Để công viên Thống Nhất là hòn ngọc thứ hai của Hà Nội

Thứ ba, 24 Tháng 2 2009 18:13 KTS Nguyễn Thanh Bình / Tuần Việt Nam
In

Nếu như ngày hôm nay chúng ta không trân trọng, biết đấu tranh, chăm chút cho những nơi như công viên Thống Nhất thì đến bao giờ Hà Nội mới có thêm những không gian đô thị mới đẹp và có ý nghĩa như Hồ Gươm.

Hồ Gươm – một cái đẹp lẻ loi

Khi dư âm ngày Tết chưa phai, các ký ức đẹp đẽ về Hồ Gươm và cuộc triển lãm quy hoạch Hồ Gươm vẫn còn nóng hổi, chúng ta không thể không tự hỏi vì sao ở Hà Nội có quá ít nơi có được chất lượng cảnh quan như Hồ Gươm.

Hà Nội có biết bao nhiêu hồ, xung quanh các hồ đều thường có lối dạo, cây xanh, bồn hoa. Nhưng chưa ở đâu đem lại một phần cảm giác dễ chịu, thư thái, có ý nghĩa như Hồ Gươm.

Hiển nhiên, Hồ Gươm được ví là trái tim của Hà Nội. Nhưng hơn 100 năm trước, Hồ Gươm mới chỉ là cái hồ nhỏ bên rìa khu 36 phố phường, cách xa hoàng thành, nhà dân còn đan xen bám sát mặt hồ. Nhờ sự can thiệp cải tạo của người Pháp, nhờ các công trình phố phường mới xây dựng khiến Hồ Gươm trở thành trung tâm hành chính thương mại, nơi hội tụ của phố Tây phố Ta, dần dần trở thành viên ngọc không thể thay thế của Hà Nội.

Như vậy quy hoạch đã làm nên một Hồ Gươm, khiến cho từng mét đất ở đây và ở các khu vực lân cận trở nên vô giá, về cả mặt văn hóa xã hội lẫn kinh tế.

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng quy hoạch ngày nay cũng có thể tạo ra nhiều không gian đẹp như Hồ Gươm giữa lòng Hà Nội. Dù có thể không sánh được với Hồ Gươm, nhưng chí ít cũng thành trung tâm một khu vực, thành những viên ngọc xoay quanh Hồ Gươm, thành nơi hội tụ, nơi người dân xung quanh cảm thấy hạnh phúc tự hào. Đáng tiếc rằng đường đến những giá trị đó trong thực tế dường như đang quá xa vời, ngay cả với công viên Thống Nhất, một nơi có đầy đủ điều kiện nhất để trở thành một viên ngọc thứ hai của Hà Nội.

Vậy đâu là nguyên nhân thành công của Hồ Gươm và yếu tố nào cản trở sự thành công của công viên Thống Nhất?

Làm thế nào để năm, mười năm nữa, khi Thành phố giàu mạnh hơn, người dân Hà Nội có thể có thêm một niềm tự hào thứ hai, có thêm một không gian đẹp đẽ, thơ mộng để mọi người cùng trân trọng giữ gìn?

Chắc chắn với những gì đang có hiện nay tại công viên Thống Nhất, người Hà Nội phải rất quyết tâm mới có thể tạo ra cho mình một không gian công cộng đẹp và có ý nghĩa.

Hồ Gươm và công viên Thống Nhất nhìn từ góc độ quy hoạch đô thị

Nếu so sánh chất lượng cây xanh, mặt nước đơn thuần, công viên Thống Nhất với hồ Bảy Mẫu không thua kém, thậm chí hơn Hồ Gươm về độ phong phú và diện tích. Tuy rộng hơn nhiều, nhưng lượng người đến chơi và thưởng thức cảnh quan công viên ở mọi thời điểm thấp hơn nhiều lần Hồ Gươm. Đất đai xung quanh công viên về mặt vị thế, giá trị văn hóa kinh tế cũng thấp hơn nhiều lần Hồ Gươm. Có thể nhận định không quá rằng đất đai công viên Thống Nhất đang bị lãng phí vì đóng góp của nó tới đời sống xã hội Hà Nội hiện quá hạn chế.

Vậy đâu là sự khác biệt?

Nói một cách ngắn gọn, đó là sự khác biệt to lớn giữa khả năng tiếp cận và các chức năng lân cận của hai không gian.

So sánh sơ bộ về độ mở, tính dễ tiếp cận của Hồ Gươm và công viên Thống Nhất :


Về khả năng tiếp cận, nếu sự thưởng thức và tiếp cận cảnh quan Hồ Gươm dễ bao nhiêu thì lại khó bấy nhiêu đối với công viên Thống Nhất.

Toàn cảnh công viên chỉ quan sát được từ bên ngoài nếu đi trên đường Lê Duẩn và Đại Cồ Việt, là hai tuyến đường nhiều bụi và đông đúc xe cộ. Thật khó mà có thể chạy xe từ từ hay cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên của công viên khi đi trên hai tuyến đường này. Ở mạn đường Trần Nhân Tông và Nguyễn Đình Chiểu, nơi không gian êm ái hơn thì không thể nhìn xuyên qua công viên do có quá nhiều cây bụi và công trình ven công viên che khuất.

Khác với Hồ Gươm, là viên ngọc trọn vẹn được phân định rõ ràng bởi đường bao xung quanh và thảm cỏ, công viên Thống Nhất là một tổ hợp bùng nhùng giữa cây cối và công trình giống như một viên ngọc chưa giũa sạch phần đá bám quanh. Không những không thể chạy xe vòng quanh công viên mà cảm nhận về công viên, về vẻ đẹp tự nhiên, thường xuyên bị gián đoạn bởi những mảng sập xệ của các công trình. Cái thú êm ả đi dưới hàng cây ngắm nhìn cây xanh mặt nước không có khi đi ngoài công viên Thống Nhất.

Nếu ở Hồ Gươm người ta có thể đi chơi, đi shopping, rồi ghé qua hồ ngắm cảnh ở mọi lúc, mọi nơi, thì để đi công viên Thống Nhất cần một sự cố gắng khá đặc biệt, nếu bạn không sống cạnh công viên. Cần phải có ý định đến công viên ngay từ đầu vì xung quanh công viên không có gì hấp dẫn, không thu hút khách. Khi đến công viên chỉ có thể vào từ 4 cổng và phải mất 4000 đ để mua vé vào cửa, khi vào rồi thì lại khó đi ra và quay trở lại.

Nếu ở Hồ Gươm có 17 tuyến phố hướng trực tiếp ra hồ thì ở ở công viên Thống Nhất chỉ có 3, 4 tuyến phố. Không chỉ có thế, đường Lê Duẩn còn có tuyến đường sắt, một khu dân cư dày đặc với rất ít đường thông, gần như ngăn chặn mọi luồng tiếp cận từ hướng này. Ở đường Đại Cồ Việt, cả khối trường Đại học Bách Khoa cũng ngăn chặn nhiều luồng tiếp cận.

Khả dĩ hơn cả là mạn đường Nguyễn Đình Chiểu, nơi có nhiều ô phố bàn cờ kiểu Pháp và các trung tâm thương mại, văn phòng. Nhưng đáng tiếc, ngay ở mạn này thì sự ngăn chặn còn lớn hơn bởi bãi đỗ xe lớn, trụ sở công ty công viên cây xanh, các cửa hàng, và nhà dân che kín mặt tiền công viên. Trong khi đó, 17 tuyến phố ở Hồ Gươm được phân bố đều, cùng hướng ra mặt hồ, cùng tạo ra một trung tâm duy nhất.

Góp phần hạn chế mối liên hệ giữa công viên Thống Nhất và người Hà Nội là chính sách quản lý phát triển công viên sai lầm. Trên thế giới, có lẽ ít nơi nào người ta xây một hàng rào thép rất kiên cố, cao hơn 2m bao quanh công viên, cũng như thu tiền vé vào cửa công viên, dù có thể duy trì hàng rào thấp ngăn xe cộ hay thu thêm thuế để tăng chất lượng sử dụng.

Không ai thu tiền vào công viên thành phố vì công viên là công trình phúc lợi công cộng, là tài sản của toàn thành phố, càng nhiều người sử dụng càng có nghĩa công viên phát huy giá trị phục vụ tích cực cho xã hội. Không ai xây hàng rào cao bao quanh công viên vì nó mang ý nghĩa xua đuổi, không khuyến khích sử dụng. Về mặt sử dụng, hàng rào cao tách công viên ra khỏi xã hội, làm công viên trở nên mất an toàn vì kẻ xấu sẽ cảm thấy an tâm hơn khi người ngoài đường không thể can thiệp vào hành động của chúng trong công viên.

Chúng ta chưa trân trọng thành phố của mình bằng người Pháp?

Gần đây nhất là hành động khó hiểu của thành phố khi cho phép dự án khách sạn SAS được phép xây dựng, góp phần tiếp tục bịt mặt tiền công viên và làm cho các nỗ lực làm sạch mặt tiền công viên trở nên mất ý nghĩa. Dự án này cùng với rạp xiếc, công ty công viên cây xanh, các khu nhà dân, cơ quan sát công viên, đều đã từng được kiến nghị di dời cùng với việc hoàn thiện tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, để hoàn thiện đường bao quanh công viên.

Tuy nhiên, trong khi chưa có bất cứ công trình nào được di dời và dự án đường Nguyễn Đình Chiểu còn nằm trên giấy, dự án khách sạn SAS, vốn có thể được xây ở bất cứ đâu trong Hà Nội mở rộng, lại được cho phép sử dụng 1 héc ta đất, nguyên là đất công viên, trong nội thành Hà Nội chật hẹp, nơi bình quân đất cây xanh trên đầu người thấp hơn 10 lần tiêu chuẩn của đô thị loại 1 của chính Việt Nam.
Để tưởng tượng ảnh hưởng của dự án khách sạn SAS (mà nay có tên mới là Novotel on the Park) đến tương lai Hà Nội và công viên Thống Nhất, chúng ta thử hình dung Hồ Gươm sẽ ra sao nếu có một khách sạn đồ sộ 5 tầng thật là đẹp án ngữ phần lớn góc đường Bà Triệu, Tràng Thi?

Còn nhớ chỉ một dự án Hà Nội Vàng hơi cao quá, hơi gần Hồ Gươm quá, dù ở bên kia đường, đã không được toàn thể xã hội chấp nhận. Vậy mà dự án khách sạn này sẽ chiếm dụng đến hơn 1 héc ta đất công viên, vươn tới gần sát mặt hồ Bảy Mẫu, hủy hoại hoàn toàn cơ hội làm cho khu vực công viên này trở nên thông thoáng.

Chẳng lẽ chúng ta chăm chút Hồ Gươm vì Hồ Gươm quá đẹp và có ý nghĩa? Còn với những nơi kém quan trọng hơn như công viên Thống Nhất, thì ta lại cho tự phép mình được phóng túng hơn, được có ngoại lệ?

Thử hỏi, nếu như ngày hôm nay chúng ta không trân trọng, biết đấu tranh, chăm chút cho những nơi như công viên Thống Nhất thì đến bao giờ Hà Nội mới có thêm những không gian đô thị mới đẹp và có ý nghĩa như Hồ Gươm.

Nếu người Pháp ngày xưa không để ý đến nét đẹp còn phôi pha của Hồ Gươm, không tích cực chăm chút, quy hoạch, xây dựng, vì giá trị kinh tế cho phép các công trình được xây dựng tràn lan, liệu Hà Nội có được Hồ Gươm ngày nay? Chẳng lẽ người Việt Nam này nay không trân trọng cảnh quan thành phố của chính mình bằng người Pháp?

Một giải pháp lâu dài cho công viên Thống Nhất

Để công viên Thống Nhất thực sự trở thành một viên ngọc của Hà Nội, đi theo mô hình thành công của Hồ Gươm, cần một sự cố gắng liên tục, có bài bản.

Điều đầu tiên cần thiết là tính tiếp cận của công viên thông qua nhiều biện pháp kiến trúc quy hoạch quản lý khác nhau.

Về quy hoạch, cần mở nhiều tuyến đường hơn nữa thông trực tiếp ra công viên. Mở đường cần kết hợp song hành với việc cải tạo các khu dân cư bao quanh công viên, đặc biệt là khu nhà dân bên phía đường tàu. Các khu nhà dân có thể cải tạo lại theo hướng hình thành các ô phố dịch vụ, với sân chơi trong, đỗ xe ngầm, và dịch vụ ở mặt ngoài đường. Không loại trừ việc cải tạo các khu ở cũ này theo hướng xây dựng tập trung các khu dân cư cao tầng, nếu thích hợp. Ở một nơi có mảng cây xanh lớn như công viên Thống Nhất, cạnh các đường giao thông lớn thì xây dựng nhà ở cao tầng, bãi đỗ xe ngầm nhiều tầng, văn phòng cao tầng rất thích hợp.
Cần phải tạo mối quan hệ thân thiện với người đi bộ giữa công viên với các khu vực xung quanh. Nói cách khác, không để giao thông cơ giới có ảnh hưởng tiêu cực đến công viên và người đi bộ từ các khu vực lân cận đến công viên.

Một giải pháp có thể thực hiện là xây dựng hệ thống cầu vượt cho người đi bộ nối sang công viên. Các cầu vượt liên thông với nhau thành hệ thống đi lại trên cao cho người đi bộ và nối liền với tầng 2 của các công trình dịch vụ thương mại quy mô lớn phía bên kia đường.

Có thể bố trí thêm các lối đi ngầm cho người đi bộ từ các khu vực xung quanh sang công viên. Tuy nhiên các lối đi ngầm này tránh không thiết kế theo kiểu chỉ có lối đi vì sẽ rất mất an toàn và không khuyến khích người đi bộ. Nên tổ chức theo kiểu không gian công cộng ngầm đa chức năng có đủ dịch vụ ăn nhanh, mua bán, bãi đỗ xe, thậm chí rạp xem phim...

Để giữ vẻ đẹp thiên nhiên cho công viên, cần duy trì một hệ thống không gian vỉa hè đi bộ lớn kết hợp với các quảng trường nhỏ, vườn hoa nhỏ, với nhiều ghế ngồi và tiểu cảnh kiến trúc ở các khu vực bao quanh công viên. Đa số người dân sẽ kéo đến khu vực này để mua sắm, đi chơi, gặp gỡ bạn bè, ngắm cảnh cây cối, mặt nước. Đó là phần động của khu vực, còn những ai thích sự nghỉ ngơi thư giãn sẽ vào hẳn khu vực công viên cây xanh.

Khi đó, các khu vực xung quanh công viên sẽ sinh động, sầm uất, còn công viên Thống Nhất trở thành mảng cây xanh yên bình, nhưng lại hết sức gần gũi, dễ tiếp cận, có ích hơn cho mọi người dân. Khi các khu vực xung quanh mang tính kinh tế cao, có vị thế phụ thuộc vào hình ảnh của công viên, việc thu thêm tiền để duy trì, nâng cấp chất lượng công viên sẽ dễ dàng hơn nhiều. Điều quan trọng nhất là nhiều tỷ đồng trị giá đất công viên được sử dụng hợp lý, có tác dụng kinh tế, văn hóa xã hội quan trọng với Hà Nội. 
Khi chúng ta có tiền, mọi kế hoạch phát triển đều có thể thực hiện được. Khi chúng ta muốn, chúng ta có thể thiết kế, trang hoàng, tô điểm cho công viên Thống Nhất theo cách đẹp nhất và ý nghĩa nhất có thể.

Tuy nhiên, nếu không hướng tới một tương lai cho công viên Thống Nhất, không đề ra các chính sách quản lý nghiêm ngặt, có định hướng ngay từ bây giờ, thì cơ hội để phát triển cả khu vực công viên sẽ ngày càng xa vời. Cái giá phải trả cho các quyết định muộn mằn sẽ ngày càng lớn. Sẽ chẳng còn công viên nếu thành phố buông xuôi nhường nhịn để tư nhân dần lấn chiếm mặt tiền, biến nhà tạm thành nhà kiên cố, từ kiên cố thành các công trình quy mô. Cái giá phải trả cho một số lợi ích tư nhân trước mắt là sự mất ý nghĩa, mất giá trị của cả công viên, cà cả khu vực xung quanh.

Động thái gần đây của chính quyền Hà Nội khi giới hạn diện tích quy hoạch công viên chỉ vỏn vẹn trong một khuôn viên bị cắt xén không khỏi gây lo ngại về cách nhìn của họ về vai trò và hoạt động của công viên. Với công viên là không gian mở của đô thị, và điều làm nên sự khác biệt của nó là tính kết nối với các khu vực xung quanh. Một khoảng đất cây xanh với vé vào cửa, hàng rào và nhà cửa che kín khác với một khoảng đất xanh mở về mọi phía cho xã hội sử dụng.

Khi chỉ cho phép công viên được quy hoạch trong ranh giới bị cắt xén, nhưng hợp pháp về mặt giấy tờ, thành phố ‘vô tình’ trao lại các giải pháp có thể thay đổi giá trị công viên cho các dự án và quy hoạch khác, vốn không nhằm mục đích cải thiện công viên.

Khi đã chủ trương mở đường, giải tỏa công trình che mặt công viên, Thành phố không thể cấp phép cho một công trình khác xây dựng bịt mặt công viên như khách sạn SAS.

Để phát triển cả khu vực không thể coi công viên Thống Nhất như một gánh nặng cho ngân sách, một không gian phụ cho tập thể dục buổi sáng và một vài ngày lễ, có nhiều quỹ đất có thể xà xẻo cho những tính toán thiệt hơn vụn vặt. Phải coi công viên như một bảo vật có thể thay đổi giá trị đất, ý nghĩa văn hóa xã hội của toàn khu vực. Các dự án phát triển của khu vực phải luôn đặt mục đích tăng cường ý nghĩa và giá trị của công viên.

KTS Nguyễn Thanh Bình

>> Phản đối "xén" đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn 

>> Sẽ quy hoạch đồng bộ Công viên Thống Nhất 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: