Cung cấp nước sạch: Cách tiếp cận mới

Thứ năm, 24 Tháng 9 2009 14:01 TBKTSG
In

Tại Hội nghị về cách hỗ trợ dựa vào kết quả đầu ra (OBA) nhằm duy trì bền vững dịch vụ cấp nước sạch nông thôn và thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân mới tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng cần xây dựng OBA như một mô hình mới đóng vai trò tích cực hơn trong việc cấp nước sạch cho khu vực nông thôn.

Theo Chương trình Hỗ trợ toàn cầu dựa trên kết quả đầu ra (GPOBA) - một cơ chế tài trợ do nhiều nguồn tài trợ quốc tế đóng góp và Ngân hàng Thế giới (WB) quản lý - phương thức OBA bao gồm việc tài trợ cho các hộ gia đình nghèo có nhu cầu về dịch vụ, như đấu nối vào hệ thống nước sạch nhưng chỉ phải trả một khoản tiền cho chi phí đấu nối.

Theo ông Xavier Chauvot de Beauchene, chuyên gia nước sạch và vệ sinh môi trường của WB, phương thức này hoàn toàn dựa vào nhu cầu của chính đối tượng hưởng lợi và được chính quyền các địa phương ủng hộ. Nghĩa là nhu cầu nước sạch cần được biết trước và các hộ dân phải trung thực về nhu cầu kết nối vào hệ thống thông qua việc thanh toán trước chi phí đấu nối và chấp nhận thanh toán tiền nước mà họ sẽ tiêu thụ sau này (số tiền không lớn).

Yếu tố then chốt của OBA nằm ở chỗ thanh toán kinh phí hỗ trợ cho đơn vị cung cấp dịch vụ, tức công ty tư nhân, chỉ được thực hiện sau khi họ cung cấp dịch vụ đúng theo yêu cầu cho các đối tượng hưởng lợi.

Trên thế giới, OBA đã chứng minh sự thành công trong việc đưa ra cách tiếp cận dịch vụ có chất lượng cho người nghèo và đang được thử nghiệm tại Việt Nam thông qua hai dự án: một của Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (EMWF) ở miền Trung và một của cơ quan cấp nước TPHCM nhằm giảm thiểu thất thoát và mở rộng tiếp cận dịch vụ cấp nước cho các khu vực nghèo.

Với sự hỗ trợ của GPOBA, từ tháng 11-2007, năng lực cấp nước sạch của Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường thuộc EMWF đã tăng gấp ba lần và hiện tổ chức này đang cấp nước sạch cho hơn 163.000 người dân nghèo Việt Nam. Tính đến nay, theo bà Nguyễn Minh Châu, Giám đốc quốc gia EMWF tại Việt Nam, tổ chức này đã chuyển giao việc cấp nước tập trung cho trên 8.000 hộ dân miền Trung.

Ông Xavier Chauvot de Beauchene cho rằng, OBA có thể thay đổi việc phân bổ các rủi ro có liên quan đến việc mở rộng và cung cấp dịch vụ để tạo ra động lực cho các bên liên quan trong quá trình thực hiện. Trong dự án thử nghiệm của EMWF có vốn GPOBA tài trợ, EMWF ứng trước các khoản đầu tư và thực hiện mọi việc liên quan đến việc xây dựng hệ thống.

EMWF chấp nhận rủi ro này, nếu như các đối tác có liên quan, gồm chính quyền địa phương, ban quản lý công trình (cán bộ quản lý nhà nước, hợp tác xã cung cấp dịch vụ hay nhà thầu tư nhân) và các đối tượng hưởng lợi chấp nhận vai trò và chịu một phần rủi ro. Trên thực tế, theo ông Xavier Chauvot de Beauchene, đây là hình thức chia sẻ rủi ro và cùng gánh vác trách nhiệm giữa các bên liên quan, trong đó vai trò của khu vực tư nhân rất quan trọng.

Bà Châu lý giải, chính quyền địa phương chịu rủi ro về việc vận động cộng đồng đóng góp ngày công hoặc bằng tiền để quản lý công trình nước sạch. Thay vì một mình thực hiện toàn bộ các khâu trong dịch vụ cấp nước nông thôn, chính quyền địa phương đóng các vai trò như đưa ra mức giá nước ở mức có thể trang trải được chi phí vận hành, bảo dưỡng và khấu hao; đưa ra các tiêu chí đầu ra rõ ràng; thanh toán tiền trợ cấp kịp thời mỗi khi kết quả đầu ra đạt yêu cầu; kiểm tra độc lập về kết quả đầu ra và đóng vai trò người điều tiết đối với các nhà cung cấp nước. Trong khi đó, người dân cũng san sẻ một phần rủi ro bằng việc thanh toán trước tiền đấu nối từ hệ thống vào nhà với chi phí 200.000 đồng. Ban quản lý công trình thì chịu rủi ro trong vận hành và bảo dưỡng hệ thống cấp nước, ban hành mức giá và thu tiền nước.

Bà Châu cho biết, các tính toán khoa học cho thấy, khi dự án của EMWF kết thúc vào cuối năm 2011, sẽ cung cấp nước sạch đạt yêu cầu cho khoảng 22.000 hộ dân nghèo nông thôn. Con số này cho thấy vai trò quan trọng của mô hình OBA và khu vực ngoài nhà nước trong bối cảnh cấp nước sạch là thách thức lớn đối với Nhà nước.

Thống kê tổng hợp của Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đến cuối năm 2007 cho biết, cả nước có trên 7.000 công trình cấp nước tập trung mọi quy mô, trong đó chỉ có 1.826 công trình hoạt động tốt (chiếm 41%); 1.537 công trình hoạt động bình thường (35%); 856 công trình kém (hơn 19%) và 214 công trình... không hoạt động. Như vậy, tỷ lệ công trình cấp nước hoạt động kém hoặc không còn hoạt động chiếm tới gần 25%.

Nhận thức được các thách thức này, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành quyết định mới về xã hội hóa lĩnh vực cấp nước nhằm tạo môi trường pháp lý cho khu vực tư nhân tham gia. Nội dung dự thảo quyết định có đề xuất: “Các doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư vào dịch vụ cấp nước tập trung cũng có thể nhận được khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước”.

Tại hội nghị nói trên, các chuyên gia cho biết mô hình cấp nước thông thường là chính quyền địa phương thuê tư nhân xây dựng công trình cấp nước tập trung, sau đó giao cho một đơn vị khác quản lý, như trung tâm nước sạch tỉnh, cộng đồng, hợp tác xã hay tư nhân. Tuy nhiên, nhiều công trình đã bị hư hỏng chỉ trong vài năm hoạt động do chất lượng kém, thiết kế không phù hợp...

Theo WB và EMWF, với cách tiếp cận dựa vào kết quả đầu ra, Nhà nước có thể tài trợ cho các nhà đầu tư tư nhân sau khi họ cung cấp dịch vụ đạt yêu cầu. Nhưng một trong những hạn chế đối với việc đầu tư tư nhân là tình trạng thiếu vốn. Tuy nhiên, như các kết quả khảo sát thực tế của EMWF, nếu các khoản vay được đảm bảo, các ngân hàng thương mại sẵn sàng cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân. Và như thế, phần vốn tài trợ của Nhà nước có thể coi như khoản thế chấp.

Vấn đề còn lại nằm ở chỗ, Nhà nước đã sẵn sàng “xã hội hóa” đến đâu lĩnh vực quan trọng này?

Thành Trung 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: