Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Suy nghĩ về quy hoạch và xây dựng nông thôn Vương quốc Anh

Suy nghĩ về quy hoạch và xây dựng nông thôn Vương quốc Anh

Viết email In

Cuộc cách mạng công nghiệp khởi đầu từ nước Anh năm 1784 đã đưa đất nước này lên vị thế hàng đầu những quốc gia phát triển. Thế nhưng, đến nước Anh ngày nay, hình ảnh của những nhà máy có ống khói cao ngút trời như đã lùi sâu vào dĩ vãng. Thay vào đó là một đất nước trong lành và ngăn nắp. Trong lành là vì sự sạch sẽ của môi trường sống từ trong nhà cho đến mọi nẻo đường đất nước. Ngăn nắp là vì mọi thứ đều như được sắp đặt vào đúng vị trí của nó, đều được chăm sóc tỉ mỉ bởi ý thức của con người về việc giữ gìn cho hôm nay và những thế hệ tương lai một môi trường sống không những hoàn hảo, thẩm mỹ mà còn đậm đà ký ức về bản sắc dân tộc, về quá khứ và lịch sử đất nước.  


Kiến trúc và ảnh quan làng truyền thống được vảo tồn tối đa phục vụ phát triển du lịch 

Mô hình đô thị hóa nông thôn hợp lý

Có được một nông thôn mới tương đối hoàn thiện như vậy là nhờ một chiến lược thực hiện lâu dài và bài bản. Ở châu Âu nói chung và ở Vương quốc Anh nói riêng. Phương tiện giao thông công cộng nổi bật nhất cho các vùng nông thôn là xe buýt (Bus) ở thành phố, thị trấn; xe liên tỉnh (Coach); và cuối cùng là tàu lửa (Train). Xe hơi cá nhân cũng là loại phương tiện phổ biến mà mỗi gia đình đều có. Các nhà ga trung chuyển và các cấp đường bộ được kết nối thành một hệ thống liên hoàn chặt chẽ. Có nghĩa là mỗi nhà ga xe lửa đều kết nối khăng khít với những phương tiện giao thông khác và ngược lại. Việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng trở nên hết sức thuận tiện và phục vụ cho mọi tầng lớp dân chúng. 

Bên cạnh đó, hệ thống đường bộ cũng được phát triển kết nối đến từng ngôi nhà để mọi người có thể lái xe đến các tuyến giao thông chính của địa phương và quốc gia. 

Điểm rất đặc sắc là mỗi một trạm dừng của xe tốc hành thường chỉ được đánh dấu bằng một biển báo, còn tất cả các nhà, trạm, ban bệ quản lý cồng kềnh, tốn kém… đều không hiện hữu. Chi phí đầu tư cũng vì vậy mà giảm đáng kể. Những gì cần thiết thì sẽ được đầu tư và đầu tư tối đa; cái gì không thực chất thì chính quyền và các doanh nghiệp nước Anh không chi một xu. 

Trong quá trình đô thị hóa nông thôn thì mạng lưới giao thông vi mô (cấp độ thôn, làng, cụm nhà ở…) là quan trọng nhất. Vì vậy, không thể tùy tiện xóa bỏ những lối đi bé nhỏ, ngoằn ngoèo, vốn là một nét đặc sắc của không gian làng quê xưa, để thay bằng những con đường trải nhựa thẳng tắp như trong phố thị. Những con đường quanh co với những cây cổ thụ, những khóm đá có tự ngàn đời phải được tuyệt đối giữ gìn. Vì đó chính là những hình dạng, đường nét, hình khối chỉ có ở những địa điểm rất xác định, không hề lặp lại ở nơi khác. Cho nên, để thực hiện tốt việc này, mỗi một thôn làng cần phải có một "nhạc trưởng". “Nhạc trưởng” này chính là luật lệ rõ ràng và ý thức thượng tôn pháp luật của người dân. 


Không gian quy hoạch rộng rãi và ngăn nắp tại nông thôn Anh 

Chất lượng của mạng lưới đường giao thông trong mỗi thôn làng có thể được nâng cấp bằng những vật liệu mới, thậm chí được tráng nhựa, nhưng hình dạng và đặc điểm riêng của nó thì không được thay đổi. Mạng lưới thông tin liên lạc sẽ được cung cấp đồng bộ với việc nâng cấp của mạng lưới đường giao thông. 

Nói tới mạng lưới hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn nước Anh, nhưng thực chất là cũng là nói tới điều kiện tiên quyết để giữ gìn cảnh quan nông thôn. Dọc những con đường làng ngoằn ngoèo, bé nhỏ là những ngôi nhà xinh xắn bên trong bờ tường thấp phủ rêu xanh cổ kính. Để có được hình dung tốt nhất về một làng quê thì những vật liệu xây dựng mới và việc xây dựng những hình thức kiến trúc xa lạ là hết sức cần hạn chế. Từ những người thường dân cho đến giới trí thức ở châu Âu và ở nước Anh đều rất có ý thức tôn thờ vẻ đẹp do thời gian đem lại. Trong góc nhìn này, hai vấn đề tưởng như trái ngược lại bên nhau êm đềm tồn tại, đó là: sự cũ kỹ, lâu đời và sự sạch sẽ, vệ sinh. Một công trình kiến trúc, một cảnh quan làng quê tuy cổ xưa nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, tinh khiết thường đem lại cảm giác về sự thanh cao.

Ra khỏi một thành phố lớn của nước Anh, chúng ta lập tức bắt gặp những cánh đồng cỏ xanh mướt, bất tận và một khung cảnh nông thôn cổ xưa như trong truyện cổ tích. Có thể nói, cách thức quy hoạch cho những không gian này như cố tình gìm lại dòng chảy của thời gian để lưu lại cho con người hiện đại những khung cảnh của ba, bốn trăm năm về trước. Ngoài một hệ thống giao thông tuyệt vời, hoàn chỉnh, len lỏi đến từng nóc nhà cổ kính, gần như không thể thấy được bóng dáng của công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa được khởi đầu từ cách đây đã hơn 200 năm. Vẫn những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, uốn lượn bên những con sông đang bình thản, lặng lờ trôi như không hề biết đến một cuộc cách mạng công nghệ sôi động đã từng diễn ra trên chính mảnh đất này.

Tuy nhiên, các tiện ích dịch vụ công cộng luôn được phân bố đầy đủ để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của mọi tầng lớp dân chúng. Đó là các trạm bưu điện, cửa hàng tạp hóa nhỏ và vừa, các siêu thị mini của hệ thống bách hóa Tesco mà giá cả thống nhất trên toàn quốc. 

Đáng chú ý nhất là tuy những thôn dân sống ở xa thành phố nhưng không hề có cảm giác bị “lạc hậu” so với thành thị. Vì phương tiện giao thông hàng ngày của họ là ô tô cá nhân, xe bus, xe lửa… Nơi đâu cũng có internet, cable truyền hình, điện thoại; các cuộc mua sắm lớn đều thực hiện ở siêu thị, và phương thức thanh toán thông dụng đều thông qua thẻ tín dụng. Người sống ở thôn quê cũng đã từng làm quen với việc sử dụng các máy ATM hiện diện khắp nơi, họ không giữ tiền mặt ở nhà mà gửi trong ngân hàng. Ở khắp mọi nơi trên nước Anh, ngân hàng, siêu thị, công sở, trường học… mới là công trình kiến trúc phổ biến chứ không phải nhà máy nhả khói lên trời.

Lối sống hiện đại ở nông thôn nước Anh hiện nay về thực chất không còn khoảng cách biệt “đáng lo ngại” giữa nông thôn và thành thị. Phải chăng việc xóa bỏ sự cách biệt này cũng chính là mục tiêu mà đất nước ta đang phấn đấu. Chính nhờ việc rút ngắn khoảng cách này sẽ giúp cho làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị sẽ thuyên giảm theo nguyên tắc “ly nông bất ly hương” - một khẩu hiệu rất có ý nghĩa trong việc hoạch định chính sách kinh tế quốc gia và quyhoạch không gian. 

Không chỉ ở nông thôn mà ngay trong các thành phố lớn, chính phủ Anh cũng có một chính sách “nhìn xa , trơng rộng” về di sản lịch sử tồn tại trong những công trình kiến trúc cổ xưa. Thật vậy, tất cả những ngôi nhà cổ có nhu cầu nâng cấp, cải tạo, thậm chí xây dựng mới đều bị nghiêm cấm vi phạm đến phần bề mặt và chiều cao vốn có của nó. Mỗi khi cải tạo, nâng cấp, mặt tiền kiến trúc cổ phải được lưu giữ tối đa, nhưng ở bên trong thì chủ nhân hoàn toàn có quyền làm theo lối hiện đại.

Trong những thành phố lớn thì những công trình được yêu thích hơn cả không phải là những ngôi nhà chọc trời, nhôm, kính sáng loáng mà là những ngôi nhà cổ “xiêu vẹo” theo thời gian với vật liệu và phương pháp xây dựng thủ công có từ hàng trăm năm trước.

Ở nông thôn thì quy định này lại càng khắt khe, rõ ràng hơn. Đến thăm các làng quê của nước Anh ngày nay, người ta khó lòng nhìn thấy một kiến trúc hiện đại với vật liệu bê tông cốt thép và nhôm, kính. Đâu đâu cũng là những mái nhà lợp ngói hoặc rơm rạ phủ dày (Cottage), cửa sổ nhỏ với những mảng tường dày bằng gạch hoặc sa thạch (Sandstone) được gọt đẽo bằng tay từ vài trăm năm trước. 

Xây dựng phát triển nông thôn coi trọng bảo tồn

Với một lối sống ở trình độ “đô thị hóa” cao như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng từ bao giờ và tại sao chính phủ Vương quốc Anh nói riêng và các quốc gia châu Âu nói chung lại vạch ra một chính sách hợp lý cho cả đô thị và nông thôn của họ.

Nếu không có một chính sách rõ ràng và kịp thời giữ gìn từng ngôi nhà cổ từ cách đây cả mấy trăm năm, thì việc xây dựng mới theo phương thức “đô thị hóa bột phát” tràn lan chắc chắn sẽ là một cơn lũ quét sạch dấu tích của thời gian, của lịch sử và cao hơn nữa là của ký ức. 

Một khi các ngôi nhà cổ và khung cảnh hồn nhiên của những chốn thôn dã kia đã bị “phớt lờ”, đường sá bị “bàn cờ hóa”… thì nếu có muốn hồi phục, phục dựng rõ ràng là sẽ tốn kém vô kể để ngắm nhìn, để cảm nhận cái chất “thôn dã giả tạo” và nhiều lắm thì cũng chỉ để phục dịch cho cái dịch vụ “du lịch rẻ tiền” mà thôi.

Chính sách này rất được quần chúng ủng hộ và chấp hành triệt để. Đây là một vấn đề mang tính hai mặt: người dân rất có ý thức tự giác chấp hành và chính quyền có một hệ thống luật lệ chặt chẽ, hợp tình, hợp lý. Nhìn lại tình hình quản lý trật tự quy hoạch - xây dựng ở nông thôn Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta càng thấy rõ khoảng cách này với những quốc gia tiên tiến. 

Có thể chắc chắn rằng một địa danh nổi tiếng chính là nhờ vào việc ở đấy đang tồn tại một di tích cổ (Ancient Monument). Khách hành hương, du lịch thường tìm đến những địa danh đó để thưởng lãm với sự thành công trong khai thác các di tích đó không thể bỏ qua vai trò chủ đạo của hệ thống chính quyền và các cơ quan chức năng (bảo tồn, du lịch, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật…). Vì nếu các cơ quan chức năng này không tham gia vào việc hình thành các biện pháp khai thác những khu di tích đó một cách hữu hiệu thì dân chúng không thể tự động đảm trách được. Trong lĩnh vực này, Chính phủ Anh đã rất có “tinh thần trách nhiệm” đối với di sản văn hóa của đất nước họ. Cách làm này có 2 mặt: bảo tồn được di tích bằng chính tiền do nó tạo ra; nhưng con người luôn là chủ nhân của mọi quy trình khai thác và thu lợi được từ chính di tích.

Những vùng nông thôn có tiềm năng du lịch luôn là một lợi thế cho phát triển. Nhưng phát triển không đồng nghĩa với hiện đại hóa nóng vội. Đó là những đường lối khôn ngoan mà người Anh áp dụng không chỉ cho đất nước của chính họ mà còn là gợi ý về một mô hình phát triển bền vững hiện nay.

Họ đã rất có ý thức trong việc giữ gìn một môi trường sống thôn dã như những gì nó từng có từ 400 -500 năm về trước. Môi trường đó ngày nay tuy đã được hiện đại hóa tối đa (điện, nước, truyền hình cable, điện thoại, internet tốc độ cao, hệ thống các dịch vụ tiêu dùng, các siêu thị mini, trạm xe bus công cộng… ) nhưng sắc thái nông thôn, cái vỏ xưa cũ cũa vật liệu truyền thống trên từng ngôi nhà, con đường làng quanh co, uốn lượn vẫn như đưa ta trực tiếp trở về với quá khứ.

Nói tóm lại, nông thôn không bị cuốn trôi theo tiến trình đô thị hóa, mà là một hình ảnh hoàn hảo, hoàn thiện hơn của truyền thống. Cách làm này cho ta thấy dường như trong quá khứ, cha anh của họ đã xây dựng nên những môi trường sống thôn quê cùng với tất cả các sản phẩm của nền văn minh đương đại, chỉ trừ có việc sử dụng thêm bê tông cốt thép trong kiến trúc. 

Trong quá trình đô thị hóa nông thôn thì mạng lưới giao thông vi mô (cấp độ thôn, làng, cụm nhà ở…) là quan trọng nhất. Vì vậy, không thể tùy tiện xóa bỏ những lối đi bé nhỏ, ngoằn ngoèo, vốn là một nét đặc sắc của không gian làng quê xưa, để thay bằng những con đường trải nhựa thẳng tắp như trong phố thị. Những con đường quanh co với những cây cổ thụ, những khóm đá có tự ngàn đời phải được tuyệt đối giữ gìn vì đó chính là những hình dạng, đường nét, hình khối chỉ có ở những địa điểm rất xác định, không hề lặp lại ở nơi khác. Lối sống hiện đại ở nông thôn nước Anh hiện nay về thực chất không còn khoảng cách biệt “đáng lo ngại” giữa nông thôn và thành thị. 

TS.KTS Lê Thanh Sơn - Đại học Kiến trúc Tp.HCM

Nguồn ảnh: Internet
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 5/2014) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo