Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Cần sự chung sức

Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Cần sự chung sức

Viết email In

Ngày 20/3/2009, tại Đại học Xây dựng Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo tìm kiếm những giải pháp thực tiễn áp dụng cho việc bảo tồn phố cổ. Các nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản và Tổ chức UNESCO đã công bố những nghiên cứu mới nhất về phố cổ đồng thời đề xuất những giải pháp cho việc bảo tồn và đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Hội thảo "Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội - Tìm kiếm những giải pháp thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế" là một hoạt động trong Chương trình hợp tác nghiên cứu “Bảo tồn và phát triển Khu phố cổ Hà Nội” giữa các đơn vị: Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI) - Đại học Xây Dựng, Ban Quản lý Phố Cổ - UBND quận Hoàn Kiếm – Hà Nội, Đại học Chiba, Đại học Tổng hợp Tokyo, Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) từ 2007 đến 2010. (Ashui.com)

Cần nhất là... nhà vệ sinh

Nhằm tìm hiểu không gian sinh hoạt và không gian kiến trúc ở phía sau những con phố ồn ào, náo nhiệt của 36 phố phường, bắt đầu từ năm 2003, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Utsumi Sawako - trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản đã tập trung nghiên cứu về cuộc sống của người dân trong khu phố cổ qua những sinh hoạt thường nhật của 102 ngôi nhà được chọn ngẫu nhiên.

  • Ảnh bên : Sự chật chội và bức bối trong phố cổ  (Ảnh: Kiều Nguyên)

Những con số thống kê của nhóm nghiên cứu đưa ra phần nào cho thấy sống ở phố cổ... khổ hết chỗ nói. Trong số 102 ngôi nhà được điều tra chỉ có 44 gia đình có nhà vệ sinh riêng, số còn lại phải dùng chung, trong điều kiện không được đảm bảo. 42 gia đình phải dùng chung nhà tắm và chỉ có 83 gia đình có bếp riêng. Đường nước đều được dùng cho cả khu vệ sinh lẫn bếp.

Do phải sống trong một không gian hẹp, nên người dân trong khu phố cổ đã tìm mọi cách vươn lên cao, hoặc mở rộng tối đa diện tích nhà sang không gian bên cạnh, điều này khiến cho diện tích sử dụng chung dần bị thu hẹp, kiến trúc cũng thay đổi. TS Utsumi Sawako cho biết, khi được hỏi, đại đa số người dân đều bày tỏ sự lo lắng và băn khoăn về thực trạng các khu vệ sinh và mong muốn có điều kiện cải tạo.

Chật chội là thế, nhưng không ai muốn dời đi nơi khác, cũng có người dân bày tỏ nguyện vọng di dời khỏi phố cổ nhưng với điều kiện họ phải được sống trong những ngôi nhà dưới mặt đất chứ không phải là những chung cư cao tầng.

TS Utsumi Sawako cho biết thêm, để giải quyết tình trạng này không phải một năm, hai năm sẽ làm được mà cần hội tụ nhiều yếu tố như xây dựng quy chế với những yêu cầu về giữ gìn diện mạo phố cổ Hà Nội, bên cạnh đó là hướng dẫn cách thức sinh hoạt, cải tạo “bộ mặt” bên trong để người dân lấy đó làm tiền đề cho việc nâng cấp điều kiện sống của mình.


Những đại diện người dân đang sinh sống trong khu phố cổ Hà Nội phát biểu ý kiến tại hội thảo


“Bảo tồn cách nào”?


Đó là sự trăn trở nhiều năm qua của GS.TS Furukawa - Đại học Chiba - Nhật Bản. Năm 2007, cũng trong một cuộc hội thảo về phố cổ GS.TS Furukawa  có bài viết “Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, bảo tồn cái gì, tại sao và bằng cách nào”.

Câu hỏi “Bảo tồn cái gì, tại sao phải bảo tồn” đã có đáp áp rõ ràng, nhưng “bảo tồn bằng cách nào” cho tới nay vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo. Và để tập trung trả lời câu hỏi này, hơn 1 năm qua, GS.TS Furukawa cùng các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam đã chọn các ngôi nhà trên phố Hàng Buồm để nghiên cứu.

Đầu tiên là chỉ ra vấn đề mà các ngôi nhà phố cổ phải đối mặt, ví như sự lộn xộn xuất phát từ việc các hộ dân tự ý xây dựng cải tạo. Chính vì thế, để việc cải tạo thu được thành quả cao nhất, trước hết cần có sự đồng thuận và chung sức của chính quyền và người dân.

Giải pháp mà GS.TS Furukawa đưa ra đó là nếu trong một số nhà, không có hộ dân nào chấp thuận chuyển ra ngoài sống thì khi cải tạo, mặt ngoài của ngôi nhà sẽ được giữ nguyên, bên trong có thể xây thêm tầng để nới rộng không gian sống, đồng thời việc bán những căn phòng này sẽ là nguồn thu việc cải tạo nhà.

Trong quá trình cải tạo, cần phải có tiêu chí, nhà nào là di sản, nhà nào không để từ đó có những bước hỗ trợ kinh phí tu bổ. Những giải pháp trên đã từng được Nhật Bản áp dụng trong việc cải tạo lại tuyến phố cổ Takamasu, đây cũng là một tuyến phố buôn bán giống với Hàng Buồm.

Tuy nhiên, GS.TS Furukawa nhấn mạnh, cần phải có cơ chế hỗ trợ đối với gia đình rời khỏi phố cổ với mức đền bù hợp lý và chấp nhận được. Bên cạnh đó là việc xây dựng quy chế bảo tồn và hồ trợ về kinh phí.

Cũng tại cuộc hội thảo, nhiều kinh nghiệm bảo tồn của nước ngoài đã được giới thiệu như kinh nghiệm của Sawara - một thành phố nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Chiba - Nhật Bản, trong nỗ lực bảo tồn, người dân và chính quyền đều nhìn về một hướng.

Sự thành công này đã khiến Sawara trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Hay như kinh nghiệm bảo tồn thị trấn cổ Kawagoe cách trung tâm Tokyo 35km.

Giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa của khu phố cổ, tiềm năng trong việc phát triển du lịch như thế nào đã được khẳng định từ rất lâu, thế nhưng cho đến nay các giải pháp bảo tồn còn rất khiêm tốn và cuộc hội thảo như một nỗ lực chung nhằm giữ gìn các di sản đô thị giá trị của Hà Nội.

Quỳnh Vân (An ninh Thủ đô) 

Một số hình ảnh minh họa bài trình bày của GS.TS Furukawa (nguồn: Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - UAI) 

Trong hơn 20 năm qua, đã có hàng chục cuộc hội thảo về chủ đề này nhưng tình hình phố cổ vẫn chưa thực sự được cải thiện. Hội thảo lần này đã mở ra nhiều hướng đi mới cho việc bảo tồn di sản văn hóa quốc gia.

Những con đường ngầm nối phố cổ

Hội thảo đã đưa ra khá nhiều dự án, ý tưởng quy hoạch cho các ô phố trong khu phố cổ Hà Nội như mở rộng diện tích sàn để sinh hoạt kinh doanh; cung cấp không gian và công trình công cộng mới; sử dụng không gian ngầm… Trong đó, việc đề xuất ý tưởng xây dựng những con đường ngầm dưới lòng đất để nối các tuyến phố cổ với nhau và để đi từ phố cổ tới các điểm công cộng. Đó là ý tưởng của tiến sĩ Iwata Shizuo đã (công ty ALMEC) được rất nhiều người quan tâm.
 
Ý tưởng này xuất phát từ thực tế giao thông đi lại ở các tuyến phố cổ hiện nay rất khó khăn do không gian chật hẹp. Hiện tại, Hà Nội đang triển khai dự án xây dựng một số tuyến bus nhanh và tàu điện ngầm, tàu điện nổi với các ga được bố trí ở những địa điểm phù hợp. Xung quanh khu vực phố cổ Hà Nội, dự tính sẽ có 2 sân ga và một số bến của tuyến bus nhanh. Do vậy, nếu thiết kế được những con đường ngầm dưới lòng đất xuất phát từ những ô phố đông người đến thẳng sân ga, bến xe bus thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều không gian, thời gian đi lại trên mặt đất. Tại những con đường ngầm dưới lòng đất ấy, người dân vẫn có thể mở một số dịch vụ buôn bán, kinh doanh phù hợp. Điểm xuất phát của các con đường ngầm sẽ được chọn lựa kỹ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đi lại của số đông người dân trong phố cổ.


Ý tưởng tái phát triển của tiến sĩ Iwata Shizuo (nguồn: Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - UAI)

Nếu ý tưởng này có thể trở thành hiện thực thì chúng ta sẽ tận dụng được một diện tích không gian ngầm rất lớn dưới mặt đất để giảm bớt lưu lượng giao thông đường bộ, tạo cảnh quan thông thoáng hơn cho khu phố cổ.

Dựng “khách sạn mini” bằng “nhà cổ”

Lâu nay, trong các cuộc hội thảo về việc bảo tồn khu phố cổ, ban tổ chức thường mời đại diện phía cộng đồng tham dự để lấy ý kiến đóng góp của họ - những người đã và đang sinh sống ở địa bàn đó. Nhưng một thực tế là chỉ có đại diện của lớp người đi trước, những ông, những bác đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm” tham gia. Còn lớp người trẻ - chủ nhân tương lai của những ngôi nhà cổ, khu phố cổ ấy suy nghĩ gì, có nguyện vọng gì?

Trong cuộc hội thảo ngày 20/3 khi bên cạnh các giáo sư, tiến sĩ các kiến trúc sư, nhà khoa học còn có rất nhiều các bạn trẻ được mời tham dự, nhất là các sinh viên trường đại học Xây Dựng. Thu Hằng - sinh viên Xây Dựng đã đề xuất ý tưởng xây dựng khách sạn mini trên cơ sở một hai ngôi nhà cổ điển hình để thu hút khách tham quan. “Khách sạn mini này sẽ tái tạo, phục dựng lại không gian của các ngôi nhà cổ từ cánh cửa, cầu thang gỗ đến các đồ vật sinh hoạt, trang trí bên trong. Không chỉ có khách du lịch trong và ngoài nước muốn thử cảm giác sống lại trong không khí cổ xưa mà chính các bạn trẻ cũng muốn được sống thử ở đây vài ngày để cảm nhận giá trị lịch sử, văn hóa của di sản này. Đây có thể là một hướng kinh doanh mới và hấp dẫn cho những gia đình còn khó khăn trong phố cổ”.

Thanh Tùng - sinh viên khoa Kiến trúc cũng chia sẻ: “Bản thân mình sinh ra và lớn lên ở phố cổ, tương lai sẽ là chủ ngôi nhà ấy, nhưng thực sự mình chưa nhận thức được hết giá trị của chúng. Lớp trẻ ngày nay có rất nhiều mối quan tâm khi cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, do vậy mình mong những chiến dịch tuyên truyền, các hội thảo hướng nhiều hơn tới giới trẻ, vì chúng tôi, chính những người có trí thức, sức khỏe, tâm huyết mới là những người thực hiện tốt nhất việc bảo tồn, gìn giữ này và thế hệ đi trước sẽ là những người dẫn dắt, chỉ đường”.
 
Hải Yến (Thể thao & Văn hóa)

>> Hội thảo "Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội - Tìm kiếm những giải pháp thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế" 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo