong cả nước, vì chúng ta “quá hoài niệm mà không thực tế”, GS.KTS Hoàng Đạo Kính nhận định.

Ông Dương Minh Tiến (Sở VHTT&DL Hà Nội) nhận định: Để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là một bài toán khó, đòi hỏi sự tiếp cận vấn đề để giải quyết thật bài bản và mang tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp phải được tổng hợp và đồng bộ từ nhiều góc độ: Nghiên cứu, điều tra, tổng hợp, phân loại và xây dựng giải pháp phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của từng vùng, từng địa phương.

Tránh bảo tồn làng cổ một cách tràn lan

Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính, việc bảo tồn di tích đã khó, bảo tồn làng cổ còn khó hơn, vì chúng ta không thực sự nhận thức được việc bảo tồn làng cổ. Ở Hà Nội hiện có quá nhiều di tích, như ở phường Văn Miếu có tới 5 ngôi chùa được công nhận là di tích, thậm chí có nơi, ngôi chùa mới được hơn 30 năm cũng được công nhận là di tích.

Ông Kính cho rằng, đối với làng cổ ở Hà Nội hiện nay phải là thích ứng, cải tạo trong phạm vi có thể, nếu quá hoài niệm với cái cũ mà thiếu thực tế thì việc bảo tồn sẽ không khả thi, bảo tồn phải đi đôi với phát triển. Chúng ta chỉ nên giữ lại những gì cần bảo tồn, còn những công trình cho xây mới thì phải có hướng dẫn người dân xây dựng cho phù hợp, có điều tiết về không gian, hình thái kiến trúc… Việc bảo tồn làng cổ ở Hà Nội hiện nay chỉ nên bảo tồn 1-2 làng cổ là di sản thực sự, như làng cổ Đường Lâm.

Theo các chuyên gia, việc bảo tồn làng cổ là vấn đề cấp bách và rất cần có những định hướng, giải pháp phù hợp. Hà Nội cần đưa ra được một loạt chính sách khả thi để bảo tồn một cách khoa học, hợp lòng dân.

Cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo tồn cũng như hiểu đúng bản chất của việc bảo tồn, Nhà nước nên đứng ở vai trò hướng dẫn và hỗ trợ tích cực. Việc bảo tồn cũng cần đảm bảo rằng cộng đồng dân cư đó - những người sở hữu các di sản một cách hữu hình và vô hình - phải được hưởng lợi nhuận từ nó nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó một cách trung thực nhất, GS.TS.KTS Phạm Đình Việt nhận định.

Thực tế cũng cho thấy, một trong những khó khăn trong việc bảo tồn làng cổ hiện nay là do chưa đạt được sự đồng thuận của cộng đồng, người dân sở tại. Vì vậy, các chính sách về bảo tồn cần phải linh hoạt, mềm dẻo, hợp lòng dân, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo tồn và phát triển, vừa đáp ứng được các nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư, tránh tình trạng vì bảo tồn mà điều kiện sống của cộng đồng không được nâng cao. Việc bảo tồn thành công phố cổ Hội An là một minh chứng đầy thuyết phục khi chính quyền tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng, bởi việc bảo tồn phố cổ đối với người dân Hội An, nó không chỉ tạo ra những giá trị tinh thần mà còn cả những giá trị vật chất./.

Phạm Vũ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo