Bộ mái Mansard trong kiến trúc Hà Nội

Thứ tư, 13 Tháng 5 2009 13:07 ThS.KTS Trần Quốc Bảo
In

1. Bộ mái Mansard trong kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc

Sau khi bình định về cơ bản khu vực Đông Dương, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất kéo dài từ năm 1888 đến năm 1920. Trong thời kỳ này, người Pháp tập trung nỗ lực xây dựng, mở rộng thành phố Hà Nội nhằm biến nơi đây không chỉ là trung tâm chính trị - kinh tế của xứ Bắc Kỳ thuộc Pháp mà còn là thủ đô của toàn liên bang Đông Dương.

Nhằm mục đích nêu trên, người Pháp đã cho xây dựng rất nhiều các công trình hành chính và thương mại lớn tại Hà Nội. Các toà nhà này được thiết kế bởi các kiến trúc sự Pháp nên điều dễ hiểu là chúng đều mang phong cách kiến trúc Tân cổ điển rất thịnh hành ở Pháp lúc bấy giờ, và khi đã nói tới phong cách Tân cổ điển Pháp thì không thể không nhắc tới bộ mái Mansard là bộ phận gắn liền với phong cách này.

Mái Mansard là loại mái mang tên người phát minh ra nó: KTS François Mansard (1598- 1666 / ảnh bên). Mái có hình chóp cụt với độ dốc khá lớn, lợp ngói đá (1), do vậy tạo ra được một tầng áp mái có độ cao khả dụng. Về mặt thẩm mỹ thì bộ mái  tạo ra một sự kết thúc thú vị và mạch lạc, rất phù hợp với các công trình kiến trúc theo phong cách Tân cổ điển.

Tại Hà Nội, mái Mansard được sử dụng ở hầu hết các công trình kiến trúc phong cách Tân cổ điển xây dựng trong thời kỳ 1888- 1920 như Dinh Thống sứ, Toà án, Bưu điện, Ga Hàng cỏ, Trụ sở Công ty Hoả xa Đông Dương - Vân Nam, Khách sạn Métropole, Toà báo Avenir Tonkin….

Trên các công trình này, bộ mái Mansard đều được các kiến trúc sư - tác giả xử lý một cách khéo léo, khiến chúng không chỉ trở thành một bộ phận không thể thiếu của công trình mà còn đóng góp rất lớn vào sự thành công về mặt thẩm mỹ của toà nhà. Ở dinh Thống sứ (12 Ngô Quyền), mái Mansard chỉ đột khởi lên ở khối trung tâm ẩn sau bức sơn tường được trang trí cầu kỳ tạo thành điểm nhấn duy nhất cho toà nhà. Ở Toà án (48 Lý Thường Kiệt) thì bộ mái Mansard được sử dụng trên toàn bộ công trình, tuy nhiên ở khối trung tâm, bộ mái này cũng được nhấn mạnh và được kết hợp với các cửa mái tạo ra sự kết thúc nghiêm trang của một công trình mang tính công quyền. Ga Hàng Cỏ trên phố Lê Duẩn có thể coi là một sự thành công bậc nhất trong việc sử dụng bộ mái Mansard ở Hà Nội, mái trên khối trung tâm có độ cao tương đối lớn  với nhiều cửa sổ mở rộng được trang trí cầu kỳ, tiếp nối trên hai cánh nhà là các mái có độ cao nhỏ hơn với các cửa sổ có diện tích không lớn và trang trí đơn giản, nhưng ở phía cuối hai cánh nhà mái lại được tổ chức với độ cao lớn cùng một cửa sổ duy nhất trên mặt chính được trang trí theo kiểu sơn tường tạo ra sự kết thúc mạch lạc cho công trình, có thể nói Ga Hàng Cỏ là công trình Tân cổ điển có áp dụng bộ mái Mansard đẹp nhất Hà Nội. Một công trình có quy mô không lớn nhưng nằm ở một vị trí trên phố Lê Thái Tổ bên Hồ Gươm, Toà báo Avenir Tonkin có bộ mái Mansard được sử lý độc đáo bậc nhất Hà Nội với cửa sổ hình tròn lớn được bao bọc bởi các trang trí hình bán nguyệt ở vị trí trung tâm, các cửa sổ chiếm hầu hết diện tích mái trên mặt đứng, đặc biệt hai cửa sổ sát hồi nhà được trang trí hết sức cầu kỳ.


Dinh Thống sứ Bắc Kỳ


Tòa án


Ga Hàng Cỏ (Ảnh chụp đầu thế kỷ 20)


Toà báo Avenir Tonkin

Một điểm đáng lưu ý là mặc dù đạt được những thành công vang dội vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội, nhưng từ nửa cuối thập niên 1920, phong cách kiến trúc Tân cổ điển Pháp cùng bộ mái Mansard đã phải nhường chỗ cho phong cách kiến trúc hiện đại Art Deco và phong cách kiến trúc Đông Dương, từ thời điểm này hầu như không còn công trình nào theo phong cách Tân cổ điển được xây dựng nữa.

2. Bộ mái Mansard trong kiến trúc đương đại

Bộ mái Mansard tưởng chừng đã bị lãng quên từ gần một thế kỷ này bỗng lại xuất hiện một cách khá “ rầm rộ” từ thập niên 1990 đến nay ở Hà Nội. Có thể nói Hà Nội là thành phố duy nhất trên thế giờ mà đến tận những năm đầu thế kỷ 21, bộ mái Mansard vẫn còn được sử dụng một cách “đại trà” từ công sở đến tư sở, từ chung cư cao tầng đến biệt thự thấp tầng. Cũng có điều để thông cảm là ở Hà Nội có khá nhiều các công trình Tân cổ điển Pháp rất đẹp, lại được xây dựng ở những vị trí đắc địa của thành phố, nên khi thiết kế các công trình mới ở khu vực lân cận, các kiến trúc sư - tác giả cũng phải nghĩ đến sự hài hoà về mặt tổng thể. Tuy nhiên, những sự thành công trong việc cách điệu mái Mansard trong các công trình phong cách Tân cổ điển - Hậu hiện đại ở Hà Nội là hết sức hiếm hoi, có thể kể ra đây hai công trình là khách sạn Hilton Hà Nội và phần xây mới khách sạn Sofitel Métropole.

Thật đáng tiếc là ở Hà Nội có rất nhiều công trình sử dụng cái gọi là mái Mansard một cách tuỳ tiện, thậm chí đến mức ngớ ngẩn. Về độ cao thì có cái cao choen hoẻn độ 3 - 4 m trên mái một toà nhà cả chục tầng, trong khi có mái chiếm độ cao tới hai tầng phía trên một khối nhà dăm bảy tầng. Hệ thống cửa mái thì tổ chức một cách tuỳ tiện, đủ hình vuông, tròn, chữ nhật nhưng chẳng ăn nhập gì với hệ cửa phía dưới của công trình. Cũng hầu như không thấy việc bố trí tạo điểm nhấn không gian bằng cách thay đổi độ cao mái hay sử dụng cửa sổ và các hoạ tiết trang trí trên mái. Vật liệu làm mái cũng hết sức “phong phú” từ bê tông đến kim loại, từ vật liệu ốp bằng đá chẻ cho tới bằng gốm, thậm chí bằng vật liệu tổng hợp hay chỉ bằng một lớp sơn màu sẫm.

Nhìn chung thì cái gọi là bộ mái Mansard đã trở thành “nỗi kinh hoàng” trong kiến trúc được đại Hà Nội với sự xù xì, méo mó, biến dạng và bắt chước vụng về quá khứ. Nhưng tại sao bộ mái hầu như đã biến mất trong kiến trúc đương đại thế giới, kể cả ở nước Pháp, lại có thể “tung hoành” ở thủ đô một nước cách quê hương của François Mansard tới cả chục ngàn cây số như vậy?

Có thể kể ra nhiều lý do: Đó là sự thiếu hiểu biết và tính áp đặt của các chủ đầu tư; là sự thiếu năng lực, lười nghiên cứu và thiếu cương quyết của các kiến trúc sư - tác giả. Nhưng lý do quan trọng nhất chính là sự hạn chế về năng lực của các cơ quan quản lý và cấp phép xây dựng, thử hỏi liệu những công trình cao tới hàng chục tầng, được xây dựng ở những vị trí có thể coi là đắc địa, nhưng lại được úp lên trên cái gọi là mái Mansard có thể mọc lên được không nếu không được sự đồng ý và cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền?


Chateau de Maisons Laffitte, do Mansard thiết kế 

3. Kết luận

- Bộ mái Mansard là một thành tựu của kiến trúc phong cách Tân cổ điển Pháp. Việc sử dụng bộ mái Mansard ở nhiều công trình kiến trúc theo phong cách Tân cổ điển ở Hà Nội đã góp phần tạo ra những giá trị thẩm mỹ có tính lịch sử của những công trình này.

- Bộ mái Mansard gắn liền với phong cách kiến trúc Tân cổ điển Pháp, nên kể từ nửa cuối thập niên 1920, khi kiến trúc Tân cổ điển phải dần nhường chỗ cho trào lưu kiến trúc Hiện đại trên phạm vi toàn cầu thì bộ mái này cũng không còn được sử dụng nữa.

- Những năm cuối thế kỷ 20 có xuất hiện một phong cách kiến trúc được gọi là Tân cổ điển - Hậu hiện đại, ở những công trình sáng tác theo phong cách này, các thành tố của kiến trúc Cổ điển có thể được sử dụng nhưng mang tính cách điệu và cũng chỉ ở một phạm vi nhất định.

- Sự xuất hiện tràn lan các công trình kiến trúc theo dạng nhái kiến trúc Pháp thuộc gắn với cái gọi là mái Mansard thực sự làm xấu đi bộ mặt kiến trúc Thủ đô thế kỷ 21.

- Lý do của hiện tượng trên thì có nhiều, song lý do quan trọng nhất chính là ở các cơ quan quản lý và cấp phép xây dựng. Có lẽ đã đến lúc nói KHÔNG với việc cấp phép xây dựng các công trình nhái kiến trúc Pháp thuộc nói chung và các công trình có bộ mái được gọi là mái Mansard nói riêng.

--------------------------
Ghi chú :


ThS.KTS Trần Quốc Bảo
Giảng viên chính Khoa Kiến trúc và Qui hoạch, Đại học Xây dựng / Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận - đại (GRAH)
Mobile : 0903255640 / E-mail : Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: