Một Paris mới - giấc mơ của các nhà quy hoạch?

Chủ nhật, 22 Tháng 3 2009 19:21 New York Times, Lao Động
In

Trong lúc cả thế giới đang loay hoay với khủng hoảng tài chính thì cuối tuần qua, một trong những dự án táo bạo nhất trong lịch sử kiến trúc thế giới vừa được tiết lộ: tái quy hoạch kinh đô ánh sáng Paris. Liệu đây có phải là một giấc mơ lãng mạn kiểu Pháp?

10 đề xuất được đưa ra cho siêu kế hoạch trên là kết quả của một dự án nghiên cứu kéo dài 9 tháng do chính Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bảo trợ.



Dựa trên việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm và tăng số lượng công viên mới, các mục tiêu lớn nhất được hướng tới là biến vùng đô thị Paris (bao gồm nội ô và ngoại ô Paris) thành một thành phố thân thiện với môi trường và xoá đi ranh giới giữa vùng nội ô và ngoại ô.

Hoành tráng là thế, nhưng vấn đề quan trọng nhất là nguồn tài chính cho việc xây dựng thành phố mới thì lại chưa hề được ai đề cập tới, những đối thủ của ông Sarkozy lại lên tiếng gièm pha, gọi đây là một chiêu bài chính trị khác của Chính phủ nước này.

Tuy nhiên, cho dù dự án trên có đi vào hiện thực hay không thì những đề xuất được đưa ra quả thật đã gây nhiều ấn tượng cho cả giới chuyên môn, cũng như người dân nước Pháp. Tác giả của những thiết kế trên có thành phần khá phong phú, từ những kiến trúc sư hàng đầu thế giới như Richard Rogers và Christian de Portzamparc cho đến cả những "lính mới" chập chững vào nghề. 


(Atelier Christian de Portzamparc)

Đề xuất của kiến trúc sư Christian de Portzamparc được cho là "liều lĩnh" nhất khi dự định phá bỏ cả hai trong số sáu nhà ga chính của Paris, là nhà ga phía Bắc và phía Đông; thay vào đó bằng một "siêu nhà ga" Châu Âu, nằm ở ngoài trung tâm thành phố và là đầu mối của tất cả các chuyến tàu xuyên Châu Âu, cũng như một hệ thống các tàu Maglev (chạy trên đệm từ trường) vòng quanh cả khu đô thị Paris.


(Rogers Stirk Harbour & Partners)

Richard Rogers cũng đưa ra một đề xuất không kém phần táo bạo. Nhận thấy Paris bị cắt ngang dọc bởi các nhà ga chính, ông đề nghị đưa tất cả những công trình đó xuống lòng đất và mở một loạt công viên phía trên, nhằm kết nối các khu vực dân cư giàu và nghèo với nhau.

Thiết kế của Jean Nouvel lại tỏ ra "mềm mại", đúng chất Pháp hơn khi muốn tạo một vành đai xanh vòng quanh toàn khu đô thị. Tất cả những công trình về sau của Paris sẽ phải xây dựng trong vành đai đó, bao gồm cả những khu dân cư mới, nhằm tăng nhân khẩu ở những vùng ngoại ô hoang vắng hiện nay.

Ngoài ra không thể không kể đến những ý tưởng gây sốc như của Djamel Klouche, 42 tuổi, kiến trúc sư trẻ nhất tham gia dự án. Anh này đề xuất xây dựng một nhà ga tàu điện ngầm ngay phía dưới kim tự tháp kính của Bảo tàng Lourve, biến một trong những biểu tượng văn hoá hàng đầu Paris thành một nút giao thông quan trọng đông đúc nhất của thành phố. Hay như Roland Castro, còn "phi thực tế" hơn với ý tưởng chuyển tất cả di tích thắng cảnh của Paris, bao gồm cả cung điện Elysee ra... các vùng ngoại ô phụ cận.

Có thể nói, 10 đề xuất mà Tổng thống Sarkozy nhận được tuy muôn màu muôn vẻ; nhưng tựu trung lại, chúng đều gặp nhau ở hai điểm lớn: Thứ nhất là mối quan hệ với môi trường và thứ hai là sự phân cách xã hội đang ngày càng tăng. Đây cũng chính là những vấn đề "đau đầu" nhất của các đô thị lớn. Cho dù thành hiện thực hay không, những nỗ lực của người Pháp xứng đáng được ghi nhận và hy vọng nó có thể sẽ mở ra một trào lưu mới cho kiến trúc quy hoạch trên thế giới.

Lan Phương (Theo NICOLAI OUROUSSOFF / New York Times)

>> Quy hoạch đô thị nhìn từ tháp Eiffel 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: