Nông nghiệp đô thị trong quy hoạch TP Hà Nội

Thứ tư, 15 Tháng 7 2009 08:14 TS Phạm Sỹ Liêm / Ashui.com
In

Thành phố Hà Nội đang tăng trưởng nhanh, dân số nội thành năm 2000 là 1.586.500 người thì đến năm 2006 đã là 2.111.100 người, tăng thêm hơn nửa triệu người chỉ trong vòng 6 năm! Cùng thời gian đó, đất nông nghiệp toàn thành giảm bớt 5.700 ha, tức là gần 1.000 ha/năm. Mỗi ha đất nông nghiệp ngoại thành tạo việc làm cho 4 nông dân, như vậy hàng năm bình quân khoảng 4000 nông dân ngoại thành cần chuyển đổi nghề nghiệp, chưa kể đến hàng nghìn nông dân từ các tỉnh nhập cư vào Hà nội kiếm sống. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp đô thị có thể trở thành một ngành kinh tế góp phần giúp Hà Nội vượt qua thách thức to lớn này.


Nông dân làng Thuỵ Khuê gặt lúa, phía lùm cây là đất của Tuần Châu - Ảnh: Tư Giang / SGTT

Các hoạt động nông nghiệp đô thị vốn đã có từ lâu tại nhiều nước phát triển cũng như đang phát triển, hoặc để cung cấp thêm thực phẩm tươi sống cho thị dân trong chiến tranh hay khi gặp khó khăn kinh tế, hoặc tạo điều kiện nghỉ ngơi thư giãn, cải thiện môi trường sinh sống và làm việc cho họ. Vài thập kỷ gần đây, nông nghiệp đô thị được nhiều nhà đô thị học, kiến trúc sư, quy hoạch đô thị, nông học quan tâm nghiên cứu, nhiều chính quyền đô thị đưa vào chương trình phát triển đô thị. Nông nghiệp đô thị đang trở thành ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong kinh tế đô thị, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân đô thị.

Nông nghiệp đô thị (NNĐT) có thể định nghĩa là ngành kinh tế trong đô thị và ven đô sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân đô thị lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật và thực vật cảnh; dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cấn nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị; tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị.


Tác phẩm "Vành đai xanh" của Nguyễn Quang (Đà Nẵng) 

Nông nghiệp đô thị đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường:

Về kinh tế, nhờ có NNĐT mà đô thị không còn là nơi chỉ nhập lương thực thực phẩm từ nông thôn và xuất rác thải trở lại đó. Đô thị tự mình sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp, tái chế nước thải và rác thải để dùng vào mục đích này, đồng thời cũng tạo ra ngành sản xuất phụ trợ cho hoạt động đó. Các hộ gia đình tự túc được một phần thực phẩm. Điều quan trọng là NNĐT giải quyết được nhiều việc làm thích hợp cho phụ nữ, cho nông dân bị thu hồi đất để mở rộng đô thị và cả cho nông dân ngoại tỉnh nhập cư vào đô thị.

Về xã hội, NNĐT góp phần xây dựng cộng đồng thông qua các nhóm làm vườn rau, vườn hoa công đồng, các nhóm tương trợ có cùng sở thích như trồng rau thuỷ canh, trồng nấm, nuôi ong, chim cá cảnh…NNĐT bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, quý trọng sự sống và thái độ tích cực đối với xã hội, tạo cơ hội vận động thân thể và thư giãn tâm trí cho những người làm lao động trí óc.

Về môi trường, NNĐT giúp giảm lượng vận chuyển và diện tích kho lạnh cho thực phẩm tươi sống, giảm lượng rác sinh hoạt vì thực phẩm đã qua sơ chế, đồng thời làm đẹp cảnh quan, tăng thêm không gian xanh và cảI thiện môi trường sinh thái đô thị.

NNĐT có nhiều mô hình sản xuất đa dạng như trang trại, vườn, góc nuôi trồng trong nhà và vườn trên mái.

Trang trại (FARM) thì ngoài loại truyền thống nuôi gia cầm, gia súc, thuỷ sản và trồng hoa, rau quả có hoặc không có nhà kính, nhà lưới, thì còn loại thẳng đứng (VERTICAL FARMING, còn gọi là SKYFARMING - ảnh bên) dùng công nghệ canh tác theo chiều thẳng đứng, hoăc có dạng các cao ốc trang trại (FARMSCRAPER) đang được chính quyền một số đô thị lớn Châu Á. Châu Mỹ và Trung Đông quan tâm phát triển.

Vườn đô thị khác với công viên cả về mục đích (vườn làm ra sản phẩm còn công viên tạo không gian xanh) và về kỹ thuật (vườn dùng công nghệ nông nghiệp còn công viên chủ yếu dùng công nghệ lâm nghiệp). Vườn đô thị rất đa dạng, bao gồm vườn gia đình, vườn cộng đồng, vườn trường, vườn du lịch…

Góc nuôi trồng trong nhà đã có từ lâu, ngày nay được các kiến trúc sư quan tâm đưa vào thiết kế để tạo cảnh quan và cải thiện vi khí hậu nội thất.
Vườn trên mái làm tăng giá trị các căn hộ áp mái, tạo nơi vui chơi và gặp gỡ cho thanh thiếu niên và người cao tuổi. Loại vườn này thường được tưới bằng cách thu gom nước mưa.

NNĐT trở nên hết sức cần thiết khi đất nông nghiệp nước ta giảm đi nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, và nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng. Vì vậy NNĐT không còn là hoạt động nghiệp dư với quy mô nhỏ mà phải trở thành một ngành kinh tế đông góp đáng kể vào kinh tế đô thị.

Tôi mong rằng NNĐT sẽ được lãnh đạo Thành phố Hà Nội quan tâm và có chủ trương phát triển nó mạnh mẽ, không những nhằm đáp ứng nhu cầu của mình mà còn cung cấp kinh nghiệm cho cả nước. Từ lâu Hà Nội đã trồng rau muống trên ao hồ kênh mương, nổi danh với húng Láng, rau Tây Tựu, đào Nhật Tân, cam Canh bưởi Diễn, cá rô Đầm Sét, tôm cá Hồ Tây…Hiện nay nhiều hộ gia đình đang kinh doanh có hiệu quả chim cảnh, cá cảnh, chó cảnh, cây cảnh. Hà Nội mở rộng càng tạo điều kiện làm phong phú hơn nữa NNĐT. Thế nhưng trong lúc đó lại có hàng nghìn hộ nông dân ngoại thành mất đất đang chưa tìm được việc làm thích hợp. Nghịch lý này cần phải xoá bỏ và NNĐT là công cụ rất tốt để làm việc này.

Để phát triển NNĐT Thành phố Hà Nội hiển nhiên cần xây dựng chính sách toàn diện, trong đó có nhiều chủ đề liên quan đến Hội thảo này về Hà Nội- Thành phố sống tốt, thân thiện của cộng đồng. Đó là các vấn đề quy hoạch và kiến trúc đô thị, quản lý đất đô thị, xây dựng bản sắc đô thị, xây dựng cảm nhận cộng đồng (SENSE OF COMMUNITY) và cảm nhận địa điểm (SENSE OF PLACE)…gắn với NNĐT.

Tham luận của tôi (*) không có tham vọng đề cập cụ thể đến các chủ đề ấy vì toàn là chủ đề rộng lớn đòi hỏi công sức nghiên cứu công phu của rất nhiều người. Tôi chỉ muốn nói rằng một chương trình nghiên cứu dài hạn về NNĐT là rất cần thiết, còn việc cấp bách trước mắt là đưa ngay NNĐT vào các khu vực đang thu hồi đất để phát triển đô thị.


Thâm Quyến, Trung Quốc

Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của Viện Môi trường Thái Lan (TEI), một tổ chức phi chính phủ vào năm 2000 đưa ra sáng kiến lập hai vườn đô thị  Bangkok Noi và Bangkapi có sự tham gia của cộng đồng, hay kinh nghiệm của Thâm Quyến phát triển trang trại đô thị để cung cấp thực phẩm tươi sống. Các trang trại này có cấu trúc làng xóm và hình thành hai vành đai cách trung tâm thành phố 10km. Vành đai 1 gần trung tâm hơn, tập trung sản xuất rau xanh, còn vành đai 2 sản xuất rau củ như khoai tây, cà rốt, hành. Như vậy, rau tươi có thể đến tay người tiêu dùng chỉ mấy giờ sau khi thu hoạch. Thâm Quyến dự định đầu tư 8,82 tỷ nhân dân tệ cho 36 dự án phát triển nông nghiệp an toàn, một công viên nông nghiệp kỹ thuật cao, phát triển công nghiệp chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch nông nghiệp sinh thái. Kinh nghiệm Thâm Quyến có thể bổ ích trực tiếp cho việc quy hoạch xây dưng vành đai xanh cho Hà Nội.

Không nên để cho những người nông dân mất đất một mình đối mặt với các thách thức “hậu thu hồi” mà cần tổ chức họ lại, đưa họ vào trận tuyến nông nghiệp đô thị của Thành phố. Đấy là mong mỏi tha thiết của người viết những dòng này.

TS Phạm Sỹ Liêm - Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng 

(*) Bài tham luận tại Hội thảo "Hà Nội : thành phố thân thiện và sống tốt cho cộng đồng" (Hanoi : a Livable City for all) diễn ra trong hai ngày 1-2/7/2009 

>> Hà Nội sau một năm mở rộng: Thương tiếc đồng quê 

>> Đô thị làng quê bền vững ở châu Âu – Kinh nghiệm phát triển 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: