Việt Nam luôn chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ bảy, 19 Tháng 3 2011 00:03 TTXVN, Vietnam+
In

Ngày 18/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, với chủ đề "Khí hậu của chúng ta," hội thảo tham vấn nhằm đề xuất và thảo luận về các giải pháp tổng thể ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu cũng như tận dụng được những cơ hội tốt do biến đổi khí hậu mang lại ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi và cách ứng xử đúng đắn của con người đối với thiên nhiên và quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu; xác định và tổ chức thực thi có hiệu quả các giải pháp thích nghi, ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong từng giai đoạn theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Theo các đại biểu tham gia hội thảo, việc ứng phó biến đổi khí hậu phải được coi là vấn đề sống còn của đất nước, Việt Nam cần tiến hành các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, quy hoạch tổng hợp các công trình quản lý tài nguyên môi trường, lồng ghép chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt chú trọng tình trạng nước biển dâng trong công tác quy hoạch phát triển vùng, địa phương.

Ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đặt mối quan tâm về ứng phó biến đổi khí hậu nghiêm túc và chủ động. Việt Nam đã xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản từ cơ chế chính sách pháp luật cho đến khoa học, công nghệ.

Thời tiết càng ngày có những diễn biến bất thường vì thế đòi hỏi Chính phủ cần xây dựng các kịch bản, khoanh các vùng nguy hiểm cũng như tăng cường hiện đại hóa hệ thống giám sát, quan trắc khí tượng thủy văn.

Nhưng điều quan trọng nhất là người dân cần nhận thức được những thách thức từ biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến đời sống và tính mạng, cần có tính chủ động tìm hiểu và cùng nhà nước tham gia ứng phó.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn, hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp hơn.

Dự báo đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng từ 3-5 độ C, mực nước biển trung bình tăng trên 1m, có thể gây ngập hơn 30.000km2.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần khoảng 850 triệu USD/năm để giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cảng biển và cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng và lan rộng, xói lở bờ biển xảy ra với cường độ cao, trong khi cơ cấu nông nghiệp chưa có biện pháp thích ứng với các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu./.

Hoàng Anh Tuấn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: