Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Havana - cảm hứng về một nền nông nghiệp đô thị đích thực

Havana - cảm hứng về một nền nông nghiệp đô thị đích thực

Viết email In

Bạn có biết, mỗi ngày, thủ đô London của Anh tiêu thụ đến 30 triệu bữa ăn. Nghĩa là hàng triệu lượt xe đến và đi tới các cửa hàng và nhà ăn theo một thời gian biểu chặt chẽ, phức tạp trong một tổng thể các quy trình sản xuất, vận tải và phân phối. Những quy trình đó đang diễn ra hàng ngày, tương tự ở nhiều đô thị lớn trên thế giới. 

Chúng ta nhiều lúc mặc định rằng hệ thống đó không bao giờ gặp trục trặc. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu những chiếc xe tải đó dừng lại? Nghe có vẻ phi thực tế nhưng thực sự thì chuyện đó đã xảy ra, và cách đây không lâu lắm.

 


Một nông dân của Havana đang canh tác, phía xa là tượng đài Jose Marti 

Năm 1989, hơn 57% lượng calo hấp thụ của Cuba đến từ lương thực nhập khẩu từ Liên Xô. Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Cuba đột nhiên trở thành đơn độc trong việc cung ứng thức ăn cho dân số của mình - trong đó có 2,2 triệu dân ở Havana (thành phố lớn nhất vùng Caribe). Không chỉ mất đi nguồn lương thực nhập khẩu, Cuba còn phải chịu lệnh cấm vận của Mỹ, khiến cho việc vận tải lương thực từ nông thôn ra thành thị gặp khó khăn do tình trạng thiếu xăng dầu. Lượng nhập khẩu lương thực của Cuba giảm 70% từ năm 1989 đến năm 1993. Một thảm họa thực sự. 

Chủ tịch Fiedel Castro đã phải nhấn mạnh vào năm 1991: "Vấn đề lương thực đang là ưu tiên số một." 

Câu chuyện sắp kể ở đây là một minh chứng tuyệt vời về tính thích ứng và sự sáng tạo. 

Nhìn vào Havana những năm 90, khi việc thiếu lương thực trên diện rộng diễn ra, cư dân ở đây đã phải làm điều duy nhất có thể - tự nuôi miệng ăn bằng đôi bàn tay của mình. 

Trên ban công, trên mái nhà, ở sân sau...người ta trồng đậu, cà chua và chuối - bất cứ thứ gì, và bất cứ nơi đâu có thể. Người Havana bắt đầu với sự thiếu thốn đủ thứ: đất trồng, dụng cụ, cây giống, kiến thức... Tìm ra không gian để trồng trọt trong đô thị chật chội không hề dễ dàng. Havana cũng thiếu nước để trồng trọt vào mùa khô, từ tháng 4 tới tháng 11. Lớp đất mặt của Havana cũng không thể nói là giàu dinh dưỡng, cần nhiều thời gian cải tạo. Vậy mà chỉ trong vòng 2 năm, vườn tược và nông trại mọc lên trong mọi khu ở của Havana. 

Bộ Nông nghiệp Cuba và chính quyền thành phố Havana ủng hộ phong trào này, và cùng nhau thành lập Sở nông nghiệp đô thị vào năm 1994. Sở này ban đầu tập trung vào việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho các nhà nông ở thành thị này và giao đất không thu phí cho tất cả cư dân muốn trồng trọt trong thành phố. Tuy nhiên đất vẫn thuộc sở hữu của nhà nước và sẽ bị thu hồi nếu việc sử dụng không hiệu quả. Hiện nay Sở còn có chức năng khuyến nông: cung cấp và phổ biến kiến thức nông nghiệp, lập các trung tâm hướng dẫn, các câu lạc bộ nông nghiệp và cung cấp cây giống. Có tới 12 trung tâm phân phối giống và thiết bị sản xuất nông nghiệp được lập ra ở Havana: cung cấp giống cây trồng, phân bón, nông cụ... Không thể không kể tới những câu lạc bộ nông nghiệp tự phát, với nhu cầu cấp thiết và chính đáng, đã tự mình giải quyết nhiều khó khăn cho nhà nông ở Havana. 

Nền nông nghiệp đô thị của Havana rất đa dạng: từ các khu vườn tư nhân (tiếng địa phương là huertos privados) cho tới những khu vườn nghiên cứu của nhà nước (organicponicos), trong đó loại hình vườn phổ thông (huertos populares) là thường thấy nhất. Các số liệu của Cuba rất khó tiếp cận, nhưng vào năm 1995 có khoảng 26000 miếng đất vườn trong 43 quận của Havana. Những khu vườn cũng rất đa dạng về kích thước, từ vài mét vuông cho tới vài ba hecta. Mức độ chia sẻ cũng đa dạng, từ một người canh tác cho tới 70 người tham gia trên một thửa vườn. Những khu vườn dạng này thường là trên những khu đất trống hoặc bỏ hoang vì những công trình cũ trên đó hư hỏng. Vườn tược được canh tác trên nền bê tông. 

Lựa chọn canh tác cũng rất phong phú dựa trên nhu cầu của các hộ gia đình, nhu cầu thị trường cũng như tính phù hợp với chất lượng đất và điều kiện địa phương. Quá trình sản xuất đạt được mức đầu vào tối thiểu nhờ áp dụng những nguyên lí trồng trọt bài bản: chi phí thấp, tính sẵn sàng cao và thân thiện với môi trường... Người ta hiếm khi sử dụng chất hóa học trong canh tác, thay vào đó là phân bón hữu cơ như chất thải của gia súc- gia cầm hay các hỗn hợp chế biến từ rác thải gia đình.

"Chúng tôi trồng đủ các loại rau" - anh Emilio Andres, một cư dân Havana hồ hởi nói - "Chúng tôi bán cho mọi người, cho nhà trường, bệnh viện, cả nhà hàng nữa." 

Khu ruộng Emilio đang làm cùng với đồng nghiệp vốn là một khu để xe. Hiện nay, 170 người thuộc một đơn vị nhà nước có tên Alamo Organiponico, đang khai thác và canh tác mảnh đất này. Có thể dễ dàng thấy những chung cư thấp tầng nằm xung quanh. Trên ruộng là những cặp bò đang kéo cày. Sức kéo lạc hậu này vẫn phổ biến ở Cuba, do tình trạng khan hiếm xăng dầu, dù mỗi ngày Cuba vẫn nhận được 100000 thùng dầu miễn phí từ đồng minh Venezuela. Một cảnh tượng thú vị. 

"Chúng tôi không xịt bất cứ thứ thuốc hóa học" - vẫn lời Emilio - "Chúng tôi chỉ dùng một loại chế phẩm sinh học kiểu bastilos, một loại vi khuẩn và nấm dùng để diệt sâu bọ. Chúng tôi làm ra những thứ thức ăn rất lành mạnh." 

Người Havana còn tối ưu mức sử dụng đất bằng cách canh tác đa tầng lớp trên một diện tích, trong lòng đất - trên mặt đất và treo cả trên cao. Một sự kết hợp phổ biến đó là trồng sắn (cây cao cho bóng mát), khoai tây ngọt (che phủ đất) và các loại đậu (dưỡng đất với nitro).

Những tác động tích cực ở trên khiến cho hiện nay, có tới 30% đất có thể canh tác được sử dụng, hơn 30000 người tham gia sản xuất nông nghiệp và hơn 8000 vườn & nông trại ở Havana. Rất nhiều trong số đó hoạt động theo hướng tự cung tự cấp: cho cá nhân - gia đình, hay cho một cơ sở (nhà hàng, quán cafe...) hay tập thể (cơ quan nhà nước).

Sản lượng nông nghiệp của một đô thị như Havana là rất ấn tượng. Hơn 30000 tấn rau củ, 3650 tấn thịt, 7,5 triệu quả trứng và 3,6 tấn thảo dược là những thống kê có từ năm 1997.

Những con số ấn tượng đó có được trong bối cảnh Cuba hiện vẫn đang bị cấm vận, và công nghệ họ sử dụng trong nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế.

Người dân Havana tận dụng cả không gian công cộng trong khu ở. Một hình ảnh phổ biến là những thảm cỏ hay sân chơi trong các khu ở biến thành vườn rau chung cho cộng đồng nơi đó. Người ta phải hy sinh vì những nhu cầu thiết thực hơn. Nhưng nhìn vào những vườn rau xanh đó, những nhà thiết kế và quản lý đô thị lại thấy hứa hẹn nhiều ý tưởng. Vẫn là không gian xanh, nhưng ý nghĩa của nó giờ còn lớn hơn thế.

Khi mà việc sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến, nền nông nghiệp đô thị của Havana đã trở thành một cách biểu hiện tự nhiên cho con người nơi đây, nỗ lực không ngừng cho những nhu cầu cơ bản của họ. Xét cả về chính trị hay kinh tế, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ theo kiểu ở đây cung cấp một nền tảng tuyệt vời để thiết kế nên một không gian sống ấn tượng và phù hợp cho người Havana. Nói cách khác, vấn đề lương thực đã trở thành yếu tố then chốt trong việc định hình thành phố này.


Một dự án cảnh quan tận dụng cảnh quan nông nghiệp đô thị quanh khu vực trung tâm của Havana 

Sự tự nhiên của nền nông nghiệp đô thị nơi đây cũng như nhu cầu ăn uống của con người vậy. Những mảnh ruộng và cảnh tương canh tác ngay trong thành phố trở thành một yếu tố tự nhiên mà các nhà quản lý đô thị và các nhà thiết kế phải tính đến mỗi khi có những dự định với Havana. 

Dĩ nhiên, mô hình nông nghiệp đô thị của Cuba chưa phải hoàn hảo, khi mà vẫn có những nghi ngờ về chính sách: năm 2008, chủ tịch Raul Castro với lời hứa đem lại sức sống mới cho ngành nông nghiệp, đã cho phép nhập khẩu lương thực trở lại. Áp lực và sự bức thiết về nhu cầu lương thực đối với Havana được giảm tải. 

Khái niệm "nông nghiệp đô thị" nổi lên khoảng 20 năm trở lại đây ở các nước phát triển, cùng với chủ đề phát triển bền vững. Nhưng phải chăng, thiếu một biến cố như sự kiện 1991 đối với Havana, mà các đô thị ở các nước phát triển chưa đạt được sự thành công như của Thủ đô Cuba, và các học giả phương Tây vẫn đang tìm đến Havana như một hình mẫu thành công của nông nghiệp đô thị và một câu chuyện thú vị bậc nhất trong lĩnh vực quản lý đô thị của thế giới. 

Giới học giả cũng đã rút ra những nhận định chung về sự thành công của Havana. Trong đó cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ là hết sức thiết yếu cho sự thành công của hệ thống sản xuất lương thực đô thị. Việc phổ biến kiến thức cũng đóng vai trò then chốt cho sự phát triển nông nghiệp đô thị ở đây. Sau cùng, việc trao cho người dân vai trò kiểm soát chuỗi cung lương thực có thể thay đổi sâu sắc cộng đồng theo hướng tích cực, nâng cao chất lương cuộc sống một cách rõ nét.
Khi mà thế giới đang bị đô thị hóa mạnh mẽ, đất nông nghiệp thì suy giảm, sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu xăng dầu ngày càng tăng, tình trạng thay đổi khí hậu... câu hỏi làm thế nào để chúng ta nuôi được hàng tỉ miệng ăn trong đô thị không còn là ý nghĩ trong đầu nữa - đó là một thực tiễn cấp bách. 

Và Havana vẫn đang hàng ngày tự trả lời cho chính mình, trong ánh mắt ngưỡng mộ một cách thích thú của thế giới. 

KTS Vũ Minh Nhật 

(Bài viết được đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 11


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo