Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Thu hồi đất: Giải bài toán thực thi và trách nhiệm

Thu hồi đất: Giải bài toán thực thi và trách nhiệm

Viết email In

Một trong những nội dung mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội tại kỳ họp lần này chính là nội dung Nhà nước thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Việc hiến định như vậy có góp phần tránh được tình trạng nhập nhèm trong thu hồi đất và đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi? 

Việc thu hồi đất luôn là vấn đề thời sự, là rất cần thiết trong quá trình phát triển của đất nước. Xong vấn đề này luôn tạo ra sự xung đột về lợi ích của người sử dụng đất với nhà nước, với các dự án.  


Thu hồi đất là thu hồi tư liệu sản xuất, không rõ trách nhiệm thì dù hạn chế thu hồi, bức xúc không giảm mà chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. 

Thế nào là “thật cần thiết” 

Theo TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Việc đưa nội dung Nhà nước thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Tôi cũng nói thêm rằng, chỉ trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước mới thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội, còn nếu không, việc thu hồi đất phải thực hiện theo sự thỏa thuận giữa người đang sử dụng đất và tổ chức, cá nhân, DN muốn có quyền sử dụng đất để thực hiện đầu tư công trình, dự án. 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng: Mục 3, Điều 54 quy định là "Việc thu hồi đất phải đảm bảo công khai, minh bạch, bồi thường theo đúng quy định của pháp luật". Mặc dù trong quy định của dự thảo đã dùng từ "thật cần thiết" theo luật định. Tôi thấy như vậy thể hiện được sự cân nhắc kỹ lưỡng của Ban soạn thảo song tôi vẫn còn băn khoăn về khái niệm thật cần thiết, thế nào là thật cần thiết, cần thiết ở mức độ nào và ai sẽ xem xét mức độ cần thiết đó. 

Trên tinh thần đất đai là sở hữu toàn dân tôi đề nghị cần quy định rõ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan đại diện cho nhân dân xem xét quyết định mức độ cần thiết thì sẽ cẩn trọng hơn, có hiệu quả và khách quan hơn. Tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình thu hồi đất. Như vậy, trong Mục 3 tôi đề nghị sửa lại là "nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định và được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt cụ thể vì mục đích quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội". Việc thu hồi đất phải mang tính công khai, minh bạch, bồi thường theo quy định pháp luật” - ông Hùng kiến nghị.

Thậm chí đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) còn cho rằng: Điều 54 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định về quan điểm, cơ chế và nguyên tắc thu hồi đất còn chưa rõ ràng và chặt chẽ. Đó là biện pháp quy định nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội nhưng phát triển kinh tế xã hội phục vụ cho mục đích gì và lợi ích của ai thì không rõ ràng. Do đó tôi đề nghị trong sửa đổi Hiến pháp lần này cần quy định rõ về quan điểm chuyển dịch đất đai giữa chuyển dịch đất đai bắt buộc và chuyển dịch đất đai tự nguyện. 

Nói chuyển dịch đất đai bắt buộc có nghĩa là ngoài việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh thì nhà nước chỉ thực hiện công tác thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như thu hồi đất phục vụ công trình giao thông, năng lượng, phục vụ các kết cấu hạ tầng công cộng và phúc lợi xã hội, công trình quan trọng quốc gia, dự án xây dựng trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu phục vụ cho mục đích bảo vệ môi trường sinh thái, các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới... Thực chất việc thu hồi đất như nói trên đây là bao gồm cả phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy theo tôi đề nghị trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp không quy định nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội và đề nghị Hiến pháp giao cho Luật đất đai quy định cụ thể danh mục nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia công bằng. Nói chuyển dịch đất đai tư nguyện có nghĩa là đối với các dự án, công trình tư nhân vì lợi ích kinh doanh của chủ đầu tư thì chủ đầu tư đó tự thỏa thuận với dân để mua quyền sử dụng đất, tức là nhà nước không đứng ra thu hồi đất phục vụ cho các trường hợp này. Tuy nhiên nhà nước cần có những quy định cụ thể, thực hiện cơ chế này để việc chuyển dịch đất đai được thuận lợi” - ông Cư nhấn mạnh

Làm rõ trách nhiệm tập thể - cá nhân 

Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp đưa ra những quy định khá đầy đủ và chặt chẽ thì các đại biểu vẫn băn khoăn về tính thực thi cũng như đồng bộ của các giải pháp. Theo, đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội): Những thiếu sót có liên quan đến đất đai trong thời gian vừa qua, không phải lỗi do quy định của Hiến pháp mà là do các nguyên nhân sau đây: Một là do hệ thống pháp luật của chúng ta cụ thể hóa các chế định đất đai trong Hiến pháp chưa đáp ứng được thực tế, không riêng gì đối với Luật đất đai mà đã để lại xảy ra những trường hợp: Thứ nhất là do trình độ, năng lực của cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, từ đó không hiểu đầy đủ, dẫn đến có các hành vi vi phạm thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Thứ hai là một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất có tư tưởng lợi ích nhóm, lợi dụng cơ chế mượn danh chính quyền để cố ý làm trái, không phục vụ cho lợi ích quốc gia. Nguyên nhân thứ hai là do công tác quản lý nhà nước của chúng ta trong thời gian vừa qua còn buông lỏng, quy hoạch được thông qua chậm, không kịp thời, chất lượng còn hạn chế, không sát với đòi hỏi của thực tiễn và không có sức sống lâu dài dẫn đến phải thường xuyên bổ sung, sửa đổi và điều chỉnh thêm vào đó là quá trình tổ chức chấp hành quy hoạch cũng không nghiêm túc, các sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai xử lý không nghiêm. Thứ ba là do không làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, không thực hiện công khai, minh bạch về đền bù, thu hồi đất về phân phối lại địa tô chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Từ phân tích trên, tôi đề nghị sau khi Hiến pháp được thông qua, các cơ quan có thẩm quyền cần phải có các giải pháp ngăn chặn kịp thời nhằm khắc phục những tồn tại trên, nhất là phải kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa biến chất, không sợ thiếu cán bộ vì chúng ta còn nhiều cán bộ, công chức có tầm và có tâm vì đất nước vì nhân dân. 

Cũng liên quan tới cơ chế thực thi, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nhấn mạnh đến trách nhiệm: cân nhắc theo hướng thay hạn chế quyền thu hồi đất của nhà nước bằng trách nhiệm của nhà nước với việc thu hồi. Đối với mục tiêu càng làm nhiều càng hiệu quả và nhân dân đồng tình cao, góp phần nâng cao năng lực, bộ máy nhà nước, trách nhiệm pháp lý với nhà nước và công dân ngày càng rành mạch và minh bạch. Theo quan sát nghiên cứu một số báo cáo thấy rằng, thời gian qua rất ít người chịu trách nhiệm về không hiệu quả hay nói cách khác ký mà không chịu trách nhiệm hoặc đổ được trách nhiệm mà ký có lợi cho cá nhân thì dẫn đến ký không cẩn thận, ký không thận trọng. Nếu xác lập trách nhiệm thì chắc chắn khác đi nhiều. Thu hồi đất không theo xác định trách nhiệm trong từng công đoạn của nhà nước và trách nhiệm của người được nhân dân ủy quyền thì các nguyên tắc và giải pháp khác chỉ là hình thức hoặc dần trở thành hình thức vì đất là lợi ích, tấc đất, tấc vàng.

Thu hồi đất là thu hồi tư liệu sản xuất, không rõ trách nhiệm thì dù hạn chế thu hồi, bức xúc không giảm mà chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. Nhiều cử tri cho rằng để hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì cơ sở vật chất quan trọng hàng đầu là sự công bằng trong phân phối, phân chia lợi ích từ tài nguyên đất. 

Ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường:
Tránh lạm dụng

Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi đã bám sát ý kiến tham gia của các đại biểu về Hiến pháp, nhất là Điều 53 liên quan đến đất đai. Hiện nay, trong Luật Đất đai, có Điều 61, 62, 63 đề cập các nội dung liên quan đến vấn đề thu hồi đất, với các mục đích thu hồi đã nêu trên, thì theo tôi đáp ứng được những vấn đề trong Hiến pháp đã nêu.

Việc thu hồi đất cho mục đích kinh tế - xã hội cần được tiến hành thế nào để tránh được việc DN lạm dụng, xảy ra nhiều khiếu nại, tố cáo? Thời gian vừa qua, chúng ta thu hồi đất cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng bên cạnh đó còn nhiều tồn tại, liên quan đến lợi ích người dân, gây ra tình trạng khiếu kiện… Cũng có những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng. Những tồn tại này trong luật mới sẽ được khắc phục. Chúng tôi đã đặt mục tiêu khi xây dựng Luật Đất đai lần này là phải giải quyết được vấn đề đó. Với tinh thần của Hiến pháp sửa đổi lần này tại Điều 53, thì việc thu hồi đất tùy tiện sẽ được khắc phục trong thời gian tới, khi thực hiện Luật mới.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum):
Minh bạch các trường hợp thu hồi đất

Nhà nước là chủ đại diện của đất đai, tuy nhiên trên thực tế trong nhiều trường hợp không biết ai là nhà nước thực sự. Chính quyền trung ương hay chính quyền địa phương do đó dẫn đến tình trạng lạm dụng, lạm quyền trong thu hồi đất, xâm hại đến lợi ích của người dân và lợi ích của quốc gia. Trong một số trường hợp đất đai được chuyển từ người dân với giá thấp sang một số ít người mà dư luận thường gọi là đại gia để thu lợi lớn hơn trong khi dân thiếu hoặc không có đất đã làm người dân bức xúc và bất bình. Khắc phục vấn đề này là sẽ yên lòng dân, khắc phục bằng việc Luật Đất đai phải cụ thể hóa Điều 53, 54 của Hiến pháp thành những quy định minh bạch cụ thể các trường hợp thu hồi đất đồng thời có cơ chế định giá đất phù hợp, đầy đủ, đảm bảo lợi ích của người dân khi nhà nước thu hồi đất.

Ông Nguyễn Viết Nhiên (TP Hải Phòng): 
Xem lại quy định thu hồi đất

Như chúng ta đều biết, đơn thư khiếu nại, tố cáo có tới 70 đến 75% rơi vào lĩnh vực đất đai, đặc biệt việc thu hồi đất, giá đất, tái định cư, công ăn việc làm sau khi bị thu hồi đất. Do vậy, tôi tán thành cần phải quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp, vì quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân cần phải quy định thật chặt chẽ những trường hợp thu hồi, đó sẽ là cơ sở quan trọng trong Luật Đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng thu hồi tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế nước ta hiện nay vẫn cần phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án, cần phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân khi vị thu hồi đất để tránh sự thiệt thòi cho người dân và giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân lên các cấp chính quyền. 

Phan Nam (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo