Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Tạo sự hoành tráng và đổi mới cho không gian công cộng ở Barcelona

Tạo sự hoành tráng và đổi mới cho không gian công cộng ở Barcelona

Viết email In

Kể từ năm 1979 khi nền dân chủ được khôi phục tại Tây Ban Nha, thành phố Barcelona bắt đầu tiến hành quá trình đổi mới các không gian công cộng (KGCC). Công cuộc này đã góp phần tạo dựng nền văn hoá đô thị chủ yếu dựa trên những mối liên hệ giữa các di sản cổ xưa và đương đại. Ngoài những khía cạnh về công năng và phong cách của các dự án quy hoạch mới, các nhà quy hoạch còn chú trọng đến những mối liên hệ đa dạng được hội tụ trong KGCC cũng như vai trò đảm bảo cấu trúc đô thị và ý nghĩa tiêu biểu của những không gian đó.


Tuyến bộ hành Rambla del Raval

“Tạo sự hoành tráng cho thành phố” thông qua KGCC nhằm tạo dựng một chất lượng đô thị rõ nét, đồng thời củng cố tính tượng trưng của cộng đồng đô thị là một ý tưởng xuyên suốt của những cuộc tranh luận về công cuộc đổi mới bộ mặt đô thị ở Barcelona trong suốt những năm 1980. Ban đầu ý tưởng này chủ yếu có liên quan tới bối cảnh chính trị khi nền dân chủ được khôi phục bởi khi đó tạo sự hoành tráng cho KGCC cũng có nghĩa là củng cố những nét đặc trưng và giúp cho người dân nhận diện rõ thành phố của mình thông qua những dự án quy hoạch mới. Như vậy, KGCC trở thành biểu tượng và phương tiện truyền tải nền dân chủ, một địa điểm giúp người dân tiếp cận với đời sống chính trị. Thời gian trôi qua, công cuộc tạo dựng tính hoành tráng đó dần tách khỏi lối tư duy mang tính hệ tư tưởng gắn với một sự kiện lịch sử đặc biệt, song vẫn được duy trì như một quá trình tìm kiếm những cơ chế thiết lập dự án có khả năng tạo ra những không gian mang nhiều ý nghĩa cho các đối tượng sử dụng. Bên cạnh việc dựng những tượng đài lớn và tìm kiếm những phong cách kiến trúc đặc biệt, việc xử lý các công trình di sản lịch sử cũng góp phần không nhỏ làm phong phú thêm tính hoành tráng của KGCC.

Kết hợp các di sản đô thị

Chính quyền thành phố Barcelona không chủ trương bảo tồn di sản một cách quá cứng nhắc dễ khiến cho các khu phố cổ trở thành một dạng bảo tàng mà mong muốn tạo sự thay đổi cho những khu phố này theo nguyên tắc vẫn phù hợp với các giá trị di sản nhưng vẫn coi chúng như những thực thể sống động và luôn biến đổi của thành phố. Lựa chọn đó không hẳn là không có nguy cơ bởi ngay từ những năm cuối thập niên 90, nhiều nhà phân tích đã xem xét lại chính sách bảo tồn di sản của chính quyền thành phố và ít nhất cũng đã nhận định rằng đó là một chính sách dễ thay đổi thất thường, thiếu nhất quán. Tuy nhiên, mặc dù chủ trương tạo sự hoà đồng của di sản vào quá trình biến đổi đô thị là một cách làm không hề đơn giản song vẫn cho phép vượt qua được quan điểm hoài cổ đơn thuần khi chỉ nhìn nhận giá trị của di sản lịch sử như một di tích của quá khứ, đồng thời giúp làm phong phú thêm những giá trị có tính chất tượng trưng (trong đó có tính hoành tráng) với tư cách là bằng chứng của một giai đoạn lịch sử sẵn sàng đón nhận sự đóng góp của nhiều thế hệ trong công cuộc tạo dựng và phát triển của thành phố.

Đối với thành phố Barcelona, việc quy hoạch những KGCC quan trọng trong khu phố cổ Ciutat Vella cho thấy rõ chủ trương tiếp tục tạo sự thay đổi trong các khu trung tâm đô thị cổ, đặc biệt là dự án quy hoạch tuyến bộ hành Rambla del Raval ở vị trí trung tâm khu Raval phía tây và nối dài đại lộ Avinguda Cambó ở vị trí trung tâm khu phố cổ phía đông. Để quy hoạch các KGCC này, một mặt các nhà quy hoạch đã chú trọng tới những hình thái cấu trúc không gian đô thị xung quanh nhằm tái hiện các không gian đô thị cổ theo một hình thức mang tính đương đại, mặt khác kết hợp giữa việc quy hoạch không gian thoáng sẵn có với cải tạo các quần thể công trình, trong đó có lồng ghép những dấu ấn của di sản (dấu vết của những con đường cũ, những thửa đất cũ, khôi phục những gam màu cổ xưa…).

Từ giữa những năm 1980, các hạng mục quy hoạch tuyến bộ hành Rambla del Raval và nối dài đại lộ Avinguda Cambó đã dẫn tới việc phá bỏ những khu nhà nằm trong các khu phố có từ thời Trung cổ trên một diện tích khoảng 32.000 m2. Cả hai dự án đều nằm trong phạm vi ban đầu được dự kiến để quy hoạch các tuyến đường chạy xuyên qua khu phố cổ nhằm nối khu vực này với mạng lưới những tuyến phố mới hình ô bàn cờ của khu Eixample – khu vực được mở rộng vào thế kỷ 19. Hướng tuyến quy hoạch của những con đường này đã xuất hiện lần đầu tiên trên sơ đồ do Ildefons Cerdà lập từ năm 1859 và sau đó còn được thể hiện lại trong nhiều sơ đồ quy hoạch khác. Nhưng đến năm 1980, dự án đó đã bị bãi bỏ và những ý tưởng quy hoạch các KGCC quy mô lớn bắt đầu được hình thành.

Quy hoạch tuyến bộ hành Rambla del Raval và nối dài đại lộ Avinguda Cambó

(Ảnh bên : Các dự án quy hoạch Rambla del Raval qua các thời kỳ)

Trong trường hợp của Rambla del Raval, vấn đề hình dạng đã được đặt ra ngay từ đầu. Dự án được lập trong những năm 1982 – 1985 đã đáp ứng được những tiêu chí cơ bản liên quan đến KGCC kiểu truyền thống. Với chiều dài 300 mét và chiều rộng 60 mét, Rambla del Raval có dáng dấp của một quảng trường kiểu Italia bởi ở hai đầu được kết bằng hai công trình xây mới dạng cổng vòm. Thậm chí người ta còn thấy trong dự án này thấp thoáng bóng dáng của quảng trường Navona ở Roma. Mười năm sau, khi khâu giải phóng mặt bằng gần như đã hoàn tất và chuẩn bị khởi công, các nhà quy hoạch chợt nhận ra rằng kiểu quảng trường theo phong cách Italia sẽ làm mất đi diện mạo của khu vực xung quanh nên đã từ bỏ ý tưởng này và thay bằng một kiểu quảng trường chạy thẳng tắp và rất thực dụng chỉ nhằm tạo ra một trục giao thông trước đó chưa từng tồn tại trong khu Raval. Quan điểm quy hoạch thiếu nhạy cảm với giá trị di sản như vậy đã gây ra một cuộc tranh luận trong những năm cuối của thập niên 90 về việc liệu có cần chia nhỏ tiếp không gian này hay không. Theo dự án lập năm 2000, hình dạng của quảng trường này không có gì thay đổi, nhưng quá trình tranh luận đã dẫn tới một kết luận khá bất ngờ: với quy mô rộng như vậy, Rambla del Raval rất phù hợp với một hình dạng quảng trường trong khu Ciutat Vella. Đó là một phiên bản có tính đương đại của pla – không gian mở tại điểm giao cắt của những trục đường lớn ở Barcelona từ thời Trung cổ và là địa điểm được ưa chuộng trong đời sống của người dân thành thị – trong đó có Pla de la Boqueria. Chính nhờ vào vị trí trung tâm của mình mà Rambla del Raval hiện có chức năng như một không gian gặp gỡ thực sự và mặc dù có quy mô tương đối lớn song vẫn rất hoà nhập với cấu trúc đô thị cổ.

Ngoài vấn đề xem xét lại hình thái của những KGCC mới trong khu Ciutat Vella, dự án quy hoạch Rambla del Raval còn là một sự đóng góp cơ bản tạo dựng văn hoá KGCC của thành phố. Đó là một trong những dự án tổng thể hiếm hoi về KGCC, tức là xử lý cả các quần thể xây dựng xung quanh cũng như phần không gian trống. Trọng tâm của dự án là những yếu tố tham chiếu liên quan tới di sản đô thị cổ. Một mặt, nội dung dự án đề xuất khôi phục lại toàn bộ các mặt tiền bao quanh không gian mới. Đây là kết quả của một nghiên cứu về phong cách và màu sắc của lối kiến trúc đại chúng thuộc nửa đầu thế kỷ 19, khi khu vực này được đô thị hoá. Mặt khác, dự án cũng bao gồm phần xử lý lối đi trung tâm kết hợp cả thảm cỏ và mặt nền đường được lát đá với những đường nét tái hiện lại dấu vết nền móng của những ngôi nhà đã bị phá bỏ nhằm lưu giữ lại ký ức về các thửa đất cũ.
 
Những nội dung tranh luận và kinh nghiệm thu được từ dự án quy hoạch Rambla del Raval đã có ảnh hưởng tới dự án nối dài đại lộ Avinguda Cambó tuy đại lộ này có quy mô lớn hơn nhiều. Từ năm 1982 đến năm 1985, hàng loạt đề xuất đã được đưa ra nhằm kết hợp giữa khối tích của các công trình xây dựng với những không gian mới có chức năng tạo sự chuyển tiếp. Nhưng sau nhiều cuộc tranh luận về hình thái, không có đề xuất nào thực sự có tính thuyết phục về giải pháp lồng ghép các không gian mới vào cấu trúc đô thị hiện có. Cho đến tận năm 1995, giai đoạn thiết kế mới thực sự kết thúc với đề xuất cuối cùng được lựa chọn là thực hiện dự án sao cho ở mức độ đơn giản nhất. Giải pháp đưa ra là xây dựng ba khối nhà liên tiếp nhưng tách biệt nhau, hoàn toàn độc lập nếu không muốn nói là chẳng ăn nhập gì với khu vực xung quanh. Sau khi xây xong khối nhà đầu tiên, các cuộc tranh luận lại bùng lên liên quan đến ảnh hưởng của những công trình này đối với khu Ciutat Vella để rồi cuối cùng dự án lại phải đưa ra xem xét lại hoàn toàn. Đến năm 1997, dự án chính thức được thông qua dựa trên một nghiên cứu về đặc điểm của những không gian có từ thời Trung cổ trong khu vực, đồng thời tập trung vào xử lý khối tích của những toà nhà được dự kiến xây dựng, thiết kế hướng tuyến không đều đặn và phối hợp giữa các cảnh quan tạo ấn tượng bất ngờ, tạo lập nhiều lối đi giao cắt nhau. Những không gian đó tái hiện lại những đặc điểm của các không gian có từ thời Trung cổ nhưng theo một phong cách mang tính đương đại và tạo được một sự đối thoại giữa cái mới và cái cũ.

Ngoài những tranh luận về một số điểm quá rườm rà hay quá chú trọng tới yếu tố kiến trúc thì quá trình thực hiện các dự án dọc theo phần nối dài của đại lộ Avinguda Cambó đã cho thấy sự chú trọng tới những hình thái đó trong các dự án có thể trở thành một công cụ hiệu quả để phát huy giá trị của di sản có ý nghĩa nuôi dưỡng KGCC. Cũng thông qua dự án này, có thể thấy rõ việc nghiên cứu tiềm năng của di sản đô thị cổ vốn đã được tích luỹ qua nhiều giai đoạn chuyển hoá liên tục sẽ tạo nên ý nghĩa và chất lượng cho những KGCC mới.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo