Cuộc chiến cứu rừng ở Ấn Độ

Thứ ba, 24 Tháng 5 2016 00:18 Thời báo Kinh tế Sài Gòn, The Washington Post
In

Một khu rừng nguyên sinh có tuổi đời hàng thế kỷ ngay gần thủ đô New Delhi của Ấn Độ suýt bị các công ty bất động sản “xóa sổ” nếu không có quyết tâm bảo vệ của người dân địa phương. 

Một nhóm học sinh vào rừng từ tờ mờ sáng, trong chuyến đi khảo sát các loài chim. Họ nhẹ nhàng rảo bước trên những thảm lá khô, cố gắng để không gây ra tiếng động có thể làm kinh động các bầy chim.  

“Túc-túc”, một âm thanh lảnh lót vang lên xóa tan bầu không khí yên lặng. Các em chỉ lên một nhánh cây phía trên cao. Ở đó có một chú chim nhỏ, thân màu xanh lá cây, cổ vàng và lông mặt màu đỏ. “Đó là con chim gõ mõ”, Sourajit Ghosal - một người quan sát chim trong nh óm thì thầm nói khi nhìn qua ống nhòm. 

Chuyến đi thực địa trên diễn ra tại một khu rừng hoang sơ, rộng lớn có tuổi đời hàng thế kỷ, nằm kín đáo giữa thủ đô New Delhi ô nhiễm của Ấn Độ và vùng ngoại ô thịnh vượng Gurgaon. Khu rừng này đã được bảo quản nguyên vẹn nhờ một cuộc chiến pháp lý cứng rắn và kéo dài suốt nhiều năm.

Khu rừng có tên gọi Mangar Bani, gồm rất nhiều loài thực vật, chim, các loài côn trùng quý hiếm. Nó đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, vì người dân địa phương tin rằng, chặt cây là tội lỗi. 


Bảo vệ diện tích rừng ít ỏi còn lại trước làn sóng đô thị hóa đang là một cuộc chiến thường trực của người dân New Delhi, Ấn Độ.
(Ảnh: The Washington Post) 

Đấu tranh pháp lý

Nhưng những năm gần đây, vùng Gurgaon đã chứng kiến sự phát triển đô thị với tốc độ điên cuồng. Sự bùng nổ thị trường căn hộ cao cấp, cao ốc văn phòng, đường cao tốc, khu mua sắm và câu lạc bộ đêm..., đã đe dọa xóa sổ hàng trăm mẫu rừng ở Mangar Bani.

Các công ty bất động sản và người dân đã phải đưa nhau ra Tòa án Xanh quốc gia để xác định xem liệu Mangar Bani là một khu rừng, một khu đất nông nghiệp hay chỉ là bãi đá khô cằn? Kết luận này là rất quan trọng đối với tương lai của Mangar Bani.

Cho đến nay, sau gần sáu năm đấu tranh dữ dội trên nhiều mặt trận, từ tòa án, các cơ quan chính phủ và cả trên đường phố, người dân địa phương đã có thể cứu được 677 mẫu rừng Mangar Bani thoát khỏi tay các nhà xây dựng cho dù nhiều công ty đã mua và sở hữu nhiều héc ta đất rừng. Mới đây chính quyền bang đã tuyên bố rừng Mangar Bani là khu vực “cấm xây dựng” (no-construction zone).

Nhưng những người bảo vệ rừng vẫn chưa được yên. Một số nhà phát triển đã quay sang tìm cách khai thác gỗ bất hợp pháp ở đó. Cơ quan lâm nghiệp của bang đã phải triển khai lực lượng bảo vệ rừng suốt ngày đêm.

“Nó giống như một cuộc chiến tranh nhỏ” - Mrigendra Dhari Sinha, người giữ rừng, cho biết. “Đối với nhiều người, thép và nhà kính là biểu hiện duy nhất của sự phát triển. Nhưng chúng ta cũng cần nước và rừng nữa”. 

Giữ lá phổi sống

Cuộc đấu tranh trên phản ánh nỗ lực của người dân Ấn Độ trong việc cứu vãn độ phủ xanh của rừng trong bối cảnh làn sóng phát triển đô thị đang diễn ra mạnh mẽ và nguồn nước ngầm đang bị cạn kiệt.

Ở một số nơi của vùng Gurgaon, mực nước ngầm đã giảm xuống sâu 300 feet (91 mét) dưới mặt đất, so với mức khoảng 50 feet chỉ hai thập kỷ trước đây. Các quan chức cho biết, dân số tăng cao và tình trạng bùng nổ xây dựng đã khiến các hồ chứa nước ngầm bị khai thác mạnh.

Rừng Mangar Bani đóng vai trò như một tầng ngậm nước quan trọng để nạp nước ngầm cho thủ đô New Delhi và các vùng ngoại ô.

Trận chiến giành giật Mangar Bani bắt đầu vào những năm 1980, khi các công ty bất động sản và các nhà đầu tư giàu có xếp hàng để mua từng miếng đất của dân làng.

“Khi mọi người thức tỉnh và nhận thấy những gì đã xảy ra, nhiều diện tích đất rừng đã được bán cho các công ty bất động sản”, Sunil Harsana, 28 tuổi, một người địa phương nói. “Dân làng đã ngăn chặn các công ty tiếp quản đất khi họ nhận ra rằng người mua thực sự muốn chặt cây và xây dựng công trình ở đó”.

Năm 2012, kế hoạch tổng thể phát triển khu vực thậm chí còn không thừa nhận sự tồn tại của rừng Mangar Bani. Các công ty bất động sản đã gửi 90 đơn thư cho chính quyền, kêu gọi họ công nhận chỗ đó là đất nông nghiệp. Trong khi đó, các nhà bảo vệ môi trường đề nghị nhà chức trách công nhận đó là khu rừng, như trong hồ sơ lưu trữ.

Một luật sư đại diện cho Công ty Kenwood Mercantile, sở hữu khoảng 200 mẫu đất rừng Mangar Bani, cho biết thân chủ của ông là nạn nhân của hồ sơ đất đai có sai sót. “Khách hàng của tôi đã mua đất từ người dân. Vài năm sau đó, dân làng bắt đầu nói, xin lỗi, đây là đất rừng “- luật sư Pinaki Mishra kể. “Nhưng hồ sơ hồi đó không gọi đây là đất rừng. Vấn đề là các hồ sơ đất của chính phủ không được cập nhật hoặc số hóa”, ông tranh luận.

Nhà thầu xây dựng cung cấp cho tòa án ảnh của rừng Mangar Bani trông khô héo khi được chụp vào mùa hè. Nhưng các nhà hoạt động phản đối bằng cách đưa hình ảnh của cánh rừng khi nó đang um tùm sau những cơn mưa đầu mùa. Một cuộc khảo sát cây ở Mangar Bani được tiến hành theo lệnh của tòa án cho thấy, tại đây có 30 loài cây với tổng số hơn 100.000 cây lớn.

Mới năm ngoái, ông Manohar Lal Khattar, Thủ hiến của bang Haryana, đã thực hiện chuyến khảo sát rừng bằng trực thăng trong suốt bốn giờ đồng hồ. Và ông đã bị thuyết phục. Năm nay, chính quyền đã ra lệnh cấm xây dựng trong rừng và vùng đệm 1.200 mẫu xung quanh nó.

Và bây giờ, các doanh nghiệp như Kenwood Mercantile không thể xây dựng trên đất rừng, dù họ có hồ sơ sở hữu một số diện tích nhất định.

Khattar cho biết ông “quyết tâm bảo vệ khu rừng thiêng Mangar Bani và phần còn lại của ngọn đồi Aravalli trong địa bàn vùng Haryana”. “An ninh nguồn nước ngầm của toàn bộ khu vực thủ đô phụ thuộc vào việc bảo vệ và bảo tồn các khu trữ nước trong vùng này”, ông Khattar nói. “Chúng tôi có trách nhiệm với thế hệ tương lai, và các công ty bất động sản sẽ phải rời xa khu vực sinh thái mỏng manh này”, ông nhấn mạnh.

Đối với các già làng, đây là chiến thắng của niềm tin vĩnh cửu của họ một lần nữa. “Chúng tôi tin rằng nếu bạn phá hỏng dù chỉ một cành cây trong rừng này để phục vụ nhu cầu cá nhân, bất hạnh sẽ đến với bạn”. Niềm tin trên đã giữ cho khu rừng sống gần ngàn năm qua, ông Fateh Singh, 90 tuổi, nói.

Trong hai năm qua, nhà phân tích môi trường Chetan Agarwal đã tổ chức hàng chục chuyến đi thực tế cho các trường học, mở các tour du lịch ngắm chim và các chuyến tham quan, nghiên cứu của sinh viên đại học và cả cư dân địa phương trong khu rừng này.

Ông muốn đào tạo một thế hệ mới những người bảo vệ rừng. “Họ phải hiểu khu rừng này có thể dễ dàng biến mất nếu họ không tỉnh táo”, ông nói.

Vào một ngày gần đây, cư dân, những người yêu thích cây, sinh viên, những người yêu chim và các nhà bảo tồn đã diễu hành ăn mừng chiến thắng. “Chẳng lẽ chúng ta lại để mất lá phổi cuối cùng của thành phố” - Nandini Gulati, một huấn luyện viên thể thao, nói. 

Minh Đức
(TBKTSG /Theo The Washington Post


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: