Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Từ định hướng “vùng kinh tế” đến chính sách cho cụm công nghiệp

Từ định hướng “vùng kinh tế” đến chính sách cho cụm công nghiệp

Viết email In

Theo báo cáo của bộ Công thương trình lên Thủ tướng Chính phủ ngày 21/12/2012, “cả nước có 878 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập theo quy hoạch, tuy nhiên đến nay có 412 CCN chậm triển khai hoặc hiệu quả đầu tư kém”. Cũng theo báo cáo này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khoảng 47% các CCN chưa đạt yêu cầu là “do thiếu vốn đầu tư hạ tầng, khó giải phóng mặt bằng, khó kêu gọi doanh nghiệp vào cụm”. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy đó chưa phải là nguyên nhân cốt lõi và đầy đủ.  

Để hình thành nên cụm công nghiệp 

Trước tiên, có thể nhận thấy, việc chuẩn bị nguồn lực để hình thành các CCN tại Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề bất ổn. Thứ nhất, hiện nay khái niệm CCN ở Việt Nam được hiểu một cách mơ hồ. Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã có giải thích khái niệm CCN nhưng vẫn còn chung chung, chưa đi đến phân loại hoặc xây dựng các mô hình cụ thể. Điều này dẫn đến các CCN hiện nay đang muôn hình vạn trạng, khó có khả năng điều chỉnh. 

  • Ảnh bên: Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh ở Tiền Giang khó thu hút đầu tư. 

Sau khi quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ra đời được một tháng, tạp chí Thế giới và Việt Nam (trực thuộc bộ Ngoại giao) đã đưa ra phân loại: “CCN được chia thành ba nhóm: Nhóm 1, CCN chủ yếu gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất các sản phẩm giống nhau hoặc có liên quan đến nhau trong một khu vực địa lý nhất định. Nhóm 2, CCN gồm có một hoặc một số doanh nghiệp lớn (doanh nghiệp mỏ neo) và các doanh nghiệp là thầu phụ, nhà cung cấp cho một hoặc một số doanh nghiệp lớn đó. Nhóm 3, CCN có mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp – tổ chức nghiên cứu, giáo dục – chính phủ”. Các chủ thể trong các CCN vừa phải cạnh tranh với nhau, vừa phải cùng nhau cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài. Tạp chí trên còn chỉ ra các CCN điển hình trên thế giới như “thung lũng Silicon, khu tam giác nghiên cứu Bắc California (Mỹ), CCN hoá dầu Singapore, CCN ôtô ở Tianjin (Trung Quốc)”. Xét theo “lý thuyết” này, từ thời điểm 2009 đến nay, liệu Việt Nam có bao nhiêu trên tổng số 878 CCN hiện hữu là CCN đúng nghĩa? 

Bên cạnh đó, phải biết rằng chính sách CCN và chính sách “vùng kinh tế” tương ứng có quan hệ mật thiết với nhau. Trước hết, chính sách CCN nhằm hướng vào phục vụ một vùng kinh tế chứ không phải các đơn vị riêng lẻ. Trái lại, việc chọn lựa các thế mạnh công nghiệp trong vùng kinh tế sẽ là “kim chỉ nam” cho việc thiết kế các CCN chủ chốt mang về lợi ích lớn nhất. Tuy nhiên hiện nay vấn đề “liên kết vùng” tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đồng thời ý thức liên kết vùng của các địa phương còn kém, nên các “vùng kinh tế” vẫn chưa được định hình, định dạng. Hạn chế “vùng kinh tế” làm yếu đi nền tảng, cơ sở và điểm tựa trong việc xây dựng và vận hành các CCN. 

Đặc biệt, khi xây dựng CCN, phải chú trọng đến nhân tố quan trọng đóng vai trò trung tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ, bởi hai nhân tố này có mối quan hệ tương hỗ với nhau về vốn, công nghệ, nhân lực, thị trường... Tuy nhiên, trong một khảo sát cuối năm 2011 do trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (bộ Công thương) thực hiện tại 346 doanh nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay vừa thiếu nguồn nhân lực chất lượng, thiếu vốn đầu tư và đặc biệt là thiếu công nghệ. Như vậy, ngay cả việc cung cấp “ốc – vít” cho ngành công nghiệp chính còn chưa đảm bảo thì làm sao thành lập, vận hành tốt CCN? 

Đó là chưa kể vấn nạn “phi tập trung” trong quá trình quy hoạch và xây dựng các CCN, và trong trường hợp CCN của Việt Nam, châm ngôn “chia rẽ là chết” tỏ ra linh nghiệm. Các CCN hiện nay mọc lên như nấm, nhưng lại hoạt động thiếu tính thống nhất và liên kết dựa trên quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Thực tế này khiến nguồn lực bị chia nhỏ, lãng phí nhiều khâu đầu tư và hiệu quả hoạt động kém. Điều đó được chứng minh khi theo bộ Công thương, chỉ với 614 CCN đang hoạt động đã chiếm diện tích 16.166ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân của CCN trên cả nước chỉ khoảng 50%.

Nhiều tiền chưa chắc đã thành công 

Nhằm giải quyết việc hoạt động yếu kém của các CCN, bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng CNN cho các địa phương thêm 1.200 tỉ đồng trong giai đoạn 2013 – 2015, mỗi tỉnh có từ 1 – 3 CNN với mức hỗ trợ tối đa 20 tỉ đồng/cụm. Bên cạnh đó có các cơ chế ưu đãi đầu tư như bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng CNN vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực các dự án vay vốn tín dụng ưu đãi, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hai năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong bốn năm liên tiếp, hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi 20% trong thời hạn mười năm. 

Tuy nhiên, nếu xét kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đang gặp rất nhiều khó khăn và các khoảng chi tiêu công bị “thắt lưng buộc bụng”, thì việc đổ một số lượng lớn vốn vào các CCN chưa hẳn là một yếu tố có tính khả thi và mang về hiệu quả cao nếu các CCN vẫn chưa định hình như hiện nay. Các gợi ý căn cơ đặt ra hiện nay là nhanh chóng lọc lựa và loại bỏ các CCN kém nhằm làm gọn hệ thống, định hướng phát triển các CCN đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, tiến hành phân loại và đưa các CCN vào các khung khổ hoạt động chung tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, quản lý, giám sát và vận hành hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề “liên kết vùng” hay các “vùng kinh tế” phải được chú trọng xây dựng tạo nền tảng cho việc phát triển CCN. Mỗi vùng kinh tế có đặc trưng riêng phù hợp với mỗi CCN riêng nên địa phương cần xác định vai trò và đưa ra các chính sách phù hợp cho từng loại CCN. Chú ý thêm, yếu tố công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng nhất thiết phải được xây dựng song song đảm bảo cung cấp các yếu tố cơ bản cho quá trình vận hành CCN. Đi theo đó là việc quản lý đất đai, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững. 

Để làm tốt các giải pháp đã đưa ra, các nguyên tắc “nói và làm”, đồng bộ, nghiêm ngặt cần được triển khai từ cấp Nhà nước đến cấp địa phương. 

Đỗ Thiện 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo