Sức nóng từ thị trường homestay

Thứ tư, 03 Tháng 7 2019 11:38 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Tuy cạnh tranh trên thị trường homestay ngày càng gay gắt và có nhiều đánh giá lo ngại về triển vọng sắp tới nhưng hiện tại, bình quân mỗi phòng homestay riêng biệt vẫn bán được 31 đô la Mỹ/đêm, tương đương với giá phòng khách sạn cỡ 3 sao tại thành phố lớn.

Tập trung tại 10 thị trường chính

Theo báo cáo của AirDNA, công ty cung cấp dữ liệu và phân tích cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu thế giới, thị trường homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) ở Việt Nam đang bùng nổ. Trong hai năm qua, danh sách các căn nhà cho thuê trên Airbnb và HomeAway đã tăng đến 452%. Cả nước có đến 50.000 homestay đang cho thuê trên các kênh đặt phòng trực tuyến.


Nhu cầu về những homestay xa vùng thành thị tăng trưởng đến 111%. Trong ảnh là một khu homestay tại Cần Thơ.
(Ảnh: Minh Duy)

Cũng tương tự như dịch vụ chia sẻ phòng ở Airbnb, phần lớn các chủ homestay ở Việt Nam cho thuê toàn bộ căn nhà thay vì chỉ cho khách du lịch thuê trong thời điểm nhà còn phòng trống. Cụ thể, có đến hơn 52% chủ nhà cho thuê toàn bộ căn nhà, gần 44% cho du khách thuê những phòng riêng biệt và chỉ có hơn 4% là chia sẻ phòng.

Công suất bình quân khi cho thuê toàn bộ căn nhà là 47% trong khi phòng riêng biệt chỉ đạt công suất 36%. Giá bình quân khi chủ homestay cho thuê toàn bộ căn nhà là 69 đô la Mỹ/ngày. Với phòng riêng thì giá mỗi ngày là 31 đô la.

AirDNA tính toán trên cả cả nước, tổng doanh thu của việc cho thuê phòng riêng biệt đã đạt đến gần 29 triệu đô la Mỹ. Doanh thu cho thuê toàn bộ căn nhà nhiều hơn, đạt trên 100 triệu đô la Mỹ.

Thị trường homestay đang bùng nổ tại Việt Nam nhưng không phải làm dịch vụ này ở đâu cũng “thắng”. Cả nước tuy có hàng chục ngàn homesay nhưng 10 thị trường lớn nhất là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Ninh và Thừa Thiên – Huế lại chiếm đến 93% của tổng nguồn cung và 98% tổng doanh số homestay của cả nước. Trong đó, doanh thu cho thuê homestay mỗi năm tại TPHCM là hơn 41,6 triệu đô la Mỹ, Đà Nẵng 19,5 triệu đô la, Hà Nội là hơn 13,3 triệu đô la, Khánh Hòa 7,6 triệu đô la…

Trên cả nước, TPHCM là địa phương cung cấp nguồn cung lớn nhất, chiếm 37% trong tổng nguồn cung nhưng ba địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Vũng Tàu mới là những nơi có giá cho thuê bình quân cao nhất. Ba tỉnh, thành này cũng là nơi có nhiều căn nhà lớn được cho thuê, với số phòng bình quân là 2 phòng ngủ/mỗi lần thuê trong khi những thành phố khác chỉ là 1,5 phòng. Đà Nẵng cũng là thành phố nổi bật trong phân khúc cho thuê toàn bộ căn nhà vì có giá thuê bình quân hàng ngày cao nhất, lên đến 61 đô la Mỹ (tính từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019).

Nhu cầu tăng trưởng mạnh

Một điều khá ngạc nhiên được AirDNA công bố trong bản báo cáo nói trên là tuy phần lớn khách ở tại các homestay ở Việt Nam là khách quốc tế nhưng thị trường có nguồn khách lớn nhất lại là TPHCM. Theo đó, 66% khách ở tại các homestay là khách đến từ Singapore, Seoul, Melbourne, Hong Kong, Sydney... nhưng thị trường lớn mang lại nguồn khách lớn nhất lại là TPHCM.

Trò chuyện với Thị trường Địa ốc về chủ đề này, ông Dương Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CBT Travel, chuyên gia tư vấn phát triển homestay cũng có nhận định tương tự. Chuyên gia này cho rằng, các chủ homestay nên để ý đến nguồn khách từ khu vực thành thị. Đây là thị trường có nguồn khách lớn và tăng trưởng cao.

“Trong giai đoạn 2013-2015, lượng khách từ khu vực này chỉ chiếm 5% trong tổng lượng khách của chúng tôi nhưng đến nay đã chiếm đến 30%. Đây là thị trường rất quan trọng”, ông Bình nói.

Với thị trường homestay, tuy khu vực thành thị là nơi có doanh thu tốt nhất nhưng vùng nông thôn, những nơi có thể cho du khách trải nghiệm những điều khác lạ của vùng sâu, vùng xa mới là chỗ được nhiều du khách muốn đến. AirDNA ghi nhận, trên cả nước, nhu cầu về những homestay xa vùng thành thị tăng trưởng đến 111%.

Tuy nhiên, dù nhu cầu của du khách cao nhưng vào năm ngoái, doanh thu của các homestay ở vùng nông thôn lại chỉ chiếm 2% trong tổng doanh thu của cả thị trường, khoảng hơn 3 triệu đô la Mỹ. Công suất phòng bình quân của khu vực này cũng thấp hơn thành thị. Cụ thể, với homestay cho thuê nguyên căn, trong khi khu vực thành thị có công suất bình quân là 55% thì vùng nông thôn chỉ đạt 31%; doanh thu bình quân trên mỗi căn ở thành thị là 39 đô là Mỹ/ngày, ở nông thôn là 26 đô la Mỹ/ngày; doanh thu hàng năm cho mỗi căn ở thành thị là 6.649 đô la Mỹ, ở nông thôn là 4.980 đô la Mỹ.

AirDNA có cái nhìn khá lạc quan về thị trường homestay ở Việt Nam, cho rằng sự phát triển của dịch vụ này đem lại những điều khác biệt cho du khách mà khách sạn truyền thống chưa thể đáp ứng hết. Trong đó, có sự kết nối giữa người dân địa phương và khách du lịch để giúp du khách có thể khám phá sâu hơn nét đặc sắc của văn hóa bản địa.

Theo ông Bình, dù số lượng homestay trên cả nước đang tăng vọt và đã có tình trạng nhiều chủ nhà phải đóng cửa vì không có khách nhưng nhu cầu về dịch vụ homestay vẫn tăng trưởng. Những chủ nhà có đầu tư tốt cho cơ sở vật chất, biết cung cấp những dịch vụ vui chơi, trải nghiệm văn hóa địa phương thì vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Vào năm ngoái, các homestay trong hệ thống CBT Travel thu hút 22.000 lượt khách lưu trú, kỳ vọng đến năm 2020 lượng khách sẽ tăng lên 500.000 và năm 2025 sẽ đạt 1 triệu lượt khách lưu trú. “Chúng tôi thấy nhu cầu của khách nội địa và quốc tế đều gia tăng. Vấn đề là phải làm dịch vụ có chất lượng”, ông nói.

Hiện tại, hệ thống homestay CBT Travel có mặt ở hơn 20 tỉnh, chủ yếu ở phía Bắc. Trong năm nay, sẽ nhiều homestay nữa thuộc hệ thống này được dự kiến sẽ mở ở khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Một số chủ homestay trong chuỗi này đã có doanh thu cả tỉ đồng/năm, có thể kết nối trực tiếp với các hãng lữ hành để đón khách và tự đưa phòng lên bán ở nhiều kênh phân phối trực tuyến.

Theo AirDNA, việc tạo nên nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho du khách cũng như giới thiệu phòng tại nhiều kênh phân phối là những cách làm để chủ homestay nâng cao hiệu quả kinh doanh. “Với thị trường Việt Nam, vào năm ngoái, thời điểm khách có nhu cầu cao nhất là từ tháng 11-12.  Tuy nhiên, tháng 3/2019 vừa rồi lại ghi nhận một kỷ lục với số lượng đặt chỗ lên đến 170.000 đêm phòng, cao nhất từ trước đến nay”, báo cáo ghi nhận.

Minh Duy

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: