Một số khuynh hướng Kiến trúc Triển lãm Quốc tế Thượng Hải năm 2010

Thứ hai, 19 Tháng 7 2010 23:14 KT&ĐS
In

Triển lãm quốc tế Thượng Hải (Shanghai World Expo) năm 2010 thật sự là một cuộc trình diễn nghệ thuật về những cảm hứng và ý tưởng của con người.

Lần đầu tiên vào năm 1851 cuộc triển lãm quốc tế về các ngành công nghiệp của các quốc gia đã được tổ chức ở London, đánh dấu một sự kiện trọng đại về trao đổi khoa học công nghệ, kinh tế và văn hoá, là sân chơi quan trọng và hấp dẫn của các dân tộc về giao lưu học hỏi, các kinh nghiệm lịch sử, trao đổi những ý tưởng sáng tạo, minh hoạ những giá trị đạo đức và hướng tới tương lai.


Mặt bằng phân khu chức năng khu vực triển lãm.

Khu vực triển lãm được đặt ở trung tâm thành phố Thượng Hải. Quy hoạch mặt bằng tổng thể được thiết kế với cấu trúc năm khu, mỗi khu rộng trung bình khoảng 10 – 15 hecta trải dài trong khuôn viên, có tổng diện tích 5,28km2 dọc hai bên bờ sông Hoàng Phố, với 3,93km2 ở phố Đông và 1,35km2 ở phố Tây, trong đó:

Khu A: gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan, Pakistan, Saudi Arabia, UAE, Oman, Việt Nam, Lào, v.v…

Khu B: gồm các nước Australia, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei, Campuchia, Singapore, Thái Lan.

Khu C: khu đông nhất gồm Bắc Mỹ và châu Âu như Mỹ, Canada, Anh, Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Phần Lan, Thuỵ Sĩ, Na Uy, Thuỵ Điển, các nước châu Phi, các nước vùng Caribbean và Nam Mỹ như Argentina, Brazil, Chile, Venezuela.

Khu D: gồm một số tập đoàn lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật.

Khu E: gồm một số doanh nghiệp của Trung Quốc. 

Triển lãm quốc tế Thượng Hải lần này là triển lãm đầu tiên có chủ đề về văn minh đô thị với tiêu chí một “thành phố tốt đẹp hơn – cuộc sống tốt đẹp hơn” (better city – better life). Tại triển lãm kéo dài 184 ngày (sáu tháng) những người tham gia sẽ trình diễn nền văn minh đô thị ở mọi khía cạnh, trao đổi kinh nghiệm phát triển đô thị, phổ biến những khái niệm tiên tiến về siêu đô thị, siêu khu vực đồng thời cũng khám phá cách tiếp cận mới đối với thói quen, kiểu sống, và điều kiện làm việc của con người trong thế kỷ mới. Họ sẽ học cách sáng tạo một xã hội thân thiện với môi trường và duy trì sự phát triển bền vững của loài người. Hội chợ sẽ là một đóng góp vào sự phát triển mà trọng tâm là con người, sự đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng văn hoá và hợp tác trên tinh thần vì một tương lai tốt đẹp hơn. 


Thung lũng mặt trời (sun valley) trên đường trục chính Expo.

Trong quy hoạch tổng mặt bằng đã đặc biệt quan tâm đến những vấn đề như giao thông tiếp cận của những người đi bộ và sự nhận thức phù hợp của du khách bằng một cấu trúc giao thông tầng bậc, phân chia các loại phương tiện giao thông với các boulevard – trục chính và các trục nhánh nối liền các khu vực trong triển lãm, tạo ra các điểm nhìn lý thú trên mặt đất cũng như trên cao.

Trục chính Expo dài khoảng 1.000m và rộng khoảng 110m là một tổ hợp thương mại, giao thông lớn, thực hiện các dịch vụ triển lãm, thương mại, vui chơi giải trí. Trục Expo sử dụng phong cách kiến trúc mới nửa kín nửa mở có ba tầng hầm và hai tầng trên mặt đất. Thiết kế mái dùng màng cáp nhẹ khổng lồ giống như những đám mây bồng bềnh trên nền trời xanh. Trên toàn bộ trục có sáu thung lũng mặt trời (sun valley) hình nón khổng lồ là điểm nổi bật hơn cả. Thung lũng mặt trời như hàm ý của tên gọi là nơi thu nhận ánh sáng mặt trời và không khí vào tầng hầm, nhằm cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm năng lượng tiêu thụ chiếu sáng nhân tạo. Đồng thời cũng là nơi thu nước mưa dự trữ trong tầng hầm phục vụ khu vực triển lãm xung quanh, và tưới cây cối.


Pavilion của Trung Quốc với tên gọi “vương miện phương Đông”.

Tính hấp dẫn triển lãm càng tăng gấp bội bởi sự đa dạng và đặc sắc của các toà nhà triển lãm (pavilion) của các quốc gia với các kiểu dáng kiến trúc độc đáo, hiện đại nhưng cũng rất giàu bản sắc. Chúng xuất hiện với tư cách như những biểu trưng của quốc gia, của dân tộc, phản ánh chiều sâu văn hoá và trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước và khu vực. Có thể nhận thấy ba khuynh hướng kiến trúc chính sau đây:

Khuynh hướng thứ nhất: khuynh hướng hiện đại và dân tộc

Đây là khuynh hướng nổi bật nhất trong triển lãm. Cũng thật dễ hiểu vì mỗi một quốc gia đều mong muốn đem đến triển lãm một cái gì là tiên tiến nhất và đặc sắc nhất của dân tộc mình.

Chẳng hạn nước chủ nhà Trung Quốc đem đến triển lãm một công trình to lớn nhất, hoành tráng nhất và cũng rất giàu bản sắc truyền thống. Công trình do He Jing Tang, hiệu trưởng trường Kiến trúc Hoa Nam chủ trì và có tên là “vương miện phương Đông”. Công trình nằm ngay cạnh đường trục chính (boulevard) và thung lũng mặt trời (sun valley) đóng vai trò như là trung tâm của toàn khu triển lãm. “Vương miện phương Đông” bao gồm bốn nhóm cột lớn đỡ hệ thống các tầng, càng lên cao càng đưa ra ngoài bằng những công xôn mang dáng dấp kiến trúc gỗ truyền thống. Công trình càng nổi bật trên nền bầu trời xanh bởi màu đỏ sẫm truyền thống của các kết cấu chịu lực trông thật kỳ vỹ hiện đại và cũng không kém phần bay bổng nhẹ nhàng. “Vương miện phương Đông” sử dụng nhiều công nghệ tiết kiệm năng lượng. Bên ngoài công trình, một khu đệm nhiệt và thông gió tự nhiên cho bên trong được tạo ra và với hình dáng đảo ngược của nó có tác dụng che ánh nắng cho toàn công trình và sân bên dưới. Còn mái thì được thiết kế cảnh quan thân thiện với môi trường và các hệ thống thu nhận nước mưa.


Pavilion của Nga - sự hoà quyện giữa cổ kính và hiện đại.

Công trình triển lãm, đại diện của nước Nga cũng gây một ấn tượng khó quên bởi tính hiện đại và dân tộc của nó. Công trình do các kiến trúc sư Lovon Ayrapetov và Valerya Preobrazenskaya chủ trì đã sử dụng các hoạ tiết trang trí từ trang phục truyền thống của phụ nữ Nga với các màu trắng đỏ vàng lên mặt đứng của các toà tháp cao rất ấn tượng. Công trình gồm một khối lập phương bốn tầng gắn liền với 12 toà tháp cao 20m được lấy ý tưởng từ tác phẩm của nhà văn nổi tiếng của văn học trẻ em Nikolai Nosov diễn đạt một thành phố tốt nhất thế giới là một thành phố mà trẻ em sẽ yêu thích như thành phố hoa trong tác phẩm Cuộc phiêu lưu của Dunno và những người bạn. Khu vực triển lãm chính gồm ba phần: thành phố dành cho trẻ em, thành phố cho thanh niên và người lớn mang chủ đề “thành phố hoa”, “thành phố mặt trời” và “thành phố của mặt trăng” tương ứng. Trước khi bắt đầu cuộc hành trình của họ, du khách có thể hình dung mình là Dunno và bạn bè của mình khi đi du lịch cung điện thần tiên này. Đó là ngôi nhà triển lãm trưng bày một thành phố tiện nghi mà con người có thể sống thoải mái qua cái nhìn của trẻ con.

Cho dù truyền thống là khái niệm cơ bản để hình thành ý tưởng nhưng ngôi nhà triển lãm của Nga vẫn hấp dẫn du khách bởi những đường nét của kiến trúc hiện đại thông qua hình khối không tuân thủ bất kỳ quy tắc nào của các toà tháp. Đó cũng chính là sự đa dạng của các thành phố Nga cổ kính hoà quyện với hiện đại.


Pavilion của Ấn Độ kiểu toà phù đồ (stupa) được trang trí. 

Cũng với khuynh hướng này còn có các ngôi nhà triển lãm của Mexico, Tây Ban Nha, Nepal hoặc Ấn Độ v.v… Đặc biệt là Ấn Độ đã khai thác các đường nét hình học truyền thống kiểu Maldala của các công trình kiến trúc Phật giáo, Hindu giáo hoặc Hồi giáo với mái vòm hình bán cầu kiểu toà phù đồ (stupa) được trang trí bên ngoài các hoạ tiết bằng cỏ xanh hoàn toàn đối lập với kiểu bán cầu high-tech của toà nhà triển lãm của Nepal nằm bên cạnh được xây dựng bằng khung thép với phong cách kiến trúc thoáng rỗng cho cảm giác hiện đại. Xung quanh bao bọc bốn bức tường gạch kín mít được trang trí bằng các mảng dây leo, thác nước và phù điêu càng tăng thêm tính chất bí ẩn của công trình làm cho du khách như đi vào một nơi thánh địa. Tính chất cổ kính kỳ thực là nội hàm của những yếu tố khoa học kỹ thuật cao. Phần lớn vật liệu xây dựng ở đây đều là vật liệu tái sử dụng, pin mặt trời trên mái, nước thải tuần hoàn được xử lý dùng để tưới cây. Thiết kế không sử dụng chất hoá học, phát thải an toàn, không ô nhiễm. Tất cả thể hiện đầy đủ quan niệm tiết kiệm năng lượng hiệu quả cao. 


Pavilion của Nepal kiểu bán cầu “high-tech”. 

Trái ngược hoàn toàn với Ấn Độ, Nepal, các kiến trúc sư của Tây Ban Nha Enric Miralles và Benedelta Tagliabue đã đưa kỹ thuật thủ công của nghề đan giỏ bằng sợi liễu gai vào việc tạo dựng những mảng cong quyến rũ trong công trình xây dựng toà nhà triển lãm là một nỗ lực mang giá trị truyền thống vào cuộc sống hiện đại rất đáng khâm phục. Bằng một giải pháp đầy tính sáng tạo từ những nét văn hoá truyền thống thể hiện qua kỹ thuật của một ngành thủ công và dùng thứ vật liệu bản địa kết hợp với những vật liệu mới tạo ra một kiến trúc hiện đại. Bên ngoài chiếc khung bằng thép với những đường uốn lượn rất ngoạn mục, những tấm panel đan bằng sợi liễu gai do các nghệ nhân thực hiện được “treo” vào phần khung sườn như một lớp da bên ngoài. Kỹ thuật thi công nhờ thế trở nên đơn giản nhưng chắc chắn lại linh hoạt theo ý muốn. Những tấm liễu gai được xếp đặt theo những màu sắc thay đổi từ nâu đỏ đến trắng tạo nên những hoa văn đẹp mắt. Ba khối nhà liên kết với nhau như ba chiếc giỏ đặt liền kề, một khối mở rộng ra bên ngoài để hút khách vào tham quan. Hai khối còn lại được thực hiện theo giải pháp trong – ngoài để dẫn dắt khách tham quan. Một thiết kế thật bay bổng nhưng đầy vẻ thân thiện nhờ ý tưởng văn hoá truyền thống, nhờ sự triển khai dựa vào yếu tố phát triển bền vững và chú ý đến mặt sinh thái. 


Pavilion của Tây Ban Nha được xây dựng bằng những tấm liễu gai truyền thống.

Khuynh hướng thứ hai: khuynh hướng công nghệ hiện đại như các toà nhà triển lãm của Anh, Pháp, Đức, v,v…

Điển hình là ngôi nhà của Anh do KTS Thomas Heather Wick thiết kế. Ông đã gọi công trình của mình là cung điện hạt giống (seed cathedral) “hạt giống của tâm hồn”; “không có gì nhiều tiềm năng phát triển hơn là hạt giống”. Công trình có cấu trúc hình lập phương gồm sáu tầng chứa 60.000 thanh bằng acrylic trong suốt, hình que dài 7m. Mỗi thanh này lại chứa một hạt giống bên trong. 60.000 chiếc que này xù ra ngoài khối lập phương giống như gai nhím. Ban ngày mỗi thanh acrylic sẽ hứng lấy ánh nắng mặt trời cung cấp nguồn sáng cho cung điện hạt giống bên trong. Buổi tối nguồn sáng trong các thanh sẽ toả sáng toàn bộ toà nhà. Ở đây các nhà thiết kế đã ưu tiên sử dụng các nguyên vật liệu tái chế và carbon trung tính nhằm hướng đến mục tiêu biến công trình thành một khu sinh thái.


Pavilion của Anh có tên gọi “cung điện hạt giống”, “hạt giống của tâm hồn”. 


Đảo tằm tím – pavilion của Nhật Bản.

Đóng góp vào khuynh hướng này, châu Á có toà nhà của Nhật Bản. Công trình có tên là “đảo tằm tím” do màu sắc và hình dáng của nó. “Đảo tằm tím” chia ra làm ba khu vực triển lãm: quá khứ, hiện tại và tương lai, thể hiện sự liên quan kỳ diệu giữa tri thức, con người và môi trường. Các hoạt động tương tác xoay quanh ba đối tượng ấy nhằm giải quyết những vấn đề mà nhân loại đang đối mặt và tạo ra những ý tưởng cho tương lai của trái đất. “Đảo tằm tím” là một “cơ thể sống” hình bán nguyệt sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, liên kết các pin thu năng lượng mặt trời và màng hai lớp có thể lọc ánh sáng. Công nghệ tiết kiệm năng lượng cùng với công nghệ sinh thái giúp con người đạt được một cuộc sống tiện nghi và tin cậy hơn trong tương lai. 

Khuynh hướng thứ ba: khuynh hướng biểu hiện

Đại diện cho khuynh hướng là các toà nhà của các nước Hàn Quốc, Saudi Arabia, UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) v.v… 

Nếu như toà nhà của Hàn Quốc dùng các ký tự chữ Hàn tạo ra các hình khối không gian nội ngoại thất hết sức độc đáo nhằm biểu đạt tinh thần của phương Đông thì toà nhà triển lãm của Saudi Arabia có hình dáng như một chiếc “du thuyền không gian mang nhiều báu vật đang hạ cánh xuống sa mạc hạnh phúc”. Với khán phòng rộng 1.600m2 khách tham quan có thể xem phim 3D bằng mắt thường, tìm hiểu bốn kiểu thành phố: thành phố năng lượng, thành phố của những ốc đảo, thành phố cổ với sự giàu có về di sản văn hoá và thành phố phát triển nhanh về kinh tế.


Trình diễn công nghệ đèn LED giới thiệu đất nước UAE.


Pavilion của Saudi Arabia.

Còn toà nhà triển lãm của UAE thì được lấy cảm hứng của một đất nước sa mạc. Lấy hình ảnh “những cồn cát” vàng lớn hoặc cũng có thể là “những cái lưng lạc đà” nhấp nhô trên sa mạc. Mái công trình được hoàn thành bằng chất liệu thép không gỉ màu vàng, nhìn như thể nó được định hình bởi gió, ánh sáng lung linh làm cho màu sắc luôn thay đổi theo hướng di chuyển của mặt trời trong ngày. Hình thức kiến trúc toà nhà được thiết kế đáp ứng với thời tiết Thượng Hải. Nó có thể chống lại được cái nắng chói trực tiếp của mùa hè nhưng cho phép lấy ánh sáng gián tiếp vào các gian trưng bày thông qua mái hắt. Du khách tiếp cận công trình bằng một đường đi bộ cạnh dòng suối nước dẫn tới lối vào. Dọc đường đi những chậu hoa và cây cảnh được sắp đặt tạo ra một cảnh quan kỳ thú. Không gian nội thất càng trở nên huyền ảo với sự trình diễn công nghệ LED giới thiệu về đất nước UAE.

Nhìn chung có thể thấy kiến trúc các toà nhà triển lãm Thượng Hải năm 2010 rất đa dạng, ấn tượng và độc đáo mặc dù chúng có xuất phát cùng một tiêu chí của triển lãm, nhưng mỗi một nước, mỗi một nhóm tác giả lại có cách thể hiện khác nhau cũng như việc sử dụng vật liệu và khai thác các ý tưởng. Nếu như các nước đang phát triển đi sâu khai thác truyền thống văn hoá lâu đời cũng như sự tiếp nối truyền thống trong dòng chảy của thời đại thì các nước công nghiệp tiên tiến lại trình diễn thế mạnh về công nghệ và vật liệu cao cấp. Nhưng dù bất cứ giải pháp nào thì cuối cùng vẫn là hướng đến sự bền vững, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Thông điệp chung vẫn là hiện đại nhưng giàu bản sắc và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

PGS.TS.KTS Nguyễn Khởi

>> World Expo 2010: hội tụ tinh hoa kiến trúc đô thị tương lai


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: