Quy định về quản lý không khí đô thị chưa rõ ràng

Thứ tư, 28 Tháng 3 2012 21:26 TTXVN
In

Ông Nguyễn Trường Huynh, Cục Kiểm soát ô nhiễm cho rằng hiện Việt Nam còn 3 vấn đề lớn tồn tại trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí đô thị. 

Đó là các vấn đề về kiểm soát chất lượng nhiên liệu, nguồn thải, kiểm kê phát thải, cơ sở dữ liệu, kiểm soát phát thải hóa chất độc hại; đánh giá, dự báo chất lượng không khí, mức độ ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe; tham gia của cộng đồng, chia sẻ thông tin... đang bị bỏ trống hoặc ít được thực hiện; những quy định về chức năng, nhiệm vụ, thể chế và tổ chức quản lý môi trường không khí đô thị chưa rõ ràng.  


Ô nhiễm bụi ở Hà Nội (ảnh minh họa: Ashui.com) 

Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về môi trường, trong đó có môi trường không khí, nhưng Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg lại giao nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, cải thiện chất lượng không khí đô thị cho Bộ Giao thông Vận tải.

Cơ chế phối hợp công tác, chia sẻ thông tin về quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, giữa cơ quan Trung ương và địa phương chưa được thực hiện. Phạm vi trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành khác trong kiểm soát, đánh giá nguồn thải vẫn chưa xác định được.

Một vấn đề nữa là thiếu văn bản quy định pháp luật đặc thù cho quản lý môi trường không khí. 

Những tồn tại này kéo theo các khó khăn nữa là tổ chức bộ máy chưa đủ, quan trắc và kiểm kê nguồn phát thải còn yếu, các hoạt động đầu tư cho quản lý và bảo vệ môi trường không khí, đào tạo, nghiên cứu đều chưa đáp ứng yêu cầu... 

Bởi vậy, cần tiến hành một số giải pháp bảo vệ môi trường không khí đô thị như hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường không khí đô thị bao gồm sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp lý khác; xác định đúng chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan. 

Đồng thời, các cơ quan chủ quản cần tăng cường các nguồn lực về con người, nguồn lực về tài chính, các nguồn đầu tư cho công tác quản lý, kiểm soát môi trường không khí, tăng cường năng lực, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo về môi trường không khí; triển khai thực hiện mạnh mẽ các chương trình kiểm soát ô nhiễm không khí đặc thù như: ô nhiễm bụi, kiểm soát khí thải ngành ximăng, khoáng sản, thép.../. 

Thu Phương 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: