Doanh nghiệp: Diện tích nhà ở xã hội tối thiểu 25 m2 là hợp lý

Thứ ba, 17 Tháng 11 2015 20:07 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội mới được Chính phủ ban hành, nếu nhà ở xã hội là chung cư thì diện tích tối thiểu căn hộ là 25 mét vuông. Điều này được nhiều doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội hoan nghênh vì cho rằng, diện tích nhỏ sẽ phù hợp với những người thu nhập thấp. 

Theo điều 7 của Nghị định trên, nếu nhà ở xã hội là chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn diện tích mỗi căn hộ tối thiểu là 25 mét vuông sàn, tối đa là 70 mét vuông sàn.


Một khu nhà ở xã hội dành cho công nhân thuê ở TPHCM
(Ảnh: Mạnh Tùng) 

Trước đó, theo dự thảo của nghị định trên, mỗi căn hộ nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 25 mét vuông sàn, tối đa không quá 90 mét vuông sàn. Tuy nhiên, tỉ lệ chung số căn hộ có diện tích sàn từ 25- 30 mét vuông và từ 70 - 90 mét vuông không quá 20% tổng số căn hộ của mỗi dự án. 

Nghị định mới không ràng buộc tỷ lệ căn hộ có diện tích tối thiểu, và như vậy, theo nghị định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 10-12 sắp tới, doanh nghiệp sẽ không bị khống chế tỉ lệ căn hộ có diện tích sàn 25 mét vuông.

Trao đổi với TBKTSG Online, một số doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội và chung cư diện tích nhỏ để bán, cho thuê cho rằng, quy định trên đây là hợp lý và phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại.

Cụ thể, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, nhận định nhu cầu về nhà ở diện tích nhỏ, giá rẻ, cho thuê hoặc bán cho người lao động thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân ở tỉnh xa lên TPHCM làm việc, là rất lớn.

“Hiện tại, một căn nhà trọ diện tích 15 mét vuông ở gần các khu công nghiệp cũng có giá cho thuê 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu được làm nhà ở xã hội với diện tích 25 mét vuông, giá cho thuê có thể cao hơn một chút, khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng nhưng họ có thể ở được nhiều người hơn, trong một môi trường thoải mái, an ninh và tiện nghi hơn nhà trọ,” ông Nghĩa phân tích.

Cũng theo ông Nghĩa, nhà ở xã hội 25 mét vuông là vừa đủ cho một cặp vợ chồng trẻ có thu nhập thấp – vốn có nhu cầu rất lớn tại TPHCM.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng đồng ý với việc quy định diện tích tối thiểu của nhà ở xã hội còn 25 mét vuông như hiện nay, thay vì ở mức 45 mét vuông theo các quy định trước đây.

Cũng theo ông Thành, nếu doanh nghiệp làm những căn hộ nhà ở xã hội 25 mét vuông sẽ phù hợp để cho thuê hơn là để bán. “Đây sẽ là nơi ở đầu tiên cho những người mới đi làm, tích lũy tài chính. Khi họ có đủ điều kiện mua nhà thì căn hộ này sẽ được quay vòng cho những người tiếp theo,” ông Thành cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều doanh nghiệp đặt ra là ai chịu làm căn hộ 25 - 30 mét vuông khi phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đang chạy đua làm nhà ở trung cấp, cao cấp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp làm nhà ở xã hội tại TPHCM cho rằng Nhà nước phải đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện cho các những doanh nghiệp làm loại hình căn hộ này. 

“Nếu nguồn cung dồi dào, được Nhà nước ưu đãi thêm về thuế, quy hoạch vị trí thì doanh nghiệp sẽ có lãi và khi đó mới mạnh dạn tham gia. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà rộng hơn là an sinh xã hội nên doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ,” vị lãnh đạo doanh nghiệp này bày tỏ. 

Mạnh Tùng 
(TBKTSG Online)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: