Lời tác giả

Tôi tốt nghiệp với tấm bằng kiến trúc sư năm 1960, điều đó có nghĩa tôi đã theo đuổi lĩnh vực phát triển đô thị trong suốt 50 năm. Con đường này như một mối cơ duyên, nhưng cũng không kém phần gập ghềnh.
Cách thức các thành phố được quy hoạch và phát triển đã biến đổi không ngừng trong suốt nửa thế kỷ qua. Cho đến khoảng năm 1960, các đô thị trên thế giới đã phát triển chủ yếu dựa trên kinh nghiệm tích lũy trong nhiều thế kỷ. Đời sống trong không gian đô thị là một phần thiết yếu của những kinh nghiệm phong phú này, và người ta mặc định nghiễm nhiên các thành phố đều được xây dựng cho con người.
Cùng với sự nở rộ của tăng trưởng đô thị, công tác quy hoạch thành phố được chuyển giao cho những nhà quy hoạch chuyên nghiệp. Các lý thuyết và quan điểm thay thế dần những nền tảng phát triển truyền thống. Chủ nghĩa hiện đại chiếm ảnh hưởng chủ đạo, nhìn nhận đô thị như một cỗ máy với những bộ phận được phân chia theo chức năng. Một nhóm đối tượng mới, các nhà quy hoạch giao thông, cũng dần xuất hiện cùng những ý tưởng và lý thuyết nhằm tạo ra những điều kiện tốt nhất — cho giao thông xe hơi.
Những nhà quy hoạch đô thị và giao thông này đều lờ đi không gian thành phố và đời sống đô thị, để lại khoảng trống trong nhận thức nhiều năm liền về những cấu trúc vật lý ảnh hưởng đến hành vi của con người. Mãi về sau, người ta mới phát hiện ra hậu quả nghiêm trọng của lối quy hoạch này tác động đến việc người dân sử dụng thành phố.
Quy hoạch đô thị trong vòng 50 năm qua rất có vấn đề. Người ta không ý thức được rằng sự chuyển dịch đời sống đô thị theo lối truyền thống sang dạng đô thị chức năng cần được cân nhắc dưới bàn tay quy hoạch kỹ lưỡng của các chuyên gia thực sự.
Ngày nay, sau rất nhiều năm, một lượng lớn kiến thức về mối liên hệ giữa dạng thức vật chất và hành vi con người đã được tích lũy. Chúng ta có thừa mứa thông tin về những gì cần và nên làm. Cùng lúc này, các thành phố và cư dân cũng đã trở nên rất chủ động đòi hỏi quyền lợi của con người trong định hướng quy hoạch. Trong những năm gần đây, nhiều đô thị trên thế giới đã nỗ lực vượt bậc nhằm hiện thực hóa giấc mơ về thành phố tốt đẹp hơn cho con người. Nhiều dự án dẫn đường và chiến lược tầm nhìn đã định ra hướng đi mới sau nhiều năm bỏ bê.
Thực tế hiện nay đòi hỏi phải đặt sự quan tâm đến đời sống đô thị và cư dân thành phố ở vị trí then chốt trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng. Sau khi đã lãng quên nhiều năm, giờ đây người ta nhận ra việc quan tâm đến yếu tố con người trong đô thị là chìa khóa để tiếp cận tới các thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh, tất cả những mục tiêu tối quan trọng của thế kỷ 21.
Tôi hi vọng cuốn sách của mình có thể đóng góp phần nào đó cho định hướng phát triển mới này.
Jan Gehl