Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Rotterdam - nơi không có phố cổ

Rotterdam - nơi không có phố cổ

Viết email In

Không ít người đã đặt câu hỏi khi tới đây, rằng điều gì đã khiến Rotterdam trở nên khác hẳn với các thành phố tại Hà Lan và châu Âu?  

Không gian đô thị công cộng 

Cách ga trung tâm vài phút đi bộ, một không gian vuông vức đập vào mắt người đi đường được bao quanh bởi nhà hát thành phố, đại sảnh âm nhạc và quần thể nhà hát điện ảnh to lớn. Cái không gian này có mặt sàn được làm cao hơn các con đường xung quanh vài chục cm, với các khoảng vuông kiểu mosaic dùng phân chia các khu vực, giống như một sân khấu lớn giữa đường phố, dành cho các hoạt động trình diễn, biểu diễn, mà khán giả chính là những toà nhà cao bao quanh và cư dân sống trong đó. Bề mặt của sàn được gắn với hệ thống điện và nước, cũng như các cơ sở hỗ trợ dựng lều trại và hàng rào cho các sự kiện tạm thời. Bốn cây cột cao, mang hình dáng chiếc cần cẩu sơn đỏ, gắn những bóng đèn LED, hệ thống điều khiển bằng đồng xu cho phép người dùng xác định vị trí và độ cao của đèn khi dùng. Vào ban ngày, khi mặt trời chiếu sáng, bóng của bốn cây cột đèn di chuyển ngang dọc giống như những chiếc kim đồng hồ. Tất cả những thiết kế đậm tính tương tác này khiến cho không gian trở nên năng động và hữu ích, có thể sử dụng linh hoạt vào nhiều mục đích, thay đổi trong ngày, các ngày trong năm, nhờ vào ánh sáng mặt trời. 


Quảng trường nhà hát tại trung tâm Rotterdam 

"Từ khoảng năm 1950 - 1970 Rotterdam cho đập bỏ các toà nhà bị bom đạn làm hư hỏng, rồi xây dựng những công trình mới hoàn toàn, tạo nên những ý tưởng sáng tạo độc đáo trong kiến trúc thế kỷ 20. Đấy có lẽ là lý do khiến cho cái không khí tại Rotterdam khác hẳn mọi thành phố của Hà Lan: hiện đại, năng động, luôn hướng về phía trước." 

Đó là quảng trường Nhà hát, tiếng Hà Lan gọi là Schouwburgplein. Nằm ngay bên trên một bãi đậu xe ngầm, thoát hẳn cái lý thuyết của một quảng trường châu Âu truyền thống thể hiện quyền lực dân sự và tôn giáo, Schouwburgplein được thiết kế đậm tính hữu dụng công cộng. Quảng trường được giới hạn bởi các bờ ngăn, dùng các vật liệu có khả năng chịu được sức nặng cũng như thách thức của thời gian. Vào ban đêm, khi ánh đèn thắp lên, quảng trường giống như một bến cảng, trôi nổi giữa thành phố phía tây nam Hà Lan: Rotterdam. 

Những kiến trúc táo bạo 

Quảng trường Nhà hát, một không gian đô thị tương tác, chỉ là một trong rất nhiều công trình lạ mắt giữa một thành phố nổi danh với những kiến trúc táo bạo.

Những cái tên như khu nhà cây hình khối của Piet Blom, nhà triển lãm đa công năng Kunsthal Rotterdam của Rem Koolhaas, cây cầu đỏ Willems của A. Veerling hay cầu Erasmus của Ben van, toà nhà trụ sở viện Kiến trúc của Hà Lan… là những công trình kiến trúc hiện đại, mang tính đổi mới đầy sáng tạo và táo bạo của Rotterdam. Nơi này cũng đang sở hữu nhiều công trình cao nhất đất nước nằm dưới mực nước biển như cầu Erasmus, toà nhà dân cư New Orleans Tower, toà nhà văn phòng Maastoren hay tháp quan sát Euromast. Toà Nhà trắng của Molenbroek (xây từ năm 1897 đến 1898) chính là toà nhà chọc trời đầu tiên ở châu Âu, một trong ít toà nhà sống sót sau trận mưa bom năm 1940. Toà nhà được xây dựng theo kiến trúc tân nghệ thuật 10 tầng, cao 43m, với hệ thống thang máy được cho là độc nhất vô nhị vào thời điểm được xây dựng. Chuyến tham quan bằng tàu thuỷ quanh cảng sẽ là cơ hội tốt nhất để ngắm nhìn những kiến trúc hiện đại, mới lạ giữa thành phố năng động này.

Hướng về phía trước 


Một phố mua sắm ở Rotterdam 

Vùng dân cư trên khu vực đất trũng, bãi lầy Rotte được thiết lập từ những năm 900, nhưng những trận lũ vào thế kỷ 12 đã phá huỷ hết những công trình đang được xây dựng. Để đối phó với lũ lụt, người dân ở đây đã xây nên những công trình đê đập lớn để bảo vệ khu vực sinh sống. Cái tên Rotterdam cũng bắt nguồn từ một con đập mang tên Rotte, được xây ở nơi mà nay là đường High Street.

Nằm ở khu vực đồng bằng các sông Rhine-Meuse-Scheldt, Rotterdam bị dòng Nieuwe Maas chia cắt thành hai miền nam và bắc, trước khi chảy ra biển bắc. Nhưng chính do vị trí địa lý này mà Rotterdam có vị trí chiến lược đường thuỷ, được ví như cánh cửa vào châu Âu, cửa ngõ vào Pháp, Bỉ, Đức và Thuỵ Sĩ. 

Trong thế chiến thứ hai, Đức Quốc xã rất muốn chiếm hữu thành phố cảng này nhưng không thành nên cho đánh bom san bằng thành phố. Cảng Rotterdam, địa điểm trung chuyển hàng hoá chiến lược trên dòng sông huyết mạch trong khu vực là nơi bị bom đánh phá thường xuyên. Sau nững trận dội bom của cả hai phía Đức và đồng minh, chỉ có toà thị chính và vài công trình nằm xa trung tâm xa cảng Rotterdam còn lành lặn. Có một câu chuyện mà dân Hà Lan hay mang ra kể cho khách. Đó là khi một nhóm thanh niên Đức đến Rotterdam du lịch, họ hỏi một người Hà Lan trên phố: “Thưa ông, phố cổ Rotterdam ở đâu?” thì được trả lời: “Về nhà mà hỏi cha ông các cậu!”.

Không có những kiến trúc cổ, truyền thống như Amsterdam, Utrecht, Maastricht hay Den Haag, Rotterdam chọn con đường khác: xây dựng thành phố mới hơn, tốt hơn. Cũng không làm theo nhiều thành phố khác của châu Âu là tái hiện hoặc sửa chữa lại những công trình cổ, từ khoảng năm 1950-1970 Rotterdam cho đập bỏ các toà nhà bị bom đạn làm hư hỏng, rồi xây dựng những công trình mới hoàn toàn, tạo nên những ý tưởng sáng tạo độc đáo trong kiến trúc thế kỷ 20. Đấy có lẽ là lý do khiến cái không khí tại Rotterdam khác hẳn mọi thành phố của Hà Lan: hiện đại, năng động, luôn hướng về phía trước. Trung tâm thành phố, khu vực quảng trường và khu vực mua sắm của Rotterdam luôn đông khách. Hai con đường đi bộ Lijnbaan và Hoogstraat là thiên đường mua sắm luôn bận rộn sáng đêm. Thực tế, Lijnbaan là con đường đầu tiên trên thế giới được xây dựng dành cho hoạt động mua sắm từ năm 1953. Mùa hè mới là thời điểm thích hợp để thăm thành phố cảng luôn có gió thổi lồng lộng đối với ai không thích cái lạnh buốt được gió mang vào từ sông Nieuwe Maas. 

Kim Dung (Người Đô thị) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo