Ngày môi trường thế giới 5-6: Tôn vinh những anh hùng khí hậu

Thứ sáu, 05 Tháng 6 2009 14:28 Tuổi Trẻ
In

Năm nay, Ngày môi trường thế giới (5-6) có chủ đề “Hành tinh của bạn cần bạn! - Hãy đoàn kết để đối phó với biến đổi khí hậu”.

Trang web Tổ chức Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã nêu tên những “anh hùng khí hậu”. Họ không chỉ là những tấm gương tiên phong mà hành động của họ còn giúp cộng đồng hiểu về biến đổi khí hậu để cùng nhau góp sức giảm khí thải CO2.

Những anh hùng khí hậu kêu gọi chúng ta làm những việc rất đơn giản như khóa vòi nước trong lúc đang đánh răng, tổ chức các sự kiện ở nơi làm việc hay khu công cộng để mọi người cùng biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, tham gia ký tên trên mạng Seal the deal!  (www.sealthedeal2009.org) - một thỉnh nguyện thư vì môi trường. Những gì họ muốn là chúng ta hiểu và hành động cụ thể để mỗi người đều có thể trở thành anh hùng khí hậu và tạo nên sự khác biệt cho mái nhà chung thân yêu của chúng ta.

Đạp xe vì môi trường

Hai cha con Charles và Sho Scott (người Mỹ) đang chuẩn bị cho cuộc hành trình dài hai tháng khắp Nhật Bản trên chiếc xe đạp đôi. Một hành trình 4.700km sẽ đưa họ từ đỉnh cực bắc của Souya tới cực nam của mỏm Sata, đi qua 11 khu vực di sản thế giới. Họ bắt đầu có chương trình quảng bá cho chuyến đi ở New York vào ngày 5-6, cùng lúc với những hoạt động của Ngày môi trường thế giới. Hai cha con tỏ ra hào hứng với cuộc hành trình bằng xe đạp và tự thấy cần phải hành động như một việc cần làm ngay để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu sau khi xem chương trình phim tài liệu Planet Earth của BBC.

Trong từng chặng hành trình, hai cha con sẽ khuyến khích mọi người cùng hành động cho “Chiến dịch hàng tỉ cây xanh” của UNEP để thế giới có thêm 7 tỉ cây xanh, tức là mỗi người một cây xanh trên hành tinh trong năm nay (www.japanbikeride.com).

Bảo vệ môi trường biển

Nhóm các nhà sáng chế, những người yêu đại dương, những vận động viên đua thuyền buồm, nhà khoa học, những người yêu thể thao và những nhà môi trường lại theo đuổi dự án Kaisei. Mục tiêu chung của dự án này là nghiên cứu làm thế nào có thể thu hồi rác thải nhựa trên đại dương, giảm độc và tái chế thành dầu diesel.

Sứ mệnh nghiên cứu đầu tiên của họ, được bắt đầu vào mùa hè năm 2009, sẽ rất quan trọng cho các hoạt động làm sạch đại dương tiếp theo. Mỗi năm gần 60 tỉ tấn rác thải từ nhựa được đưa vào môi trường, phần nhiều trong số đó chỉ sử dụng một lần và chưa tới 5% được tái chế. Hiện nay vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên đại dương. Hầu như ai cũng tin rằng không thể làm sạch rác thải trên một khoảng mênh mông như vậy. Do đó, chỉ có cách duy nhất là con người phải hành động có trách nhiệm hơn khi thải rác ra môi trường sống trên mặt đất của mình.

Dự án Kaisei, sử dụng các công nghệ hiện đại, sẽ tiến hành kiểm tra các phương pháp thu gom và trình bày cho thấy ít nhất thì một số loại có thể được tái chế và làm sạch thông qua giải pháp đã được cấp giấy đăng ký bản quyền đầu tiên. National Geographic sẽ phát chương trình tài liệu về các công việc của dự án Kaisei và Google Earth sẽ theo sát hải trình của nhóm (www.projectkaisei.org).

Không “hoành tráng” như Kaisei, nhà bảo vệ môi trường người Anh David de Rothschild lại sẽ căng buồm vượt 10.000 dặm qua Thái Bình Dương trên một con thuyền được làm hoàn toàn bằng vỏ chai nhựa. Con thuyền có tên Plastiki, dài 20m, sẽ đưa Rothschild từ điểm xuất phát San Francisco (Mỹ) vào mùa hè năm nay đến Sydney (Úc). 

Thuyền sẽ đi qua nhiều vùng nhạy cảm về môi trường, trong đó có dải rác thải đông Thái Bình Dương, nơi được coi là bãi rác thải lớn nhất thế giới, gấp sáu lần nước Anh. Plastiki hi vọng không chỉ nâng cao nhận thức của con người, mà chính con người giờ đây đang bắt tay khởi động một sự thay đổi bằng cách đưa ra những giải pháp thông minh. Con thuyền sẽ được lắp điện thoại vệ tinh và máy tính để đảm bảo thường xuyên nhận được phản hồi của thế giới (www.theplastiki.com).

Một mình vượt Thái Bình Dương

Roz Savage, vận động viên đua thuyền buồm và chạy người Anh, là một nhà bảo vệ môi trường được nhiều người biết đến với tham vọng trở thành người phụ nữ đầu tiên một mình vượt Thái Bình Dương. Chị đã hoàn thành giai đoạn 1 năm 2008. Giai đoạn 2 bắt đầu vào tháng 5-2009. Chị là đại sứ biến đổi khí hậu trong dự án khí hậu của cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: