Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Cité Tony Garnier, từ thành phố công nghiệp đến khu phố di sản

Cité Tony Garnier, từ thành phố công nghiệp đến khu phố di sản

Viết email In

Trên bức tranh tường khổng lồ vinh danh những người con của thành phố Lyon, có một hình ảnh 2 người đàn ông đang ngả mũ chào nhau. Một người to béo, ngậm tẩu mặc comple xịn ra dáng một chính khách. Người còn lại vóc dáng nhỏ nhắn hơn, ăn mặc xuyền xoàng, râu ria rậm rịt và ôm bản vẽ. Đó là hình ảnh cuộc gặp gỡ những năm đầu thế kỷ 20 giữa thị trưởng Edouard Herriot và kiến trúc sư Tony Garnier, hai người đã cùng nhau xây dựng nên một thành phố Lyon như ngày nay. Sự hợp tác này cũng cho phép những hoài bão của chủ nghĩa không tưởng (utopia) được thiết kế thành một đô thị hiện đại và được thử nghiệm xây dựng một phần trên thực tế. Đó là trường hợp khu ở Etat-Unis ở quận 8 thành phố Lyon, hay còn gọi là khu Tony Garnier (Cité Tony Garnier).  


Tony Garnier và Edouard Herriot 

Từ thành phố công nghiệp (Cité industrielle)

Tony Garnier sinh ra trong một gia đình thợ dệt, công nhân lụa ở Lyon. Ngay từ nhỏ ông đã nếm trải cuộc sống vất vả của tầng lớp công nhân và nuôi một mong muốn cải thiện điều kiện sống cho họ bằng giấc mơ kiến trúc sư của mình. Như đã nhắc tới trong bài viết “Lược sử quy hoạch đô thị: Nhu cầu, ước mơ, tầm nhìn”, được khơi gợi những suy nghĩ của chủ nghĩa không tưởng, Tony Garnier năm 1904 đã đưa ra mô hình một thành phố công nghiệp (Cité industrielle) để phục vụ cho thời kỳ công nghiệp hóa của các quốc gia như Pháp, Mỹ. Khi mà dòng di dân từ nông thôn ra thành thị gây ra một vấn đề về nhà ở cho các thành phố phát triển dựa vào hoạt động công nghiệp. 

Với mục tiêu là cải thiện điều kiện sống của công nhân, thông thoáng tránh xa ô nhiễm và dịch bệnh, mô hình đô thị của Garnier tách biệt rõ ràng khu vực làm việc với khu ở. Cơ cấu khu đô thị được chia làm ba phần: công xưởng, hành chính – công cộng và đất ở. Sơ đồ giao thông mạch lạch với trục chính và các đường nhỏ vuông góc, đô thị thiết kế dành cho xe ô tô. 

Thành phố nằm ở một khu đất có địa hình bằng phẳng ở phía bắc là nơi đặt khu nhà ở, phía nam thoải xuống thung lũng và dòng sông. Khu công nghiệp được bố trí cuối hướng gió, cuối nguồn nước và cách ly với khu ở bằng dải cây xanh. Một đường sắt có ga đặt tại phía đông khu ở nối đô thị với khu công nghiệp. Khu công cộng ở trung tâm thành phố gồm hành chính, công cộng, thể thao và bảo tàng. Trường tiểu học nằm rải rác, trường trung học nằm ở góc đông bắc. Nhà ở chạy hướng đông tây có thiết kế kiến trúc thuận lợi cho thông gió và sử dụng năng lượng mặt trời. 

Cũng như những mô hình quy hoạch đô thị lý tưởng khác, thành phố công nghiệp của Tony Garnier chỉ nằm trên bản vẽ, mãi cho đến năm 1917 khi chính quyền thành phố Lyon cần xây dựng một khu đô thị dành cho công nhân ở ngoại ô phía đông nam của mình. Tony Garnier khi đó đang là kiến trúc sư trưởng của Lyon đã có cơ hội áp dụng một phần các nguyên tắc về thành phố công nghiệp để xây dựng nên khu đô thị le quartier des Etat-Unis. 

Đến khu đô thị Tony Garnier – le quartier des Etats-Unis


Cité des Etat-Unis khi hoàn thành 

Lyon những năm sau thế chiến thứ nhất là một thành phố công nghiệp đang mở rộng với động lực là những nhà máy ven đô. Trước đó những cuộc nổi loạn của công nhân tơ lụa khiến những nhà cầm quyền như Edouard Herriot ý thức được phải tiến hành xây dựng những khu ở phù hợp với cách mạng công nghiệp và tiến bộ xã hội. Phương án của Tony Garnier về một đơn vị ở cho công nhân hiện đại, có cấu trúc chức năng mạch lạc cùng với kiến trúc trúc nhà đơn giản, thống nhất như mô hình Cité Industrielle được chấp nhận. Tuy nhiên Edouard Herriot yêu cầu vị kiến trúc sư trưởng của mình phải giảm quy mô đồ án đi bốn phần năm để phù hợp với khu đất và năng lực thực hiện của thành phố. Kết quả là thành phố công nghiệp của Tony Garnier trở thành cité Habitation Bon Marché – (nhà giá rẻ). Tuy vậy dự án cũng vẫn gặp trắc trở, được khởi công từ năm 1921 nhưng mãi đến năm 1934 mới hoàn thành do bị gián đoạn vì nguyên nhân tài chính. 

Quartier des Etat-Unis hay Cité des Etat-Unis khi hoàn thành năm 1934 tổng cộng có 12 lô đất được bố trí tương tự như mô hình lý tưởng được phân tách nhau bởi các đường phố vuông góc. Bên trong khu đất các công trình nối với nhau như chữ H có thể chứa được 1567 hộ gia đình. Chỉ có 3 tòa nhà cao 3 tầng như trong mô hình lý tưởng, còn lại các tòa nhà đều 5 tầng. Khu đô thị này là một thử nghiệm tiên phong ở châu âu, khi lần đầu tiên chính quyền đã vận hành một đô thị gắn liền với hình thái không gian của nó. Những căn hộ sau đó là nơi cư ngụ của cộng đồng công nhân gắn kết, cuộc sống xã hội nơi đó khá phát triển như ý tưởng ban đầu của thành phố và người thiết kế. 

Tuy nhiên sau chiến tranh thế giới thứ hai, khu phố đã xảy ra những hiện tượng bất ổn xã hội. Khi khu vực không còn nằm ở rìa đô thị nữa, Lyon đã mở rộng vươn ra bao trùm lấy Cité des Etat-Unis. Từ năm 1956 đến năm 1967, 25000 căn hộ mới được xây dựng xung quanh khu phố này. Cho đến những năm 1970 thì khu vực này trở thành một mảnh ghép lạc hậu và xuống cấp của đô thị, kiến trúc hiện đại tại Cité Tony Garnier trở thành biểu tượng của một bộ mặt xã hội đô thị bị ghẻ lạnh và xa lánh. 

Ngày nay 

  • Ảnh bên: Tranh tường trên đó vẽ lại mô hình thành phố công nghiệp của Tony Garnier 

Đầu những năm 1984, chính quyền Lyon quyết định chặn đứng sự suy thoái xã hội và xa rời cấu trúc đô thị ban đầu của khu vực. Mặc dù nhiều khu vực tương tự bị ủi sập phá bỏ, nhưng nơi đây thì chính quyền đã chọn cách cư xử khác. Quá trình tái định cư khu vực diễn ra từ năm 1984 và kéo dài trong vòng 12 năm. Người dân được tuyên truyền nhận thức về giá trị di sản và kiến trúc của khu vực. Hàng loạt các công tác nhằm khôi phục giá trị kiến trúc công trình và giá trị di sản quy hoạch đô thị của khu vực được áp dụng. Song song với việc sửa chữa công trình xuống cấp, Lyon đã biến khu vực thành một viện bảo tàng mở ngoài trời để tôn vinh những tư tưởng quy hoạch đô thị của của Tony Garnier. Trên những mảng tường lớn của các tòa nhà cũ, 25 bức tranh tường được vẽ lên để tưởng nhớ tới người kiến trúc sư vĩ đại luôn mơ ước xây dựng một đô thị lý tưởng. 25 bức tranh mỗi bức 230m2 vẽ về mô hình thành phố công nghiệp của tony garnier, về những đô thị lý tưởng khác trong mắt những họa sỹ đến từ 5 châu lục. 

Như vậy là mô hình lý tưởng của Tony Garnier tuy không bao giờ thành hiện thực, nhưng phần nào đó trong tổng thể đã được xây dựng ở Lyon và trở thành di sản kiến trúc quy hoạch của nước Pháp. Những ảnh hưởng từ đô thị công nghiệp của Tony Garnier đã mở đường cho Le Corbusier lập ra phong trào kiến trúc Phong cách quốc tế trong xây dựng và quy hoạch. Mặc dù những mô hình của kiến trúc hiện đại trở nên lỗi thời trong thời hậu công nghiệp, nhưng những gì Tony Garnier khởi xướng vẫn để lại những nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch ngày nay. 

Để ca ngợi Tony Garnier, Edouard Herriot đã nói: “Tony Garnier là một bậc thầy (master), với tất cả sự cao quý và trí thông minh trong ngữ nghĩa của từ đó. Một bậc thầy vừa là người chỉ dẫn vừa là một tấm gương tiêu biểu … Bên cạnh đó ông cũng là một học giả đáng ngưỡng mộ; phẩm hạnh tinh thần của ông cũng sánh ngang với thiên tài của ông.” 

Trần Quang 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo