Di sản kiến trúc cận-hiện đại, bảo tồn và tạo dựng bản sắc cho đô thị

Thứ ba, 06 Tháng 11 2018 09:48 Ashui.com
In

Nói tới bản sắc của một đô thị, đặc biệt là các đô thị lịch sử thì di sản kiến trúc của các đô thị đó đóng một vai trò quan trọng, thậm chí khi nhắc tới tên đô thị là ta đã nghĩ tới ngay một vài công trình kiến trúc đặc trưng: Paris với tháp Eiffel, Nhà thờ Đức bà; London với tháp Big Ben và Nhà Quốc hội; Moskva với Điện Kremlin và Nhà thờ St. Vasely. Việt Nam cũng là đất nước có nhiều đô thị lịch sử như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt… với hệ thống di sản kiến trúc tạo ra bản sắc của các thành phố này. Hà Nội với Văn Miếu, Đền Ngọc Sơn, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh… TP. Hồ Chí Minh với Chùa Ngọc Hoàng, Nhà thờ Đức bà, Chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất… cùng rất nhiều công trình kiến trúc cổ truyền và kiến trúc cận - hiện đại, đều là những công trình kiến trúc góp phần tạo dựng bản sắc của thành phố.


Bách hóa Tổng hợp, biểu tượng một thời của Hà Nội đã bị phá bỏ 


Phủ Chủ tịch, công trình kiến trúc cận đại góp phần tạo dựng bản sắc đô thị Hà Nội


Dinh Thống Nhất, công trình kiến trúc hiện đại góp phần tạo dựng bản sắc đô thị TP. Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, nhiều công trình có giá trị tạo dựng bản sắc đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lịch sử khác ở Việt Nam, đặc biệt là các công trình kiến trúc cận - hiện đại lại chưa được xếp hạng di tích nên việc bảo tồn các công trình này là một vấn đề tùy thuộc suy nghĩ chủ quan của các cơ quan có thẩm quyền. Từ đó đôi khi dẫn tới sự phá bỏ công trình di sản một cách đáng tiếc như việc phá bỏ Bách hóa Tổng hợp, khách sạn Phú Gia và dãy nhà thương mại trên phố Lý Thái Tổ, tranh luận về việc phá bỏ Cung Thiếu nhi ở Hà Nội; phá bỏ Thương xá Tax và kế hoạch phá bỏ Dinh Thượng Thư ở TP. Hồ Chí Minh…

Như vậy thì việc bảo tồn di sản kiến trúc cận - hiện đại chưa được xếp hạng di tích nhưng đang góp phần tạo dựng bản sắc các đô thị lịch sử là một vấn đề cần được giải quyết một cách cấp bách trong giai đoạn các đô thị Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Giá trị của hệ thống di sản kiến trúc cận - hiện đại ở các đô thị lịch sử của Việt Nam

Giá trị lịch sử: Di sản kiến trúc cận - hiện đại có các giá trị lịch sử to lớn cho thấy quá trình hình thành và phát triển của một đô thị. Trước tiên đó là giá trị về mặt niên đại, các công trình kiến trúc cận đại được xây dựng từ thời Pháp thuộc có niên đại trên dưới 100 năm, các công trình kiến trúc hiện đại thời kỳ đầu cũng có niên đại trên dưới 50 năm. Nhiều công trình kiến trúc cận – hiện đại ở các đô thị lịch sử còn gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của thành phố như Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội, Giải phóng Miền Nam và Thống nhất đất nước ở TP. Hồ Chí Minh…

Giá trị văn hóa - xã hội: Di sản kiến trúc cận đại cho chúng ta thấy sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Pháp thể hiện qua sự pha trộn giữa các yếu tố kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt trong cấu trúc một công trình hay đơn giản chỉ là sự biến đổi một phong cách kiến trúc Pháp cho phù hợp với điều kiện khí hậu, cảnh quan bản địa. Di sản kiến trúc hiện đại thời kỳ đầu biểu hiện tính năng động của một nền kiến trúc mới có sự hòa trộn một cách khéo léo giữa kiến trúc hiện đại trên thế giới với kiến trúc truyền thống tạo ra những công trình hiện đại nhiệt đới mang đậm bản sắc dân tộc. Di sản kiến trúc cận – hiện đại cũng cho chúng ta thấy được sự biến đổi về mặt xã hội ở các đô thị lịch sử qua các thời kỳ khác nhau.

Giá trị thẩm mỹ: Các công trình kiến trúc cận - hiện đại được xây dựng ở nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, nhiều công trình được thiết kế bởi các kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp và Việt Nam, hầu hết đều có giá trị thẩm mỹ cao. Điều này thể hiện qua sự đa dạng về phong cách, hình khối kiến trúc hoàn hảo, cùng các chi tiết trang trí đa dạng mang màu sắc kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa.

Giá trị quy hoạch - cảnh quan: Nhiều đô thị lịch sử ở Việt Nam đã hình thành từ trước thời kỳ Pháp thuộc như những đô thị phong kiến điển hình với hai phần ThànhThị rõ ràng. Tuy nhiên chỉ tới thời kỳ Pháp thuộc, các đô thị ở Việt Nam mới được quy hoạch bài bản theo các nguyên tắc quy hoạch đô thi Phương Tây với hệ thống đường phố, quảng trường và các công trình mang tính chất điểm nhấn đô thị. Các quy hoạch ở các thời kỳ sau thường vẫn lấy phần đô thị lịch sử thởi Pháp thuộc làm lõi trung tâm cho sự mở rộng và phát triển đô thị, chính vì vậy mà các công trình kiến trúc cận - hiện đại đều nằm ở khu vực trung tâm các đô thị lịch sử, nhiều công trình lớn nằm ở các vị trí đắc địa tạo ra điểm nhấn đô thị hiện tại và tạo ấn tượng mạnh với người dân và khách du lịch.

Chính yếu tố được xây dựng ở khu vực trung tâm, có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa - xã hội, mang tính thẩm mỹ cao, lại nằm tại các vị trí đắc địa nên rất nhiều công trình kiến trúc cận - hiện đại đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện và tạo dựng bản sắc cho đô thị nơi chúng được xây dựng.


Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn giữ được vị thế do có được những quy định tốt về quy hoạch – cảnh quan xung quanh

Định hướng bảo tồn di sản kiến trúc cận - hiện đại nhằm tạo dựng bản sắc đô thị

Quan điểm bảo tồn:

Trong quá trình phát triển kinh tế và đô thị mạnh mẽ hiện nay, vấn đề bảo tồn Di sản kiến trúc cận - hiện đại đang là một thách thức lớn, đặc biệt là đa phần các công trình thuộc bộ phận di sản này chưa được xếp hạng di tích. Một định hướng bảo tồn thích hợp là vô cùng cấp thiết, chỉ bảo tồn nguyên trạng theo các phương thức truyền thống rõ ràng là không phù hợp với di sản kiến trúc cận - hiện đại, bởi đây đều là các công trình đang được sử dụng, lại thường nằm ở những khu đất có giá trị kinh tế cao còn được gọi là các “khu đất vàng” của đô thị lịch sử. Như vậy thì vấn đề bảo tồn ở đây phải đi theo định hướng mới: Bảo tồn trong quá trình phát triển đô thị bền vững - Bảo tồn bền vững. Nếu phát triển đô thị bền vững hướng tới một tương lai không phải trả giá bởi các hoạt động xây dựng ồ ạt và thiếu kiểm soát, thì bảo tồn bền vững nhìn nhận về một tương lai trong đó các giá trị di sản kiến trúc đô thị không bị nghèo đi trong quá trình phát triển mà ngược lại còn được làm giàu lên do điều kiện bảo tồn tốt hơn, góp phần tạo dựng bản sắc các đô thị lịch sử.

Bảo tồn dưới góc độ kiến trúc công trình:

Trước khi đưa ra được các giải pháp bảo tồn Di sản kiến trúc cận - hiện đại ở các đô thị lịch sử việc đầu tiên cần tiến hành là thống kê, đánh giá - phân loại công trình. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực chuyên môn và kinh phí, do vậy chỉ khi các cấp chính quyền đô thị có quyết tâm cao mới có thể thực hiện được. Việc đánh giá - phân loại công trình đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn, điều kiện các thành phố vừa và nhỏ khó đáp ứng, do vậy cần sự hỗ trợ từ những cơ quan khoa học ở cấp cao hơn hoặc từ các thành phố lớn lân cận.

Dựa trên công tác thống kê, đánh giá - phân loại công trình đảm bảo độ tin cậy, chính quyền các đô thị lịch sử cần đưa ra Quy chế bảo tồn Di sản kiến trúc cận - hiện đại, quy chế cần đưa ra các cấp độ và giải pháp bảo tồn khác nhau với từng nhóm công trình, ví dụ các công trình có giá trị đặc biệt, các công trình có giá trị cao, các công trình có giá trị trung bình và các giải pháp quản lý, thực hiện.

Bảo tồn dưới góc độ quy hoạch - cảnh quan:

Nhiệm vụ của công tác bảo tồn Di sản kiến trúc cận - hiện đại dưới góc độ quy hoạch - cảnh quan là bảo tồn các cấu trúc các ô phố, tuyến phố; bảo tồn các quảng trường, công viên, hồ nước; bảo tồn cấu trúc cây xanh đô thị. Vì vậy việc tiến hành phân loại - đánh giá các ô phố, tuyến phố, các khu vực cảnh quan là phần việc cần tiến hành trước tiên, đây cũng là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực chuyên môn và kinh phí.

Chính quyền các đô thị lịch sử có thể đưa ra các quy định về quản lý quy hoạch không gian trong Quy chế bảo tồn Di sản kiến trúc cận - hiện đại dựa trên cơ sở kết quả công tác phân loại - đánh giá các ô phố, tuyến phố, các khu vực cảnh quan. Các quy định này cần được đặt ra cụ thể với từng ô phố, tuyến phố và các không gian cảnh quan tùy theo mức độ giá trị và phải có các giải pháp quản lý, giám sát việc thực hiện. Công tác quản lý, giám sát chỉ phát huy hiệu quả khi vận động được sự tham gia của cộng đồng người dân và các tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản.


Nhà hát TP. Hồ Chí Minh trở nên nhỏ bé so với các công trình cao tầng kế cận

Mối quan hệ giữa bảo tồn kiến trúc công trình và bảo tồn quy hoạch - cảnh quan

Giữa bảo tồn kiến trúc công trình và bảo tồn quy hoạch, cảnh quan có liên quan chặt chẽ với nhau, đây là điều chưa được nhiều chính quyền đô thị quan tâm, nhất là đối với những công trình quan trọng góp phần nhận diện và tạo dựng bản sắc cho đô thị. Trong nhiều trường hợp, công trình kiến trúc được bảo tồn khá bài bản nhưng vấn đề bảo tồn quy hoạch - cảnh quan chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới hiện tượng “ô nhiễm môi trường cảnh quan” làm giảm đáng kể mức độ đóng góp của công trình tới không gian đô thị.

Có thể kể ra đây hai trường hợp bảo tồn Nhà hát lớn ở Hà Nội và ở TP. Hồ Chí Minh: Về mặt bảo tồn kiến trúc công trình, cả hai nhà hát đều được tiến hành bài bản và phục dựng tương đối nguyên gốc. Khu vực xung quanh Nhà hát lớn Hà Nội, các công trình được khống chế độ cao, khoảng lùi và phong cách kiến trúc tương đối tốt, do vậy công trình bảo tồn nổi bật và giữ vững vị thế điểm nhấn đô thị. Nhà hát lớn TP. Hồ Chí Minh cũng được đặt ở vị trí đắc địa, công tác bảo tồn kiến trúc công trình bài bản, nhưng bị “áp chế” bởi các công trình cao tầng theo phong cách Hiện đại xung quanh nên vai trò điểm nhấn đô thị rõ ràng đã bị lu mờ.

Như vậy thì rõ ràng là việc bảo tồn kiến trúc công trình và bảo tồn quy hoạch - cảnh quan phải được tiến hành song song và cần được các cấp chính quyền quan tâm đầy đủ, có như vậy việc bảo tồn di sản kiến trúc nhằm tạo dựng bản sắc đô thị mới mang lại hiệu quả mong muốn.

Kết luận

- Di sản kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc các đô thị lịch sử. Cùng với di sản kiến trúc cổ truyền, di sản kiến trúc cận - hiện đại cũng đóng góp nhiều công trình góp phần tạo dựng bản sắc của các đô thị lịch sử của Việt Nam.

- Việc bảo tồn di sản kiến trúc cận - hiện đại ở các đô thị lịch sử Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nổi bật là đa phần các công trình thuộc bộ phận di sản này chưa được xếp hạng di tích. Do vậy việc đưa ra các định hướng và giải pháp bảo tồn di sản kiến trúc cận - hiện đại là cấp thiết.

- Định hướng bảo tồn di sản kiến trúc cận - hiện đại cần tuân thủ nguyên tắc Bảo tồn bền vững sao cho bảo tồn góp phần phát triển đô thị một cách bền vững, phát triển nhằm bảo tồn tốt hơn, góp phần tạo dựng bản sắc các đô thị lịch sử.

- Các giải pháp bảo tồn di sản kiến trúc cần gắn liền với giải pháp bảo tồn quy hoạch - cảnh quan, có như vậy mới phát huy được giá trị di sản kiến trúc, góp phần tạo dựng bản sắc các đô thị lịch sử.

TS.KTS. Trần Quốc Bảo - Giảng viên chính Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng), Nhóm Nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận–hiện đại


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: