Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới High Line - Nốt trầm giữa phố

High Line - Nốt trầm giữa phố

Viết email In
Ngày cuối cùng ở New York trong hành trình tham quan vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, chúng tôi tới thăm Công ty kiến trúc Ronnette Riley nằm tại tầng 74 tòa nhà Empire State trên đại lộ số 5. Khung cảnh một góc thành phố vùng hạ Manhattan nhìn từ những cửa sổ mở rộng của văn phòng này thật ngoạn mục.


Khoảng xanh Washington nằm giữa đường W12 và W13 - Ảnh: Iwan Baan

Sau phần nghe giới thiệu tóm lược những thành tựu của công ty và chuyện trò trao đổi, chúng tôi nhờ chị Ronnette đề cử một công trình kiến trúc mới nhất và xứng đáng nhất ở New York hiện nay, theo đánh giá riêng của chị, để mọi người có thể đi tham quan trong buổi chiều. “High Line” - chị Ronnette bật trả lời ngay.

Sở dĩ tôi chọn công trình này vì nó mới, vừa khai trương hồi đầu tháng 6 vừa qua. Hơn nữa, tôi cũng muốn các bạn tới thăm một thiết kế công cộng, một hình ảnh khác với những tòa nhà cao tầng và những đại lộ hào nhoáng. Người dân New York mê High Line lắm. Các bạn biết gì không (chị cười và nháy mắt), nhờ có High Line mà giới kiến trúc sư chúng tôi bây giờ có thêm nhiều dự án thiết kế cho các tòa nhà mới đang thi nhau mọc lên hai bên công trình này đấy”.

High Line đẹp tới cỡ nào mà lại được người nữ kiến trúc sư nổi tiếng của New York này giới thiệu không chút đắn đo vậy? Chúng tôi ai cũng háo hức trên quãng đường đi bộ tới đó. Sử dụng thang ở đường West 16, chúng tôi lên đến độ cao ngang tầm ba tầng nhà và bắt gặp một công viên.


High Line nhìn từ trên cao lúc thành phố lên đèn, đoạn từ đường Gansevoort đến đến W13 - Ảnh: Iwan Baan

Một hình ảnh đơn giản có lối thiết kế theo phong cách những khu vườn đương đại, khó mà gây “choáng” cho những ai vốn mê các mảng công viên tỉa tót công phu kiểu phương Đông hay những khu vườn sum suê và sặc sỡ hoa lá kiểu phương Tây. Những thanh đá lát song song. Những khóm cỏ và cây xanh trồng xen tự nhiên. Ở một vài đoạn, hoa đã nở thưa thớt cũng rất tự nhiên.

Vào buổi xế trưa, nhưng đã có nhiều người đến công viên này. Số đông là du khách. Nhân viên văn phòng giải lao ngồi nhấm nháp cà phê và tán gẫu. Những người già tha thẩn đi dạo. Một nhóm học sinh trong buổi học ngoại khóa. Trên vài đoạn, có các gian triển lãm tranh ảnh, lôi cuốn số đông người khác. Bầu không gian thanh thản, khác hẳn với một New York hối hả ngay bên dưới. Có lẽ chính điều này khiến người ta thấy xúc động.

Một mảng xanh nhỏ nhoi giữa khu Manhattan san sát nhà cao tầng. Một khoảng mở để người ta thoát ngợp giữa các mảng tường gạch đỏ, phóng tầm mắt nhìn thấu ra phía bờ sông Hudson thoáng đãng ở phía tây hay ngược về hướng đường số 14 xem tầng tầng lớp lớp kiến trúc đan xen.

Không gian thư giãn chung có sự tính toán chu đáo cho mỗi người: những chiếc ghế tựa cho người lớn, những kiểu ghế dài nâng cao bất ngờ từ bề mặt đường là nơi cho đám thanh niên, những lối đi thuận tiện cho người tàn tật, và các bãi trống cho trẻ con tha hồ chạy nhảy…
  • Ảnh bên : Ảnh tư liệu do một tác giả vô danh chụp cảnh High Line năm 1934

High Line là công trình đường sắt trên cao có từ thập niên 1930, cong lượn hay thậm chí xuyên qua các khu nhà và cao ốc, giữa đại lộ số 10 và 11 ở khu phía Tây Manhattan. Ngừng hoạt động vào năm 1980, số phận High Line rơi vào cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai chủ trương: phá bỏ hay lưu giữ. Lệnh phá bỏ ban ra vào năm 1999 dưới thời thị trưởng Rudy Giuliani gặp phải những phản đối gay gắt. 

Đến năm 2002, thị trưởng Michael Bloomberg lên nắm quyền, ra chỉ thị ủng hộ chủ trương bảo tồn và tái sử dụng công trình. Nhưng việc lưu giữ một công trình kiến trúc cũ không đơn thuần như cất một món bảo vật vào tủ kính bảo tàng. Hơn nữa, High Line không sử dụng trong thời gian dài đã trở thành “vườn hoang” nên giữ lại sẽ gặp nhiều chuyện khó khăn.

Năm 2004, Hội Những người bạn của High Line, tổ chức phi lợi nhuận do Joshua David và Robert Hammond sáng lập, sau khi tham khảo ý kiến của dân chúng mong muốn mục đích sử dụng High Line làm chỗ vui chơi giải trí công cộng đã đứng ra tổ chức cuộc tranh tài thiết kế. Kết quả là nhóm gồm Công ty thiết kế cảnh quan Field Operations của kiến trúc sư James Corner và Công ty kiến trúc Diller Scofidio + Renfro được chọn.

Những đề án cải tạo được trưng bày rộng rãi cho người dân đóng góp ý kiến trước khi các cơ quan hữu trách cấp quyền thi công chính thức vào năm 2006. Công trình cải tạo High Line hiện mới chỉ hoàn tất đoạn từ đường Gansevoort của khu Meatpacking District đến đường số 20, theo kế hoạch sang đầu năm sau công trình hoàn tất và lúc ấy sẽ mở tới đường số 34.

Chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế dài để nghỉ ngơi sau khi đã đi dạo ở High Line hơn hai giờ đồng hồ. Mỗi người đều chìm vào suy nghĩ. Nghĩ thầm rằng chị Ronnette tinh tế quá chừng. Thật xúc động khi nhìn những thanh ray rỉ sét vẫn được trân trọng giữ lại bên cạnh những hạng mục thiết kế hiện đại, quan sát cách các thầy cô giáo đang hướng dẫn học trò vẽ, chụp ảnh, ghi chép từ những chi tiết cũ xưa này.

  • Ảnh bên : Cầu thang bộ Gansevoort, đoạn giữa đường Gansevoort và đường Washington - Ảnh: Iwan Baan

Biết so sánh kiểu gì thì cũng quá khập khiễng nhưng không khỏi chạnh nghĩ đến chuyện ngày xưa ở Sài Gòn đã tồn tại một tuyến đường sắt bắt đầu từ sân ga ngay gần chợ Bến Thành. Và sáng nay đọc báo biết thêm đoạn đường sắt bắc qua cầu Long Biên - Hà Nội đã có lệnh được dỡ bỏ. Chuyện phá thì bao giờ cũng dễ… 


Ảnh chụp High Line vào năm 2000 - Ảnh: Joel Sternfeld


Đoạn cải tạo phía bắc nằm giữa đường W16 và W17, nhìn về phía nam hướng ra Tượng Nữ thần Tự Do - Ảnh: Iwan Baan


Một góc nhìn ra mặt nước hướng nam, khu vực giữa đường W14 và W15 - Ảnh: Iwan Baan

PHAN ANH TẤN 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo