Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Phản biện Cần minh bạch, đồng thuận trong cải tạo chung cư cũ

Cần minh bạch, đồng thuận trong cải tạo chung cư cũ

Viết email In

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ tại TPHCM, cần có sự đồng thuận, công khai, minh bạch giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc giải phóng mặt bằng, xây dựng và tổ chức tái định cư. 

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia chương trình "Lắng nghe và trao đổi" với chủ đề “Cải tạo và xây dựng chung cư cũ - thực trạng và giải pháp” do HĐND TPHCM tổ chức sáng 6/11.  


TPHCM sẽ cải tạo, xây dựng mới 50% chung cư cũ vào năm 2020. Ảnh: TL 

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện thành phố có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận 1, quận 3, quận 5, quận 10, quận Bình Thạnh với khoảng 27.00 hộ dân sinh sống. Các chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, nhiều chung cư có thể sập bất cứ lúc nào, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… 

Thời gian qua thành phố mới chỉ tháo dỡ, cải tạo, xây dựng 32 chung cư cũ, chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách, không nhận được nhiều sự quan tâm tham gia của doanh nghiệp. 

Ông Tuấn thừa nhận, điều khó khăn nhất trong xây dựng, cải tạo chung cư cũ là đạt được sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng. Tại nhiều chung cư, việc đàm phán diễn ra 9, 10 năm nhưng vẫn có vài hộ dân không đồng ý nên tiến độ cải tạo hết sức ì ạch.

Khó khăn thứ hai nằm ở thủ tục đầu tư xây dựng mất quá nhiều thời gian, nhiều hồ sơ phải mất 17-18 tháng mới được duyệt. Thứ ba, việc đảm bảo chỉ tiêu liên quan đến vị trí chung cư, chỉ tiêu quy hoạch chung cư, và quy hoạch chung khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà tham gia.

Ông Tuấn cho biết sẽ ủy quyền cho quận, huyện thực hiện cải tạo chung cư cũ. Đồng thời, khuyến khích người dân tái định cư tại chỗ theo phương thức đổi ngang hoặc theo tỷ lệ diện tích căn hộ mới/cũ tối thiểu là 1,1:1. Chủ đầu tư sẽ trình bày phương án giải phóng mặt bằng tại hội nghị nhà chung cư. Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phải được công khai minh bạch, để người dân lựa chọn, nắm bắt được thông tin, trách nhiệm, cam kết của chủ đầu tư. 

Công khai không chỉ từ công bố phương án bồi thường mà ngay từ khi Sở Xây dựng chủ trì làm việc với địa phương và chủ đầu tư nhằm giải quyết vướng mắc của người dân. Người dân cùng được họp tìm ra phương án thiết kế chung cư, tầng chung cư, tầng thương mại… sao cho có lợi nhất cho người dân”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, “tái định cư nghĩa là phải tổ chức lại cuộc sống cho người dân, tổ chức không gian, điều kiện sống, cơ sở giao thông, hạ tầng kỹ thuật chứ không chỉ riêng chỗ ở”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ thì phải giải quyết hai vấn đề: tổ chức tạm cư và chính sách tái định cư. 

Phải điều tra xã hội học để xác định được mong muốn của người dân. Chẳng hạn, người dân cần 7 triệu đồng/tháng để tạm cư thì chủ đầu tư phải đáp ứng được. Thứ hai, căn hộ tái định cư phải có diện tích tối thiểu 25m2 theo chuẩn nhà ở xã hội. Như vậy người dân có căn hộ cũ với diện tích rất nhỏ, khi sang nhà tái định cư thì cũng không phải trả thêm tiền”, ông Châu nói.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM cho rằng, cần có những chính sách ưu đãi chủ đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ, đặc biệt tại các quận ngoại thành như tăng hệ số sử dụng đất, quy mô dân số, chiều cao công trình…

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, người dân đang đặt ra vấn đề là phải công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng chung cư mới. Những thông tin như kinh phí xây dựng; số lượng căn hộ được tái định cư; lợi thế vị trí đất, mặt bằng của người dân đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp; doanh nghiệp đóng góp gì; được hưởng lợi gì trong chính sách cải tạo này… cũng phải được công khai. Như vậy người dân mới đồng lòng hợp tác cùng doanh nghiệp và chính quyền. 

Phải đưa ra một gói chính sách có nhiều sự lựa chọn, hoặc là tái định cư tại chỗ với diện tích lớn hơn, hoặc tái định cư chỗ khác nhưng chất lượng cuộc sống tốt hơn”, bà Tâm nêu ý kiến. 

Cao Ban 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo