Quy hoạch xây dựng Hà Nội: nhiều ẩn số và hy vọng

Thứ sáu, 07 Tháng 8 2009 17:33 Trần Huy Ánh / Tuần Việt Nam Quy hoạch đô thị
In
Tương lai, không gian Hà Nội đang có cơ hội được xây dựng bởi cộng đồng những ngưòi có tấm lòng với Thủ đô.

Một năm cho bản quy hoạch

Tháng 12/2008, Liên danh tư vấn  PPJ ký hợp đồng lập quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Theo quy định, tháng 12/2009, đồ án sẽ được thẩm định lần cuối để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo GSTS Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị VN: “Một năm để thực hiện công việc lớn như vậy là quá vội vàng…” 

Tháng 4 năm 2008, Liên danh tư vấn đã báo cáo lần thứ nhất với  2 ý tưởng phát triển. Dự tính dân số 10 triệu người, GDP bình quân 20.000 USD vào 2030, và tầm nhìn trở thành Thành phố có vị trí tại khu vực và Châu Á. … Giới thiệu bằng phim chiếu và thuyết trình bởi một KTS trẻ ngưòi Hàn Quốc. Nhạc đệm với tiếng trống dồn dập, con rồng uốn lưng thành hình bản đồ Việt Nam và loé sáng khi nhả ngọc vào vị trí Thủ đô Hà Nội.

Trên nền bản đồ vệ tinh, những toà cao ốc mọc lên như quảng cáo Hollywood, kỹ xảo đồ hoạ được sử dụng khá công phu tạo ra viễn cảnh lâu đài soi bóng xuống mặt nước thảm cỏ và những cánh buồm căng gió lướt trên sông…

Không chỉ riêng tôi mà vài đồng nghiệp nổi da gà với cách trình bầy ấn tượng nhưng không giấu nổi cảm giác tủi thân vì không lẽ tương lai Thành phố ngàn năm tuổi có cái hình hài hoạt hoạ đến như vậy.

Ba tháng sau (tháng 7/2009), bản Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội báo cáo lần 2 (gọi tắt là bản QH) đã được trình bầy rộng rãi với các giới chuyên môn và không ít vấn đề đã được cân nhắc: Dự kiến dân số từ hơn 6 triệu dân hiện tại sẽ tăng lên 10 triệu dân trong 20 năm tới (tăng 3% /năm) và GDP còn 10.000USD/ người (tăng <5%năm). Về tổng thể, TP sẽ là hình ảnh sông núi địa phương giàu chất văn hoá đặc trung hơn là sa lầy vào cạm bẫy trở thành thứ bậc nào đó trong xu thế toàn cầu hoá.

Chỉ trong vòng 3 tháng, với sự tham gia quyết liệt của các đối tác Việt Nam, bản QH  đã  mang đậm tiếng nói bản địa. Một phần kết quả có được là do đơn vị thực hiện đã tiếp thu tích cực những ý kiến đóng góp có trách nhiệm và giàu trí tuệ của các chuyên gia: Hành lang xanh chiếm 60% đã được cụ thể hoá bằng cách đề xuất loại bỏ 2/3 dự án nằm trong phạm vi xác định.

 


Phương án Hành lang Xanh 60% diện tích đất tự nhiên do Liên danh tư vấn Quy hoạch Hà nội mở rộng (PPJ) đề xuất 

QH đã kế thừa những kết quả nghiên cứu công phu của tư vấn Nhật Bản tại dự án HAIDEP trong khu vực Hà Nội cũ với mạng lưới giao thông nội đô, các vùng đặc trưng đô thị, từ đó có ứng xử thích hợp với các bộ phận như: khu phố cổ, khu phố Pháp, vùng nông thôn ngoại thành, hai bên bờ sông Hồng, quanh Hồ Tây, vùng làng nghề, vùng Cổ Loa…

Bên cạnh đó bản QH phải gánh vác đồng thời những nhiệm vụ trọng đại mà các bản QH trước đó chưa đề cập: QH định hướng không gian các trường Đại học và THCN, mạng lưới bệnh viện, trung tâm hành chính quốc gia, các thành phố vệ tinh, hạ tầng kỹ thuật. Bản QH còn phân tích hệ sinh thái mặt nước/cây xanh, cảnh quan thiên nhiên sông núi, các yếu tố ba vùng văn hoá, bảo tồn di sản ….

Chỉ cần so với bản quy hoạch đã thực hiện năm 1998 cho thấy bản QH lần này triển khai với tộc độ cao hơn hẳn. Nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm lo ngại: “Thời điểm 1998, quy mô Hà Nội còn nhỏ mà thời gian nghiên cứu quy hoạch mất vài năm, bây giờ Thủ đô đã được mở rộng lớn gấp mấy lần, nếu buộc phải hoàn thành đồ án quy hoạch vào năm 2010, e rằng tư vấn sẽ không đủ thời gian nghiên cứu kín kẽ”.

Lo ngại như vậy là chính đáng vì bản QH 1998 làm lâu như vậy, nhưng vừa mới duyệt xong đã hiệu chỉnh. Chỉnh sửa liên miên, tuỳ hứng, cho đến tận 10 năm sau nó vẫn sửa đổi, thậm chí có nội dung khác hẳn với bản gốc đã nghiên cứu rất tốn thời gian. Nó bị chỉnh sửa bởi chính những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch kiến trúc và quản lý TP, rất tiếc phần lớn lý do chỉnh sửa tối nghĩa nên Quy hoạch Hà Nội hiện đang tồn tại nhiều vấn đề.

Tại hội thảo ngày 29/7, có nhà khoa học thừa nhận điều đó và đồng thời nhận mình là người trong cuộc: “vừa là chủ mưu vừa là a tòng, vừa là nạn nhân của Hà Nội hôm nay” – (Tiến sĩ Nguyễn Hoàn - Hội Kinh tế Việt Nam).

Nhiều cơ hội và nguy cơ

Nếu như những nghiên cứu QH Hà Nội được soạn thảo trước đây một cách âm thầm và nhiều nội dung cho đến giờ vẫn là không dễ tiếp cận đối với nhiều người (một phần do cách diễn đạt mập mờ đa nghĩa ), thì bản QH lần này được bàn luận sôi nổi từ nhiều giới.

Như vậy là tương lai không gian Hà Nội đang có cơ hội được xây dựng bởi cộng đồng những ngưòi có tấm lòng với Thủ đô, tương lai ấy ắt là thân thiện hơn, gần gũi hơn với cư dân Thành phố - khi họ được bầy tỏ ước muốn của mình một cách công khai và nhiều dịp kiểm chứng xem những người soạn thảo QH có lắng nghe tâm nguyện của mình không.

Nguy cơ của bản QH là sẽ mất đi cái chủ ý sáng tạo độc đáo của nhóm tác giả, ví dụ như vị trí sân bay phía Nam TP – dự kiến đặt trên 5.000ha ruộng lúa, tại nơi đất trũng. Nó ra đời theo ý kiến chủ quan bên đặt hàng nhưng vấp phải phản ứng khá sôi nổi từ giới chuyên môn. Bản QH cùng một lúc phải giải đáp nhiều câu hỏi: từ liên hệ quốc tế đến nội vùng, từ nhức nhối đô thị phồn hoa cát bụi  đến cuộc mưu sinh vất vả của nông dân. Có thứ cần ngay trước mắt nhưng vẫn phải phóng tầm nhìn xa tới mấy mươi năm…

Nó tự trở thành một bài toán quá nhiều ẩn số mà không thể có kết quả lý tưởng nào thoả mãn mọi điều kiện. May mắn là bản QH lần này được rất nhiều KTS, KS các chuyên gia trẻ tuổi thực hiện. Họ làm chủ các phương tiện nghiên cứu, phân tích tính toán, thiết kế thể hiện, mô hình hoá với sự trợ giúp của máy tính. Họ đang có cơ hội lớn để thuyết phục các thế hệ đi trước bằng tài năng và tấm lòng của mình. Chúng ta có thể đặt niềm tin ở họ.


Đề xuất 2 phương án bố trí dân cư với 10 khu vực đặc trưng 

Nguy cơ là bản QH làm chậm đi cái khí thế tưng bừng của hàng trăm dự án đã khởi sự từ trước ngày 1/8/2008. Những dự án mà theo như nội dung trình bầy là sẽ  tạo ra bao nhiêu là việc làm, đem lại cho xã hội cơ man nào lợi ích, đóng góp vào giá trị khai thác đất đai hiệu quả lên mấy mươi lần….nay đang nín thở chờ đợi.

Nhưng cơ hội là kinh tế đang khó khăn, thị trường BĐS chìm sâu vào yên lặng. Thực lực tài chính hạn chế của các chủ đầu tư cũng bộc lộ. Các định chế tài chính trong nước và quốc tế có cùng đông tác: siết chặt các khoản đầu tư BĐS, để tiết kiệm tiền bạc tài nguyên - sử dụng chúng một cách khôn ngoan hơn.
 
Vậy là có nhiều cơ hội nhiều hơn cho sự lựa chọn các dự án phù hợp hơn cho lợi ích tổng thể.



Theo kế hoạch, tháng 10 /2009 sẽ báo cáo lần 3: đề xuất kỹ thuật. Tháng 12-2009 báo cáo Thủ tướng Chính phủ lần 2. Dự kiến, tháng 4-2010, Hội đồng thẩm định quốc gia phản biện và tháng 6 đến tháng 10-2010 sẽ phê duyệt.

Còn nhiều dịp nữa để đông đảo các giới tham gia sáng kiến góp phần xây dựng tương lai Thủ đô.

Trần Huy Ánh

>> “Hà Nội sẽ là một thành phố xanh” - TS.KTS. Nguyễn Đình Toàn 

[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: