Ô nhiễm không khí Hà Nội: Cần tăng cường kiểm soát những nguồn phát thải bụi mịn

Thứ bảy, 21 Tháng 8 2021 12:10 Người Đô Thị
In

Chuyên gia cho rằng chính quyền các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát các nguồn phát thải bụi mịn PM 2.5 chính trên địa bàn các thành phố lớn, tập trung vào các nguồn giao thông, năng lượng, đốt rơm rạ...  


Ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
(Ảnh: Người Lao Động)

Chi phí y tế và phúc lợi do liên quan đến ONKK chiếm 7,74% GRDP

Ô nhiễm không khí (ONKK), đặc biệt là bụi mịn PM 2.5 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, năm 2015, có khoảng 18.000 người tử vong tại 15 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía bắc của Việt Nam do có liên quan đến bụi mịn, trong đó ở Hà Nội có khoảng 5.800 người tử vong, chiếm khoảng 32%.

Không những thế, bụi mịn PM 2.5 còn làm gia tăng chi phí y tế và phúc lợi xã hội để điều trị các bệnh có liên quan đến nó. Cụ thể, chi phí y tế này của Hà Nội chiếm 7,74% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), và 5,9% GRDP của khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015 tăng khoảng trên 9%.

Nhiều chuyên gia đồng thuận, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng không khí không chỉ cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ của người dân mà còn giúp các đô thị giảm được gánh nặng y tế và bệnh tật.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia môi trường cao cấp của Ngân hàng Thế giới dẫn chứng, nếu chất lượng không khí của Hà Nội được cải thiện đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO,10μg/m3) về nồng độ bụi mịn PM 2.5, số ca tử vong/ năm giảm khoảng 4.500 người, giúp thành phố tiết kiệm từ khoảng 47nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương tiết kiệm 5% GDP.

Còn theo kết quả nghiên cứu của Đại học Y tế Công cộng phối hợp với Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu nồng độ bụi mịn PM 2.5 của Hà Nội được kiểm soát ở mức QCVN 2013 (25μg/m3), số ca tử vong do ô nhiễm tránh được là 2.575 ca và tăng tuổi thọ trung bình thêm 2,2 năm(*). Nếu nồng độ bụi mịn PM 2.5 của Hà Nội được kiểm soát ở mức khuyến cáo của WHO, số ca tử vong do ô nhiễm tránh được là 4.222 ca và tăng tuổi thọ trung bình thêm 3,88 năm.

Theo nhiều chuyên gia, cân đối giữa chi phí y tế và gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 và những lợi ích mang lại nếu chất lượng không khí được cải thiện cho thấy sự cấp thiết cần có những chính sách, biện pháp quản lý và kiểm soát ô nhiễm phù hợp.


Kịch bản cải thiện chất lượng không khí và lợi ích sức khỏe.
(Nguồn: Nhóm nghiên cứu)

Kiểm soát ô nhiễm không khí Hà Nội: cần thảo luận với các địa phương lân cận

Trước thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội hiện nay, chính quyền thành phố Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như đẩy mạnh phát triển hệ thống phương tiện vận tải khối lượng lớn, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng và có những biện pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong tại nhiều quận, huyện trên địa bàn và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố, chính quyền cần có những chính sách tổng thể bao gồm cả những giải pháp vĩ mô và vi mô trong thời gian tới.

PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hạnh, Giảng viên môn sức khỏe môi trường, Đại học Y tế Công cộng, cho rằng chính quyền các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát các nguồn phát thải bụi mịn PM 2.5 chính trên địa bàn các thành phố lớn, tập trung vào các nguồn giao thông, năng lượng, đốt rơm rạ… Thực hiện việc kiểm tra lượng xả thải của các phương tiện cá nhân và dừng hoạt động đối với những phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải.

Thành phố cũng cần xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững, nghiêm cấm tình trạng đốt rác tự phát, thúc đẩy đưa vào hoạt động những  nhà máy xử lý rác tiên tiến, công nghệ hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu cho rằng, bên cạnh những giải pháp kiểm soát các nguồn phát thải bụi mịn PM 2.5 xuất phát trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát nguồn bụi mịn đến từ bên ngoài thành phố, bởi có tới 2/3 nguồn bụi mịn đến từ các tỉnh thành bên ngoài Hà Nội và từ xa. Thành phố cũng cần thảo luận với các địa phương lân cận, đặc biệt những địa phương có nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, từ đó có những biện pháp phối hợp để cùng kiểm soát và hạn chế ô nhiễm không khí.

Về mặt chính sách, bà Thu khuyến nghị nâng cao tiêu chuẩn kiểm soát phát thải áp dụng cho nhà máy điện và công nghiệp (đối với PM 2.5 và SO2), giảm sử dụng than và sinh khối trong các lò hơi.


Đốt rơm rạ tại huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh tư liệu Báo Hà Nội Mới)

Để cải thiện chất lượng không khí, đại diện Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn) cho rằng, thời gian tới, thành phố cần lập và thực hiện kế hoạch liên ngành bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ứng phó với ONKK. Trong đó, đánh giá tác động sức khỏe do ONKK là một nội dung quan trọng, giúp các nhà quản lý môi trường có thể đưa ra những mục tiêu, kế hoạch thực hiện cụ thể.

Đồng thời, phát triển hệ thống dự báo chất lượng không khí và cảnh báo chất lượng không khí; định kỳ rà soát và nâng cao quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí và các nguồn thải; rà soát và tăng cường thực thi, giám sát các chính sách quản lý chất lượng không khí.

Song song với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về hiện trạng chất lượng không khí và tác động sức khỏe tới người dân, đặc biệt với đối tượng dễ bị tổn thương. “Cần tăng cường kiến thức của người dân trong việc chủ động, đề phòng tác hại của ONKK và cần có cảnh báo kịp thời khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu, kém và nguy hại”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Nguyễn Lê 

(*) Những kết quả tính toán trong nghiên cứu này có thể thấp hơn so với mức tác động “thực tế” tại Hà Nội do số liệu ca tử vong được lấy ở 14/20 bệnh viện, số liệu lập bản đồ bụi mịn PM 2.5 có sai số đối với dữ liệu các trạm quan trắc…

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: