Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Quy hoạch Hoàng thành Thăng Long: Không nên đào "hầm chui" qua đường Hoàng Diệu

Quy hoạch Hoàng thành Thăng Long: Không nên đào "hầm chui" qua đường Hoàng Diệu

Viết email In

“Nếu đào một đường hầm đi bộ xuyên dưới lòng đường Hoàng Diệu để nối 2 khu di tích, chúng ta sẽ vô tình tự tách riêng 2 không gian lịch sử đó với nhau. Thiết kế như vậy vừa ảnh hưởng tới kết cấu không gian tổng thể, vừa gây tác hại xấu tới Hoàng thành Thăng Long nếu chiếu theo Luật Di sản quốc tế” - GS Phan Huy Lê phát biểu.  

Được phê duyệt vào đầu tháng 8, bản Quy hoạch tổng thể Hoàng thành Thăng Long xoay quanh ý tưởng chính: đưa trung tâm Hoàng thành (phần diện tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới) và khu vực vẫn được gọi là Thành cổ Hà Nội (có các hạng mục Hậu Lâu, Đoan Môn, Cột Cờ, hầm tác chiến D67) trở thành một cụm Công viên Văn hóa – Lịch sử trên tổng diện tích hơn 45.000 m2. Theo đó, hai không gian vốn đang nằm đối xứng dọc theo phố Hoàng Diệu sẽ được nối liền bằng một hầm đi bộ chạy ngang dưới lòng đường. 


Quy hoạch tổng thể mặt bằng khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu 

Dự kiến, cuối tháng 9, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức thi tuyển các phương án thiết kế chi tiết từng hạng mục trong bản quy hoạch, từ đó lựa chọn các phương án “chuẩn” trước năm 2013. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc phát triển các thiết kế chi tiết từ quy hoạch tổng thể này cần có sự tính toán cẩn thận về bảo tồn di sản. 

Nhất định sẽ “chạm vào” di sản! 

Thực tế, trong nhiều thế kỷ, cả hai khu di tích trên đều nằm trong quần thể Hoàng thành Thăng Long cũ. Vào cuối thế kỷ 18, sau khi người Pháp phá bỏ thành Hà Nội (vốn vươn dài tới tận phố Lý Nam Đế hiện nay), phố Hoàng Diệu mới dần được xây dựng và “cắt” cụm di tích này thành 2 phần. Hiện tại, trong khi bên trái, khu vực 18 Hoàng Diệu được UNESCO công nhận là Di sản thế giới thì khu vực “thành cổ” bên phải lại trải qua nhiều thăng trầm: trở thành trại lính của người Pháp, thành tổng hành dinh Bộ Quốc phòng trong chiến tranh chống Mỹ rồi mới được trao lại cho UBND TP Hà Nội vài năm gần đây.

“Hoàn toàn có thể coi phố Hoàng Diệu cũng là một phần trong cụm di tích Hoàng thành Thăng Long – Thành cổ Hà Nội. Nếu phải thiết kế một đường hầm đi ngang dưới lòng đất để nối 2 không gian này, chúng ta vô tình đã xác nhận rằng: phố Hoàng Diệu không… liên quan gì tới 2 cụm di tích ở hai bên” - GS Phan Huy Lê nhận xét.

Theo GS Phan Huy Lê: “Ý tưởng kết nối hệ thống không gian của khu vực Hoàng thành cũ sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì sự xuất hiện của một con đường “lạ” chen ngang vào”. Các thống kê khảo cổ cho thấy: hệ thống vết tích Hoàng thành cũ đang nằm dưới mặt đất ở độ sâu 5m trở lên. Có nghĩa, muốn không ảnh hưởng tới di sản thế giới này thì đường hầm cắt ngang phố Hoàng Diệu phải có độ sâu từ 6- 8m. Tuy nhiên, chắc chắn hai lối lên, xuống ở hai đầu hầm vẫn bắt buộc phải “khoan” từ trên xuống lòng đất. Trong đó, lối lên xuống tại Hoành thành nằm trong diện tích của khu di sản đang được UNESCO công nhận.

“Như vậy, chúng ta phải phá đi một phần diện tích của Hoành thành để mở cửa xuống hầm. Điều này hoàn toàn không hợp lý nếu chiếu theo những quy định của Luật Di sản quốc tế, cũng như những cam kết của ta với UNESCO khi nhận danh hiệu di sản thế giới” - GS Phan Huy Lê nói. 

Nên biến Hoàng Diệu thành phố đi bộ 


Nên để phố Hoàng Diệu thành phố đi bộ 

Theo GS Phan Huy Lê, ngay với cách tư duy rằng phố Hoàng Diệu không thuộc về quần thể Hoàng thành Thăng Long, việc lựa chọn giải pháp “nối ngang” bằng đường hầm cũng chưa phải là tối ưu: “Đường Hoàng Diệu tuyệt đối yên tĩnh, rộng vừa phải, có vỉa hè và hệ thống cây trồng lâu năm rất đẹp. Cấm xe cơ giới và biến Hoàng Diệu thành một con phố đi bộ, chúng ta sẽ tạo được một không gian văn hóa - lịch sử phù hợp, đồng thời “kéo gần” hai quần thể di tích bên đường lại với nhau. Nếu đào hầm đi bộ và tiếp tục cho xe cơ giới chạy qua phố Hoàng Diệu như bây giờ, tôi cho rằng chúng ta không thể xóa đi sự phân biệt về tư duy giữa Hoàng thành Thăng Long và khu Thành cổ Hà Nội”.

Đồng tình với ý kiến này, trao đổi với TT&VH, nhà sử học Dương Trung Quốc còn đưa ra một ý tưởng táo bạo hơn: "Không chỉ biến Hoàng Diệu thành phố đi bộ, một đoạn phố đi bộ khác cũng cần được thêm tại trục Điện Biên Phủ, bắt đầu từ góc cắt Trần Phú. Khi đó, xe cơ giới sẽ chỉ chạy theo hướng phố Trần Phú, qua công viên Lê Nin. Với cách lựa chọn này, toàn bộ khu vực công viên và tượng đài Lê Nin nằm trước Cột Cờ cũng có thể coi là một phần của quần thể di tích". 

"Nên xây đường hầm dọc đường Hùng Vương"! 

Cho rằng, việc mở đường hầm xuyên phố Hoàng Diệu là lãng phí và không cần thiết, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Theo tôi, nơi cần có một đường hầm giao thông chính là trục phố Hùng Vương, đoạn chạy dọc Lăng Bác hiện giờ. Nếu làm được một đường giao thông ngầm thay cho trục dọc phố Hùng Vương như hiện nay, cộng cùng 2 phố đi bộ là Hoàng Diệu và Điện Biên Phủ, toàn bộ không gian của Hoàng thành Thăng Long – Thành cổ Hà Nội - Quảng trường Ba Đình … sẽ được “tách” hẳn ra và tồn tại tương đối độc lập với khu vực xung quanh.

Theo phân tích của ông Dương Trung Quốc, trong sự vận động của Hà Nội hiện đại, đây là không gian lịch sử may mắn còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Bởi thế, dù có thể gặp khó khăn về các giải pháp thi công hoặc tạo nút giao thông, khu vực này vẫn xứng đáng được ưu tiên quy hoạch là trung tâm lịch sử - văn hóa- chính trị của cả nước.

“Tôi chỉ dám đóng góp ở góc độ một người nghiên cứu lịch sử, còn vấn đề kĩ thuật phải để giới chuyên môn giải quyết. Nhưng cần xác định rằng bản quy hoạch tổng thể cho Hoàng thành Thăng Long cần phải vận dụng linh hoạt các yếu tố về bảo tồn di sản, cũng như ý nghĩa văn hóa – lịch sử” – Nhà sử học Dương Trung Quốc kết luận!

Chiêu Minh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo