Phát triển công nghệ và năng lượng Việt Nam: Đối mặt với nhiều thách thức

Thứ hai, 05 Tháng 10 2020 00:49 Báo Xây dựng
In

Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020, các nhà quản lý, chuyên gia đã chỉ ra rằng, phát triển công nghệ và năng lượng tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, một trong những giải pháp phát triển năng lượng bền vững là giảm sử dụng nhiên liệu truyền thống.


Phát triển năng lượng bền vững luôn giữ vị trí quan trọng (Ảnh minh họa: Internet)

Cung không đủ cầu

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, trong giai đoạn vừa qua, ngành Năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận như cung cấp năng lượng. Đặc biệt là cung cấp điện đã cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ. Công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hoá dầu phát triển mạnh. Sản lượng khai thác than thương phẩm tăng, thuỷ điện phát triển nhanh. Gần đây, điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Ngành Năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng chỉ ra những hạn chế như các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi, cơ sở hạ tầng ngành Năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ, trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành Năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế…

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành Năng lượng còn nhiều bất cập, trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp.

Giải pháp phát triển bền vững

Đề xuất giải pháp phát triển năng lượng bền vững, ông Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, cần triển khai đồng bộ các nội dung tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cùng với các chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường… Về quy hoạch, cần hoàn thiện, ban hành quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, quy hoạch điện VIII về chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo hướng phát triển bền vững.

Về mặt khoa học và công nghệ, cần triển khai những chương trình R&D tầm cỡ quốc gia về chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có lĩnh vực điện năng. Hiện, Bộ Công Thương cùng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành để triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Sven Enerdal – Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ, các yếu tố quan trọng phát triển năng lượng bền vững gồm: Giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu truyền thống và định hướng loại bỏ các bon, xây dựng hệ thống điều khiển năng lượng thông minh và lưới điện thông minh, phát triển thị trường năng lượng tái tạo.

Nhật Minh

(Báo Xây dựng)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: