Hướng tín dụng đến nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội: Giải pháp phân tán rủi ro

Thứ năm, 19 Tháng 3 2020 18:00 Báo Xây dựng
In

Thời gian qua, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, các ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này. Đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực của người dân, nhằm khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.


Vay mua nhà là một nhu cầu có thực và đang gia tăng do sự thay đổi về nhân khẩu học và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại Việt Nam (Nguồn: Internet).

Những năm qua, ngành Ngân hàng cũng tích cực triển khai các chương trình tín dụng về nhà ở theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về cho vay, chỉ định 04 Ngân hàng thương mại Nhà nước (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank) tham gia; chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội triển khai thực hiện.

Tính đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP tại Ngân hàng chính sách xã hội đạt 2.397 tỷ đồng với 7.139 khách hàng còn dư nợ.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát ở mức hợp lý (chiếm 32,12% dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, tăng 8,11% so với cuối năm 2018); tín dụng phục vụ tiêu dùng bất động sản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng (chiếm 67,88% dư nợ cho vay bất động sản, tăng 25,69%).

Khảo sát của một số ngân hàng thương mại cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ 6 – 7% thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại Việt Nam. Trong đó, tính trung bình mỗi năm có khoảng 800 nghìn cặp vợ chồng mới cưới, tạo ra nhu cầu mua nhà hàng năm lớn. Do đó, thay vì cho vay bất động sản tập trung vào các chủ đầu tư, rủi ro tập trung, nhiều ngân hàng chuyển sang "nắn dòng", phân tán rủi ro sang cấu phần người tiêu dùng có nhu cầu mua nhà thực để ở.

Ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc khối Quản trị Techcombank cho biết, chủ đầu tư dự án bất động sản dễ gặp rủi ro trong bối cảnh môi trường vĩ mô, điều kiện thị trường thay đổi như hiện nay. Với ngân hàng, khi cho vay khách hàng cá nhân mua nhà sơ cấp và thứ cấp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, rủi ro ngành và lĩnh vực ở đây cũng được phân tán…

Ngân hàng Nhà nước cũng đã quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng theo hướng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và áp dụng hệ số rủi ro cao hơn đối với các khoản vay mua nhà có giá trị lớn, nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội …

Năm 2020, thị trường bất động sản được dự đoán sẽ tập trung mạnh vào phân khúc nhà ở, căn hộ dành cho người có thu nhập trung bình. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang tập trung chủ yếu vào phân khúc căn hộ vừa và nhỏ với mục tiêu thực hiện chính sách ưu tiên cho khách hàng mua nhà để ở. Đây là phân khúc bền vững, trụ cột cho thị trường bất động sản, nên các ngân hàng cũng đang từng bước phát triển theo định hướng này, với nhiều chính sách ưu đãi tín dụng nhằm thu hút khách hàng vay vốn. Vì thế, triển vọng về tín dụng vay mua nhà được các ngân hàng dự báo sẽ tăng khá trong năm 2020.

Sự dịch chuyển vốn sang cấu phần người tiêu dùng mua nhà để ở cũng tác động tới khả năng thu hồi vốn. Theo các chuyên gia, nếu chủ đầu tư chủ yếu nhìn vào dòng tiền của dự án để trả nợ, thì người mua nhà để ở từ nguồn thứ cấp và cá nhân mua đi bán lại để ở có dòng tiền đa dạng và thu nhập ổn định nhờ phân tán rủi ro, đảm bảo năng lực trả nợ.

Linh Đan

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: