Cân nhắc biến đổi khí hậu trong quy hoạch thủy điện

Thứ sáu, 07 Tháng 9 2012 09:18 Báo Đầu tư
In

Có thể nói, từ giữa thế kỷ XIX đến hết thế kỷ XX là thời kỳ phát triển số lượng đập chắn - hồ chứa nước và công trình thủy điện nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Hầu như chưa có hệ thống sông nào trên thế giới chưa được con người xây đập chắn - hồ chứa và thường đi kèm đó là các công trình thủy điện.  

Thực trạng phát triển thủy điện trên thế giới và Việt Nam 

Có thể nói, từ giữa thế kỷ XIX đến hết thế kỷ XX là thời kỳ phát triển số lượng đập chắn - hồ chứa nước và công trình thủy điện nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Hầu như chưa có hệ thống sông nào trên thế giới chưa được con người xây đập chắn - hồ chứa và thường đi kèm đó là các công trình thủy điện. Nhiều quốc gia có mạng lưới sông ngòi phong phú, nguồn thủy điện chiếm trên 80% nguồn cung năng lượng và xem đây như là một chìa khóa mấu chốt cho động lực phát triển kinh tế quốc gia. 

Chiến lược Phát triển nguồn điện Việt Nam giai đoạn 2004 – 2010, định hướng đến năm 2020 (do Bộ Công nghiệp soạn thảo và đã được Chính phủ thông qua tại Quyết định 176/2004/QĐ-CP) đã xác định: “Ưu tiên phát triển thủy điện, nhất là các công trình có lợi ích tổng hợp (cấp nước, chống lũ, chống hạn...); khuyến khích đầu tư các nguồn thủy điện nhỏ với nhiều hình thức để tận dụng nguồn năng lượng sạch, tái sinh”. Theo đó, trong khoảng 20 năm tiếp theo sẽ xây dựng hầu hết các nhà máy thủy điện tại những nơi có khả năng. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ khai thác hầu hết năng lực thủy điện trên các dòng sông chính (Bộ Công nghiệp, 2004). 

Đến nay, chưa kể các nhà máy thủy điện nhỏ, 11 nhà máy thủy điện hiện có trên các hệ thống sông Đà, sông Đồng Nai, sông Lô - Gâm, sông Sê San, sông Ba và sông Vu Gia đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt 4.153 MW, cung cấp cho đất nước trung bình mỗi năm trên 18,06 tỷ kWh, đứng thứ 3, sau sản lượng do các nhà máy điện chạy than và khí thiên nhiên sản xuất. 

Biến đổi khí hậu và sự cần thiết phát triển thủy điện bền vững

Chúng ta biết rằng, hiện tượng trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu một phần là do phát thải khí nhà kính. Hồ chứa đập thủy điện có thể sản sinh ra một lượng đáng kể khí mêtan và điôxit cacbon. 

Theo một báo cáo của Ủy hội Đập thế giới công bố năm 2009, ở nơi nào mà hồ chứa khá lớn so với năng lực của đập (dưới 100 W/m2 diện tích bề mặt) và không có sự phát triển trở lại của bất cứ thực vật nào đã bị phát quang, thì lượng khí nhà kính phát thải từ đập khi sản xuất điện cũng ngang như việc đốt dầu mỏ để sản xuất cùng một lượng điện. Phát triển các đập thủy điện, nhất là khi xây dựng ồ ạt và thiếu quy hoạch, quản lý phù hợp có thể góp phần gia tăng mức độ tác động của biến đổi khí hậu. 

Thủy điện có thể làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu một khi lạm dụng, vượt quá sức chịu tải của thiên nhiên – các con sông và hệ sinh thái có liên quan. Khi dòng chảy sinh thái của các con sông bị thay đổi sẽ dẫn đến thay đổi các hệ sinh thái, đe dọa mất đa dạng sinh học, nguy cơ nhiễm mặn, làm mất các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, trong đó có rừng ngập mặn, tấm lá chắn bão và bể chứa CO2 quan trọng… và càng làm tổn thương đến các nhóm cộng đồng ở các vùng dễ bị tác động của biến đổi khí hậu. 

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, với việc gia tăng bất thường lượng mưa và lũ ở thượng du, nếu không có quy trình và vận hành xả lũ từng hồ/liên hồ tốt, sẽ xảy ra nhiều hậu quả khôn lường cho người dân và các cơ sở kinh tế - xã hội ở hạ du. 

Thực tế hiện nay cho thấy, cần thiết phải có một chiến lược phát triển thủy điện bền vững ở mức độ quốc qia. Chiến lược này cần tuân thủ 7 nguyên tắc chiến lược mà Ủy hội Đập thế giới đã đưa ra, đó là:

(1) Cần có sự chấp nhận của công chúng;

(2) Cần đánh giá toàn diện các phương án khác nhau có thể;

(3) Đánh giá về tác động của các đập hiện có;

(4) Bảo đảm bền vững cho con sông và sinh kế cho người dân;

(5) Công nhận quyền và chia sẻ lợi ích;

(6) Đảm bảo tuân thủ (pháp lý quốc tế, khu vực, quốc gia, quy trình…);

(7) Sử dụng các sông vì mục đích hòa bình, phát triển và an ninh.

Đặc biệt, phải chú ý duy trì dòng chảy môi trường (environmental flows) để duy trì các hệ sinh thái tự nhiên và thực hiện nghiêm chỉnh Luật Tài nguyên nước của chính phủ nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu bằng những giải pháp phi công trình. 

Đồng thời, các nhà quy hoạch và quản lý cần quan tâm và cân nhắc kỹ lưỡng phát triển thủy điện như thế nào để có thể đảm bảo những tiêu cực do từng đập thủy điện hay hệ thống các đập gây ra không vượt quá mức độ mà chiến lược về thủy điện của quốc gia quy định./. 

GS.TS Lê Diên DựcChủ tịch Hội Đất ngập nước Việt Nam 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: