Những "đô thị ma": Thành Công thị ở Côn Minh (Trung Quốc)

Thứ hai, 26 Tháng 3 2012 09:07 Người Lao Động
In

Thành Công được quy hoạch như một khu đô thị mới của thành phố Côn Minh - Trung Quốc với hàng trăm ngàn căn hộ không người ở sau hơn 8 năm xây dựng. 

Mọi sự bắt đầu từ tháng 5/2003. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vân Nam - Trung Quốc ra nghị quyết xây huyện mới Thành Công (gọi tắt là Thành Công) nằm bên bờ hồ Điền Thị nổi tiếng ở phía Nam Côn Minh, thủ phủ của tỉnh. Dự án trên nằm trong chiến lược mới mang tên “Côn Minh mới và hiện đại”. Sự thành công vang dội của Phố Đông, khu đô thị mới của Thượng Hải, là động lực để chính quyền Vân Nam đầu tư vào dự án Thành Công.  

Tầm nhìn quy hoạch 

Gọi là huyện nhưng thực chất Thành Công được quy hoạch như một đô thị mới hiện đại và rộng lớn hơn thành phố Côn Minh hiện tại. Nhà triển lãm quy hoạch đô thị Côn Minh cho biết Thành Công sẽ là trung tâm hành chính, thương mại, giáo dục, văn hóa, công nghiệp mũi nhọn, triển lãm và hậu cần của tỉnh Vân Nam. Dân số Thành Công sẽ đạt 1,5 triệu người, trong đó có 300.000 người sống tại khu trung tâm vào năm 2020. 

Cùng với huyện Tùng Minh và 6 thị trấn vệ tinh Di Lương, An Ninh, Phúc Anh, Khúc Kinh, Du Tây và Từ Hùng, huyện mới Thành Công sẽ nâng tổng số dân của thành phố Côn Minh lên 7-8 triệu người. Số dân hiện nay ở Côn Minh là 6,3 triệu người.  

Thành Công cũng sẽ trở thành trung tâm đường sắt với 143 km tuyến đường mới dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay. Một tuyến xe điện ngầm nối liền các khu đô thị đang khẩn trương xây dựng giai đoạn đầu. Sân bay quốc tế Vũ Gia Bá Côn Minh mới cũng đang xây dựng tại đây. 

Là một trung tâm giáo dục, Thành Công hiện có 2 trường đại học mới hoành tráng là Đại học Vân Nam và Đại học Sư phạm Vân Nam. Khu đại học mới khi hoàn tất sẽ có thêm 10 trường đại học. Thành Công cũng có một số trường trung học hiện đại, hồ bơi và sân thể thao đúng tiêu chuẩn quốc tế. 

Không bình thường 

Sau 8 năm xây dựng, khu đô thị mới Thành Công ra sao? Michael Gsovski, một nhà báo Mỹ từng sinh sống thời gian dài ở Côn Minh, tường thuật trong một bài báo như sau: 

“Ở Đông Nam Côn Minh có một thành phố mới mọc lên. Dọc hai bên đường rộng thênh thang là những khu nhà căn hộ cao cấp đồ sộ. Cứ vài cây số lại có một công viên rộng và thiết kế rất đẹp như mọi công viên ở Côn Minh. Dọc các xa lộ mới xây, đất đai xưa kia là đồng ruộng nay biến thành những khu ngoại ô hiện đại như các khu ngoại ô của Hồng Kông hay Tokyo chỉ trong vòng 10 năm.

Thế nhưng, có một cái gì đó không được bình thường. Đường sá nội thành rất thưa thớt xe hơi. Hai phút mới thấy một chiếc chạy qua. Không giống đa số các thành phố Trung Quốc khác, không thấy cửa hàng bán quần áo hay tiệm mì mở cửa bán hàng trên đường phố. Chỉ thấy toàn cửa hàng bán vật liệu xây dựng và văn phòng môi giới địa ốc. Các ông chủ ở đây cho biết bán hàng rất chậm - một tuần trung bình chỉ có 1 - 2 khách đến giao dịch. Ấn tượng sâu sắc nhất là các công viên vắng bóng những người về hưu đến tập thái cực quyền hay khiêu vũ như công viên các thành phố khác”. 

“Sự yên tĩnh kỳ lạ nói trên chỉ được giải thích sau khi tôi tìm hiểu kỹ - Gsovski cho biết. Hầu hết các chung cư cao tầng ở khu đô thị mới Thành Công chỉ có từ 10% đến 16% cửa sổ treo màn - chứng tỏ có người ở. Vậy mà chẳng thấy nơi nào treo biển bán nhà. Hóa ra, tất cả những căn hộ từ trung cấp đến cao cấp đã xây dựng ở đây đều có chủ. Chỉ có điều, họ mua để đó mà không ở, cho nên Thành Công mới trở thành “đô thị ma”. Hiện tượng này phổ biến tại nhiều đô thị mới ở Trung Quốc.

Nói về thứ hạng, Thành Công chỉ kém một chút so với khu đô thị mới Khang Bách Thị 1 triệu dân của thành phố Ordos ở Nội Mông. Cả hai đều nổi tiếng là những “đô thị ma” lớn nhất châu Á. 

Sẽ bán công sở cho tư nhân? 

Holly Krambeck, cán bộ Ngân hàng Thế giới (WB), sau khi đến thăm Thành Công hồi tháng 10/2010 cũng có những nhận định tương tự nhà báo Michael Gsovski. WB hỗ trợ chương trình phát triển hệ thống tàu điện nối liền Côn Minh với Thành Công. 

Krambeck cho biết khu đô thị mới Thành Công có hàng trăm ngàn căn hộ không người ở, rất nhiều con đường trồng cây xanh nhưng không có xe chạy, những khu cao ốc văn phòng không nhân viên và rất nhiều văn phòng môi giới địa ốc không có khách. 

“Tôi và các đồng nghiệp ở WB đã đi lang thang ở khu trung tâm Thành Công trên những đại lộ rộng 8 làn xe, có làn riêng cho xe buýt mà không thấy bóng người”- Krambeck kể lại. 

Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất mà Thành Công để lại cho Krambeck là khu công sở 13 tòa nhà lộng lẫy với vách đá hoa cương, đường nét hiện đại đã hoàn tất nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động. Một người dân địa phương tiết lộ với Krambeck rằng bởi Thành Công có quá ít người ở nên chính quyền Côn Minh chưa thể dời các cơ quan chính quyền về khu đô thị mới. 

Từ đó, có tin đồn nhiều công sở sẽ được bán lại cho tư nhân. Tuy nhiên, theo Krambeck, đó chỉ là tin đồn. Ông tin rằng sau khi hệ thống tàu điện hoàn thành, “đô thị ma” Thành Công sẽ được thổi vào một làn sinh khí, thu hút dân về ở. 

Nguyễn Cao 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: