Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Phản biện Lũ uy hiếp các khu công nghiệp

Lũ uy hiếp các khu công nghiệp

Viết email In

Hiện nay, các khu công nghiệp nằm ở khu vực đồng bằng, nơi có cao độ thấp so với mực nước lũ thiết kế. Đây được xem là một trong những rủi ro trong thu hút đầu tư trong thời gian tới. 

Rủi ro đầu tư vốn được xem là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Đặc biệt là hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp có giá trị đầu tư lớn.  


Sau khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, tỉnh lộ 421B, đường dẫn vào nhiều KCN ngập lụt, các phương tiện qua đây gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Minh Quân) 

Các khu công nghiệp đều bị lũ “uy hiếp”

Trong “Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến 2030, với mục tiêu xây dựng nền công nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường: đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến…”, Hà Nội đã thành lập mới 52 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 596 ha. 

Điều đáng nói, thông tin từ quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chỉ ra: Các khu công nghiệp hiện nay hầu hết nằm ở khu vực đồng bằng, nơi có cao độ thấp so với mực nước lũ thiết kế.

Cụ thể, mực nước lũ sông Hồng thường cao hơn mặt ruộng đồng bằng 4-5m, có những năm cao đến 4-6m, có tới 3 năm đặc biệt cao hơn mặt ruộng đến 8-9m… Trong gần 100 năm qua thì có khoảng 73% số mức nước từ bao động I đến báo động III (từ 9,5 – 11,5m ở Hà Nội), trong khi đó đồng ruộng của đồng bằng phần lớn dưới cao độ 5 – 5,5m. 

Nguyên nhân được chỉ ra khiến cho các khu công nghiệp tại Hà Nội hiện nay đều nằm trong sự uy hiếp của lũ, chính bắt nguồn từ đặc điểm địa hình của đồng bằng sông Hồng - là vùng bồi tích nhiều năm do nước sông tràn vào, đem theo các phù sa. 

Hiện nay, kịch bản phòng chống lũ mới dừng ở chiến lược phòng chống thiên tai mà chưa có các phương án và biện pháp cho từng tình huống cụ thể. 

Chính vì vậy, dường như điều này ảnh hưởng đến kỳ vọng thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp tại Hà Nội trong thời gian tới. Ngoài ra, được biết, một trong những tiêu chí ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) trong hoạt động cho vay đó là đánh giá và quản lý các rủi ro và tác động môi trường, xã hội. Theo đó, WB không chỉ xét những rủi ro do dự án vay vốn có thể gây ra, mà còn xem xét rủi ro của các công trình, dự án liên quan. Đối với các hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp, các công trình liên quan, nằm trong danh mục đánh giá và quản lý rủi ro đó là sự bảo vệ của hệ thống đê. Như vậy không chỉ Hà Nội, mà các tỉnh xung quanh như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh cũng có những địa hình đồng bằng, nếu khu công nghiệp được xây dựng trong đó cũng sẽ bị uy hiếp bởi lũ các sông. 

Không thể thiếu kịch bản công tác phòng chống lũ

Xuất phát từ thực tế trên, việc nâng cấp tiêu chuẩn thiết kế đê sông Hồng là điều cần thiết. Cụ thể, Việt Nam đã nâng cấp tiêu chuẩn thiết kế đê sông Hồng lên tới 0,2%, có nghĩa lũ thiết kế tương ứng 500 năm mới xảy ra một lần. Từ đó, thiết kế cho đê ở Hà Nội có cao trình +15,00.

Ngoài ra, hồ Hoà Bình thiết kế cũng có dung tích phòng lũ tới 4 tỷ mét khối nước, có nghĩa đầu mùa lũ, hồ có khả năng chứa được lũ, không xả về hạ du. Thêm nữa, công trình phân lũ Đập Đáy, với lưu lượng phân lũ tới 2.500m3/giây, cũng nhằm hạ thấp mực nước sông Hồng ở Hà Nội, khi lũ có khả năng vượt đỉnh đê. Nhờ quy trình này, trong nhiều năm qua, Hà Nội không bị đe doạ về lũ.

Tuy nhiên, những phương án phòng chống lũ trước đây có hiệu quả, thì nay trở nên không còn phù hợp với tình hình mới. Bởi biến đổi khí hậu, lũ xuất hiện bất thường. Điều đặc biệt đáng nói là do quy trình vận hành hồ, lấy lợi nhuận kinh tế làm chính, vừa do không gian thoát lũ của sông bị lấn chiếm… sẽ dẫn đến rủi ro cao cho đê Hà Nội, uy hiếp khu công nghiệp. Như vậy, điều cần thiết là tập trung giải pháp vào những quy định về dung tích dự phòng trong việc cắt lũ của các hồ chứa. Đó là việc giải toả lấn chiếm lòng dẫn, tăng thêm không gian chứa lũ của các lòng sông, theo xu thế chung của thế giới. Đó là đưa ra quy chuẩn vận hành hồ chứa an toàn cho hạ du.

Những quy định, quy chuẩn trên chỉ có hiệu quả khi xây dựng được những kịch bản trong công tác phòng chống lũ một cách cụ thể, tuỳ từng cấp nguy hiểm sẽ có biện pháp đối phó tương ứng. Bởi, hiện nay, kịch bản phòng chống lũ mới dừng ở chiến lược phòng chống thiên tai mà chưa có các phương án và biện pháp cho từng tình huống cụ thể. Vì vậy, rất khó dự báo về khí tượng thuỷ văn cho từng khu vực. Do vậy việc xây dựng kịch bản kết hợp với phương châm bốn tại chỗ là có hiệu quả thiết thực. 

GS.TS Vũ Trọng Hồng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 

(Diễn đàn Doanh nghiệp) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo