Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Phản biện Xây dựng nông thôn mới: Cần thực chất hơn

Xây dựng nông thôn mới: Cần thực chất hơn

Viết email In

Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Quyết định này đề cập đến 11 nội dung thành phần như quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm nghèo và an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn...  


Xây dựng nông thôn mới tại đồng bằng sông Cửu Long.
(Ảnh: Lê Hoàng Vũ) 

Một chương trình đầy... tham vọng, nên có nhiều... quan ngại

Các nội dung thành phần này có nêu các tiêu chí định lượng rất cụ thể bằng những con số thậm chí tính đến cả hàng thập phân, mà phổ biến nhất là (phấn đấu) có (tối thiểu) bao nhiêu phần trăm xã, huyện phải đạt chuẩn từng tiêu chí vào năm 2020. Mỗi một tiêu chí trong mỗi nội dung thành phần được giao cho các bộ, ngành liên quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện. 

Chỉ cần nhìn vào những nội dung trên cũng đủ thấy đây là một chương trình hết sức tham vọng, bao phủ sâu rộng mọi mặt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân sống ở nông thôn, đòi hỏi sự tham gia của không chỉ toàn bộ các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương mà còn của từng cá nhân và hộ gia đình ở nông thôn. Chương trình này cũng không chỉ sử dụng tối đa nguồn lực từ ngân sách trung ương và địa phương mà còn phải huy động cả sức người và của từ cộng đồng dân cư địa phương.

Với một chương trình quốc gia đồ sộ và tham vọng như thế này, nỗi quan ngại của nhiều người sẽ là khả năng thực hiện đến đâu, kết quả có thực chất hay không, những công việc thực hiện được có thực sự góp phần nâng cao đời sống của dân cư hay không, có phòng chống được thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện hay không, có để lại gánh nặng tài chính và di chứng lâu dài, khó khắc phục cho ngân sách địa phương và quốc gia trong những năm sau hay không...

Những nỗi quan ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Nếu chọn ra và tìm hiểu sâu thêm một số tiêu chí đặt ra cho chương trình nông thôn mới như dưới đây, sẽ thấy có nhiều vấn đề đáng phải xem xét lại trước khi tiến hành rầm rộ chương trình trên quy mô cả nước.

Khâu cơ bản - quy hoạch - đã bất khả thi

Phong trào xây dựng nông thôn mới cho thấy hơi hướng của các phong trào rầm rộ trong cả nước trước đây, như phong trào hợp tác hóa... Điểm chung của những phong trào này là sự duy ý chí với quy hoạch và kế hoạch thực hiện được lập ra trên bàn giấy, xa rời thực tiễn, bất chấp năng lực thực hiện. 

Về tiêu chí quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Để đạt được tiêu chí này thì chỉ cần có quy hoạch được phê duyệt. Nhưng ngay cả chuyên gia của Bộ Xây dựng cũng phải thừa nhận các đồ án quy hoạch nhìn chung đạt chất lượng chưa tốt, vì có rất ít kinh nghiệm quy hoạch, thiếu lực lượng tư vấn làm quy hoạch nông thôn, không có tổ chức tư vấn nào có đủ năng lực đồng bộ trên cả ba lĩnh vực quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất).

Trong bối cảnh như vậy, việc phấn đấu xã nào, thôn nào cũng có quy hoạch xây dựng nông thôn mới có lẽ chỉ dẫn đến kết quả là người ta sẽ nhân bản các quy hoạch “điểm” để đạt thành tích, và cấp phê duyệt có lẽ cũng “nhắm mắt cho qua” cũng vì để đạt thành tích. Mà nếu đã sai ngay từ khâu cơ bản là quy hoạch thì không khó để hình dung bộ mặt thật của nông thôn mới sẽ ra sao, cũng tương tự chuyện có thật là bệnh viện nhân bản kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này dùng để điều trị bệnh nhân kia.

Về tiêu chí phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội: Dường như tiêu chí này đã và đang được triển khai một cách rầm rộ, nhiệt thành nhất. Kết quả là nông thôn mới chưa thấy đâu nhưng nhiều địa phương đã để lại một núi nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, mà theo nhà chức trách là do các địa phương chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, không có khả năng thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ở đây cho thấy dấu ấn yếu kém, duy ý chí của công tác quy hoạch, lập kế hoạch triển khai nông thôn mới từ trung ương đến địa phương. Nếu biết (phải biết) rằng việc huy động nguồn lực từ trung ương, địa phương và trong dân chúng rất... hạn chế, thì người ta đã không đặt ra chỉ tiêu thực hiện tham vọng và gấp rút như vậy, để rồi khuyến khích các địa phương tìm mọi cách “phấn đấu” thực hiện cho bằng được, kể cả bằng những cách thức không bền vững. Và khi đã dồn hết lực vào xây dựng cơ bản rồi thì cũng sẽ chẳng còn tiền đâu cho việc thực hiện các tiêu chí khác.

Đáng nói hơn nữa là thành quả xây dựng nông thôn mới được nhiều địa phương thể hiện ra thành những công trình xây dựng tiền tỉ như trụ sở, nhà văn hóa, chợ, thậm chí là nhà nghỉ dưỡng cho nông dân... nhưng hầu như bị bỏ không, cửa đóng then cài quanh năm. Nhiều trong số những công trình này chỉ là cái vỏ, với chất lượng chưa khánh thành đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, không phát huy được công năng... vì người ta chỉ chú trọng tô vẽ bộ mặt để lập thành tích mà không xét đến nhu cầu thật sự và cấp bách của dân.

Nếu chỉ quan tâm đến những thứ “mặt tiền” này mà bỏ qua phần nội dung thì quả thật sẽ có một nông thôn trông có vẻ mới hơn, khang trang hơn, nhưng về cơ bản vẫn là nông thôn cũ với những thứ bên trong (khó đo đếm được) lại hầu như không thay đổi, trừ khi người ta cố tình làm cho chúng trở nên tốt hơn trên giấy tờ. 

Về tiêu chí phát triển sản xuất: Không rõ các nhà hoạch định dựa vào cơ sở nào để đưa ra chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 44 triệu đồng/người vào năm 2020, trong khi con số này trong năm 2015 chỉ là 26 triệu đồng/người. Một phép tính nhanh cho thấy để đạt mục tiêu này thì mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn phải tăng bình quân là 11,1%/năm. Tất nhiên, đây là mức tăng danh nghĩa, nên nếu tính cả lạm phát, giả sử là 5%/năm trong giai đoạn này, thì mức tăng thực tế sẽ phải vào khoảng 6%/năm. Trong khi đó, ta đang phấn đấu tăng GDP bình quân đầu người cả nước ở mức 6,5-7%/năm. Lưu ý rằng yếu tố kéo GDP cả nước là tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, ở các khu vực thành thị và công nghiệp, chứ không phải ở khu vực nông thôn nên thông thường tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn sẽ phải thấp hơn đáng kể, chứ không thể tương đương với tốc độ tăng thu nhập (hoặc tăng GDP) bình quân đầu người cả nước. Bởi vậy, đặt mục tiêu tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn như trong chương trình nông thôn mới như hiện nay cũng là duy ý chí, không có tính thực tiễn, nên nếu có đạt được mục tiêu này thì chắc chắn đó là do “vẽ ra” trên giấy.

Phong trào xây dựng nông thôn mới cho thấy hơi hướng của các phong trào rầm rộ trong cả nước trước đây, như phong trào hợp tác hóa, thủy lợi hóa, cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, đi kinh tế mới... nhưng với quy mô và tầm ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn nhiều. Điểm chung của những phong trào này là sự duy ý chí với quy hoạch và kế hoạch thực hiện được lập ra trên bàn giấy, xa rời thực tiễn, bất chấp năng lực thực hiện. Do người lãnh đạo các địa phương phải đạt được các mục tiêu chung đề ra nên họ phải dùng nhiều thủ đoạn và phương cách, cả tốt lẫn xấu để cốt sao “về đích” và hoàn thành kế hoạch, mà không ít trường hợp là ngụy tạo, không thực chất. 

Trong bối cảnh nguồn lực cả nước đang eo hẹp, phải dàn trải để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, chương trình xây dựng nông thôn mới nên được thực hiện một cách có chọn lọc, về mục tiêu và phạm vi, để không chỉ có thêm nhiều khả năng mang lại những kết quả thiết thực hơn, mà còn giúp tiết kiệm cho ngân sách quốc gia những khoản chi khổng lồ, không đẩy nền kinh tế lún thêm vào vũng lầy nợ nần kéo dài trong nhiều năm sau này. 

Phan Minh Ngọc 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo