Đại kế hoạch bô-xít (bauxite): Lợi ích trước mắt, nguy cơ lâu dài

Thứ hai, 08 Tháng 12 2008 09:09 Nguyễn Hoàng Thu / Tuần Việt Nam
In

Cái lợi trước mắt về kinh tế của dự án khai thác bô-xít, dù có thật, dù có thể, vẫn không thể nào quên sự bất lợi và bao nhiêu nguy hại lâu dài...

Đắk Nông là tỉnh cực Nam Tây Nguyên, có khoảng 6.000 quả đồi liền kề nhau, tạo nên hình một tỉnh vùng đồi ngoạn mục độc đáo nhất nước ta với hàng trăm con suối lớn nhỏ đan cài trên diện tích rộng hơn 600.000 hecta.

Một Đắk Nông xanh đồi nối tiếp đồi có 29 dân tộc anh em cùng sống yên lành, trong đó có dân tộc bản địa M"Nông đã tồn tại từ lâu đời với nền văn hóa đậm sắc màu núi rừng cao nguyên được lưu giữ qua hàng chục bản trường ca nổi tiếng vừa được ngành văn hóa sưu tầm và biên dịch.

Dự án khai thác quặng bô - xít và chế biến alumina nhôm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025, sẽ triển khai tại các huyện Đắk R"Lấp, Đắk GLong, Đắk Song, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa.

Dự án còn hứa hẹn khả năng khai thác bauxite, luyện alumina kéo dài đến 100 năm, tận dụng hết tài nguyên khoáng sản nằm sâu dưới mặt đất với 5,4 tỉ tấn quặng thô, chế biến thành 2,4 tỉ tấn quặng tinh và sẽ luyện được 1 tỉ tấn alumina nhôm (nhôm bột).

Bài viết này chưa nói đến năng lực, kinh nghiệm khai thác chế biến bauxite - alumina đủ hay không đủ của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt nam và cũng không chú tâm đến phân tích thiệt hơn về kinh tế mà dự án sẽ đem lại (theo báo cáo của Tập đoàn đã gửi Thủ tướng Chính phủ, kèm Tờ trình số 883/TT - HĐQT ngày 5/2/2007), chỉ lên tiếng lưu ý đến các nguy cơ hủy hoại cảnh quan, ô nhiễm môi trường, chấn động lòng đất, và một cuộc di dời, đại di dời hàng ngàn buôn làng các dân tộc bấy lâu sống yên lành - sẽ gây ra một chấn động lòng người với hậu quả bất lợi thật khó lường.  

Đắk Nông có 7 mỏ bauxite mang tên: Đắk Song, Tuy Đức, Bắc Gia Nghĩa, Gia Nghĩa 2, Nhân Cơ, Quảng Sơn và 1-5 bao chiếm trên diện tích gần 200.000 hecta vùng đồi. Quặng mỏ bauxite nằm phía dưới lớp đất bazan dày từ 0,5 - 1,5m, có thân quặng dày trung bình 6 - 7 mét và chiều dài có nơi tới vài ngàn mét. Tất cả vùng đồi có quặng bauxite nói trên rồi sẽ bị cày ủi, đào xới, bứng tung lớp thực vật xanh trên từng quả đồi đất bazan.

Tất cả sẽ trở thành hầm hố loang lở xấu xí, không còn bóng hình cây xanh dáng vẻ vùng đồi và những con suối trong lành cũng mất đi, bị chặt đứt vùi lấp. Một thiên nhiên xanh hoành tráng đổi màu diễn ra từng ngày, từng tháng, từng năm biến vùng đồi Đắk Nông thành một đại công trường đầy bụi bặm mùa nắng và lầy lội mùa mưa.

Trong quá trình chế biến alumina, còn thêm độc hại về các chất thải đối với môi trường sống của con người. Hiện nay, trên địa bàn xã Nhân Cơ huyện Đắk R"Lấp, Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam đã cày ủi nhiều lần quả đồi xanh tạo mặt bằng để xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở công nhân và không lâu nữa, nhà máy luyện alumina nhôm đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sẽ hình thành, đồng thời, hàng ngàn tấn quặng thô đã bắt đầu được moi lên từ lòng đất.


Một cuộc xáo trộn về tâm tư tình cảm, hệ trọng vô cùng đối với tâm linh đời người - Ảnh: vietnammelody.com

Thêm một điều đáng nói mà mọi người không thể không quan tâm khi dự án bauxite - alumina đã được giao cho Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam triển khai: lần lượt hàng ngàn buôn làng các dân tộc đã ổn định cuộc sống trên vùng đồi có quặng mỏ bauxite phải di dời; sẽ đi đâu về đâu, sẽ sống như thế nào khi buộc lòng phải bắt đầu xây dựng lại tất cả?

Đương nhiên là sẽ có đền bù, có thể thỏa đáng, rất thỏa đáng về tiền bạc, kể cả đất ở mới, thành lập buôn làng mới. Một số tiền khổng lồ phải chi ra, tất nhiên rồi, nhưng nỗi buồn thì thật lớn mà vật chất không thể bù đắp được cho hàng trăm ngàn người phải rời khỏi vùng sinh sống nhiều năm qua ổn định yên lành, nhất là hàng trăm buôn làng đồng bào dân tộc bản địa M"Nôngs từ bao đời định cư trên cao nguyên vùng đồi Đắk Nông còn có tên thiết thân máu thịt là cao nguyên MNông.

Di chuyển khỏi bến nước buôn làng thân thuộc dưới chân đồi, xa chốn không gian sinh tồn bấy lâu gần gũi rừng cây nương rẫy với bao kỉ niệm qua từng mùa thu hái lễ hội, là bấy nhiêu điều êm đềm nằm sâu trong đời sống văn hóa sẽ phôi phai.

Một cuộc xáo trộn về tâm tư tình cảm, xin chớ quên, hệ trọng vô cùng đối với tâm linh đời người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số M"Nông yêu thiết tha vùng đất lành lặn từ bao đời người. Sống là sống vui, chất chứa niềm vui lẽ sống bên bế nước nương rẫy rừng cây, nơi cha ông đã đặt định từ thuở lập làng. Bất cứ một cuộc di dời nào cũng trái lòng, là nỗi đau buồn thầm lặng, nhất là hồi tưởng lại nhìn lại chốn cũ làng xưa bao giờ đã lật úp, xụp lở và biến dạng sau cuộc khai thác trắn cả vùng đồi.

Báo cáo về quy hoạch phát triển công nghiệp nhôm Việt Nam của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ dài 22 trang, trong đó chỉ đơn giản có vài dòng nói về công tác hoàn thổ, trồng cây trên diện tích vùng đồi đã khai thác quặng bauxite.

Một công việc quan trọng vừa đạo lý, vừa khoa học, nhiều tốn kém, nhiều khó khăn về phục hồi thảm thực vật, nhưng chỉ lướt qua thôi, chưa kể vùng đồi vĩnh viễn biến dạng méo mó và sông suối bị tức nghẽn dòng, biến đổi dòng không khôi phục được.

Cái lợi trước mắt về kinh tế của dự án, dù có thật, dù có thể, vẫn không thể nào quên sự bất lợi và bao nhiêu nguy hại lâu dài...

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: