Đông Nam Á và nhu cầu điện hạt nhân

Thứ bảy, 10 Tháng 7 2010 07:47 ANTG
In

Để phục vụ cho phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng điện tại khu vực châu Á đang tăng mạnh với tốc độ cao nhất thế giới. Thay thế cho các nguồn năng lượng như than đá, dầu mỏ vốn đang cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường, nhiều nước châu Á, nhất là Đông Nam Á đã và đang tập trung vào kế hoạch phát triển điện hạt nhân.

Ông Anthony Jude, Giám đốc phụ trách năng lượng và nước tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói: "Ai cũng muốn có máy điều hòa không khí, có thiết bị hiện đại nhất, và điều này phản ánh trên nhu cầu điện năng". Đó cũng là đã phần nào giải thích vì sao nhiều nước ở châu Á đã quyết định phát triển ngành năng lượng nguyên tử dù hoàn toàn thiếu kinh nghiệm trong địa hạt này.

Đối với khu vực Đông Nam Á, nhu cầu năng lượng đang trên đà tăng vọt đòi hỏi các nước phải cấp tốc tìm phương cách đáp ứng. Nhân một cuộc hội thảo gần đây tại Singapore, ông Jude đã thẩm định rằng, từ nay đến năm 2030, nhu cầu về năng lượng của toàn vùng châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng 2,4% mỗi năm. Tốc độ này gấp đôi so với nhu cầu của phần còn lại trên thế giới.

Chính là để thỏa mãn nhu cầu ngày càng mạnh đó, trong bối cảnh các nguồn cung cấp năng lượng truyền thống như dầu hỏa hay than đá bị lên án là gây biến đổi khí hậu, mà các quốc gia đang vươn lên trong vùng Đông Nam Á đã cho rằng cần phải nhanh chóng thành lập các nhà máy điện hạt nhân. Từ Singapore, Indonesia, Malaysia cho đến Thái Lan, Philippines và Việt Nam, trong thời gian gần đây, vấn đề điện nguyên tử đã trở thành trọng tâm xem xét.

Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam dự kiến sẽ có nhà máy điện nguyên tử đầu tiên công suất 4.000 MW hoạt động từ năm 2020, Singapore đang tiến hành nghiên cứu khả thi về việc thiết lập các nhà máy điện nguyên tử.  Malaysia phác thảo kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này vào khoảng năm 2021. Thái Lan và Indonesia cũng xem xét việc thành lập các trung tâm điện nguyên tử, nhưng đang gặp phải những phản ứng dữ dội từ phía các địa phương nơi chính quyền muốn đặt nhà máy.

Về phần Philippines, nước này lẽ ra là quốc gia tiên phong tại Đông Nam Á trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, với nhà máy đầu tiên được xây dựng ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng không hề vận hành vì các tai tiếng tham nhũng trong khâu cấp phát hợp đồng xây cất và nhất là vì không bảo đảm được vấn đề an toàn. Ngoài khu vực Đông Nam Á, tại Bangladesh, vào tháng 5 vừa qua, nước này đã ký với Nga hiệp định xây dựng 2 nhà máy điện nguyên tử vào năm 2015.

Tiêu chí an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân chính là một trong những yếu tố chủ yếu mà những người phản đối năng lượng nguyên tử đưa ra để chống lại các kế hoạch xây cất nhà máy. Giới này nêu bật sự thiếu vắng kinh nghiệm của Đông Nam Á trong lĩnh vực điện hạt nhân, thiếu từ chuyên gia cho đến các nhân viên kỹ thuật lành nghề, hay khung luật lệ chặt chẽ để quản lý địa hạt này.

Họ cũng rất hoài nghi về nhận thức và sự cần thiết phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các nhà máy điện hạt nhân trong một khu vực thường xuyên bị thiên tai như động đất, núi lửa hay bão tố đe dọa. Thảm họa đối với con người do vụ nổ nhà máy Tchernobyl ở Ukraina vào năm 1986 là một ví dụ điển hình về tai họa mà việc chạy theo điện nguyên tử có thể gây ra. Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, tốt nhất là Đông Nam Á nên phát huy các nguồn năng lượng tái tạo rất dồi dào trong vùng như địa nhiệt hay ánh nắng mặt trời, thay vì mạo hiểm vào con đường năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, đối với những người bảo vệ điện nguyên tử thì các trở ngại nói trên không phải là không thể vượt qua. Theo bà Martine Letts, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Lowry ở Sydney, Australia: ''Không có lý do gì để khẳng định là các trung tâm điện hạt nhân ở Đông Nam Á nguy hiểm hơn các nơi khác''.

Theo chuyên gia này thì các định chế quốc tế như Hiệp hội Các nhà điều hành trung tâm hạt nhân đã nỗ lực giúp Đông Nam Á bảo đảm tính chất an toàn các nhà máy. Về vấn đề chuyên gia kỹ thuật hay các lĩnh vực khác, ông Anhtony Jude đã cho rằng các quốc gia muốn lao vào việc sản xuất năng lượng hạt nhân cần phải có thời gian chuẩn bị dài lâu và kỹ lưỡng, từ khâu lên kế hoạch, lập chính sách, cho đến khâu đào tạo cán bộ, kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ, an toàn hạt nhân.

Đối với ông Jude, Việt Nam là một điển hình tốt trong lĩnh vực này khi đã tạo nền tảng cho các nhà máy điện nguyên tử từ hơn 10 năm nay. Các nền tảng đó bao gồm hoạch định, chính sách, quy định, đào tạo đội ngũ kỹ sư về công nghệ hạt nhân, an toàn hạt nhân và chính sách hạt nhân.

Dẫu sao, theo giới chuyên gia, năng lượng hạt nhân chỉ là một phương tiện để sản xuất điện, trong một loạt những phương tiện khác mà các quốc gia Đông Nam Á cần khai thác. Ông Michael Quah, Trưởng nhóm Chuyên gia khoa học tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Singapore cho rằng, sản xuất năng lượng tương tự như đầu tư vào chứng khoán. Cần phải có một cải tổ trái phiếu đa dạng, tức là phải chú ý đến mọi nguồn năng lượng có sẵn trong khu vực. Mặt khác, với vai trò giám sát của mình, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giờ đây sẽ có trọng trách quan trọng hơn.

Theo bà Trevor Findlay, Giám đốc Dự án Tương lai năng lượng hạt nhân tại Toronto, Canada: "Đối với những nước đang mong muốn lợi ích về năng lượng nguyên tử trong giai đoạn này, IAEA cần hướng dẫn họ các nguyên tắc cần thiết để thiết lập một chương trình năng lượng hạt nhân. Điều này sẽ đảm bảo rằng những cơ sở hạt nhân mới tham gia đầy đủ vào các tiêu chuẩn của IAEA". 

Trương Minh (tổng hợp)

>> Quy hoạch 8 địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: