Hướng tới một thế giới ít CO2

Thứ tư, 27 Tháng 8 2008 23:44 Đức Phường / Tia Sáng
In

LTS. “Ngày hôm nay, chúng ta đang phải đứng trước hai sự lựa chọn: một dẫn đến sự thỏa thuận tổng thể mới về biến đổi khí hậu, và một dẫn đến sự diệt vong của xã hội. Sự lựa chọn của chúng ta đã rõ ràng” (Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon). Và Việt Nam đang phải chịu những hậu quả của biến đổi khí hậu: lụt lội, những đợt nóng bất thường và cả những đợt lạnh lịch sử chưa từng thấy trong suốt hơn 40 năm qua. Với mục đích tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Hội đồng Anh (British Council) phối hợp cùng tạp chí Tia Sáng tổ chức sự kiện với chủ đề “Nỗi sợ và Hy vọng”.

Trong suốt thập kỷ qua, thay đổi khí hậu đã tước đoạt cơ hội phát triển con người của hàng trăm triệu công dân thế giới. Những người nghèo có tổng lượng carbon phát thải ít nhất nhưng lại ít được trang bị phượng tiện tự vệ nhất, và chính họ lại là nạn nhân đầu tiên của lối sống xa hoa năng lượng ở các nước giàu. 

Thể chế phải đi trước hành động

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Gordon Brown đã nhất trí về yêu cầu cấp bách cần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu và đạt được một thỏa thuận thỏa đáng sau Nghị định Kyoto, đồng thời dành ưu tiên khẩn cấp hợp tác hỗ trợ cho Việt Nam thích ứng, vì Việt Nam là một trong số các nước đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu.

Tuyên bố chung Việt Nam-Liên hiệp Vương quốc Anh, 5/3/08

Không nghi ngờ gì, con người đang tăng tốc quá trình ấm lên của khí hậu Trái đất trong suốt thế kỷ tới. Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch đã phóng thích phần lớn CO2 vào khí quyển, do vậy lời giải hiệu quả là cần phát triển năng lượng sạch và cả thế giới mong đợi sẽ được chấp nhận rộng rãi. Để nhiệt độ toàn cầu không tăng thêm quá 2oC, Liên hợp quốc kêu gọi thế giới phải giảm lượng khí phát thải 50% so với 1990 vào 2050. Để thực hiện được mục tiêu trên, điều quan trọng hơn cả là cần ban hành những thể chế, chính sách và các chiến lược-những quy tắc thương mại, các chính sách chính phủ- để khuyến khích các công ty ứng dụng những công nghệ tiên tiến và tiến hành hàng loạt các động thái nhằm mục đích giảm thiểu khí nhà kính.

Những thách thức là vô tận. Năng lượng nhiên liệu hóa thạch thật dồi dào và khá rẻ, do đó những nguồn năng lượng thân thiện môi trường ít có hy vọng được chấp nhận nếu không có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Thật không may mắn, gần hai thập kỷ đàm phán để gắn kết các thỏa ước nhằm giảm thiểu sự giải phóng khí nhà kính chỉ đạt được một vài tiến triển mong manh. Nhưng điều đó không dừng được những người làm chính sách ở châu Âu và những vùng khác nơi mà mối quan tâm của cộng đồng về sự biến đổi khí hậu trở nên cấp thiết hơn cả. Còn ở Mỹ, “ông trùm” giải phóng lượng khí nhà kính hơn bất cứ một quốc gia nào khác (22% tổng lượng CO2 phóng thích toàn cầu), thì những người làm chính sách có thể học hỏi được nhiều điều trong việc thiết lập một thị trường cắt giảm carbon thông qua việc phân tích cách thức mà cộng đồng châu Âu đạt được gần đây. Từ đó Mỹ có thể xây dựng một hệ thống quản lý carbon, bao gồm các chiến lược tạo lập thị trường và những khuyến khích khác để thúc đẩy sự phát triển, chấp nhận những đổi mới công nghệ khai thác những nguồn năng lượng với hàm lượng carbon thấp. 

Cho đến những năm gần đây, hầu hết các cuộc bàn cãi xung quanh việc thiết lập các thể chế để bảo vệ khí hậu Trái đất đã lan tỏa khắp địa cầu. Tuy nhiên, nếu chính phủ các nước vẫn khăng khăng đơn thân độc mã hành động mà không có sự phối hợp quốc tế sẽ làm cho các nền công nghiệp tìm cách “lách” luật và “di chuyển” tới những quy định, thể chế còn lỏng lẻo, nhiều chỗ hở.

Không như mong đợi...

Cơ chế phát triển sạch là một lý thuyết có tính chất toàn cầu ủng hộ cho Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992, mà ở đó kêu gọi tất cả các quốc gia hành động cùng nhau trong một thiện chí về vấn đề khí hậu và tạo ra một tổ chức có chức năng quan sát việc thi hành các hiệp ước. Theo Nghị định thư Kyoto, những nước công nghiệp như Mỹ, EU, Nhật, Nga về nguyên tắc phải cắt giảm 5% lượng khí thải công nghiệp so với 1990.
Không có một phương thức cụ thể nào mang tính ép buộc các quốc gia đang phát triển điều khiển sự giải phóng khí nhà kính, và Nghị định thư Kyoto cuối cùng cũng đã tìm ra được một thỏa ước được biết với tên gọi Cơ chế phát triển sạch (CDM). Mục tiêu của cơ chế này nhằm tạo nên một lời giải linh động cho các cường quốc công nghiệp đồng thời vẫn đảm bảo được lợi ích chung trong vấn đề cắt giảm khí thải. Điều này cho phép các công ty ở những nước công nghiệp đầu tư vào những dự án giảm thiểu khí nhà kính ở các nước đang phát triển như một sự “thế thân” những nỗ lực đắt giá ở chính quốc gia của họ, tránh làm phương hại tới nền kinh tế.

Và ở đây, những nhà phát minh quốc tế có thể phát triển những kỹ thuật mới tạo ra nguồn năng lượng sạch trong các dự án được tài trợ ở các nước đang phát triển, mặc dù các quốc gia này không bắt buộc phải hạn chế việc phóng thích khí nhà kính. Chẳng hạn, các hãng của Anh, nơi phải đối mặt với sự giảm thiểu khí nhà kính nghiêm ngặt, có thể đầu tư xây dựng những tuốc-bin gió ở Trung Quốc. Nguồn nguyên liệu phổ biến ở Trung Quốc vẫn là than đá, vì vậy phát triển những công nghệ mới có thể giúp sản xuất ra một sản lượng điện tương đương bằng sức gió trên những cánh đồng, hay thảo nguyên đồng thời có thể giảm thiểu phát xạ CO2 xuống bằng không. Trong khi Trung Quốc thu hút được đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng năng lượng thì các hãng của Anh có thể “thi hành” bổn phận của họ trong vấn đề môi trường với cái giá rẻ hơn nhiều.

Mặc dù Nghị định thư Kyoto nhanh chóng được thông qua trên giấy tờ, nhưng các nước công nghiệp đã thi hành một cách không sòng phẳng. Những nước chủ chốt như Mỹ, Australia và Canada đã cố tình lảng tránh vì lo sợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế và cả những vấn đề chính trị. Mỹ không đề ra một chỉ tiêu quốc gia cho việc cắt giảm phát thải, do vậy mỗi bang quy định một chỉ tiêu phát thải riêng.Thay vào đó mục tiêu giảm cường độ carbon của quốc gia này không ngăn cản được tốc độ phát thải ngày một tăng trong nền công nghiệp khổng lồ của Mỹ. Bởi vậy, những tác động của Nghị định trong vấn đề ấm lên toàn cầu không bao giờ đạt được những mục tiêu như mong đợi.

Một thế giới ít carbon

“Tất cả mọi người trên thế giới đang dõi theo chúng ta, và còn hơn thế, sự sống còn của nhiều thế hệ đang phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta không thể tước đoạt tương lai của các thế hệ sau này... Chúng ta có trách nhiệm phải điều chỉnh sự bất công này, và phải bảo vệ những ai dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu... Chúng ta có thể cùng nhau tạo ra một thời đại mới của kinh tế xanh, một thời đại phát triển bền vững thực sự dựa vào công nghệ sạch và công nghệ ít phát thải”.

Phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại Hội nghị về thay đổi khí hậu tổ chức ở Bali, Inđônêxia. 

Khi Nghị định thư Kyoto bắt đầu đi vào hiệu lực vào tháng hai 2005, hầu hết các nước công nghiệp đã đồng ý cắt giảm tổng phát xạ khí nhà kính trung bình 5,2% (so với 1990) trong khoảng thời gian giữa 2008 và 2012. Mỗi chính phủ tham gia đã có một mục tiêu riêng trong giảm thiểu phát xạ CO2. Vì vậy việc hình thành thương mại carbon như một giải pháp có tính lâu dài, hiệu quả và kinh tế. Từ đó định hướng phát triển toàn cầu theo lộ trình hướng tới một nền kinh tế phi carbon.

Thực ra thương mại carbon là một cơ chế thị trường nhằm mục đích khắc phục quá trình biến đổi khí hậu. Những thị trường carbon mới đem lại một sự lựa chọn cho những nước được coi là “rốn” khí thải của thế giới: Hoặc một quốc gia phải chi trả để cắt giảm phát thải khí thải đối với các thiết bị, máy móc của họ, hoặc nước đó tiếp tục giải phóng CO2 nhưng phải chi trả kinh phí cho những quốc gia khác để giảm thiểu lượng khí nhà kính giải phóng. Về mặt lý thuyết, cách tiếp cận này có thể giảm bớt chi phí cho việc ngăn chặn quá trình ấm lên toàn cầu ở giá tối thiểu.

Việc trao đổi carbon xảy ra theo hai cách: 

Thứ nhất là trao đổi theo hạn ngạch cap-and-trade, bởi vậy những nguồn thải ô nhiễm sẽ nhận được những hỗ trợ cũng như những thuận lợi khác cho việc cắt giảm. Hình thức mua bán chỉ tiêu phát thải ở đây có thể kiểm soát được định mức phát thải của từng công ty, theo đó công ty nào cắt giảm được lượng khí phát thải có thể giao bán chỉ tiêu của mình. Lợi thế của hình thức này là mức phát thải tối đa là giới hạn trần về lượng khí phát thải. Năm 2005, châu Âu thiết lập một hệ thống hạn ngạch bắt buộc cho các công ty, và hiện tại, Kế hoạch mua bán phát thải của châu Âu (EU-ETS) vẫn đi đầu trong thị trường carbon thế giới. Trên thực tế, các quốc gia thành viên của EU đã dần đạt được 2% lượng khí thải cắt giảm so với 1990, và hy vọng còn thu được kết quả khả quan hơn nhiều khi một hệ thống thương mại mới bắt đầu có hiệu lực vào 2013. Với chỉ tiêu cắt giảm 20-30% lượng khí phát thải vào 2020 sẽ là một hành động quan trọng đối với bài toán thay đổi khí hậu Tuy nhiên, EU-ETS đề mức phát thải cho phép khá cao cộng với việc những nhóm thế lực vì lợi ích tìm cách để thu lợi nên những khoản kinh phí công lớn đã “lọt” vào những túi áo riêng của những nhóm thế lực này.

Cách thứ hai là thương mại carbon thông qua những hỗ trợ từ các dự án bồi thường. CDM cho phép những nước công nghiệp nhận được những hỗ trợ tài chính từ các dự án giảm thiểu carbon ở các nước đang phát triển.

Sự mở rộng của thương mại carbon toàn cầu vẫn khó có được những đánh giá tin cậy bởi vì đây vẫn là một cơ chế còn khá mới, những số liệu giao dịch không được thống kê đầy đủ. Ngân hàng thế giới ước lượng giá trị của thương mại carbon trong năm 2006 đạt 30 triệu USD. Thị trường carbon toàn cầu đã vượt qua 80% năm 2007, với 2.7 tỷ tấn CO2 trị giá 40,4 tỷ euro, trong đó 60% giao dịch (28 tỷ euro) thương mại này thông qua EU-EST.
Tuy nhiên, thị trường tín dụng cơ chế phát triển sạch đã thực sự bùng nổ. Sự trao đổi của nó có thể giải thích cho một phần ba của 1% khí nhà kính trên toàn thế giới, tức là khoảng 4,4 tỷ USD hằng năm. CDM cho phép các công ty đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính thông qua các dự án cắt giảm carbon ở các nước đang phát triển. Những nơi này của thế giới chiếm thị phần 12 tỷ euro, tức khoảng 947 triệu tấn CO2.

Sẽ đánh thuế đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính hay sẽ tạo nên một hệ thống thương mại quốc tế về khí thải? Phải chăng cần xây dựng các cơ chế để ngăn cản việc chặt phá rừng, điều này là nguyên nhân gây 20% lượng khí thải CO2, hay cần có sự hỗ trợ đối với những nước đang phát triển yếu kém trong việc thích nghi với những biến đổi không thể tránh khi Trái đất nóng lên và những nước này lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất? Cần phải tiết kiệm năng lượng và đặc biệt chú trọng đến nhiên liệu tái sinh như sinh khối hay năng lượng hạt nhân và có cần điều chỉnh sự chuyển giao công nghệ “xanh” mới đối với tất cả các nước. Tất nhiên câu trả lời lại phụ thuộc vào sự đa dạng của các giải pháp đã nêu ở trên hoặc của nhiều giải pháp khác nữa. Nhưng một khi cuộc thương lượng về các vấn đề này sa vào tình trạng bế tắc thì chúng ta sẽ bị mất cái quý giá nhất, đó là thời gian.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Kinh nghiệm của châu Âu cho thấy các hệ thống thương mại, giống như tất cả các thị trường, không xuất hiện một cách tự phát. Các nhà lịch sử kinh tế đã xác định rằng, các thị trường cần những thể chế ưu đãi. Hệ thống luật hành chính của châu Âu có một lịch sử lâu đời và việc thi hành đã tỏ ra rất hiệu quả. Thiếu vắng những thể chế này, những tín dụng cho cắt giảm khí thải ở châu Âu sẽ trở nên kém hiệu quả. Vai trò trung tâm của các thể chế và mối quan tâm ở từng nơi giải thích cho sự khác nhau giữa các phần của thế giới đã phát triển rất nhiều hệ thống thương mại carbon khác nhau. Quả thực, thị trường carbon toàn cầu nổi lên từ dưới thay vì từ trên xuống thông qua một thỏa ước quốc tế trong nhiều thập kỷ để thiết lập một hệ thống toàn cầu thực sự.

Kế hoạch hành động

Để thị trường carbon hoạt động hiệu quả và hạn chế những thách thức về khí hậu cần thiết phải có một kế hoạch cụ thể, linh động với một chiến lược hiệu quả hơn, hướng tới một nền kinh tế có hàm lượng CO2 thấp. Một kế hoạch như thế được phác thảo tập trung vào các nội dung mấu chốt trong lộ trình cắt giảm phát thải carbon.

Mỹ phải thiết lập một chính sách thuế bắt buộc để điều khiển lượng khí nhà kính phát ra. Các hệ thống thuế sẽ giảm cơ hội cho bất công và tham nhũng. Bên cạnh đó, chính sách thuế này phải dễ dàng điều chỉnh khi được yêu cầu. Việc đánh thuế sẽ tạo nên một tác động trực tiếp. Chúng ta có thể đưa ra lộ trình: 10-20 USD/tấn CO2 vào 2010, mỗi năm tăng thêm 5-10 USD/năm cho đến khi đạt được 60-100 USD/tấn CO2; Các cường quốc công nghiệp phải tìm cách để các quốc gia đang nổi lên tham gia vào công việc giảm thiểu phát xạ carbon. Quá trình này yêu cầu một hệ thống chính sách có thể thích ứng với hoàn cảnh đặc biệt của từng nước; Các chính phủ phải đưa ra các chiến lược thiết thực tạo điều kiện cho phát minh những hệ thống năng lượng sạch, ứng dụng những công nghệ mới tăng tốc sử dụng nguồn năng lượng tái sinh; Nếu Mỹ thiết lập hạn ngạch cap-and-trade thì phải tạo ra một “van” an toàn để thiết lập một mức giá trong giới hạn cho phép phát thải carbon để các công ty có thể định giá. Tất cả các tín dụng trong hệ thống hạn ngạch cap-and-trade phải được đem bán đấu giá để tránh những thiên vị mang tính chất chính trị; Các chính phủ phải tạo những chính sách khí hậu dựa trên cơ chế thị trường cũng như các quy định để tăng tốc sự chấp nhận ứng dụng các công nghệ mới hướng tới một nền kinh tế xanh.

Tham khảo: Science, Nature, Scientific American


Tin mới hơn: