Tương lai thủ đô Hà Nội được vẽ ra rất hoành tráng và mọi người đang góp ý...
Tôi không bàn thêm chuyện nhà cửa phải đồ sộ ra sao, đường sá phải hiện đại thế nào... mà muốn đề cập đến câu chuyện nguyên thủy của việc quy hoạch - tức nghệ thuật bày một lối sống thật hạnh phúc cho cả tập thể.
“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió gây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ...”
Vốn tôi sanh tại Hà Nội, nhớ hồi còn bé, cách đây 60 năm, mẹ hay dắt tay tôi lên đền Quán Thánh... Sao đường xa thế, mãi mới tới! Mấy chục năm sau, về thăm Hà Nội, không thấy đường xa nữa... vì những khu ngoại ô năm xưa đã trở thành lõi của trung tâm thành phố. Dù vậy, Hà Nội vẫn còn giữ được sự uy nghi, rạo rực, vui vẻ và nhộn nhịp... vốn khác hẳn Sài Gòn.
- Ảnh bên : Tác giả bài viết - GS Phan Văn Trường
Hà Nội, đối với tôi, nó hàm chứa một nội tâm, một nếp sống... một mặt hồ xao xuyến lòng người. Vì vậy, không thể quy hoạch Hà Nội giống Singapore (một đô thị hội chợ) hay Seoul (một thành phố tẻ nhạt dù hoành tráng); cũng đừng nên khoe khoang như Phố Đông (Thượng Hải), vội vã như Thâm Quyến, đồ sộ như Bắc Kinh, thiểu não như Đài Bắc, tạp nham như Manila và vất vả như Delhi.
Họa chăng, có thể chấp nhận một chút tâm hồn của Tokyo; một chút duyên ngầm của Bangkok hay Jakarta; một chút tân thời nhưng ngoan ngoãn của Kuala Lumpur... Và, có lẽ, Hà Nội phải nên uy nghi hơn, duyên dáng hơn, để du khách tới Hà Nội phải thốt ra những ý nghĩ kính nể nhất.
Nói nghe đơn giản, nhưng thực sự mỗi bước đi của đô thị phải hàm chứa tinh thần văn hóa dân tộc; mỗi viên gạch được đặt lên phải tôn trọng cái đặc trưng lịch sử để lại cho chúng ta như một kho tàng... Cho nên, ngay từ đầu tôi đã gạt ra những ý nghĩ so sánh Hà Nội với Dubai - nơi tòa nhà cao 800 mét, đứng sừng sững khoe thân như một cô gái quá cao, quá gầy, túi đầy nhóc tiền mà lại không biết cách tiêu cho đích đáng.
Vì vậy, tôi xin nhắc lại nơi đây một vài điều không nên quên khi quy hoạch Hà Nội:
Thứ nhất, phải xem khả năng ngân sách tối đa của chúng ta cho dự án xây dựng thủ đô. Phải khép dự án trong khuôn khổ của một mức ngân sách thực tế. Ví dụ điển hình là thủ đô hành chính Putra Jaya của Malaysia và khu La Défense tại Paris của Pháp. Putra Jaya được xây hoành tráng cách đây 15 năm, tốn kém vào khoảng 60 tỉ Đô la Mỹ cho một diện tích chỉ có 46 ki lô mét vuông.
Với số tiền khổng lồ như vậy mà rút cục vẫn chưa đủ để hoàn thành nhiệm vụ mở một thủ đô hành chánh mới. Nay dân số Putra Jaya mới xấp xỉ 60.000 dân, tức còn nhỏ hơn một quận, huyện của chúng ta!
Putra Jaya
Còn khu La Défense tại Paris chỉ có 1,6 ki lô mét vuông, với 20.000 dân và 200.000 nhân viên làm việc tại đây. La Défense bắt đầu ráo riết xây từ năm 1958, tức cách đây 52 năm, nay vẫn chưa gọi là hoàn thành hẳn. Hơn một nửa thế kỷ đấy! Ngân sách xây dựng có thể ước lượng là 100 tỉ Đô la Mỹ!
Vậy chúng ta có bao nhiêu ngân sách cho dự án thủ đô yêu quý? Có bao nhiêu thời gian để hoàn thành một dự án to tát hơn hai đô thị kể trên nhiều lần?
Đối với những người thiết kế dự án xây dựng thủ đô Hà Nội thì họ tha hồ vẽ sông, vẽ hồ, vẽ cao ốc, vẽ đường... Nhưng đối với Quốc hội, cơ quan phải thẩm định ngân sách, nhất là những món nợ khổng lồ để lại cho con cháu chúng ta, có lẽ phải đi vào chi tiết thực tế hơn!
Không gì xấu hơn 20, 30 năm sau khi triển khai mà đường vẫn chưa làm xong, trường học vẫn chưa có... và còn nhiều đất hoang! Vậy, cơ quan hay cá nhân nào nhận lấy trọng trách hoàn tất dự án trong thời gian nhất định?
La Défense
Thứ hai là vấn đề dân số và mật độ dân số. Có một chuyện khó hiểu cần phải bổ túc thông tin và bàn cãi thêm là câu hỏi tại sao lại khuyến khích dân vào Hà Nội cho đông đúc thêm (từ 6 triệu lên 10 triệu), rồi xây thêm đô thị vệ tinh để chứa? Một chính sách khôn ngoan hơn có phải là giúp dân ở lại chỗ họ đang ở hay là kéo dân vào để có lý do xây cất?
Đừng quên là do sự nới rộng ranh giới, một số đông dân, trước đây ở ngoài, nay hóa ra đang ở trong thủ đô rồi! Thế rồi, thành phần dân nào sẽ vào trung tâm đô thị? Liệu những gia đình ở các huyện lân cận, một ngày kia có đủ thu nhập để mua những căn nhà mới tân thời không? Mà nếu họ quyết định di dời vào, có phải để lại bị đùn ra đô thị vệ tinh không? Chuyện này ít tính khả thi!
Ngay việc quyết định thành lập đô thị vệ tinh cũng chưa được cân nhắc kỹ. Đành rằng tại nhiều nước trên thế giới chính sách đô thị vệ tinh đã thành công rực rỡ, phần đông dân đã bỏ trung tâm đô thị ra sống tại các đô thị vệ tinh. Như đô thị Paris đã thành công trong việc giữ nguyên dân số trên dưới 3 triệu nhờ chính sách này; hay London cũng vậy.
Tuy nhiên, nước ta không giống các nước vừa nói trên. Với 90% các hộ dân sử dụng xe gắn máy, chúng ta không thể nào tạo cho họ một cuộc sống mà ngày nào cũng phải chạy ít nhất 50 ki lô mét bằng xe máy với những chi phí và rủi ro của nó! Tất nhiên, 20 năm nữa sẽ có thêm nhiều thành phần xã hội có xe ôtô. Nhưng dự án đô thị vệ tinh kéo dân ra xa trung tâm liệu có thực tế?
tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ
Thứ ba là kinh tế đô thị trong tương lai: có hai việc phải xem xét kỹ, đó là giá đất và cách sinh sống được thể hiện qua cách tổ chức đô thị. Cả hai việc này đều không cần có bản đồ thiết kế mà ngược lại cần một chính sách rõ ràng...
Nếu xây đô thị mới để đất đắt thêm nữa thì nên quên hẳn dự án đi. Hiện nay, đất Hà Nội và Tp.HCM quá đắt, nếu so với túi tiền của dân chúng hoặc so sánh ngay với giá địa ốc tại những đô thị nước ngoài cũng vậy. Đối với người dân thường không có nhà, việc mua nhà là một công cuộc lắm chông gai. Và nhất là đối với những công dân/gia đình trẻ tuổi, đó hẳn là một chuyện không nằm trong khả năng kinh tế của họ. Việc quy hoạch lại thủ đô, với một diện tích lên gấp bội, phải cho phép các thành phần này nhìn thấy được giải pháp cho chính họ với giá đất rẻ hơn.
Trên một phương diện khác, đặc trưng căn bản của xã hội Việt Nam là nhà ở cũng là cửa hàng buôn bán - gia cư và kế sinh nhai là một. Cũng vì vậy dân Việt Nam luôn tranh nhau địa ốc mặt tiền. Tôi không nghĩ chúng ta có khả năng thay đổi nếp sống đó một sớm một chiều. Đành rằng tương lai sẽ thay đổi, nhưng sẽ phải đợi khi nào thành phần trung lưu trong xã hội đông hơn rất nhiều nữa mới khả thi.
Về mặt đời sống xã hội đô thị, mô hình buôn bán mặt tiền chưa có lối thay, mà nói cho cùng, nó rõ ràng đem lại cho đô thị một sự náo nhiệt đáng yêu. Đặc trưng của chúng ta là ở chỗ đó, dự án sẽ phải lựa chọn giữa mô hình cố hữu và cách tổ chức đô thị như ở nước ngoài, không dựa vào thế mặt tiền.
Phối cảnh dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội
Thứ tư, đối với Hà Nội, khi trở thành siêu đô thị (10 triệu dân) cần phải lựa chọn mô hình giao thông rõ ràng nhưng điều này chưa thể hiện rõ trong dự án. Theo mô hình Bangkok, xe ôtô rầm rộ, hay theo gương các đô thị lớn bên châu Âu - triệt để hướng về giải pháp đi bộ + chuyên chở công cộng? Cái khó, và cái khổ, là không có giải pháp trung dung.
Tại Paris trong nhiều chục năm, người ta cứ xây thêm mãi đường cho ôtô, mở rộng hạ tầng cho xe riêng. Cuối cùng đã đi đến kết luận là chỉ còn một, không hai, giải pháp cho Paris có giao thông tốt hơn, môi trường dễ thở hơn, đó là làm hẹp đường của ôtô lại và tăng cường thật mạnh hệ thống metro/buýt/tramway/RER.
Tại London, sau nhiều chục năm để ôtô tự do tung hoành, người ta cũng đi đến kết luận tương tự và thu lệ phí xe vào trung tâm rất cao. Nếu sáng suốt, chúng ta phải nhân cơ hội khi chưa có ôtô đông đảo, quyết định hy sinh ôtô luôn. (Xin nhắc lại, chỉ hy sinh trong đô thị lớn, và vào ngày làm việc thôi). Một công đôi việc, sẽ tiết kiệm ngoại tệ rất lớn. Đằng nào, 50 năm nữa tất cả các siêu đô thị trên thế giới sẽ phải chuyển biến sang đô thị đi bộ + chuyên chở công cộng.
Cũng phải thấy rằng, với 5 đô thị vệ tinh và các trung tâm sinh hoạt được quy hoạch trong dự án quy hoạch thủ đô thì trong tương lai việc đi lại sẽ rất tốn kém xăng và thì giờ. Đi đâu cũng hàng chục cây số. Không phải cứ ở xa nhau là có thể gọi là giãn dân! Và tất nhiên khi tiêu thụ xăng nhớt nhiều thì sẽ ô nhiễm không khí nhiều. Không phải cứ có cây xanh là có ngay đô thị sinh thái! Chính đô thị đi bộ + chuyên chở công cộng mới là hình thức sinh thái nhất.
Cuối cùng, tôi xin phép nhấn mạnh là khu vực Hà Nội tự nhiên đã sinh thái lắm rồi. Bao nhiêu sông hồ, rất ít nơi nào trên thế giới có nhiều mặt nước như vậy. Thực sự ra, lựa chọn mô hình giao thông, lựa chọn những hoạt động công nghệ/công nghiệp là chìa khóa cho sinh thái, chứ không phải chỉ giao nhiệm vụ đó cho bãi cỏ xanh.
Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi,
Nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui...
GS. Phan Văn Trường - Giảng viên bộ môn Kinh tế quy hoạch vùng tại Đại học Kiến trúc Tp.HCM và là cố vấn Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.
>>
- Sân golf hay công viên?
- Quy hoạch Hà Nội tập trung hay phân tán?
- Đường sắt cao tốc ở Việt Nam: đã cần chưa?
- Nghị Định 38: Lại nói chuyện thừa, thiếu và tính khả thi
- Quy hoạch không phải chỉ là vấn đề kiến trúc và xây dựng
- “Hội nghị Diên Hồng” về quy hoạch Thủ đô
- "Điểm huyệt" nhà đất sốt phía Tây Hà Nội
- Bắc sông Hồng trong quy hoạch Hà Nội: Viển vông hay cơ hội?
- Không hiểu Hà Nội thì đừng nói chuyện làm Luật Thủ đô
- Thành phố Hội An: Tài nguyên di sản và Phát triển tiếp nối