2/3 hồ Hà Nội ô nhiễm

Thứ ba, 04 Tháng 5 2010 12:51 Báo Đất Việt
In

Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thủ đô, Hà Nội còn 65 hồ chưa được cải tạo, chiếm khoảng gần 2/3 tổng số hồ của thành phố. Môi trường các hồ này đang ô nhiễm nghiêm trọng.

Báo cáo của Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội cũng cho biết, tại các hồ chưa được cải tạo, tình trạng lấn chiếm bất hợp pháp, đổ phế thải xây dựng bừa bãi xuống hồ rất phổ biến.

Sống gần hồ mà sợ

Tình trạng trên đã làm lòng hồ bị bồi lắng và thu hẹp diện tích cũng như khả năng chứa nước. Một số hồ như hồ Tam Trinh, Tư Đình, Phương Liệt... còn “được” lắp van cửa phai để dâng nước nuôi cá, ảnh hưởng đến dòng chảy.

Ngoài việc bị đổ đất, phế thải xuống, rất nhiều hồ ở Hà Nội còn bị bồi lắng rất nhiều do không được nạo vét thường xuyên, mặt hồ phủ kín đầy rau muống, bèo các loại gây mất mỹ quan đô thị, không phát huy được vai trò điều hòa thoát nước mưa”, ông Nguyễn Lê, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên thoát Hà Nội cho biết.

Theo kết quả quan trắc của Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội, tại các hồ chưa cải tạo, hàm lượng các chất gây ô nhiễm như COD, các chỉ tiêu phú dưỡng như nitơ, phốt pho đều gấp 3 - 4 lần cho phép. Trong khi đó, nồng độ ôxy hòa tan trong nước ở mức rất thấp. Lượng nước ô nhiễm chảy vào cũng làm trầm trọng thêm việc suy thoái chất lượng nước, tăng trầm tích trong lòng hồ.

Việc phần lớn hồ Hà Nội bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị, mà còn đe dọa sức khỏe hàng chục vạn cư dân sống quanh các hồ này”, một chuyên gia môi trường nhận định. Bà Trần Thị Tuyết, một người dân sống gần hồ Linh Quang, Q. Đống Đa, cho biết: “Người khác nhà gần hồ thì sướng, chúng tôi gần hồ thì... sợ!”. Lo ngại của bà Tuyết không phải không có cơ sở: cách đây hai năm, sở Y tế Hà Nội phát hiện mẫu khuẩn tả ở hồ này.

Tìm công nghệ cải tạo

Trước tốc độ xuống cấp nghiêm trọng của các hồ Hà Nội, năm 2009, UBND TP Hà Nội tiến hành thí điểm công tác xử lý ô nhiễm đối với 7 hồ gồm: hồ Quỳnh, hồ Xã Đàn, hồ Ngọc Khánh, hồ Hai Bà Trưng, hồ Ao đình Ngọc Hà, hồ Dài và hồ Kim Liên.

Sau 6 tháng thử nghiệm, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội phối hợp với Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN-MT Hà Nội), tiến hành kiểm tra chất lượng nước hồ sau khi xử lý. Kết quả cho thấy, có hai công nghệ của Công ty Cổ phần Xanh và Viện Hóa học (Viện KH-CN Việt Nam) thử nghiệm có kết quả xử lý môi trường hồ khả quan. Công ty Cổ phần xanh tiến hành xử lý thí điểm bằng công nghệ quản lý tổng hợp do tại các hồ: Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn đều đem lại hiệu quả tích cực, chất lượng nước các hồ được xử lý trong hơn và không có mùi hôi.

Tại hồ Hai Bà Trưng, Viện Hóa học áp dụng phương pháp phục hồi cảnh quan hồ bằng tổ hợp sinh học kết hợp với phương pháp kết tủa cũng đem lại hiệu quả tích cực. Chất lượng nước hồ sau xử lý (mùa khô) cũng được cải thiện so với trước khi xử lý (mùa mưa), nước không có mùi hôi. Ngoài ra các hồ Ao Đình Ngọc Hà, hồ Dài và hồ Kim Liên đang được các đơn vị thực hiện tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, nước hồ Quỳnh đang ô nhiễm trở lại.

UBND TP Hà Nội đang lựa chọn công nghệ để tiếp tục xử lý ô nhiễm hồ trên địa bàn. Theo một chuyên gia của Sở KH-CN Hà Nội, những công nghệ thực hiện thí điểm năm 2009 đem lại kết quả tốt có thể tiếp tục được lựa chọn. Ngoài ra còn có một số công nghệ mới như: giàn bơm ôxy kết hợp biện pháp sinh học cũng sẽ được xem xét lựa chọn.

Tuy nhiên, ông Hồ Thanh Hải, Viện Sinh Thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam) đánh giá những công nghệ xử lý nước đều có thể làm giảm các chỉ tiêu ô nhiễm nguồn nước mặt như phốt pho, nitơ… Tuy nhiên, những giải pháp như vậy mới chỉ giải quyết ô nhiễm tức thời, chưa có biện pháp xử lý lượng bùn đáy, nơi có lượng hữu cơ cao và nguồn dinh dưỡng bổ sung lại nguồn nước hồ.

Mạnh Đồng

>> 50 năm qua, Hà Nội san lấp 80% diện tích mặt nước để xây dựng? 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: