Tất yếu phải đa dạng hóa sở hữu đất đai?

Chủ nhật, 25 Tháng 9 2011 10:48 VnEconomy
In

“Một dự án kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội đến nay vẫn chưa xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vì dân không chấp thuận giá quá thấp. Nếu đất đó thuộc sở hữu của họ thì mọi chuyện đã khác”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải nêu dẫn chứng trên khi nói về những bất cập trong các quy định của Luật Đất đai đã khiến quá nhiều vấn đề trong cuộc sống đi vào ngõ cụt, trong đó có cả những nguyên do đến từ những người thực thi luật pháp.

Tại buổi hội thảo góp ý “Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Đất đai” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21/9, rất nhiều ý kiến của tổ soạn thảo, các chuyên gia đã bày tỏ bức xúc bởi những quy định thiếu thực tế của Luật Đất đai 2003, trong đó sở hữu đất đai được xem là vấn đề nổi cộm nhất, gây nên nhiều bấp cập, thậm chí là bất ổn trong cuộc sống.

 

Nhập nhằng khái niệm 

Theo TS. Trần Quang Huy (Đại học Luật Hà Nội), đại diện cho nhóm nghiên cứu báo cáo rà soát, “sở hữu toàn dân về đất đai” theo như quy định trong Hiếp pháp 1992 là một khái niệm hết sức trừu tượng, bởi trên thực tế, không có chủ thể thực nào gọi là toàn dân cả. Nếu mổ xẻ ra thì “toàn dân” chính là “vô chủ”.

Không những thế, do tình trạng “vô chủ”, không có ý nghĩa về mặt pháp lý đó, lại được hỗ trợ bởi quyền lực từ chính quyền, cơ quan quản lý nên đã góp phần giúp các nhóm tư nhân lạm dụng quỹ đất, trục lợi hơn là vì lợi ích của toàn dân.

Chính vì vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, khái niệm “sở hữu toàn dân” quy định trong Hiến pháp 1992 là mơ hồ, nên Bộ luật Dân sự sau đó đã mạnh dạn đổi thành “sở hữu nhà nước”. Tuy nhiên, theo ông “nhà nước” và “toàn dân” chỉ là cách nói, còn về bản chất thì cũng không khác nhau là mấy.

Vị này đã chỉ ra 7 nhức nhối lớn trong lĩnh vực đất đai. Đó là: lãng phí tài nguyên, công của nhiều nhất; lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhiều nhất; giao dịch phi pháp, mập mờ nhiều nhất; kiện cáo nhức nhối, phức tạp nhiều nhất; hậu quả ngang trái, oan sai nhiều nhất; khuyến khích bội tín, lật lọng nhiều nhất; chống lại tử tế, lương thiện nhiều nhất.

Hơn nữa, theo ông Đức, cả lý luận và thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi đa dạng hóa về sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất đai. Nếu không thừa nhận vấn đề gốc rễ và căn bản đó, thì dù sửa luật bao nhiêu lần nữa cũng không thoát khỏi cảnh nhập nhằng và bất cập. Nếu cho rằng, quyền sử dụng đất hiện nay chẳng khác gì quyền sở hữu thì sao những người làm ra luật lại phải cố tình đánh tráo khái niệm? Nhà nước vẫn cho người sử dụng đất có tất cả các quyền liên quan đến đất, từ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng cho đến quyền định đoạt, nhưng vẫn không thừa nhận bản chất là quyền sở hữu.

Thế cho nên, theo luật sư Đức, hàng ngày các hoạt động mua bán đất đai rành rành ra đấy, những vẫn không được coi là hành động mua bán, mà phải vòng qua chuyển nhượng. Hay, rõ ràng là các cá nhân, tổ chức thế chấp đất đai nhưng vẫn phải viết là thế chấp “quyền sử dụng đất”.

“Đất đai là tài sản mà tài sản và quyền tài sản là hai thứ khác biệt. Luật đã nhập nhằng giữa mua bán, thế chấp tài sản với mua bán, thế chấp quyền tài sản dẫn đến doanh nghiệp và người dân cùng bị xoáy vào những lẫn lộn, mập mờ đó. Sửa Luật Đất đai mà không sửa được cơ bản về quyền sở hữu thì mọi cố gắng cũng bằng không”, luật sư Đức nói.

 

Quyền tài sản ở đâu? 

Nói về những bất ổn của Luật Đất đai, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng dẫn chứng, Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định, nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết hay vì mục đích đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thế nhưng, đến Luật Đất đai 2003 lại mở rộng thêm “thu hồi đất vì lợi ích công cộng và để phát triển kinh tế”. Theo ông, cũng có thể do những tác động từ lợi ích kinh tế nên những người làm luật mới dễ tính đến thế, khi đâu đâu cũng thấy thu hồi đất để “phát triển kinh tế”.

“Tôi đã nghiên cứu luật của nhiều nước như Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Mỹ... thì không có một nước nào nói là thu hồi đất để phát triển kinh tế. Bởi vì họ tôn trọng tài sản cá nhân và quyền tài sản đó được nhà nước bảo vệ bằng luật về quyền sở hữu tài sản cá nhân”, TS. Liêm nói.

Ông cũng dẫn chứng, khoảng 3 năm trước, Chính phủ Pháp đã bị Quốc hội Pháp chất vấn Chính phủ sau khi tổ chức trưng mua một lô đất ở trong nội thành Paris để xây cơ quan Chính phủ. Quốc hội Pháp lúc đó yêu cầu Chính phủ lý giải việc thu hồi đó có thực sự là vì lợi ích công cộng không.

Vậy, ở Việt Nam, căn cứ “để phát triển kinh tế” khi thu hồi đất của dân có ý nghĩa như thế nào khi số đất đó được dùng vào việc phát triển sân golf, TS. Liêm đặt câu hỏi.

Hơn nữa, theo ông, khi thu hồi đất phải coi những người bị thu hồi đất không phải là những đối tượng bị thiệt hại, chỉ cần đền bù một khoản là được. Phải coi họ là những người đóng góp vào mục đích phát triển đất nước, tức là họ phải được hưởng lợi nhiều hơn từ sự phát triển đó.

Theo luật sư Nguyễn Minh Thắng (Công ty Luật Basico), thực tế bất cập của luật hiện nay, trong khi luật nói rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng một bộ phận lớn dân cư đang sử dụng đất một cách chính đáng lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước. Người dân muốn có được cái “sổ đỏ” thì phải chạy chọt, cầu cạnh khắp nơi.

“Đất đai là vấn đề quan trọng nhất của đời sống kinh tế, thế nhưng Luật Đất đai lại không làm được những gì nó cần phải có. Gia đình tôi làm nhà mất hàng tỷ đồng nhưng hai năm nay không được cấp sổ đỏ, giờ muốn mang đi thế chấp cũng không được”, luật sư Đức dẫn chứng từ chính trường hợp của ông.

Thậm chí, theo ông Đức, dù giấy tờ, hồ sơ của ông đầy đủ, song muốn có được sổ đỏ, không ít cán bộ thẩm quyền đã “gợi ý” cho ông phải lót tay khoản này, khoản nọ mới mong việc thành.

Liên quan đến bất cập trong việc thừa nhận quyền tài sản của công dân, luật sư Trần Quang Huy cho hay, cũng là sử dụng đất nhưng doanh nghiệp nào thuê đất thì không được mang quyền sử dụng đó đất đó đi thế chấp, còn nếu được giao đất có thu tiền sử dụng thì lại được mang đi thế chấp, vay vốn ngân hàng.

Đại đa số các chuyên gia về luật, các luật sư thuộc nhóm tư vấn, góp ý cho việc rà soát, sửa đổi Luật Đất đai đều cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện đa dạng hóa sở hữu về đất đai. Chính vì vậy, bên cạnh sở hữu nhà nước, cần phải cho 80 triệu dân, 500 nghìn doanh nghiệp có quyền sở hữu.

Từ Nguyên 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: