Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Thành phố không ôtô

Thành phố không ôtô

Viết email In

Dubai là một thành phố giàu có và phồn thịnh. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thành phố này phải đối mặt với vấn nạn mà các thành phố lớn trên thế giới đang gặp phải: nạn kẹt xe. 

Giới cầm quyền thành phố Dubai đã dùng đủ cách để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông, như tăng mạnh các loại phí đậu xe, nhiên liệu và phí bảo hiểm. Thế nhưng, tình trạng kẹt xe vẫn như cũ. Ông Hussain Lootah, Thị trưởng Dubai, tuyên bố Thành phố có thể sẽ áp dụng một biện pháp quyết liệt hơn: đặt ra ngưỡng thu nhập được quyền sở hữu ôtô. Theo đó, những cá nhân có thu nhập trung bình hoặc thấp sẽ không được mua xe.

Biện pháp của ông Lootah sẽ khó có ai dám “sao y bản chính”. Tuy nhiên, thị trưởng của các thành phố lớn khác trên khắp thế giới có thể sẽ thông cảm với ông Lootah. Họ cũng đang bắt đầu nghĩ đến việc phải quyết liệt hơn để giải quyết nạn kẹt xe ở thành phố mình, trong đó có việc cấm tiệt ôtô lưu thông trong nội đô. 

Những nỗ lực như thu phí đường bộ ở nội đô, như London và Singapore đã tiên phong thực hiện, hay chỉ cho xe có một số biển số nhất định được lưu thông vào thành phố như Paris áp dụng gần đây, có lẽ sẽ không đủ để giảm nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Vấn đề sẽ còn trở nên tồi tệ hơn, khi theo dự đoán của hãng nghiên cứu thị trường IHS Automotive, số xe được bán ra toàn cầu mỗi năm sẽ tăng từ mức khoảng 80 triệu chiếc hiện nay lên hơn 100 triệu chiếc vào cuối thập kỷ này. 

Thực ra, đã có một số nơi trên thế giới hoàn toàn không có bóng dáng ôtô. Thế nhưng, những khu vực như vậy lại nhỏ và thường là điểm du lịch, nơi du khách đến để hồi tưởng thời quá khứ như các hòn đảo du lịch Sark của Anh và đảo Mackinac ở bang Michigan (Mỹ). Sark là một hòn đảo nhỏ trên biển Manche chỉ có diện tích 2 km2 với dân số khoảng 600 người. Ở đây, hầu như không có dấu hiệu gì của cuộc sống hiện đại: không đèn đường, không ôtô (ảnh bên). Phương tiện đi lại chủ yếu là xe do súc vật kéo, xe đạp hoặc máy cày. Mackinac cũng vậy, chỉ có diện tích gần 10 km2 với khoảng 500 người. Lãnh đạo hòn đảo này cấm các loại phương tiện gắn máy như ôtô hay mô tô. Nhìn đi nhìn lại, có lẽ đô thị lớn nhất không có ôtô là Venice của Ý với diện tích hơn 400 km2. Vì thành phố này là tập hợp của hơn 100 hòn đảo nhỏ nên không thể nào xây dựng cầu đường để xe cộ lưu thông. Phương tiện vận chuyển chính ở đây là ghe thuyền hoặc đi bộ.

Tuy nhiên, những khu phố mua sắm lớn chỉ dành cho người đi bộ hoặc các khu vực khác vắng bóng ôtô vẫn đang mọc lên ở các thành phố trên khắp thế giới. Trang Wikipedia đã liệt kê vô số nơi như thế (chủ yếu ở trung tâm thành phố) như thành phố Guadalajara ở bang Jalisco (Mexico) có 15 con đường dành cho người đi bộ; hay Montpellier, một thành phố ở phía Nam nước Pháp, có nhiều con đường cấm ôtô; Clovelly, một ngôi làng nhỏ ở Anh, hoàn toàn không có bóng dáng ôtô. 

Một số thành phố đang cân nhắc một số biện pháp nhằm hạn chế ôtô, thậm chí cả xe “xanh” ở nội đô, như xe điện chạy bằng pin hoặc xe lai plug-in (xe sạc điện). Hamburg, thành phố lớn thứ hai nước Đức, đang xúc tiến kế hoạch “Grünes Netz”, một mạng lưới xanh các công viên, sân chơi, sân thể thao, đường cho người đi xe đạp. Nói cách khác, ôtô sẽ không bị cấm nhưng sẽ không còn được “cưng chiều” như trước.

Những kế hoạch triệt để như vậy có thể sẽ khả thi ở một thành phố như Hamburg, nơi xem trọng việc “xanh hóa” thành phố. Thế nhưng, ở nhiều thành phố khác, việc vấp phải sự phản đối của giới chính trị lại khiến cho những biện pháp như thế sẽ rất khó thực hiện được. Ông Michael Bloomberg, cựu thị trưởng của thành phố New York, đã 2 lần đưa ra dự luật thu phí kẹt xe ở phần lớn khu vực Manhattan. Tuy nhiên, kế hoạch của ông đều bị các nhà làm luật bang bác bỏ. Dẫu vậy, thành phố này cũng đã mở ra thêm được một số khu vực không có ôtô.

Có lẽ, công nghệ sẽ cứu các thành phố như Manhattan khỏi nạn kẹt xe. Những phát minh như ôtô không người lái sẽ cho phép nhiều xe hơn di chuyển một cách suôn sẻ trên những con đường đông nghẹt xe. Theo Andy Palmer, Giám đốc sản phẩm toàn cầu của hãng xe Nissan, những chiếc xe tự lái có thể giúp tăng ượng xe lưu thông trên đường nhờ cho phép các xe có thể di chuyển sát nhau hơn.

Tuy nhiên, công nghệ làm nên điều kỳ diệu như thế sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới xuất hiện, phải đến năm 2020. Dubai chắc chắn sẽ không thể nào chờ được đến lúc đó. “Lượng xe ôtô lớn đang là thách thức đối với tương lai của đất nước. Mọi người đều sống một cuộc sống xa xỉ nhưng các con đường tại Dubai sẽ không thể kham nổi hết số xe này, nếu không đưa ra luật về sở hữu ôtô”, ông Lootah, thị trưởng Dubai, cho biết. 

Khánh Đoan (Theo Economist


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo