Mô hình định cư truyền thống - Bảo tồn và phát triển tiếp nối

Thứ hai, 27 Tháng 7 2015 19:32 T/c Kiến trúc Việt Nam
In

Các mô hình định cư truyền thống của Việt Nam đã có thời gian tồn tại và phát triển khá dài trong lịch sử và đạt được sự ổn định tương đối. Tuy nhiên trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, chúng đã và đang có nguy cơ mất đi những giá trị truyền thống. Việc nghiên cứu, bảo tồn mô hình định cư truyền thống cần được xem như là yếu tố quan trọng cần được gắn kết các nội dung trong quy hoạch nông thôn mới.  


Không gian định cư Đồng Văn – Mèo Vạc, Hà Giang 

Quá trình hình thành, phát triển và biến đổi

Mô hình quần cư truyền thống hình thành, phát triển phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản như nguồn tài nguyên, phương thức khai thác tài nguyên, phương thức giao thông đối ngoại, quản trị, tổ chức cuộc sống… Trong đó, nguồn tài nguyên chính là yếu tố gốc thu hút sự tập trung dân cư, bởi nó tạo ra khả năng sinh kế cho con người. Tuy nhiên chính phương thức canh tác, sản xuất mới đóng vai trò quyết định đến đặc điểm của mô hình định cư. Đối với phương thức giao thông đối ngoại cũng có ảnh hưởng lên mô hình định cư. Ở Việt Nam khi nghiên cứu các điểm định cư như ở Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Huyên trong cuốn sách Văn minh Việt Nam của NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2005 cũng phát hiện ra rằng ở đây những làng cổ nhất đều nằm dọc theo sông ngòi. Điều này càng có ý nghĩa đối với các làng nghề truyền thống do nhu cầu vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm, nhất là các sản phẩm có khối tích lớn, do “đường bộ không mấy thích hợp cho việc vận chuyển hàng hóa nặng và cồng kềnh, bởi lẽ người và vật kéo vốn là những phương tiện vận chuyển chính được sử dụng không thể mang nhiều hàng được”. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều làng truyền thống nổi tiếng đều nằm bên sông, chẳng hạn làng gốm Kim Lan, Bát Tràng (Hà Nội) nằm bên sông Hồng, làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang) nằm bên sông Cầu, hay làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) nằm bên sông Nhuệ. Điều này cũng đúng cho cả các vùng miền khác, ví dụ làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế) nằm bên bờ sông Ô Lâu, hay làng gốm Thanh Hà (Hội An) nằm bên bờ sông Hoài… Những thành phố – chợ như đề cập trên đây cũng là những thành phố ven sông, bởi chúng cho phép tàu bè và thuyền buôn (kể cả từ nước ngoài) có thể tiếp cận dễ dàng. Còn yếu tố hệ thống quản trị thì tạo ra sự đa dạng của các mô hình định cư. 

Những thuộc tính gốc trên làm nên đặc điểm ban đầu của đơn vị định cư. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, các điểm định cư dần tích tụ và bổ sung những giá trị mới về mặt vật thể như: Di sản kiến trúc, quần thể kiến trúc bao gồm cấu trúc làng xóm, các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa, quán, nhà ở dân gian… Về mặt phi vật thể là di sản thể chế, các lễ hội gắn với nghề nghiệp, các sinh hoạt văn hóa tinh thần, phong tục tập quán…

Định cư là một quá trình, trong đó con người luôn luôn biến đổi để tồn tại. Theo tác giả Taylor & Francis có nêu: “những quá trình thích ứng để định cư bền vững của con người phụ thuộc vào cả những nguyên tắc sinh thái và tập tục văn hóa”… Yếu tố kinh tế, trong quá trình tồn tại, đặc điểm định cư truyền thống có thể phải thay đổi phương thức sản xuất. Yếu tố văn hóa xã hội, có thể tạo ra những biến động cho điểm định cư, trong đó đáng chú ý là sự thay đổi của quy mô và thành phần dân cư (di dân, gia tăng dân số tự nhiên và cơ học, dân cư không thường xuyên (do du lịch, việc làm, sự già hóa của dân cư…). Yếu tố sinh thái, sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống (môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí… Yếu tố tài nguyên nhân văn là yếu tố được tích hợp vào sau nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định căn tính của điểm định cư. 


(nguồn: Ashui.com) 

Bảo tồn các mô hình định cư trong sự phát triển tiếp nối

Định cư là một quá trình, trong đó con người luôn luôn biến đổi để tồn tại. Những cơ chế duy trì cuộc sống của con người phụ thuộc vào khả năng thích ứng với những biến động của ngoại cảnh, ví dụ như điều kiện khí hậu và sự sẵn có của các nguồn tài nguyên, đặc biệt là thức ăn. Mô hình định cư con người là một trong những sản phẩm của quá trình đó.

Định cư bền vững có thể được hiểu là sự đảm bảo tồn tại lâu dài của những giá trị gốc và những giá trị tích hợp trong quá trình tồn tại và phát triển của đơn vị định cư cho các thế hệ tương lai nhưng không cản trở nhu cầu nâng cao chất lượng sống (văn hóa xã hội, môi trường và điều kiện sống, việc làm…) của con người. Tuy nhiên, không bao giờ đơn vị định cư có thể đạt được trạng thái bền vững tuyệt đối bởi những nhân tố cơ sở cho sự hình thành của nó (sinh thái, kinh tế, vật liệu, chính trị và xã hội) luôn luôn thay đổi, thay vào đó chúng ta cần tìm ra cách đảm bảo cho sự bền vững của nó trong sự biến đổi không ngừng của hệ sinh thái của con người.

Đối với các đơn vị định cư truyền thống đã tích hợp trong mình những giá trị di sản, cả vật thể và phi vật thể, để phát triển bền vững ngoài 3 trụ cột như quan điểm phổ biến hiện nay là bền vững về xã hội, bền vững về kinh tế và bền vững về môi trường, cần bổ sung trụ cột thứ tư – bền vững về tài nguyên nhân văn. Tài nguyên nhân văn bao gồm tài nguyên lịch sử và tài nguyên văn hóa, trong đó có cả những kỹ năng, kinh nghiệm, ứng xử… của con người được đúc kết qua nhiều thế hệ. Nhìn chung, trạng thái bền vững tương đối của một đơn vị định cư có thể đạt được nếu nó duy trì được sự cân bằng trong sự biến đổi của các yếu tố.

Những quá trình thích ứng để định cư bền vững của con người phụ thuộc vào cả những nguyên tắc sinh thái và tập tục văn hóa. Trong thực tế, một mô hình định cư thường xuyên phải chịu những tác động khác nhau. Khi những tác động đó đủ lớn có thể tạo ra sự mất cân bằng làm mô hình đó mất đi tính bền vững. Trong trường hợp đó sẽ có 2 khả năng xảy ra: Điểm định cư sẽ biến đổi một phần để đạt tới trạng thái cân bằng mới; điểm định cư sẽ không còn được duy trì và dần biến mất khi con người rời bỏ nó.

Về quan điểm và xu hướng bảo tồn, trong nghiên cứu các mô hình định cư hiện nay những nhà nghiên cứu xem xét chúng như một thực thể tĩnh tại, thụ động, và tách biệt, tức là không nhìn nhận chúng trong sự phát triển và biến đổi. Theo Marcel Vellinga, việc xem xét “truyền thống như là một quá trình thích ứng sáng tạo và có chủ ý của các kinh nghiệm quá khứ với nhu cầu và bối cảnh hiện tại sẽ mở rộng đáng kể phạm vi nghiên cứu kiến trúc bản địa, cho phép tập trung hướng nghiên cứu vào cả truyền thống cũ và truyền thống mới trong mối quan hệ tương hỗ với nhau”. Như vậy các mô hình định cư truyền thống không nên được xem xét như một đối tượng cố định, mà phải nhìn nhận chúng trong sự phát triển tiếp nối. Tức là tìm kiếm sự cân bằng mới của điểm định cư trên cơ sở để những giá trị truyền thống của địa điểm thích ứng với điều kiện mới.

Trong quá trình phát triển, những tác động lên các mô hình định cư truyền thống như quá trình đô thị hóa, tác động của biến đổi khí hậu, tác động của sự phát triển du lịch, tác động của ô nhiễm môi trường sống gây ra những biến đổi sâu sắc đối với mô hình định cư. Trong sự phát triển tiếp nối, các mô hình định cư truyền thống cùng những giá trị của chúng cần được kết hợp một cách tích cực và sáng tạo với những giá trị mới phù hợp với nhu cầu hiện tại và tương lai. Trạng thái cân bằng mới sẽ được thiết lập trên cơ sở bảo tồn được những giá trị đích thực của truyền thống và lịch sử và gia tăng chất lượng cuộc sống (cả về vật chất và tinh thần) của con người.

Để làm được điều đó, cần đánh giá cụ thể những tác động đối với mô hình định cư, từ đó xác định các vấn đề cốt lõi có thể là nguyên nhân làm đơn vị định cư mất đi tính bền vững cần thiết./. 

TS. Khuất Tân Hưng – Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội 
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 3+4/2015)  


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: