Đô thị vệ tinh tại Đà Nẵng: Vai trò trên con đường mới

Chủ nhật, 05 Tháng 1 2020 20:58 Báo Xây dựng
In

Cách làm khác biệt của Đà Nẵng trong chiến lược quy hoạch và xây dựng thành phố qua hành trình 20 năm đã mang đến một cá tính riêng biệt cho diện mạo đô thị.

Năm 2008, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu công cuộc phát triển đô thị theo đề án quy hoạch vùng đến năm 2020. Năm 2020 nhìn lại, hai thành phố lớn nhất cả nước này quả thật đã trở thành những đô thị sôi động, nhưng đồng thời phải đối mặt với nhiều khó khăn từ đồng bộ quy hoạch xây dựng, thiết lập mạng lưới giao thông đến giải tỏa áp lực dân số… mà gỡ rối cho các đô thị vệ tinh phát triển là một bài toán không hề dễ dàng.


(nguồn: Ashui.com)

Là đô thị đi sau, Đà Nẵng có lặp lại những bất cập trong quy hoạch như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh cũng là một kịch bản khả dĩ. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, người Đà Nẵng đã xây dựng thành phố của mình theo một cách làm rất khác.

Chiến lược “hạ tầng đi trước, dự án theo sau” hay “nhà nước và nhân dân cùng làm” của Đà Nẵng mang lại nền tảng cho các đô thị vệ tinh phát triển tương đối hoàn chỉnh, có vai trò đắt lực với quy mô không hề kém cạnh đô thị trung tâm.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển ở một giai đoạn mới, thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển thành phố đến năm 2030, quỹ đạo của các đô thị vệ tinh này liệu có được thiết lập lại?


Vùng đất đầy tiềm năng Tây Bắc đang trên đà phát triển.

Từ đô thị vệ tinh vùng Tây Bắc

Với diện tích chỉ 1.285 km2, tiếp nhận lượng dân số lên đến hơn 1,231 triệu người trong tổng thể địa hình thành phố đa dạng, quá trình phát triển đô thị của Đà Nẵng cũng đưa đến sự chênh lệch khá lớn về mật độ dân số giữa các vùng.

Cụ thể, có đến 34,7% dân số tập trung trên một diện tích chỉ chiếm 2,36% diện tích toàn thành phố, thuộc hai quận Hải Châu và Thanh Khê (theo số liệu năm 2019). Trước thực trạng đó, một làn sóng đầu tư qua các năm đã âm ỉ đổ về khu vực Tây Bắc rộng lớn vốn được xem như vùng đất công nghiệp tách biệt với đô thị trung tâm.

Theo đó, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã và đang được UBND thành phố chú trọng đầu tư như xúc tiến xây dựng cảng Liên Chiểu, tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, đường Hoàng Văn Thái nối dài đi khu du lịch Bà Nà Hills, mở rộng hầm Hải Vân lưu thông ra Huế… Từ đòn bẩy cơ sở hạ tầng, nguồn vốn cũng liên tục được rót vào Tây Bắc để nhiều khu đô thị quy mô được hình thành: Lakeside Palace, Dragon Smart City, Ecocharm, Golden Hill… Cộng hưởng với các khu công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh hay khu công nghệ cao (Danang IT Park), những dự án này đã từng bước làm nên một bức tranh triển vọng cho khu đô thị vệ tinh vùng Tây Bắc Đà Nẵng.

Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực nêu trên cũng không thể khỏa lấp một thực tế rằng sự hạn chế về địa hình, các khu công nghiệp được hình thành từ giai đoạn trước, cùng với các khu dân cư hiện hữu chính là rào chắn đối với tốc độ đô thị hóa của vùng Tây Bắc. Đà Nẵng hiện rất cẩn thận trong việc sàng lọc các dự án đầu tư tại khu vực này để đảm bảo chất lượng môi trường. Theo đó, làn sóng di dân sẽ không diễn ra quá nhanh và thành phố cũng không thể mạo hiểm đặt tất cả “trứng” vào một “giỏ”.


Phố thị khang trang ở bờ Đông thành phố ngày hôm nay.

Đến đô thị vệ tinh ven biển phía Đông

Sự chuyển mình ngoạn mục của bờ Đông từ một vùng đất nghèo khó với những mái nhà lụp xụp năm nào vươn vai trở thành đô thị phồn vinh vẫn luôn là câu chuyện tuyệt đẹp trong ký ức của con người Đà Nẵng. Quận Sơn Trà sơn thanh thủy tú, một bên tiếp giáp sông Hàn, một bên chạy dài theo đường bờ biển, sở hữu “lá phổi xanh” bán đảo Sơn Trà và biển Mỹ Khê - từng được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Lợi thế về thiên nhiên cùng với các chính sách khuyến khích phát triển cho “ngành công nghiệp không khói” của thành phố đã xác lập một cá tính du lịch đặc sắc cho đô thị vệ tinh phía Đông Đà Nẵng.

Trên các tuyến đường du lịch khang trang, hàng loạt khu đô thị, resort, khách sạn, nhà hàng lần lượt mọc lên từ InterContinental, Fusion Suites Danang Beach, Furama Villas đến bến du thuyền dọc sông Hàn... đón đầu làn sóng du lịch mạnh mẽ và góp phần làm nên diện mạo sống động cho đô thị vệ tinh vùng ven biển. Được biết, nhiều năm qua, Sơn Trà liên tục là quận dẫn đầu về tốc độ đô thị hóa của toàn thành phố.

Những bước đi táo bạo của Sơn Trà như một lẽ dĩ nhiên, cũng dễ khiến cho người dân tin tưởng vào một tiến trình phát triển thịnh vượng sẽ được tiếp diễn trong tương lai. Tuy nhiên, sự chững lại của thị trường bất động sản năm 2019 đã phát đi một tín hiệu rằng, các dự án du lịch ven biển đã đến lúc cần phải được kiểm soát chặt chẽ do sự khai thác quá mức. Đặc biệt, việc xây dựng tràn lan các cơ sở lưu trú dưới 3 sao khiến cho khu vực này gặp khó khăn trong việc tiếp cận chất lượng dịch vụ cao cũng như định hình rõ nét về một đô thị du lịch tầm cỡ khu vực.


Nam Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị du lịch sinh thái đẳng cấp.

Tìm đường đi mới

Trong chiến lược mở rộng và phát triển đô thị, khu vực phía Nam vốn dĩ là mắt xích quan trọng trong mối liên kết vùng giữa Đà Nẵng và Quảng Nam thông qua đô thị cổ Hội An và thị xã Điện Bàn. Ngày nay, hệ thống các trục giao thông huyết mạch bao gồm cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, đường Trần Đại Nghĩa, Võ Chí Công, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cùng tuyến đường biển và tuyến sông Cổ Cò… đã kích thích một làn sóng đô thị hóa, vực dậy bộ mặt đô thị, kéo theo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ và du lịch.

Theo đó, nhiều chủ đầu tư có tầm nhìn đã sớm xây dựng nơi miền đất tươi đẹp và trù phú này nhiều dự án đẳng cấp như khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, khu đô thị FPT City, Danang Pearl. Đặc biệt, trong năm 2020, dự án khu đô thị One World Regency sẽ được hoàn thiện, cùng với khu nghỉ dưỡng Cocobay, các resort Mangala Zen Garden, The Ocean Villas, Naman Retreat hay các sân goft 5 sao BRG, Montgomerie Links, hứa hẹn mang đến cho diện mạo vùng phía Nam Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam một cá tính rất khác biệt mà không khu vực nào có được.

Phát triển đô thị vệ tinh đã không còn là hướng đi mới trong chiến lược quy hoạch đô thị ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ sự thành công của Singapore trong xây dựng đô thị vệ tinh Tampines, Ấn Độ với Gaziabad hay bài học thất bại của Hàn Quốc khi từ bỏ giấc mơ Seongnam… Đà Nẵng ngày nay hẳn đã có đủ chất liệu để dệt nên một quỹ đạo mới cho các đô thị vệ tinh. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn cho Đà Nẵng để tiếp tục công cuộc xây dựng diện mạo đô thị, nâng tầm thương hiệu và công phá mọi bảng xếp hạng thành phố đáng sống.

Nghi Văn

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: