Cần đẩy mạnh nhanh thủ tục “phi địa giới” nhà đất trong giao dịch

Thứ năm, 28 Tháng 2 2019 21:23 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Hiện nay hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã tiến hành số hóa dữ liệu về hồ sơ đất đai, một số địa phương đã cho phép người dân tra cứu dữ liệu để biết về tình trạng đất đai khi có được một số thông tin như họ tên, số thửa, số lô… để thuận tiện trong việc kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất khi thực hiện các hoạt động mua bán, giao dịch...

Tuy nhiên, việc ứng dụng các dữ liệu đất đai cũng chỉ dừng lại xem thông tin để biết mà chưa thực sự ứng dụng triệt để trong các thủ tục hành chính khiến người dân phải vất vả xuôi ngược khi thực hiện các giao dịch đất đai như đăng ký thế chấp, xóa thế chấp, điều chỉnh để cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…


(Ảnh minh họa: Thành Hoa)

Hiện nay, Đồng Nai là tỉnh đi tiên phong trong việc làm các thủ tục liên quan đến đất đai theo kiểu “phi địa giới” nghĩa là người dân đến bất kỳ bộ phận dịch vụ hành chính công nào trong tỉnh cũng được phục vụ như nhau cho một số yêu cầu liên quan đến đất đai mà không còn phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Bởi thực trạng hiện nay, hầu hết các địa phương đều thực hiện các giao dịch đất đai tại chính nơi địa phương đang đăng ký, nghĩa là ai có đất ở huyện A thì chỉ đến huyện A mà không được đến huyện khác để thực hiện các giao dịch. Việc quy định như thế khiến nhiều người mua đất ở một nơi nào đó, muốn thế chấp vay vốn ngân hàng quyền sử dụng đất phải chạy ngược đến địa phương mình đang sở hữu đất để thực hiện thủ tục thế chấp rất mất nhiều thời gian lẫn công sức gây tốn kém cho xã hội.

Giờ đây việc sở hữu đất đai của người dân không còn khoảng cách địa lý, không chỉ khác nhau ở huyện này huyện kia mà còn ở tỉnh này tỉnh kia và đất đai không chỉ còn có ý nghĩa về chỗ ở mà đó chính là một phần tài sản quan trọng trong việc hoạt động kinh doanh, giao dịch. Do đó việc thực hiện các hoạt động giao dịch này mà chỉ gói gọn mang tính cuộc bộ địa phương như kiểu đất ở địa phương nào đến địa phương đó giải quyết là một điều không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay.

Trong những năm qua, ngành tài nguyên môi trường đã có những chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ, dữ liệu đất đai, số hóa bản đồ,… song đa phần mới chỉ phục vụ riêng cho hoạt động của nội bộ ngành mà chưa đưa vào áp dụng rộng rãi phục vụ các hoạt động trong các giao dịch hành chính, dân sự.

Với cách thực hiện giao dịch đất đai “phi địa giới” mà tỉnh Đồng Nai đang triển khai là một mô hình hay trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân rất phù hợp với xu thế xã hội 4.0, xây dựng chính quyền điện tử mà các địa phương khác nhanh chóng cần triển khai ngay.

Văn Thi Hoàng

(TBKTSG)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: