Thị trường bất động sản Đồng Nai: Có thực sự hấp dẫn?

Thứ sáu, 07 Tháng 10 2011 06:10 Lao Động
In

Trong thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng nối kết TP.HCM  đến Đồng Nai và các tỉnh đã kéo các doanh nghiệp địa ốc đổ về khu vực này đầu tư, phát triển dự án. Nhưng thực tế những dự án bất động sản (BĐS) này có thực sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư?

Hạ tầng có thay đổi diện mạo

Nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như tạo cú hích về cơ sở hạ tầng, trong những năm qua TP.HCM đã tập trung “chăm sóc” cho cửa ngõ phía đông khi cho xây dựng hàng loạt công trình giao thông quan trọng như: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu và hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ nối quận 7 với quận 2, mở rộng tỉnh lộ 25B, đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, mở rộng xa lộ Hà Nội…

Ngoài ra, hai dự án khác là cầu Sài Gòn 2 tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng sắp được xây dựng kéo khu vực phía đông gần trung tâm hơn. Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc này đi qua địa phận quận 2, quận 9 thuộc TP.HCM và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai. Đại diện ban quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho biết, qua gần hai năm khởi công, dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, dài gần 55km, đã triển khai được 6/7 gói thầu xây dựng và dự kiến đến năm 2013 sẽ đưa toàn bộ công trình vào sử dụng. Đây thực sự là một lợi thế về hạ tầng mà hầu hết nhà đầu tư khi nhắm đến thị trường Đồng Nai đều quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong khoảng 5 năm tới, hệ thống giao thông ở Đồng Nai thuộc diện hiện đại với những điểm kết nối, giao cắt một cách đồng bộ, hợp lý, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Đồng Nai và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo quyết định số 1327/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ ngày 24-8-2009 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Khu vực Đông Nam Bộ các dự án Quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56 đều được quy hoạch hoàn thiện đến năm 2020. Trong đó dự án mở rộng QL1A đoạn tránh Biên Hòa (khởi công ngày 24-7-2010) có chiều dài 17,4km, điểm đầu tại khu vực nhà thờ Trà Cổ, huyện Trảng Bom, điểm cuối giao với QL51, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Tuyến tránh TP.Biên Hòa sau khi xây dựng xong sẽ giải tỏa áp lực lưu thông trên tuyến QL1A đoạn qua TP.Biên Hòa, đồng thời nối hệ thống giao thông khu vực với trục QL1, QL51, đường vành đai TP. Biên Hòa và sân bay quốc tế Long Thành. Cùng với quốc lộ 1A là quốc lộ 51,  dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012. Nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đang được nỗ lực triển khai cho kế hoạch thông xe vào năm 2020 là dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.



Hấp dẫn các nhà đầu tư

Giới đầu tư đến từ 35 quốc gia đã mạnh dạn đầu tư vào Đồng Nai bởi lẽ họ sớm thấy được tiềm năng hiện hữu của tỉnh này. Tiềm năng về hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia là một trong những ưu thế tạo sức hút cho thị trường BĐS nơi đây. Các công ty kinh doanh BĐS có tiếng như Tập đoàn Đất Xanh, Tín Nghĩa, Sonadezi, Donacorp,… mạnh dạn đầu tư vào Đồng Nai bởi các chủ đầu tư đã phân tích và đánh giá được thị trường này thực sự là triển vọng.

Ông Nghê Trí Dũng Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai cho biết: “Đồng Nai là tỉnh có số lượng các khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng đầu toàn quốc với 38 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 375 triệu USD trong đó có đến 35 quốc gia vùng lãnh thổ tham gia đầu tư. Thị trường BĐS Đồng Nai được giới đầu tư quan tâm và xem là tâm điểm của BĐS đất nền do quỹ đất lớn, sự phong phú về phân khúc sản phẩm, giá cả và nhu cầu về nhà ở rất lớn. Giá trị BĐS ở đây gia tăng theo những lợi thế về giao thông, hạ tầng đang dần hiện hữu”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ xây dựng) đánh giá, những dự án BĐS nằm ở một vị trí có lợi thế về hạ tầng vẫn khá hấp dẫn bên cạnh đó giải quyết một số lượng về nhà  ở rất lớn cho người dân địa phương.

Thái Đoàn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: