Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Tháp Tokyo: Nơi tương lai nước Nhật đã đi qua

Tháp Tokyo: Nơi tương lai nước Nhật đã đi qua

Viết email In

Tháp được dựng lên giữa một thành phố vẫn còn hoang tàn sau chiến tranh, trên nền của một ngôi đền Phật giáo cổ, với nguyên liệu là thép từ những chiếc xe tăng Mỹ đã bị tháo rời. Nhưng khi hoàn thành vào năm 1958, Tháp Tokyo trở thành biểu tượng của nước Nhật vì nó chỉ ra con đường tới một tương lai tươi sáng hơn.

Công trình cao 1.093 foot (khoảng 333 mét), thiết kế giống như tháp Eiffel nhưng có ‘sọc’ cam và trắng. Tháp cũng là công trình thép tự đỡ cao nhất thế giới, tính đến cả thời điểm này. Danh hiệu ấy, cùng với việc ngọn tháp được dùng để phát sóng truyền hình màu, đã biến nó thành một biểu tượng tức thời của tham vọng phát triển công nghệ vào thời bình của nước Nhật.

  • Ảnh bên : Tháp Tokyo, cao 333m, vẫn đang là tòa tháp thép tự đỡ cao nhất thế giới.

Dù chưa từng được công nhận trên phạm vi thế giới như người anh em gốc Paris hay tượng Nữ thần Tự do, tháp Tokyo vẫn là một thắng cảnh trong cái thành phố nay đã trở thành rộng lớn và phong lưu. Nhưng sau nửa thế kỷ, ngọn tháp già cỗi đã không còn được chú ý và tạo cảm hứng như trước đây nữa.

Tháp Tokyo tròn 50 tuổi vào tuần trước và tạo ra một làn sóng thông tin hoài cổ trên các phương tiện truyền thông khắp nước Nhật. Truyền hình phát những hình ảnh đen trắng đầy nhiễu về ngọn tháp, gọi nó là một phần của thời kỳ phát triển vượt bậc đã qua, cùng với những thành tựu như tàu siêu tốc hay Thế Vận Hội mùa hè 1964 ở Tokyo.

Thực ra, ngọn tháp dường như đã có được một vị trí mới trong suy nghĩ của đất nước [Nhật Bản], lần này là một tượng đài ghi nhớ một quá khứ tối tăm. Thay đổi đến đúng vào lúc cả nước Nhật dường như đã mất niềm tin vào tương lai, hoặc đã buông xuôi để chìm dần vào suy thoái.

Thay đổi này cũng nói lên một điều quan trọng hơn: thời gian có thể xoay chuyển ý nghĩa của một biểu tượng quốc gia – ngay cả khi đó là một biểu tượng lớn cỡ Tháp Tokyo.

Tháp Tokyo đã đứng đó vì một giấc mơ về tương lai, nhưng nay thì giấc mơ ấy không còn,” Masanori Nakamura, giáo sư danh dự (đã về hưu) của đại học Hitotsubashi ở Tokyo, nói. “Tháp Tokyo không cho người ta giấc mơ nào nữa, cũng như nước Nhật không còn ước mơ nào cả.”

Những năm gần đây, Tháp Tokyo trở nên khó nhận ra hơn giữa rừng những tòa nhà kính chọc trời của thành phố, vốn đang ngày một nhiều lên. Năm 2011, nó sẽ mất danh hiệu vẫn giữ từ bấy lâu nay – công trình cao nhất thành phố - về tay một tháp truyền hình mới. Ngọn tháp có cái tên khá kỳ cục - Tokyo Sky Tree (Cây trời Tokyo) – sẽ cao 2.003 foot, gần gấp đôi Tháp Tokyo.

Dù vậy, ngọn tháp, với thành tích thu hút khoảng 157 triệu lượt khách tham quan từ khi được mở cửa, vẫn còn một chỗ trong tâm hồn thành phố. Thứ ba tuần trước, hơn 20.000 khách đã tới dự tiệc sinh nhật thứ 50 [của tháp]. Họ xếp thành những hàng dài, suốt nhiều giờ để lên tháng máy, tới một trong hai khu vực quan sát của tháp. Chủ ngọn tháp, Nippon Television City, đã đầu tư 6.5 triệu USD để trang trí lại toàn bộ bằng hệ thống đèn Diamond Veil, gồm 276 bóng đèn (tổng cộng có 7 màu khác nhau) để phục vụ lễ kỷ niệm.

  • Ảnh bên : Du khách chen chúc trong thang máy lên đài quan sát nhân dịp ‘sinh nhật’ tháp.

Khách tham quan và những người dân sống gần đó miêu tả tòa tháp bằng những từ ngữ trìu mến, coi tòa tháp như một người bạn già, người đã đứng bên họ nhiều thập kỷ, trải qua bao biến động xã hội và kinh tế.

Với thế hệ của bố tôi thì Tháp Toky là biểu tượng của Tokyo mới mà họ muốn xây dựng,” Midori Tajima, 60 tuổi, chủ một cửa hàng máy ảnh gần tháp nói. “Còn với thế hệ tôi, nó [tháp] đã quan sát chúng tôi suốt 50 năm qua, dù mọi thứ khác dường như đều thay đổi.”

Khi tháp được xây xong thì bà Tajima mới chỉ học lớp bốn. Nay bà ăn mừng lễ kỷ niệm này bằng cách trưng bày những bức ảnh xưa trong cửa hàng của mình, trong đó có một ảnh chụp từ năm 1958, cho thấy tòa tháp đứng sừng sững giữa một rừng nhà bằng gỗ và xe điện mà nay đã không còn.

Khi được khánh thành, Tháp Tokyo cao hơn khoảng 900 foot so với công trình cao nhất tại thủ đô của nước Nhật vào thời ấy, tòa nhà Quốc hội. Người già kể, khi tháp được dựng xong, có tin đồn rằng đứng trên đỉnh tháp là thấy được cả Hawaii.

Trước khi qua đời vào năm 1986, người thiết kế ngọn tháp, Hisakichi Maeda, cựu chủ nhân của tờ báo cánh tả Sankei Shimbun, gọi đây là “một thắng lợi của công nghệ Nhật Bản”. Ngọn tháp tiêu tốn 8.4 triệu USD kinh phí – tính theo giá trị đương thời - và chỉ dùng xe tăng hỏng trong cuộc chiến Triều Tiên, một trong những nguồn thép tốt rất hiếm hoi vào thời bấy giờ.

Phong trào hoài cổ gần đây đã làm hồi sinh danh tiếng của tháp. Sau hơn một thập kỷ lượng khách tham quan giảm dần, con số này đã tăng khoảng 50% trong vòng 3 năm trở lại đây, và đạt mức 3.2 triệu lượt vào năm ngoái – theo số liệu của Nippon City.

Phong trào hoài cổ này được thúc đẩy một phần nhờ hàng loạt tiểu thuyết và phim gần đây có nhắc đến ngọn tháp. Một trong những sản phẩm điện ảnh đầu tiên có nói tới Tháp Tokyo là phim “Mothra”, một bộ phim kinh dị năm 1961, trong đó có cảnh một con sâu khổng lồ quấn lấy đỉnh tháp.

  • Ảnh bên : Quang cảnh Tokyo nhìn từ đỉnh tháp

Trong các sách và phim gần đây, ngọn tháp thường xuất hiện như một ẩn dụ về cái mà đất nước đang già cỗi này đã mất trong vài thập kỷ qua: mục tiêu chung và tinh thần lạc quan tuổi trẻ, những thứ đã làm nên phép màu kinh tế, hoặc thậm chí là lối sống giản dị hơn, trước khi nước Nhật trở thành một siêu cường kinh tế.

Nhu cầu tìm hiểu lịch sử tòa tháp lên cao đến nỗi chủ nhân của nó đã phải mời các công nhân tham gia xây dựng… thôi nghỉ hưu để đi nói chuyện tại các trường học, đi theo các đoàn du lịch hoặc với báo chí. Một trong số những người được mời là Goro Kiryu, 76 tuổi, kể rằng việc vặn bu –lông trên tháp cũng chỉ như những công việc khác thời ấy, dù rằng phải ngồi ở độ cao bất thường và chịu gió dữ dội.

Thời ấy, ai cũng làm việc rất chăm để cải thiện đời sống,” ông Kiryu nói. “Giờ tôi mới nhận ra rằng Tháp Tokyo là công trình cả đời mình.”

Công ty [Nippon City] kỳ vọng làn sóng hoài cổ này sẽ giúp cho tòa tháp tiếp tục sinh lời, sau khi các đài truyền hình tuyên bố họ sẽ chuyển thiết bị phát sóng sang Sky Tree. Cũng vì lo sẽ mất khác về tay “gã cao kều” mới xuất hiện, Nippon City nói rằng họ sẽ phục hồi lại nét cổ xưa của tòa tháp để khai thác khía cạnh lịch sử.

Tháp Tokyo là một phần của lịch sử Tokyo,” ông Tatsuo Matsuzawa, giám đốc điều hành, nói. “Chúng tôi muốn nó sống thêm nửa thế kỹ nữa.”

Đông Quang dịch 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo