Tổ chức phố đi bộ tại Trung tâm lịch sử đô thị TPHCM

Thứ ba, 07 Tháng 10 2008 12:36 ThS. Cao Anh Tuấn / T/c KTVN
In

Phố đi bộ là một mô hình không gian giao tiếp công cộng đặc biệt, nó được coi là một địa điểm đặc trưng của đô thị. Phố đi bộ là một vấn đề rất điển hình của văn hóa đô thị, phản ánh không chỉ đơn thuần là vấn đề quy hoạch và kiến trúc đô thị, mà còn là những vấn đề khác liên quan đến xã hội học đô thị, đến bảo tồn di sản văn hóa đô thị, đến phát triển thương mại và du lịch.

Khái niệm về Phố đi bộ


Phố đi bộ là một mô hình không gian giao tiếp công cộng đặc biệt, nó được coi là một địa điểm đặc trưng của đô thị. Phố đi bộ là một vấn đề rất điển hình của văn hóa đô thị, phản ánh không chỉ đơn thuần là vấn đề quy hoạch và kiến trúc đô thị, mà còn là những vấn đề khác liên quan đến xã hội học đô thị, đến bảo tồn di sản văn hóa đô thị, đến phát triển thương mại và du lịch. Theo các nhà đô thị học, ý nghĩa của việc tổ chức phố đi bộ là "trả lại thành phố cho thị dân", tạo điều kiện để người dân tiếp cận khu vực công cộng dễ dàng hơn, tăng cường sự giao tiếp bình đẳng giữa các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra nó còn đóng vai trò hồi sinh các khu vực lịch sử và duy trì sức sống văn hóa của đô thị. Trong đó, thuật ngữ "hồi sinh" được hiểu trong bối cảnh hiện nay là sự khác biệt trong quan điểm: "bảo tồn di sản chỉ quan tâm đến quá khứ của quá khứ còn hồi sinh quan tâm đến tương lai của quá khứ".

Lý do của việc nảy sinh nhu cầu đi bộ trong không gian đô thị được lý giải như sau: 

Lý do thứ nhất là sự "bùng nổ đô thị" và các hệ quả tiêu cực của tình trạng đô thị hóa với tốc độ cao, nhu cầu đi bộ thư giãn trở thành những giá trị tinh thần cho người dân đô thị. Trong bối cảnh như vậy, vấn đề phố đi bộ thường sẽ được đặt ra nhằm tạo dựng một môi trường đô thị mà các yếu tố "thư giãn" sẽ được ưu tiên để phục vụ cho người dân. Chức năng xã hội của những khu phố đi bộ hình thành trong bối cảnh này là rất rõ ràng, yếu tố "đi bộ" trong những mô hình này được nói đến như là một yếu tố, nhu cầu thư giãn của người dân đô thị.


Hoạt động thương mại của phố đi bộ Nam Kinh - Thượng Hải - Trung Quốc
 
Lý do thứ hai của việc nảy sinh ý tưởng về phố đi bộ là sự phát triển thương mại và du lịch ở đô thị, thường được thấy ở nhiều thành phố du lịch và thương mại lớn của thế giới. Thượng Hải, Bangkok là một ví dụ rất điển hình. Trong trường hợp này, phố đi bộ có thể xem như là một hình thức "chợ" được xử lý dưới "lớp áo văn hóa" của mô hình phố đi bộ. Yếu tố "đi bộ" được nói đến trong mô hình này như là một yếu tố "lối sống", đi dạo và mua sắm thực sự được nhìn nhận là một lối sống đô thị. Theo quan niệm này, việc xây dựng các phố đi bộ đồng nghĩa với việc quy hoạch tập trung các khu thương mại, dịch vụ và những giải pháp đa dạng hóa hình thức kinh doanh.
 

Cổng chào ban ngày và ban đêm của phố đi bộ Pataya - Thái Lan
 
Lý do thứ ba là việc phát huy các yếu tố đặc trưng của địa phương. ở một số đô thị, những khu vực có ưu thế về cảnh quan kiến trúc đẹp, hấp dẫn, giàu tính văn hóa lịch sử địa phương thường được chú trọng để xây dựng thành những khu phố đi bộ để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Với những khu vực có đặc trưng như trên, việc đi bộ để "thưởng lãm" trở thành một yêu cầu được giới quy hoạch đô thị lưu tâm. Chức năng cơ bản của những phố đi bộ kiểu này chính là chức năng văn hóa, giải quyết nhu cầu "thưởng thức văn hóa" của người dân, yếu tố "đi bộ" trong mô hình này là yếu tố "văn hóa đặc trưng". Lúc này, chức năng văn hóa của phố đi bộ đã góp phần hiện thực hóa mở rộng khái niệm bảo tồn di sản kiến trúc - "hồi sinh không chỉ dùng với di sản vật thể mà cả với di sản phi vật thể và các vấn đề xã hội, văn hóa" [3]. Do vậy, nếu xây dựng phố đi bộ theo xu hướng này thì những hoạt động nghệ thuật, tổ chức lễ hội và bảo tồn các di sản kiến trúc, các khu vực đặc trưng lịch sử đô thị dường như sẽ trở thành những yếu tố tiên quyết. 
 
Hoạt động văn hóa của phố đi bộ Stuttgart - Đức


Ngày càng có nhiều sự phối hợp giữa ba mô hình nói trên trong việc ra đời khu phố đi bộ. Ðiều này cho thấy sự nhìn nhận một cách toàn diện hơn về Chức năng thư giãn, Chức năng thương mại, Chức năng văn hóa thậm chí là cả Chức năng bảo tồn và hồi sinh di sản của phố đi bộ trong bối cảnh đô thị hiện đại. Trong mọi trường hợp, lý tưởng nhất là sự phối hợp của các mô hình trên. Nó đòi hỏi không chỉ những điều kiện sẵn có về cảnh quan, môi trường, di sản, kiến trúc mà còn đòi hỏi những giải pháp quy hoạch mạnh mẽ và táo bạo. Mối quan hệ chặt chẽ này có thể được hiểu là:

Tổ chức không gian phố đi bộ
= Quy hoạch đô thị + Bảo tàng hóa + Hoạt động thương mại + Hồi sinh di sản đô thị


Vì vậy, nếu theo mô hình tổng hợp này thì không gian phố đi bộ phải thực hiện được một số tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn văn hóa - xã hội sau:

Qua các tiêu chí này có thể thấy, muốn có phố đi bộ thực sự không thể chủ quan áp đặt, duy ý chí là có phố đi bộ. Phố đi bộ chỉ hình thành do chính người dân sống, làm việc và các cơ sở dịch vụ trên đường phố này tự nguyện làm vì thấy có nhu cầu, quyền lợi của họ theo quy luật tự nhiên. Ðiều cơ bản là chính quyền địa phương có chính sách ưu đãi phù hợp và cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo nhu cầu sử dụng. Phố đi bộ đóng vai trò chức năng văn hóa, nó chứa đựng các di sản văn hóa đô thị và chính nó cũng là một sản phẩm văn hóa, một di sản của đô thị.


Phố đi bộ tại TP.HCM


Với nhận thức trên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc TP.HCM cũng nên gắn liền với tổ chức và cải tạo, chỉnh trang phố đi bộ tại các khu vực trung tâm lịch sử… Trong khi đó, không gian công cộng TP.HCM hiện nay lại thiếu vắng những thành tố rất quan trọng là không gian phố đi bộ, không gian mở cộng đồng trong các khu trung tâm lịch sử và khu dân cư hiện hữu. Ðã có nhiều tranh luận nhằm tìm kiếm một sự xác lập các tuyến đi bộ cho TP.HCM, đó phải là những "con đường có không gian cô đọng, tấp nập các hoạt động xã hội, buôn bán trong một cảnh quan có hồn, hay có những không gian mở mang tính văn hóa, lịch sử có nhiều di sản". nhưng đề án phố đi bộ đến nay vẫn còn "đi bộ trên giấy" là do các cơ quan chức năng, quản lý không nhất quán, thiếu năng lực, đã đẩy đưa nhiệm vụ cho nhau và cũng do ngay từ đầu TP.HCM không chủ trương kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia.

 


 
 


Do đó, để triển khai một cách khoa học việc tổ chức và cải tạo, chỉnh trang phố đi bộ tại các khu vực lịch sử thì chính quyền và các nhà đầu tư cũng cần xem xét các nguyên tắc và giải pháp quản lý, bảo tồn, quy hoạch, kiến trúc kiến nghị như sau: 

1. Quy hoạch, tổ chức một cách khoa học hệ thống các dịch vụ phục vụ công cộng, thương mại, tham quan, giải trí như các văn phòng, cửa hàng, phòng tranh, nhà hàng, cafe bar, nhà vệ sinh, điểm trình diễn nghệ thuật đường phố … Thỏa mãn sự bình đẳng của mọi người - đặc biệt là những người tàn tật. Nâng cao nhận thức và ý thức của người dân. Tổ chức hướng dẫn chi tiết cho người dân và chính quyền cùng thực hiện các quy chế về quản lý xây dựng kiến trúc.


Các công trình kiến trúc thời Pháp có giá trị bảo tồn trên tuyến đường Đồng Khởi 

2. Cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông vỉa hè, quảng cáo, chỉ dẫn, chiếu sáng, thoát nước, cây xanh mặt nước ... phù hợp với giao thông đi bộ. Tổ chức những bãi đậu xe thích hợp và những điểm trung chuyển và truy cập, tránh việc gây ra tắt nghẽn giao thông ở những khu vực lân cận. Tổ chức các hệ thống giao thông tầng bậc trên không và dưới đất, tận dụng phát triển các không gian ngầm nổi.


Các hoạt động văn hóa, thương mại và bảo tồn di sản kiến trúc trên tuyến đường Đồng Khởi 

3. Quản lý quy hoạch kiến trúc và trang trí bộ mặt đường phố phù hợp, hài hòa trong một tổng thể chung. Tạo bố cục không gian để người tiếp cận công trình quan sát vật thể kiến trúc theo ý đồ nhất định. Từng bộ phận công trình sẽ hiện lên theo ý đồ tư tưởng và tuân theo các qui luật thị giác trên tuyến phố. Tạo bố cục có tính quần thể khi cần để kéo dài thời gian thưởng ngoạn của du khách.

4. Tổ chức các hoạt động văn hóa và các thủ pháp nghệ thuật trong từng góc phố nhằm đem đến một nguồn sinh khí mới cho từng khu vực đô thị. Trong đó, hoạt động văn hóa nghệ thuật là các loại hình nghệ thuật đường phố như hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, trình diễn, lễ hội di sản … Không nên có thành kiến với sinh hoạt mua bán ở vỉa hè, đó là một thứ văn hóa truyền thống cần duy trì.

5. Nhằm tạo sự sinh động và tránh tình trạng mặt tiền phố kéo dài kiểu hành lang thuần túy. Cần tạo ra các khoảng không gian trống nhỏ hai bên đường kiểu nhánh hay kiểu quảng trường nhỏ, vườn hoa với hạt nhân hoặc điểm nhấn là các công trình, di tích lịch sử …, để gia tăng không gian giao tiếp cho mọi người. Lúc này nên vận dụng các nguyên tắc thiết kế thị giác kiến trúc như thủ pháp cắt lớp, bóp thắt không gian.


Quảng trường Nhà thờ Đức Bà 

6. Hồn nơi chốn là một đặc tính không phải dễ dàng mà một không gian công cộng có được, một thiết kế chưa đủ để biến một không gian thành một nơi chốn. Chỉ ở không gian giao tiếp tại những khu vực lịch sử mới có được hồn nơi chốn, là nơi tạo ra hồn nơi chốn trong giao tiếp nhân văn, lưu giữ trong ký ức người dân đô thị. Do đó, phố đi bộ phải bảo tồn và sáng tạo ra một nơi chốn cho di sản đô thị. Lúc này, phố đi bộ sẽ trở thành một đặc trưng di sản nơi chốn sống động của không gian đô thị.


Ta có thể vận dụng việc thiết lập các không gian công cộng, phố đi bộ tại Quảng trường Công xã Paris với kiến trúc Nhà thờ Ðức Bà, Quảng trường Lam Sơn với kiến trúc Nhà Hát Lớn nhằm hồi sinh các giá trị di sản trong khu vực lịch sử đô thị TP.HCM, thật lý tưởng nếu hai quảng trường này được kết nối bằng tuyến phố đi bộ Ðồng Khởi, nó làm gia tăng và phong phú không gian giao tiếp khu vực này, đồng thời phù hợp là nơi có giao thương, lễ hội và nghệ thuật đường phố. Với những tiêu chí để lựa chọn được đề ra ở trên, cộng với tính chất "đường cổ" thuận tiện cho việc bảo tồn như đã phân tích thì chọn đường Ðồng Khởi làm phố đi bộ thí điểm là khả thi nhất. 


Quảng trường Nhà Hát Thành Phố

Kết luận

Việc xây dựng phố đi bộ tại các khu vực lịch sử là cần thiết nhằm phục vụ người dân đến vui chơi giải trí và hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, để giải quyết những sự bất cập của hệ thống không gian công cộng tại TP.HCM nói chung và nhu cầu phố đi bộ nói riêng thì cần phải đặt thêm những không gian liên kết nhằm hoàn chỉnh hệ thống này và góp phần hồi sinh những không gian đô thị lịch sử đang bị lãng quên.

Ðể một khu phố bình thường trở thành phố đi bộ cần phải có sự nghiên cứu có hệ thống và nhiều việc làm đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra... Ðây là công trình có tác động đến tất cả các lĩnh vực xã hội từ quy hoạch, bảo tồn, kinh tế, văn hóa đến môi trường, lối sống của người dân. Vì thế phố đi bộ là một mô hình quy hoạch bảo tồn và xây dựng không gian đô thị đặc biệt, đòi hỏi nhiều đầu tư và chính sách quyết đoán của chính quyền cũng như nhận thức và ý thức người dân, trong đó những mong muốn và cuộc sống cộng đồng dân cư tại chỗ là một yếu tố quyết định thành bại của dự án.

ThS. Cao Anh Tuấn 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: