Chiến lược quy hoạch kiến trúc và bảo tồn phát triển bản sắc đô thị Huế

Thứ tư, 06 Tháng 8 2014 00:33 T/c Kiến trúc Việt Nam
In

Đô thị di sản Thừa Thiên-Huế đang trên đường chuẩn bị trở thành đô thị trực thuộc Trung ương thứ sáu, sau Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, và Cần Thơ. Hướng phát triển của Đô thị Thừa Thiên-Huế đang được xác định theo Kết luận số 48-KL/TW năm 2009 của Bộ Chính trị là "Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Á".  

Ở giai đoạn chuyển tiếp quyết định này, chúng ta cần xác định rõ một Chiến lược Quy hoạch Kiến trúc phù hợp cho Thừa Thiên Huế như một Đô thị Văn hóa Di sản Loại 1 Trực thuộc Trung ương, trong đó cần xử lý tốt các vấn đề bảo tồn và phát triển để khai thác tốt nhất những tiềm năng của Huế và tạo được những điểm khác biệt có ý nghĩa quan trọng, so với các đô thị trực thuộc Trung ương khác. Chiến lược này cũng cần nhìn xa hơn, hướng đến việc phát triển tiềm năng tương lai, trong việc cùng với Đà Nẵng phát triển thành hạt nhân kép của Vùng Đô thị miền Trung, đạt tầm quan trọng có thể chỉ đứng sau Vùng Đô thị Hà Nội và Vùng Đô thị TP Hồ Chí Minh trong việc đóng góp vào sự phát triển nhiều mặt của đất nước. 

ĐẶT TÊN CHO ĐÔ THỊ LOẠI 1 TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TƯƠNG LAI 

Có nhiều cách có thể gọi tên cho Đô thị Thừa Thiên-Huế khi trở thành Đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương trong tương lai, như Đô thị Thừa Thiên-Huế, Đô thị Thừa Thiên, Đô thị Huế. Chúng ta nên chọn tên Thành phố Huế vì các lý do sau: (1) Đây là cái tên đã đi sâu vào lòng người, với cụm từ Hà Nội - Huế - Sài Gòn; (2) Đây cũng là cái tên được biết đến đến trên thế giới từ lâu với những công trình di sản cấp quốc tế; (3) Sự đơn giản của tên gọi hàm chứa một tương lai mở nhiều hứa hẹn trong tương lai.

Lúc đó thành phố Huế hiện hữu trở thành hạt nhân trung tâm của thành phố Huế trong tương lai, giống như Sài Gòn (Quận 1 và 1 phần Quận 3) của thành phố Hồ Chí Minh.

PHÁT TRIỂN THEO MÔ HÌNH ĐA TRUNG TÂM, KẾT NỐI HỢP TÁC CHẶT CHẼ VỚI NHAU THEO MỘT CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ 

Do dân số tiếp tục tăng trưởng không ngừng, sự gia tăng dần dần mật độ xây dựng của các khu đô thị sẽ trở thành một xu thế phổ biến tại Châu Á trong thế kỷ 21. Sẽ có ngày càng nhiều người di cư đến các thành phố từ các khu vực xa xôi để tìm kiếm các cơ hội công ăn việc làm. Khi đó, các thách thức thật sự cho các nhà chuyên môn là làm sao tận dụng các ưu thế của mật độ dân số cao (ví dụ giúp đảm bảo lượng người sử dụng cần thiết để nuôi sống bộ máy vận chuyển công cộng và phát triển quy mô cũng như chất lượng của các dịch vụ đô thị), trong khi vẫn duy trì chất lượng cuộc sống mà mật độ thấp thường dễ dàng đáp ứng (ví dụ như môi trường thiên nhiên, sự yên tĩnh, và không khí sạch).

Ở Huế, các trung tâm chỉ cần mật độ vừa đủ cao để việc xây dựng hạ tầng được hiệu quả, nhưng chắc chắn không nên cao như Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, Huế cần kết nối tốt với các trung tâm đô thị lớn nhỏ trong ranh giới Huế và trong Vùng Đô thị Huế-Đà Nẵng. Tư duy kết nối kinh tế vùng trong thu hút đầu tư là động lực để các tỉnh và thành phố cùng hợp tác để thu hút vốn phát triển hạ tầng và cùng nhau phát triển, chia sẻ lợi ích, chia sẻ thị trường, khai thác lợi thế hạ tầng dùng chung như sân bay, cảng biển, cầu đường, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực.Nhờ đó tránh được lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư vào con người. 

PHÁT TRIỂN HUẾ TRÊN KHUNG SƯỜN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG

Việc phát triển đô thị mới dựa trên khung sườn giao thông huyết mạch, đặc biệt là giao thông công cộng, là điều căn bản của một quy hoạch bền vững, vì giúp giảm thiểu giao thông cá nhân, qua đó giảm thiểu lượng khí thải làm ô nhiễm môi trường và làm trái đất nóng lên. Ngoài ra, điều này còn giúp cho việc phát triển đô thị được thuận lợi trong việc thu hút và xoay vòng vốn.

ĐẢM BẢO DỰ BÁO SỚM VÀ ỨNG PHÓ HIỆU QUẢ VỚI BÃO LỤT VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, ĐẢM BẢO AN TOÀN VỀ CON NGƯỜI VÀ TÀI SẢN TRONG MỌI TÌNH HUỐNG 

Nhu cầu bức thiết cho việc phát triển quy hoạch bền vững ngày nay trở nên vấn đề nổi cộm, bao hàm trong trong mười nhiệm vụ chiến lược vạch ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được Thủ tướng phê duyệt ngày 5/12/2011. Nhưng giải pháp cho nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng vẫn chưa được tính đến, hoặc chỉ ở mức cảnh báo, trong các đồ án quy hoạch được duyệt trong vài năm gần đây.

Do nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, tình trạng chung về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại những đô thị mới là yếu kém hoặc không đầy đủ, dẫn đến việc kém thu hút giãn dân. 

Vì vậy, chiến lược cân đối việc phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho những đô thị mới trở nên rất quan trọng, không những giúp nâng cao mức phát triển kinh tế đô thị, mà còn giúp cho các đô thị, lớn và nhỏ, mới và hiện hữu tại Việt Nam trở nên những thành phố bền vững và đáng sống (livable cities).

Việc ưu tiên xây dựng đô thị mới trên vùng đất cao và cải tạo các đô thị hiện hữu ở vùng đất thấp là một định hướng có thể giúp Việt Nam sớm ra khỏi danh sách những quốc gia có thể bị thiệt hại trầm trọng nhất khi xảy ra nước biển dâng. Việc ưu tiên xây dựng Đô thị mới trên vùng đất cao giúp giảm thiểu tác hại ngập lụt đến đời sống người dân, khi cao độ nền quy hoạch không những tính đến mức ngập lụt và lũ trong 100 năm, mà còn tính đến mức ngập lụt và lũ gia tăng như hệ quả trong các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Riêng các đô thị hiện hữu, thì cần rất cân nhắc các giải pháp xây đê bao để đối phó với lũ lụt và nước biển dâng, so với các giải pháp nâng nền, quy hoạch lại dòng chảy của nước, cải tạo môi trường, và khả năng di dời các khu đô thị cũ.

Đồng thời, chúng ta cần đưa yêu cầu nghiên cứu quy hoạch trên nền tảng bản đồ các kịch bản biến đổi khí hậu vào quy trình phê duyệt quy hoạch tại Việt Nam.

Việc bảo vệ môi trường trước các tác nhân nhân tạo thường được xem trọng nhiều hơn tại đô thị, vì thành phố thường là nơi tập trung của vấn đề ô nhiễm, ách tắc giao thông, rác thải, và các vấn đề xã hội khác, do đó không được coi là những môi trường lành mạnh cho con người so với vùng quê. Tuy vậy, với tầm nhìn và kế hoạch tốt, cơ hội tạo ra một môi trường sống và làm việc trong sạch vẫn có thể thực hiện được. 

Bảo vệ Môi trường trước các tác nhân thiên nhiên là đặc biệt quan trọng tại Huế, là nơi thường có bão lụt hàng năm, mới đây nhất là cơn bão số 10 và 11 (năm 2013) gây nên nhiều thiệt hại đáng kể. Ngoài ra, trong những thập kỷ gần đây, các vấn đề về biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng là những vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (2007), nhiều thành phố Á Châu, đặc biệt là nhiều thành phố ở Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng nếu mực nước biển dâng. Do đó các nhà quản lý phải tìm kiếm các giải pháp để các thành phố của chúng ta được chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với các tình huống tệ nhất có thể xảy trong tương lai. 

Việc nhìn xa trông rộng đảm bảo việc ứng phó tích cực với thiên tai là một nhiệm vụ quan trọng của phát triển bền vững, trong đó Huế cần có giải pháp tích cực hơn trong việc ứng phó sao cho thiệt hại về nhân mạng và tài sản người dân, cũng như sinh hoạt hàng ngày chịu ảnh hưỡng ít nhất bởi tác nhân bão lụt. Đã đến lúc kiến trúc sư, đô thị gia, và nhà quản lý đô thị cùng nhau phối hợp giải quyết dứt điểm vấn nạn bão lụt hàng năm, với các chiến lược và chiến thuật ngắn và dài hạn.

Nói chung, các khu đô thị mới tại Huế sẽ xây dựng sắp tới nên tránh xây dựng những khu vực nằm trong giới hạn trong kịch bản nước biển dâng. Tuy vậy, điều này cũng có một số ngoại lệ, không có nghĩa là đô thị mới tuyệt đối không thể xây dựng ở vùng đất thấp, mà còn phải cân nhắc hiệu quả kinh tế và ứng xử môi trường.

Để ứng xử phù hợp với biến đổi khí hậu, các khu đô thị mới nằm trong khu vực có nguy cơ cần lưu ý những giải pháp tương ứng như:

• Nâng cốt nền lên cao, có tính đến kịch bản nước biển dâng và hiệu quả kinh tế nói chung. Cốt nền cao nhất cần dành ưu tiên cho các khu vực công trình giao thông và công trình trọng điểm.

• Xây dựng hệ thống kênh rạch và hồ nước điều tiết để “trả lại” không gian dành cho nước bị chiếm bởi các khu vực đô thị hóa. Hệ thống kênh rạch liên hoàn có thể vừa có chức năng điều tiết nước, vừa phục vụ cho giao thông thủy.

PHÁT TRIỂN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐÔ THỊ XANH VÀ KIẾN TRÚC XANH

Xu hướng phát triển hiện nay tại các đô thị thường là phủ kín xây dựng công trình cho những nơi nào có đất hoặc không gian mặt nước có thể phủ đất đắp nền. Có một cách tiếp cận khác bền vững và đem lại bản sắc cho đô thị tốt hơn, là bắt đầu tổ chức đô thị từ việc nghiên cứu tổ chức không gian xanh trước, sau đó mới đặt công trình vào, giống như trong một câu nói rất chí lý của Lão Tử, “cái không gian trống trong một vật làm cho vật đó trở nên có ích”. 

Không gian xanh của đô thị Việt nên được tổ chức sao cho dù sống ở nơi nào trong thành phố, người dân đều có thể đến một không gian xanh (công viên, vườn hoa, vườn trẻ, bờ sông, bờ kênh, sân thể thao, khu bảo tồn thiên nhiên…) trong khoảng cách đi bộ tối đa khoảng 15 phút. Các không gian xanh này còn cần được kết nối liên hoàn qua hệ thống sông ngòi, hồ nước, kênh rạch, các đại lộ xanh, và các tuyến đi bộ và đường xe đạp. Sự kết nối này không những cung ứng thêm một giải pháp giao thông xanh xuyên thành phố, mà còn tạo ra những kênh dẫn gió giúp giải nhiệt cho thành phố. Khi Trung tâm lịch sử được hình thành tại các đô thị, giải pháp chuyển tiếp không gian hiệu quả nhất thường là các không gian xanh đệm giữa ranh giới khu vực phố cổ và khu vực xây dựng hiện đại hoặc cao tầng. Biệt thự vườn, hồ sen, ao cá, vườn chim còn là các yếu tố không gian xanh đặc trưng đem lại cảm nhận thư giãn mà lại rất Việt Nam.

Sông, hồ, và kênh rạch là những thành phần không thể thiếu trong đô thị Việt Nam. Hình ảnh thân thương gần gũi nhất với ta là cây đa bến đò, công viên bờ sông nơi mọi người cùng tập thể dục mỗi sáng, chợ nổi, hò Huế trên thuyền, pháo bông lễ hội phản chiếu qua mặt nước, hoặc quán nước bên sông. Sông, hồ, và kênh rạch còn mang chức năng giải nhiệt cho thành phố, và thoát nước cho đô thị.

Kiến trúc Bao Cảnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho Huế. Huế cần xác định mạng lưới không gian xanh như là nền tảng cho việc tôn vinh giá trị không gian kiến trúc, trong đó bao gồm:

Các Đại lộ xanh không những có tác dụng tạo cảnh quan đường phố, mà còn giúp dẫn gió vào sâu trong trung tâm, giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt, và cải thiện đáng kể vi khí hậu thành phố.

Tuyến Công viên bờ sông và các công viên nhỏ trong khoảng cách đi bộ từ các khu dân cư, là nơi thư giãn, tập thể dục, và sinh hoạt cộng đồng giữa thiên nhiên.

Các hồ nước đặc trưng như Hồ Tịnh Tâm ở Huế, với cách tổ chức cây xanh chung quanh phù hợp, đóng góp đáng kể vào bản sắc khu vực. Các hồ này còn giúp điều tiết việc thoát nước mặt trong thành phố.
Huế cần bảo vệ các khu vực thiên nhiên đặc trưng, như Đồi Vọng Cảnh, chỉ nên cho phép xây dựng mật độ thấp, bảo vệ hệ rừng thiên nhiên, và tổ chức các tuyến đi bộ dã ngoại cho người dân trong khu vực.

Việc bố trí không gian xanh liên hoàn phối hợp với không gian nước có thể đóng nhiều vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị và trong việc đối phó với biến đổi khí hậu của Huế như: vai trò cảnh quan làm đẹp đô thị và làm nơi đi bộ thư giãn cho người dân; vai trò tuyến dẫn gió điều hòa nhiệt độ cho khu vực; và vai trò thẩm thấu nước và dẫn nước thoát ra sông hồ làm giảm nguy cơ ngập lụt.

Khái niệm thiết kế bóng mát đô thị còn rất mới tại Việt Nam, nhưng đây là một nhu cầu có thực và có thể đem lại bản sắc riêng cho đô thị. Trời nắng tại Huế rất nóng, nhưng đứng trong mát thì thấy dễ chịu ngay. Có nhiều cách để tạo bóng mát đô thị (và thường cũng che được mưa) như trồng cây rễ sâu tán rộng cho đường đi bộ, thiết kế lề đường có mái che cho khu dịch vụ thương mại, bố trí nhà cao tầng giúp tạo bóng mát đô thị (nhưng vẫn đảm bảo số giờ nắng chiếu tối thiểu vì vệ sinh môi trường), tạo các lối đi công cộng có mái xuyên qua ô phố hoặc công trình. 

Khu vực hai bên bờ sông sông Hương đều có tiềm năng rất lớn trong việc tổ chức các lễ hội quốc gia và quốc tế trên sông và hai bên bờ sông, trong đó cần lưu ý các việc:

Phát triển Bản sắc Đa dạng của Huế một cách hài hòa trong mối tương quan bảo tồn và phát triển

Nhiều thành phố đang phát triển của Việt Nam đang bị đe dọa bởi xu hướng thương mại hóa trong quy hoạch kiến trúc đô thị, trong đó dường như mọi giá trị lịch sử, văn hóa đều phải nhường chỗ cho giá trị thương mại, thu lợi bằng mọi giá, phục vụ cho lợi ích riêng của một số nhóm người có quyền lực. Khi đó, các công trình lịch sử có giá trị ở các khu trung tâm có thể dễ dàng bị phá bỏ để xây dựng các tháp cao tầng hiện đại, cảnh quan đô thị có thể bị che khuất bởi các bảng quảng cáo, và các trường học bị di dời để nhường chỗ cho việc xây dựng các trung tâm thương mại mới.

Điều đó thực sự là thách thức cho các quan chức thành phố và các chuyên gia trong việc tránh xu hướng thương mại hóa đô thị để phát triển các thành phố dựa trên động lực tạo ra thu nhập cao bằng mọi giá, và khuyến khích xu hướng đa dạng hóa nhằm phục vụ những nhu cầu khác nhau của mọi người dân, trong đó có nhu cầu phát triển ngày càng cao của không gian xanh, của các cơ sở vật chất xã hội, của các những công trình công cộng hữu ích, và nhu cầu bảo tồn những công trình văn hóa lịch sử.

Việc cung ứng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không nên chỉ tập trung ở trung tâm các thành phố lớn, mà cần phải phân bổ cho các cộng đồng dân cư ở khu ngoại vi và các đô thị nhỏ, đảm bảo người dân có việc làm tốt, được cung cấp đầy đủ các tiện ích sinh hoạt (điện, nước, ) và tiện ích xã hội (trường học, văn hóa thể thao, công viên cây xanh...). Như vậy, dân số đô thị không qua tập trung tại khu trung tâm các thành phố lớn, vừa giải quyết được các vấn đề kẹt xe và ô nhiễm trong khu trung tâm, vừa nắm bắt cơ hội bùng nổ đô thị để xây dựng những khu đô thị mới với điều kiện sống tốt, văn minh, và mang đậm bản sắc của thế kỷ 21. 

Huế, đô thị cấp quốc gia của Việt Nam, là một cố đô và là đô thị di sản tầm quốc tế hiện đang trên đà phát triển, với bản sắc độc đáo hoàn toàn khác biệt với những đô thị khác trên cả nước. Do đó, đô thị Huế những yếu tố địa phương đặc thù, do đó thực tế quy hoạch phát triển đô thị mới tại Huế cần có cách nghiên cứu và giải quyết vấn đề khác, so với cách thực hiện quy hoạch kiến trúc phổ biến thông thường cho các đô thị nói chung tại Việt Nam.

Huế là đô thị mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ cần phải bảo tồn. Bờ Bắc Sông Hương của thành phố Huế, thể hiện bản sắc khu trung tâm cũ của thành phố trong thế kỷ 19, cần được bảo tồn nghiêm ngặt, đặc biệt là khu vực Thành Nội, các khu lăng tẩm, các khu lịch sử, và lân cận, không những về mặt kiến trúc, mà cả về mặt không gian xanh và sự yên tĩnh rất Huế. Thiết kế kiến trúc các công trình mới tại thành phố Huế cần được thiết kế song song với kiến trúc bao cảnh, với hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng vừa và thấp, chứ không nên cao. Với cách phát triển đó, Huế sẽ trở thành một đô thị du lịch tầm cỡ quốc tế, như Kyoto và Québec (Hình: Minh họa các khu vực trung tâm với bản sắc đại diện cho thế kỷ 19, 20, và 21 của Huế - nguồn: Ngô Viết Nam Sơn).

Bờ Nam Sông Hương của thành phố Huế có thể xây dựng hiện đại, thể hiện bản sắc khu trung tâm hiện hữu của thành phố trong thế kỷ 20, nhưng nên hạn chế tầng cao tối đa là 6 tầng và hình thức kiến trúc phải được hướng dẫn cho phù hợp với cảnh quan chung của Bờ Nam lẫn bờ Bắc sông Hương. Hai bên bờ sông nên trồng thêm cây xanh để nhìn từ sông, các công trình chỉ thấy thấp thoáng sau hàng cây .

Khu đô thị mới An Vân Dương và các khu đô thị mới , thể hiện bản sắc các khu trung tâm tương lai của thành phố trong thế kỷ 21, thì có thể xây cao hơn vì xa các công trình bảo tồn , tuy nhiên nên vẫn phải có giải pháp phát triển phù hợp với tiêu chí đô thị xanh và thành phố vườn, vốn là bản sắc của Huế từ các giai đoạn lịch sử cho đến hiện nay. Huế không nên phát triển mật độ cao và xây dựng nhà phố và nhà cao tầng theo cách của Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay, mà cần yêu cầu chỉ tiêu cây xanh mặt nước cao hơn nhiều.

Phát triển các cộng đồng dân cư thể hiện bản sắc quy hoạch kiến trúc, và sinh hoạt nghể nghiệp và văn hóa của Huế 

Một nguy cơ tiềm ẩn hiện nay đang bắt đầu làm chậm dần đà phát triển của các đô thị Việt Nam trong tương lai, là việc phát triển quy hoạch kiến trúc theo những mô hình chung nhất cho các đô thị chỉ dựa trên quy mô lớn nhỏ, mà thiếu định hướng điều chỉnh cục bộ, vừa không phù hợp với việc đáp ứng nhu cầu thật của cư dân của các khu vực phát triển mang tính chất khác nhau, vừa bỏ qua cơ hội ngàn vàng trong việc phát triển bản sắc đa dạng cho các khu vực khác nhau của địa phương.

Việc đảm bảo cân bằng âm dương trong quy hoạch giúp tạo nên sự cân bằng về chất lượng sống và làm việc cho cư dân thành phố. Nhờ đó, các nơi chốn trở nên đa dạng hơn, đáp ứng được nhu cầu của các lứa tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội và tôn giáo khác nhau. Như thế, chúng ta sẽ có những khu vực yên tĩnh cân bằng đối trọng với các khu vực náo nhiệt, các khu bảo tồn lịch sử đối trọng với các khu xây dựng hiện đại, các khu tôn giáo tâm linh đối trọng với khu vui chơi giải trí, hoặc khu vực không gian riêng tư đối trọng với khu vực công cộng… Tất cả các không gian quy hoạch kiến trúc với tính chất đối trọng đó đều cần thiết cho nhu cầu sống thay đổi đa dạng của người dân, và sự phát triển con người đô thị theo từng lứa tuổi.

Đô thị Huế cho đến nay mang nặng tính âm, với dấu ấn của quá khứ, với các lăng tẩm, thành quách, đền đài, và khu đô thị di sản. Đây vừa là lợi thế, vừa là thử thách. 

Trong thế kỷ 21, Huế cần được bổ sung nguồn sinh khí mới với các khu đô thị mới và các khu cộng đồng phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội, hội nhập quốc gia và quốc tế về nhiều mặt. Điều này giúp nâng cao sự cân bằng âm dương cho một đô thị hiện hữu đang thiên về tính âm.

Nói một cách cụ thể, chúng ta cần dự kiến bảo tồn phát triển những cộng đồng sống và làm việc tại Huế với bản sắc khác nhau. Tùy vào “bản sắc” mỗi khu vực mà đề xuất các giải pháp Quy hoạch và Quản lý theo nhóm các cộng đồng trên cơ sở phải tuân theo các nguyên tắc an cư lạc nghiệp và mang tính đặc trưng. Ví dụ như có thể có một vài hay nhiều nhóm Cộng đồng sau: 

Việc phát triển nhiều cộng đồng ở và làm việc phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau đem lại hai lợi ích chiến lược, là phát triển bản sắc riêng đa dạng cho các khu vực, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế đô thị cao đóng góp cho sự phát triển kinh tế đô thị của Huế.

Quy hoạch và quản lý các cộng đồng này phải theo các nguyên tắc an cư lạc nghiệp và mang tính đặc trưng, thì mới có thể thu hút người dân từ mọi nơi đến sinh sống, làm việc, hoặc thăm viếng và vui chơi giải trí, đồng thời tránh được viễn cảnh như các khu “đô thị ma” đang gia tăng số lượng trên toàn quốc vì không thu hút được người dân.

Hình thành vùng lõi đô thị kép Huế-Đà Nẵng, đóng vai trò lãnh đạo trong việc kích thích phát triển theo một chiến lược xuyên suốt cho Vùng Đô thị Miền Trung, hướng đến vị trí tiềm lực kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ giá trị đô thị xanh và di sản văn hóa của Huế

Đà Nẵng và Huế là hai đô thị quan trọng nhất của miền Trung Việt Nam. Trong thời gian gần đây, hai đô thị loại 1 này có nhiều phát triển quan trọng về nhiều mặt, đặc biệt là về mặt kinh tế, du lịch, và phát triển cơ sở hạ tầng. Mỗi đô thị đều có điểm mạnh và yếu của mình, nhưng quan trọng hơn, là nếu nhìn tổng thể các điểm mạnh và yếu đó trong một tổng thể chung để cùng nhau hợp tác để phát triển, thì các điểm mạnh của đô thị này có thể bổ sung cho điểm yếu của đô thị kia và ngược lại.

Hai thành phố Đà Nẵng và Huế cần bắt tay trong việc phát triển mạng giao thông nối kết chiến lược với nhau, sao cho việc hợp tác cùng phát triển trong mọi lãnh vực, đặc biệt là về mặt du lịch, và dịch vụ thương mại đạt hiệu quả cao nhất. 

Huế cần phải đặc biệt ưu tiên xây dựng mối quan hệ kết nối về nhiều mặt với các trung tâm đô thị của Huế và của Vùng Đô thị Huế-Đà Nẵng như sau:

Một điểm quan trọng cần lưu ý là hệ thống kết nối này cần được tính toán cẩn thận vị trí và cao độ nền tương ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo hệ thống vận hành tốt khi xảy ra nguy cơ lụt bão và nước biển dâng, tạo điều kiện cho việc ứng cứu và di dân kịp thời, mau chóng, vũng như việc đảm bảo những khu vực an toàn cho người dân khi xảy ra sự cố. 

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn

Nguồn ảnh: Internet
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 6/2014) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: